(Baothanhhoa.vn) - Tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020 (sau đây gọi là đề án) với mục tiêu chung là xác định cơ chế thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, giường bệnh, biên chế và tài chính của các bệnh viện công lập. Sau hơn 2 năm thực hiện đề án, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, vẫn còn những bất cập cần khắc phục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020:

Được và chưa được!

Được và chưa được!

Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020 (sau đây gọi là đề án) với mục tiêu chung là xác định cơ chế thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, giường bệnh, biên chế và tài chính của các bệnh viện công lập. Sau hơn 2 năm thực hiện đề án, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, vẫn còn những bất cập cần khắc phục.

Thực hiện lộ trình, ngành y tế đã và đang tích cực đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Toàn tỉnh đạt tỷ lệ 36 giường bệnh/vạn dân (vượt 15,4% so với đề án), trên mức bình quân chung của cả nước; tỷ lệ 11 bác sĩ/vạn dân; đạt mục tiêu về mức độ tự chủ về chi thường xuyên theo đề án, cụ thể: 3 bệnh viện thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi); 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 80% - 90% về chi thường xuyên; 8 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 70% - 80% về chi thường xuyên; 22 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 60% - 70% về chi thường xuyên; 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 50% - 60% về chi thường xuyên. Giai đoạn 2018-2020, ngoài Bệnh viện Ung bướu, các bệnh viện căn cứ tình hình thực tế, định hướng phát triển của đơn vị, xây dựng phương án xác định quy mô giường bệnh, vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc thực hiện theo cơ chế tự chủ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Các đơn vị trong ngành đã được chấp thuận tuyển dụng 5.827 người và đã tuyển dụng được 4.349 người để phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, toàn ngành y tế có 14.221 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong khối công lập. Trong đó, tiến sĩ, BSCKII 119 người (0,84%); dược sĩ CKII 8 người (0,06%); thạc sĩ, BSCKI 868 người (6,1%); thạc sĩ, dược sĩ CKI 75 người (0,53%); bác sĩ 1.967 người (13,83%); dược sĩ đại học 109 người (0,77%); điều dưỡng 5.375 người (37,8%); y sĩ đa khoa 2.012 người (14,15%)... Bên cạnh đó, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao được chú trọng; nâng cao chất lượng tuyển chọn nhân sự và chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị. Đồng thời, các bệnh viện cũng đã chú trọng cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đào tạo vận hành các thiết bị máy móc kỹ thuật mới. Hàng năm, Sở Y tế tổ chức rà soát, đào tạo, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện nhằm thực hiện giải pháp chuẩn hóa nhân lực tại các bệnh viện công lập.

Thực hiện tự chủ về tài chính, đến nay Ttrên địa bàn tỉnh đã có 13.201 giường bệnh cả công lập và ngoài công lập; đạt tỷ lệ 36 giường bệnh/vạn dân. Tính riêng tại các bệnh viện công lập trực thuộc tỉnh, có 11.580 giường bệnh được giao (bao gồm giường bệnh theo kế hoạch và giường bệnh tự chủ), số giường thực kê là 15.429. Số giường bệnh tăng thêm được các bệnh viện tự đảm bảo nguồn thu để triển khai thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, sau khi thực hiện đề án tự chủ, số giường ở các bệnh viện công lập tăng thêm đã giải quyết được tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công suất sử dụng giường bệnh giảm xuống dưới 100%. Năm 2018, 2019 Sở Y tế đã phối hợp với Sở Tài chính căn cứ vào lộ trình giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và lộ trình tự chủ của các đơn vị theo Kế hoạch số 91/KH-UBND tỉnh để giảm dần kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho các bệnh viện. Trong 3 năm (từ 2018-2020), kinh phí NSNN giảm 155,49 tỷ đồng.

