(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, huyện biên giới Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Để vùng đất nơi thượng nguồn sông Mã phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách so với bình quân khu vực miền núi của xứ Thanh, thì việc vươn lên làm chủ, tự lực cánh sinh trong phát triển kinh tế - xã hội là quyết tâm cao mà cấp ủy đề ra trong nhiệm kỳ này. Đó là kết hợp giữa giải quyết các vấn đề trước mắt với chăm lo xây dựng các nguồn lực tại chỗ cho lâu dài một cách đồng bộ. Trọng tâm là đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn phát triển đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực, trách nhiệm, am hiểu thực tiễn.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài cuối): Giúp đồng bào vươn lên, tự lực cánh sinh

Hiện nay, huyện biên giới Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Để vùng đất nơi thượng nguồn sông Mã phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách so với bình quân khu vực miền núi của xứ Thanh, thì việc vươn lên làm chủ, tự lực cánh sinh trong phát triển kinh tế - xã hội là quyết tâm cao mà cấp ủy đề ra trong nhiệm kỳ này. Đó là kết hợp giữa giải quyết các vấn đề trước mắt với chăm lo xây dựng các nguồn lực tại chỗ cho lâu dài một cách đồng bộ. Trọng tâm là đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn phát triển đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực, trách nhiệm, am hiểu thực tiễn.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài cuối): Giúp đồng bào vươn lên, tự lực cánh sinhCác bản vùng sâu, vùng xa ở xã Mường Chanh đang đổi thay rõ nét từ những chủ trương, quyết sách đúng, trúng của Đảng. Ảnh: P.V

Tin liên quan:
  • Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài cuối): Giúp đồng bào vươn lên, tự lực cánh sinh
    Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 1): Những đảng ...

    Cách đây hơn nửa thế kỷ, một số ít hộ đồng bào Khơ Mú di cư đến huyện biên giới Mường Lát, dừng chân tại bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) để tạo dựng cuộc sống mới. Đồng bào Khơ Mú gọi mình là Khmụ, Kmh mụ hoặc Kừm mụ tùy theo cách phát âm ở từng địa phương, nhưng đều có nghĩa là “người” hay “cộng đồng người”. Đúng như ý nghĩa của tên gọi, đồng bào Khơ Mú nơi đây thật sự là một cộng đồng người đoàn kết chung tay vượt đói nghèo, gây dựng cuộc sống mới và từng bước vươn lên làm giàu, vun đắp cho cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

  • Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài cuối): Giúp đồng bào vươn lên, tự lực cánh sinh
    Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 2): Những bước ...

    Ở bản Lách và phố Đoàn Kết, nơi mà nhiều năm về trước đồng bào Khơ Mú luôn phải trông đợi gạo “cứu đói” của Chính phủ. Nhưng giờ đây cuộc sống của đồng bào đã đổi khác, có cái ăn, nơi ở, có trường, có lớp, con cháu được học cái chữ. Mừng hơn là sự thay đổi trong nhận thức từ cấp ủy đảng, chính quyền đến mỗi người dân về tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết, kiên cường bám bản, giữ đất, vươn lên xua đuổi “con ma” đói nghèo, dựng xây cuộc sống mới.

Giữ chân người trẻ

Nhiều năm qua, câu chuyện giữ chân người trẻ ở lại quê hương để tạo nguồn phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận luôn là việc khó làm, khó thực hiện ở các chi bộ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mường Lát. Chi bộ bản Lách và Chi bộ phố Đoàn Kết cũng không phải ngoại lệ của thực trạng chung ấy.

Tại bản Lách xa xôi, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên và xây dựng nguồn kế cận được Bí thư Chi bộ Lương Văn Phanh ví như “mò kim đáy bể”. Trong bản hiện chỉ có 2 em học THPT, 20 em học THCS. Do các hủ tục vẫn còn tồn tại dẫn đến nhiều học sinh trong bản kết hôn sớm. Ngay như đồng chí bí thư chi bộ cũng lấy vợ khi còn đang trong tuổi cắp sách đến trường. Đời sống khó khăn, lại càng khó khăn thêm khiến nhiều em phải lo toan, gánh vác cuộc sống gia đình ở độ tuổi còn thơ dại. Điều này khiến nhiều em thiếu nhiệt huyết, thậm chí không mặn mà với các phong trào, hoạt động của cộng đồng, chưa có ý thức phấn đấu vào Đảng, gây ảnh hưởng đến việc tạo nguồn của chi bộ.

