(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, mạng lưới phòng, chống bệnh lao các tuyến trong tỉnh luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn, đã phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh lao; trên 90% số bệnh nhân được đưa vào đăng ký quản lý và điều trị trong Chương trình Chống lao quốc gia (CTCLQG) được điều trị khỏi bệnh.

Ngày Thế giới phòng, chống lao: Nỗ lực hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Những năm qua, mạng lưới phòng, chống bệnh lao các tuyến trong tỉnh luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn, đã phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh lao; trên 90% số bệnh nhân được đưa vào đăng ký quản lý và điều trị trong Chương trình Chống lao quốc gia (CTCLQG) được điều trị khỏi bệnh.

Ngày Thế giới phòng, chống lao: Nỗ lực hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030Xét nghiệm Gene Xpert tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Hiện nay mạng lưới phòng, chống lao luôn được duy trì, củng cố từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đồng thời triển khai đến 4 trại giam và 1 cơ sở cai nghiện ma túy, để mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ phòng chống lao. Các tổ chống lao tuyến huyện, 4 trại giam và cơ sở cai nghiện ma túy số 1 vẫn duy trì các hoạt động theo CTCLQG. Hoạt động sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng do Bệnh viện Phổi Thanh Hóa thực hiện được đẩy mạnh, ưu tiên các xã xa, xã có điều kiện khó khăn về kinh tế, y tế, dịch tễ bệnh lao cao, học viên trong cơ sở cai nghiện, bệnh nhân trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Theo đó, đã tổ chức xét nghiệm Gene Xpert cho 4.200 lượt người, phát hiện 944 mẫu dương tính.

Trong năm 2020, đã tổ chức 25 đợt khám cho 50 xã, 1 cơ sở cai nghiện ma túy, 1 trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, với tổng số 16.200 người được chụp phim X-quang, trong đó có 258 người có phim X-quang bất thường nghi lao; 435 người xét nghiệm Gene Xpert, các trường hợp bệnh nhân phát hiện dương tính đều được thu nhận điều trị kịp thời. Hoạt động phát hiện và điều trị lao kháng thuốc tiếp tục được duy trì và mở rộng các đối tượng sàng lọc bằng xét nghiệm Gene Xpert. Tuy nhiên số lượng mẫu đờm từ các huyện gửi về chưa nhiều. Năm 2020, toàn tỉnh đã phát hiện và thu nhận 85 bệnh nhân lao kháng đa thuốc (đạt 85% so với chỉ tiêu kế hoạch). Hoạt động sàng lọc lao tiềm ẩn triển khai từ tháng 8-2020 với 21 đợt khám tại 10 huyện trong tỉnh, đã khám cho 1.654 người, trong đó có 1.654 người tiêm TST (phản ứng da với Tuberculin là một phản ứng cần thiết để chẩn đoán nhiễm lao), 98 người dương tính; 120 người được chẩn đoán lao tiềm ẩn; có 108 người đồng ý điều trị.

Song song với các hoạt động tại cộng đồng, thời gian qua, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã chú trọng đào tạo, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu về phát hiện và điều trị bệnh lao, bệnh phổi. Nhờ đó đã giúp cho công tác chẩn đoán, điều trị được an toàn, kết quả nhanh và chính xác hơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại tỉnh nhà, rút ngắn thời gian chờ đợi và tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh việc khám và điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa còn đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh lao từ tỉnh xuống các huyện, thị xã, thành phố, các thôn, bản; đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp cho người dân, nhất là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm tránh lây lan ra cộng đồng. Tại các đơn vị y tế cũng như ở cộng đồng, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức hiểu biết về bệnh lao và các bệnh phổi được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như: qua tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và người nhà tại các phòng điều trị, phòng khám tư vấn; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ; đặt các pano, tranh ảnh, phát các tờ rơi tuyên truyền kiến thức về bệnh lao, bệnh phổi và các vấn đề sức khỏe liên quan, giúp cho người dân hiểu biết, chủ động trong việc phòng bệnh và đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, người dân được các bác sĩ tư vấn, cung cấp kiến thức về cách nhận biết các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng, nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Hiện nay, bệnh lao đã có thuốc điều trị đặc hiệu và hoàn toàn miễn phí, do đó, người bệnh cần phải chủ động phát hiện sớm, để được điều trị theo đúng phác đồ.

Bệnh nhân M.V.H., ở huyện Cẩm Thủy cho biết: Ban đầu có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân, ho kéo dài cũng không biết mình bị bệnh lao nên đi khám ở phòng khám tư nhân, điều trị khỏi một thời gian, bệnh tái phát. Khi phát hiện bệnh đã khoảng 4 năm, được điều trị theo CTCLQG nên thuốc uống hoàn toàn miễn phí, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Hiện nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống lao vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế. Bởi vì đa số người bệnh lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, chưa có ý thức phòng chống lây lan cho cộng đồng. Thêm vào đó, bệnh lao không đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất là sự kỳ thị của cộng đồng. Chính từ sự xa lánh, kỳ thị đó đã tác động phần nào đến tâm lý, tư tưởng của người bệnh, dẫn đến tình trạng không ít người giấu bệnh hoặc tự ý mua thuốc điều trị, vô tình làm lây lan bệnh trong cộng đồng... Khó khăn tiếp nữa là do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều người bệnh bỏ nửa chừng phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn nhân lực của tuyến huyện, xã còn thiếu, thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến công tác phòng chống lao.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3) với chủ đề năm 2021: “Việt Nam chiến thắng COVID-19, chấm dứt bệnh lao”, ngành y tế yêu cầu các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng y tế và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, thực hiện truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao trên địa bàn, Cụ thể là xây dựng các cụm pano, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng, treo dán áp phích và cấp phát tờ rơi, tờ gấp; tổ chức phát thanh nội dung tuyên truyền về bệnh lao; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh lao để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân; đẩy mạnh hoạt động chống lao các tuyến để phát hiện người bệnh lao. Nhiệm vụ phòng, chống bệnh lao không phải của riêng ngành nào, cấp nào, mà rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành để thực hiện thành công việc thanh toán bệnh lao trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Những dấu hiệu của bệnh lao: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác (ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm, đau tức ngực, gầy sút cân). Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nói trên cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh, xét nghiệm 3 mẫu đờm tìm vi khuẩn lao. Soi đờm bằng kính hiển vi là một xét nghiệm đơn giản và chính xác để chẩn đoán bệnh lao phổi. Vì không có tổn thương nào trên phim chụp X-quang phổi đặc trưng cho bệnh lao, nên không dựa vào X-quang để chẩn đoán bệnh lao phổi.

Những điều bệnh nhân lao cần nhớ: Bệnh lao hoàn toàn chữa khỏi nếu bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đúng liều và đủ 8 tháng. Trong quá trình điều trị 8 tháng cần phải xét nghiệm lại đờm 3 lần để xem kết quả điều trị có tốt không và bệnh đã khỏi chưa.

Phòng lây nhiễm cho cộng đồng: Để phòng lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, người mắc bệnh lao cần phải uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thường chỉ sau 2 tuần điều trị sẽ nhanh chóng làm giảm khả năng lây bệnh cho người khác. Che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, khi hắt hơi. Không khạc nhổ đờm bừa bãi, cần khạc đờm vào giấy rồi gói lại và đốt đi. Nếu có điều kiện thì ngủ ở phòng riêng có thông khí tốt. Khuyên những người trong gia đình đi khám bệnh xem có bị lây nhiễm không. Tiêm phòng BCG cho trẻ.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]