(Baothanhhoa.vn) - Ngày 28-3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra “Nghị quyết về đội tự vệ”. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, hoạt động của lực lượng tự vệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy truyền thống anh hùng, tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Thanh Hóa vững mạnh, rộng khắp

Ngày 28-3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra “Nghị quyết về đội tự vệ”. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, hoạt động của lực lượng tự vệ.

Phát huy truyền thống anh hùng, tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Thanh Hóa vững mạnh, rộng khắp

Lực lượng dân quân biển TP Sầm Sơn thực hành huấn luyện. Ảnh: Cao Tùng (Bộ CHQS tỉnh)

Nghị quyết đã khẳng định: “Tự vệ đội càng mạnh thì có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”. Đây là chủ trương lớn, quan trọng mở ra một thời kỳ mới trong chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, là sự kết tinh truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc và sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vũ trang cách mạng vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Trải qua 85 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, dân tộc và nhân dân, lập nên những chiến công to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “DQTV và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì kẻ địch nào cũng phải tan rã”. Ngày nay, truyền thống đó đã và đang được kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới toàn đất nước.

Sự lớn mạnh và những cống hiến to lớn của lực lượng DQTV Việt Nam có một phần đóng góp của lực lượng DQTV tỉnh Thanh Hóa. Từ đội du kích chiến khu Ngọc Trạo (9-1941) với 21 đồng chí, đến tháng 8-1945 Chi đội tự vệ của tỉnh đã được thành lập, mang tên Đinh Công Tráng, gồm 1.500 chiến sĩ, được biên chế 9 đại đội, do đồng chí Hoàng Tiến Trình làm chi đội trưởng, đồng chí Nguyễn Mậu Kiện làm chính trị viên. Xây dựng, phát triển lực lượng cùng với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng dân quân du kích trong tỉnh có thời điểm cao nhất lên tới 227.248 người (lão dân quân: 15.000 cụ; nữ dân quân: 14.200 chị; thiếu niên quân: 9.788 em). DQTV Thanh Hóa cùng với lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu 1.456 trận, tiêu diệt và làm bị thương 3.391 tên, bắt sống 2.326 tù binh, thu 1.416 súng các loại. Đặc biệt là những đóng góp to lớn của dân quân du kích Thanh Hoá trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được Bác Hồ khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hoá cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo đối với LLVT, nhất là củng cố cơ quan quân sự cấp huyện và xã, xây dựng lực lượng DQTV; ngày 12 và 13-12-1958, Tỉnh uỷ Thanh Hóa ra Nghị quyết về xây dựng DQTV. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, cơ quan Quân sự đã tham mưu thành lập thêm 70 đại đội, trung đội tự vệ cho các cơ quan, công – nông trường, xí nghiệp, bệnh viện, bến sông, bến phà, đường phố (tự vệ cơ quan chiếm 41%, tự vệ xí nghiệp chiếm 24%, nông trường chiếm 12%, tự vệ thị xã chiếm 8% so với công nhân, viên chức), củng cố lực lượng dân quân cả về số lượng và chất lượng. Trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã đánh vào địa bàn Thanh Hóa 14.056 trận bằng không quân, 243 trận pháo kích từ hạm đội, với 20 vạn tấn bom, 34.809 quả đạn pháo. Cùng với các lực lượng, DQTV Thanh Hóa đã phối hợp chiến đấu 9.983 trận, bắn rơi 376 máy bay các loại; bắn cháy, bắn chìm 57 tàu biệt kích và khu trục hạm của Mỹ (trong đó DQTV bắn rơi 40 chiếc máy bay và bắn cháy 1 tàu khu trục, đánh chìm và sát thương 4 tàu biệt kích Mỹ).