Với việc thực hiện tự chủ về tài chính, các bệnh viện đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, như tích cực áp dụng Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện; thực hiện mục tiêu chương trình hành động quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đến năm 2025. Các đơn vị cũng đã chú trọng xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch -đẹp. Đến nay, về cơ bản bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập hằng năm đều đạt trên 90%. Nhiều tiến bộ khoa học mới được ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn. Trung bình mỗi năm có 101 kỹ thuật mới được áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện 10 ca ghép thận (là bệnh viện tuyến tỉnh thứ hai ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam), phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch não, điện sinh lý tim trong điều trị rối loạn nhịp tim, áp dụng phương pháp giảm đau theo mô hình Nhật Bản; ứng dụng robot một cánh tay vào phẫu thuật nội soi bụng trong tiết niệu; đặt Coil điều trị phình động mạch não, đặt stent mạch cảnh trong điều trị hẹp mạch cảnh; lọc màng bụng; phẫu thuật đặt Catheter ổ bụng để lọc màng bụng chu kỳ; nối thông động - tĩnh mạch; ứng dụng điện não số hóa (BIS hoặc ENTROPY) theo dõi độ mê trong phẫu thuật,...

Bên cạnh những cơ hội thuận lợi để phát triển, các bệnh viện khi tự chủ, bị cắt giảm nguồn ngân sách cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Khó nhất hiện nay là các bộ, ngành trung ương chưa ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế, nhất là chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế, chuyên gia, bác sĩ giỏi. Bên cạnh đó, đến thời điểm này việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn chưa thực hiện được theo đúng lộ trình, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương tối thiểu chưa kịp thời. Việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, hợp tác đầu tư khó thực hiện, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Đặc biệt, trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), việc giao dự toán chi phí khám, chữa bệnh chưa sát thực tế; cơ chế thanh toán khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập, chưa kịp thời nên việc khám, chữa bệnh và cân đối kinh phí hoạt động gặp nhiều trở ngại; giá dịch vụ trong khám, chữa bệnh tăng, tiền thuốc vật tư tiêu hao tăng nhưng mệnh giá của thẻ bảo hiểm tăng chưa cân xứng, dẫn đến tình trạng vượt quỹ khám, chữa bệnh, gây khó khăn cho bệnh viện; số vượt dự toán chưa được BHXH chấp nhận thanh toán, khiến các bệnh viện gặp khó về kinh phí hoạt động. Nguồn thu của các bệnh viện tuyến huyện thấp, nhất là các huyện miền núi, trong đó có những huyện 100% người dân có thẻ BHYT, thu không ổn định. Đồng thời, việc thanh, quyết toán của BHYT không kịp thời gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và lộ trình tự chủ của các đơn vị... Đây là những “điểm nghẽn” cần những giải pháp căn cơ để từng bước tháo gỡ trong lộ trình tự chủ tại các bệnh viện công lập.

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính

Được và chưa được!

Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các dịch vụ kỹ thuật; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Với ý nghĩa đó Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, xác định các loại hình sự nghiệp để địa phương có cơ sở thực hiện.

Hiện nay giá dịch vụ y tế hiện hành chưa được cơ cấu đầy đủ các yếu tố chi phí; cơ chế thanh toán khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập; việc giao dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng so với nhu cầu, gây khó khăn cho đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện cơ chế tự chủ... Ngành y tế đề nghị UBND tỉnh chấp thuận duy trì tỷ lệ tự chủ giai đoạn 2018-2020 đến năm 2022. Riêng đối với 6 đơn vị (gồm: Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn và Bệnh viện Phục hồi chức năng), thực hiện theo ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 17331/UBND-KTTC ngày 11-12-2020 của UBND tỉnh về việc kéo dài thời gian thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, giao Bệnh viện Phục hồi chức năng từ năm 2022 xác định tăng mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị còn lại tự đảm bảo chi thường xuyên sau khi dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế và giá dịch vụ khám, chữa bệnh cơ cấu đầy đủ các yếu tố chi phí. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan thực hiện việc thẩm định, đánh giá mức độ tự chủ kinh phí chi thường xuyên của các bệnh viện công lập theo Quyết định số 2782/QĐ-UBND ngày 23-7-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020, để có cơ sở tổng kết và đề xuất, kiến nghị phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thạc sĩ Đỗ Văn Quang

Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế

Cần phải có những giải pháp hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương và cơ sở y tế

Được và chưa được!

Từ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được giao tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Theo đó, bệnh viện đã chủ động, linh hoạt hơn trong sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với đề án vị trí việc làm, ký kết hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường tự chủ về tài chính, đảm bảo nguồn thu cho chi thường xuyên.

