(Baothanhhoa.vn) - Sau 1 năm thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, bộ máy trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính mới thuộc diện sắp xếp đã hoạt động ổn định, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các đơn vị hành chính mới đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình cơ sở, đồng thời tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại một năm thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã

Sau 1 năm thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, bộ máy trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính mới thuộc diện sắp xếp đã hoạt động ổn định, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các đơn vị hành chính mới đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình cơ sở, đồng thời tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Nhìn lại một năm thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xãNgười dân đến giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa).

Thực hiện Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn tỉnh đã giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã, từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn. Quá trình triển khai, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết như phải làm lại các giấy tờ liên quan đến các thủ tục hành chính của Nhân dân, sử dụng cơ sở vật chất hiện có; đặc biệt là vấn đề sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ, công chức và đội ngũ hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị phải sắp xếp, sáp nhập... Qua tìm hiểu của chúng tôi, sau 1 năm thực hiện, các vấn đề đặt ra ở những đơn vị mới sáp nhập đã từng bước được giải quyết, đảm bảo đúng quy định.

Thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 3 đơn vị là thị trấn Lưu Vệ, xã Quảng Phong và xã Quảng Tân. Sau sáp nhập, Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Tân Phong đã kiện toàn tổ chức bộ máy, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn, bảo đảm hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu mới sáp nhập. Đồng chí Lê Hữu Mai, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Tân Phong cho biết: “Xác định đây là việc lớn, việc khó và phức tạp nên cấp ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp Nhân dân. Vì vậy, sau 1 năm sáp nhập, thị trấn Tân Phong có 27/28 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2020 đề ra. Khó khăn lớn nhất hiện nay ở thị trấn Tân Phong là số công chức dôi dư còn nhiều. Trong năm 2020, Huyện ủy Quảng Xương đã điều động, luân chuyển 2 cán bộ và 8 công chức ở thị trấn Tân Phong đến làm việc ở Huyện ủy và các xã còn thiếu, nhưng hiện nay vẫn dôi dư 14 công chức. Những người thuộc diện dôi dư luôn có tâm lý phải luân chuyển đi nơi khác nên họ chưa thật sự yên tâm công tác. Vì vậy, huyện cần quan tâm, sớm bố trí việc làm phù hợp, giúp họ ổn định công việc để đóng góp nhiều hơn cho hoạt động chuyên môn”.

Xã Long Anh (TP Thanh Hóa) được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 2 xã Hoằng Anh và Hoằng Long. Kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt là việc làm đầu tiên được xã Long Anh thực hiện để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, các tổ chức hội đặc thù cũng sớm được kiện toàn ổn định. Hầu hết các tổ chức hội đều do công chức kiêm nhiệm như công chức văn hóa – xã hội kiêm trưởng đài truyền thanh xã; cán bộ văn phòng UBND xã kiêm chủ tịch hội chữ thập đỏ... Riêng chủ tịch hội người cao tuổi kiêm chủ tịch hội khuyến học là bán chuyên trách do quy định về độ tuổi. Đồng chí Lê Kim Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Long Anh cho biết: “Năm 2020 đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xã lại mới sáp nhập, dân số đông, địa bàn rộng, nhưng cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong xã đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi 18/19 chỉ tiêu đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu thành phố giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, được thành phố đánh giá cao. Bên cạnh kết quả đạt được, sau 1 năm sáp nhập, xã Long Anh vẫn còn gặp một số khó khăn. Xã Long Anh hiện có 33 cán bộ, công chức, dôi dư 11 công chức, chủ yếu là công chức văn phòng, tư pháp, văn hóa, địa chính. Nguồn ngân sách Nhà nước chỉ cấp đủ cho 22 cán bộ, công chức định biên của xã, còn 11 công chức dôi dư xã phải trích ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm nhân các ngày lễ, tết, gây khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí hoạt động. Đối với giáo dục, Trường THCS Hoằng Anh và THCS Hoằng Long sáp nhập thành Trường THCS Long Anh, số cán bộ, quản lý giảm từ 6 người xuống còn 3 người cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao và trạm y tế xã hoạt động chung tại 1 địa điểm, việc đi lại của Nhân dân không được thuận lợi do địa bàn rộng, giao thông còn nhiều hạn chế”.