Từ những chiến công của lực lượng DQTV Thanh Hóa đã gắn liền với những tên đất, tên làng như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Lèn, Cảng Hới, Phà Ghép... cùng với những tên người mãi được lưu danh như: Anh hùng Ngô Thị Tuyển; các nữ dân quân Lê Thị Nga, Lê Thị Ngân, Lê Thị Ph­ượng thuộc lực lư­ợng dân quân xã Đông C­ương, huyện Đông Sơn; Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc - Hậu Lộc, Trung đội nữ dân quân xã Thanh Thủy - Tĩnh Gia, các cụ dân quân xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa; Đại đội dân quân 94 huyện Quảng Xương... Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều cá nhân, đơn vị thuộc lực lượng DQTV tỉnh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát huy truyền thống trong chiến đấu, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng DQTV của tỉnh không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia lao động sản xuất, cùng với các lực lượng khác tham gia có hiệu quả các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng, thiên tai, bệnh dịch... góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; xứng đáng là lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, với phương châm “Vững mạnh, rộng khắp”, công tác xây dựng lực lượng DQTV đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp,... quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngày càng vững mạnh. Đến nay toàn tỉnh có 1.114 cơ sở DQTV, với quân số 47.704 đồng chí, chiếm tỷ lệ 1,39% so với dân số, trong đó có 4 tiểu đội dân quân thường trực ở 4 xã các huyện biên giới (Na Mèo/Quan Sơn; Tén Tằn/Mường Lát; Bát Mọt/Thường Xuân; Yên Khương/Lang Chánh), tỷ lệ đảng viên đạt 33,8%; đoàn viên đạt 52,4%. Lực lượng này luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt, đi đầu trong các công tác phòng chống, khắc phục giảm nhẹ thiên tai, vệ sinh môi trường, tìm kiếm cứu nạn; làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, “đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo... Đồng thời, phối hợp cùng công an và các lực lượng khác tăng cường tuần tra, canh gác, chốt chặn, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm; tham gia phòng, chống tội phạm; duy trì điều tiết giao thông; xây dựng các thiết chế văn hóa,... góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tạo niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, được Quân khu 4, Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao. Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác DQTV Thanh Hóa vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba giai đoạn 2002 - 2012, LLVT tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ đổi mới năm 2013. Để có được kết quả trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp về xây dựng lực lượng DQTV trên địa bàn.

Phát huy truyền thống 85 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhất là từ thực tiễn xây dựng lực lượng DQTV của các đơn vị, địa phương trong thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rút ra một số kinh nghiệm và cũng là những giải pháp cơ bản đã, đang phát huy hiệu quả trong xây dựng lực lượng quan trọng này như sau:

Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đối với công tác xây dựng lực lượng DQTV. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về DQTV, nhất là Chỉ thị 16-CT/TW, ngày 5-10-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”, Luật DQTV... Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án về thực hiện công tác DQTV. Đồng thời, tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với công tác xây dựng lực lượng DQTV.

Hai là, tiếp tục xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, xây dựng lực lượng DQTV có số lượng hợp lý, quy mô, tổ chức, biên chế tinh gọn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và khả năng bảo đảm chế độ, chính sách của địa phương theo quy định pháp luật về DQTV. Trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng DQTV trên các địa bàn trọng điểm, nhất là biên giới, ven biển. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng mở rộng biên chế vào các đơn vị DQTV khi có tình huống xảy ra.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện và hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV. Bên cạnh việc xây dựng lực lượng, cần tiếp tục đổi mới công tác giáo dục, huấn luyện DQTV theo Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18-1-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng DQTV, chú trọng dân quân thường trực, cơ động, phòng không, biển... Đồng thời vừa thực hiện tốt huấn luyện quân sự vừa đẩy mạnh giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức cho DQTV về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; coi trọng rèn luyện kỷ luật, tác phong công tác, hướng dẫn, bồi dưỡng kinh nghiệm giải quyết các vụ việc phức tạp ở cơ sở.

Bốn là, coi trọng, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác DQTV, nhất là ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng xây dựng, huấn luyện lực lượng DQTV. Do đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tạo nguồn quy hoạch, đưa đi đào tạo cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã theo các chương trình trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu đào tạo cho những địa phương còn thiếu, các xã có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Năm là, quan tâm bảo đảm tốt các chế độ, chính sách cho lực lượng DQTV. Thực hiện Luật DQTV và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cấp ủy, HĐND, UBND các cấp đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương và tích cực huy động các nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách xã hội hóa để bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV, như: Trợ cấp ngày công lao động, hỗ trợ tiền ăn cho dân quân, chi trả đầy đủ các loại phụ cấp cho cán bộ DQTV; đồng thời, đầu tư mua sắm trang thiết bị, trang phục, công cụ hỗ trợ phục vụ huấn luyện, hoạt động của DQTV theo quy định của pháp luật.

Phát huy truyền thống đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân, lực lượng DQTV tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn là lực lượng nòng cốt bảo vệ sự bình yên của nhân dân, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trong thời gian tới.

Đại tá Lê Văn Diện,

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]