Bệnh viện, luôn là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị y tế không ngừng được đầu tư, nâng cấp bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn huy động hợp pháp khác; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh; cảnh quan môi trường bệnh viện ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ, viên chức có bước chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, hoạt động tự chủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, tháo gỡ, chẳng hạn như giá dịch vụ y tế hiện hành vẫn chưa tính đầy đủ các chi phí cấu thành, còn tồn tại nhiều biểu giá dịch vụ khác nhau cho các đối tượng BHYT, viện phí, dịch vụ theo yêu cầu; nhiều dịch vụ mới không có trong quy định của Bộ Y tế gây khó khăn cho đơn vị trong việc xây dựng giá thu, ảnh hưởng đến hoạt động hạch toán kinh tế y tế cũng như công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân. Việc phân cấp, ủy quyền còn rất dè dặt, chưa đủ mạnh, chưa trao quyền chủ động thực sự cho đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, quyết định các hoạt động xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư phát triển bệnh viện; thủ tục hành chính qua nhiều cấp, rườm rà dẫn đến hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh và thanh toán chi phí với cơ quan BHXH.

Đối với tự chủ về tài chính, chi phí tiền lương, phụ cấp thủ thuật phẫu thuật, đặc thù, ưu đãi ngành được kết cấu vào giá dịch vụ nhưng quá thấp, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương tối thiểu và lộ trình cải cách tiền lương chưa kịp thời; nguồn thu thấp, không thể cân đối nguồn chi trả chế độ cho người lao động nếu tuyển dụng đủ chỉ tiêu nhân lực cho chăm sóc toàn diện theo quy định. Chưa có cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể cho việc trả lương theo vị trí việc làm, cản trở cơ chế, chính sách thu hút, giữ chân nhân tài và ổn định nguồn nhân lực. Chính sách khám, chữa bệnh BHYT hiện hành và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT liên quan đến tổng mức thanh toán hàng năm rất bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và cơ sở y tế.

Đối với tổ chức bộ máy, nhân sự, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa thực sự trao quyền tự chủ trong thực hiện tự chủ về tổ chức, bộ máy, nhất là các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cho phù hợp với nhu cầu phát triển và tự chủ thực hiện nhiệm vụ, hạch toán kinh tế y tế.

Bác sĩ CKII Lê Văn Sỹ

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Đánh giá sát các đơn vị thực hiện tự chủ để có lộ trình phù hợp

Được và chưa được!

Để trao quyền tự chủ cho các đơn vị khám, chữa bệnh điều cốt yếu là phải thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cả lãnh đạo bệnh viện cũng như nhân viên y tế. Nếu bệnh viện phục vụ không tốt, thì người dân sẽ lựa chọn khám, chữa bệnh ở bệnh viện khác. Bởi hiện nay, ở tuyến huyện, những người có thẻ BHYT có thể đến bất cứ bệnh viện nào trong cùng tuyến và từ năm 2021 liên thông tuyến tỉnh. Khi bệnh nhân không đến nữa thì sẽ không có nguồn thu và bệnh viện càng khó khăn.

Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn đã thực hiện lộ trình tự chủ 70% về chi thường xuyên. Thực hiện tự chủ cho phép bệnh viện tăng giường tự chủ, tăng nhân lực phục vụ bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân, giảm quá tải, giảm sai sót chuyên môn.

Ban lãnh đạo bệnh viện đã xác định rõ những thuận lợi, khó khăn để chủ động trong công tác điều hành; bệnh viện đã thực hiện đánh giá theo từng vị trí công việc để xác định mức thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức, người lao động. Riêng đối với bác sĩ, bệnh viện còn xây dựng chế độ khuyến khích theo năng lực. Song song với đó, bệnh viện chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn bằng việc đầu tư thêm trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ các kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công việc. Bệnh viện đã trở thành một địa chỉ tin cậy để Nhân dân gửi gắm niềm tin trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Tuy nhiên, ngành y là ngành đặc thù, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. Vì thế Nhà nước cần duy trì đầu tư công cho lĩnh vực y tế nhằm cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, cần đánh giá sát các đơn vị thực hiện tự chủ và phải có lộ trình phù hợp. Cùng với đó các sở, ngành liên quan cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ theo phân loại của từng đơn vị sự nghiệp y tế công lập; cụ thể hóa về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính. Đi liền với việc giao tự chủ tài chính, phải ủy quyền về mặt tổ chức bộ máy, biên chế để tăng tính chủ động cho bệnh viện.

Thạc sĩ, bác sĩ CKIINguyễn Ngọc Hân

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa

huyện Triệu Sơn

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]