Sau sáp nhập, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) đã tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND thị trấn để bầu các chức danh chủ chốt; đồng thời tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức không phân biệt cũ, mới mà cần phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc chung. Thời gian đầu sau khi sáp nhập, đảng ủy thị trấn tổ chức họp bàn các giải pháp lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; chính quyền thị trấn ưu tiên giải quyết mọi thủ tục hành chính của các tổ chức, công dân. Việc kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội và hội đặc thù cũng được thị trấn Bút Sơn thực hiện theo đúng quy định. Đồng chí Hoàng Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Bút Sơn chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì sau 1 năm sáp nhập, bộ máy của hệ thống chính trị đã hoạt động ổn định, hiệu quả. Điều này được minh chứng qua việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ thị trấn lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020-2025. Các đồng chí trong ban chấp hành, ban thường vụ đều bảo đảm số lượng, đúng định hướng, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao. Cùng với đó, diện mạo đô thị, cảnh quan môi trường tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, tạo điểm nhấn cho thị trấn”.

Thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện Hoằng Hóa giảm 6 đơn vị, dôi dư 123 cán bộ, công chức. Đồng chí Trần Đức Tuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoằng Hóa cho biết: “Để giải quyết công tác cán bộ, ngay khi có chủ trương sáp nhập xã, Huyện ủy đã dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử cán bộ chủ chốt, trưởng đoàn thể, dừng tiếp nhận, tuyển dụng công chức ở tất cả các xã, thị trấn, những đơn vị thiếu thì giao cấp phó phụ trách. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức có thời gian công tác đủ điều kiện nghỉ BHXH nghỉ hưu trước tuổi. Cuối năm 2019, khi thực hiện sáp nhập xã, thị trấn, ngoài 11 người nghỉ hưu đúng tuổi còn có thêm 26 người xin nghỉ hưu trước tuổi. Tại đại hội đảng bộ xã, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025, có thêm 7 đồng chí chủ chốt xin nghỉ trước tuổi mặc dù còn đủ tuổi tái cử. Đến nay, Hoằng Hóa không còn cán bộ dôi dư; số công chức dôi dư còn 50 người và đang từng bước ổn định dần, thay thế những đồng chí nghỉ hưu và chuyển công tác”.

Thực hiện Nghị quyết 786/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 629 cán bộ cấp xã và 679 công chức cấp xã dôi dư. Sau một năm sáp nhập, toàn tỉnh đã bố trí, sắp xếp được 299 người (đạt 22%), trong đó tiếp nhận 18 người làm công chức cấp huyện; tuyển dụng làm viên chức đơn vị sự nghiệp 5 người; nghỉ hưu, tinh giản biên chế 276 người. Số cán bộ, công chức dôi dư còn lại sẽ thực hiện bố trí, sắp xếp, thực hiện tinh giản đảm bảo số lượng đến năm 2025 bằng hoặc thấp hơn theo quy định. Để động viên cán bộ, công chức dôi dư khi nghỉ việc, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 181/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, viên chức trạm y tế cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách hỗ trợ này, đến nay tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 276 trường hợp với tổng kinh phí thực hiện 26 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Giang Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giảm bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, qua đó góp phần cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức. Sau 1 năm sáp nhập, an ninh trật tự ở các xã cơ bản ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất. Cán bộ nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời giải quyết những việc phát sinh, không để thành điểm nóng. Trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, trong đó trọng tâm là tổng kết công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; tổ chức rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp làm tiền đề và cơ sở để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 – 2030”.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]