Nhiệm kỳ 2022-2025, Chi bộ phố Đoàn Kết phấn đấu kết nạp từ 2 đảng viên trở lên. Đồng chí Cút Văn Dân, Bí thư chi bộ khẳng định: “Nguồn phát triển đảng viên của phố không hiếm. Hiện tại phố có 5 em đã tốt nghiệp THPT, 7 cháu đang theo học THPT. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng lại rất khó, bởi sau khi học xong THCS và THPT các cháu đều “ly hương” đi làm ăn xa kinh tế. Số các cháu ở lại quê hương thì không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là trình độ văn hóa”. Theo rà soát, phố Đoàn Kết có khoảng 70 lao động trẻ, khỏe đã rời quê hương đang làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh. Nhằm chuẩn bị lớp cán bộ kế cận, Đại hội Chi bộ phố Đoàn Kết, nhiệm kỳ 2022-2025, một số đảng viên trẻ là nhân tố tích cực trong các phong trào đã được giới thiệu, bầu đảm nhận giữ các chức vụ của phố. Điển hình như đồng chí Lò Văn Chúc, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận phố, năm nay mới 20 tuổi.

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo thị trấn Mường Lát và xã Mường Chanh, được biết: Một số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Cũng có những đảng viên sau khi được kết nạp phải đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt Đảng hoặc làm thủ tục xin ra khỏi Đảng. Do đó, giải pháp được Đảng ủy thị trấn Mường Lát và Đảng ủy xã Mường Chanh đưa ra là phối hợp với Đồn Biên phòng Quang Chiểu, Đồn Biên phòng Tén Tằn phân công cán bộ, chiến sĩ về sinh hoạt cùng các chi bộ. Trên cơ sở cùng dự sinh hoạt, cùng nắm tình hình, hướng dẫn phương thức lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị cho đội ngũ cán bộ chi bộ. Bên cạnh đó, các đảng ủy còn chú trọng “thắp lửa” cho hoạt động, phong trào của các tổ chức đoàn thể chính trị, nhằm thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, từ đó có điều kiện phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những quần chúng ưu tú cho Đảng.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội; lấy chi bộ, chi đoàn, chi hội làm nơi tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng ủy thị trấn Mường Lát và Đảng ủy xã Mường Chanh còn huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động, hướng dẫn đảng viên và Nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của người dân, thị trấn Mường Lát và xã Mường Chanh tập trung quy hoạch vùng trồng lúa nước, nhằm bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Đồng thời, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao lên trồng trên các vùng đồi, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ và phát triển rừng. Thực tế ở Mường Chanh, Đảng ủy xã lãnh đạo triển khai thực hiện mô hình VAC ở 40 hộ dân và gần 100 hộ dân nuôi lợn cỏ, hơn 250 hộ chăn nuôi gà. Đặc biệt, hơn 180 ha lúa nước của xã đã tổ chức sản xuất thâm canh và chuyển đổi 9 ha sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu khác, như: khoai, bí xanh, ngoài ra để tăng thu nhập cho các hộ dân, xã đã đưa cây gai xanh vào trồng thí điểm trên một số sườn đồi; triển khai các mô hình chăn nuôi bò giống; mô hình trồng cây lâm nghiệp ở các bản. Cách làm của Mường Chanh là đảng viên, hội viên làm trước, Nhân dân học theo.

Thực tế việc đưa các mô hình kinh tế về các bản, là giải pháp để giữ chân lực lượng thanh niên ở lại quê hương. Kết quả của các mô hình này là vừa phát triển kinh tế, vừa giữ được nguồn phát triển Đảng, góp phần vực dậy một số chi bộ yếu, chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên.

Quyết sách cho tương lai

Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 50-KL/TU, ngày 20-4-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Phát triển đảng viên và chi bộ ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, huyện Mường Lát đã kết nạp được 278 đảng viên và thành lập 24 chi bộ, không còn tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép.

Thực tế, chi bộ ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát đã phát triển nhưng chưa thực sự mạnh, chất lượng chưa đồng đều và việc tái “trắng”, tái “ghép” chi bộ vẫn có thể xảy ra. Trong khi đó, đa số đảng viên mới đều có trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận thấp và tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.

Nhận diện rõ những hạn chế, tồn tại ấy, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã có giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, bài bản để nhân lên thành quả đạt được trong phát triển đảng viên và chi bộ các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, bà Lương Thị Tuân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Đối với các bản vùng sâu, vùng xa, chi bộ được ví như “hạt nhân” chính trị lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, để xây dựng tổ chức đảng và đảng viên các bản vùng sâu, vùng xa, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, Bí thư chi bộ có trình độ, năng lực lãnh đạo và uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ các cấp. Ví dụ như từ 2020 đến nay, huyện đã tổ chức 21 lớp cảm tình Đảng cho 2.242 quần chúng ưu tú; 17 lớp cập nhật kiến thức cho 1.538 đảng viên mới; 16 lớp sơ cấp chính trị cho 1.143 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Bí thư chi bộ, trưởng các bản, khu phố trong huyện”. Cùng với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Mường Lát tiếp tục phát huy vai trò của các Đảng ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên vùng đặc biệt khó khăn và địa bàn đồng bào Khơ Mú. Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của cấp trên về công tác phát triển đảng viên, đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đảng viên. Trong đó, quan tâm đến đối tượng thanh niên, nông dân, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ ở các bản đặc biệt khó khăn nói chung, địa bàn đồng bào Khơ Mú nói riêng.

Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát cũng xác định, để công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như bản Lách và phố Đoàn Kết đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Nhằm bảo đảm sự phối hợp hiệu quả, thì ngay ở cơ sở, thông qua các phong trào, hoạt động, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân tiến hành các bước theo dõi, bồi dưỡng. Đồng thời, xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng, trên cơ sở nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho quần chúng; đặc biệt là xây dựng niềm tin, tình cảm, ý chí, tự lực, tự chủ, khát vọng vươn lên cho thanh niên, quần chúng ở các bản đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số có đủ điều kiện vào làm việc tại thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương. Mặt khác, các cấp ủy đảng phải đổi mới tư duy, lề lối, tác phong làm việc, bám sát thực tiễn, gần dân, sát cơ sở; chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của chi bộ trong giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên và thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đảng viên. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhất là địa bàn đồng bào Khơ Mú, huyện cũng ưu tiên triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân; tăng cường mở các lớp đào tạo nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho lao động trên địa bàn huyện. Đi liền với đó, là tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, chuyển từ tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa”; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu trong cán bộ, đảng viên và người dân.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài cuối): Giúp đồng bào vươn lên, tự lực cánh sinhCây gai xanh đang từng ngày bén rễ trên đất đồi bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát).

Đồng bào Khơ Mú ở huyện Mường Lát chỉ có khoảng 1.000 người, sinh sống tập trung ở bản Lách và khu phố Đoàn Kết. Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác ở Thanh Hóa và nhìn rộng ra là trong cả nước, vì điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn, cho nên kinh tế - xã hội kém phát triển hơn các vùng khác; trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ tại chỗ cũng chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống hiện nay. Để đồng bào tự lực, tự cường, vươn lên làm chủ, rất cần sự giúp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp là cấp ủy cơ sở. Sự giúp sức ở đây là bằng cả vật chất lẫn tinh thần, như có các chính sách hỗ trợ, ưu tiên đầu tư để tạo “cú hích” cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn, lâu dài hơn là giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm của mình, vươn lên bằng chính sức mình để thoát đói nghèo và từng bước làm giàu. Mặt khác, tìm mọi cách để phát triển, tạo nguồn, đào tạo cán bộ tại chỗ thông qua việc làm tốt công tác phát triển Đảng; kết hợp giữa cán bộ tại chỗ với cán bộ tăng cường, luân chuyển từ nơi khác về để củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của chi bộ, tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là điểm tựa, là động lực giúp các vùng đồng bào nơi còn nhiều khó khăn từng bước vươn lên.

Chia tay vùng đất nơi đồng bào Khơ Mú sinh sống xa xôi đầy yêu thương của xứ Thanh, chúng tôi nghĩ đến Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chắc chắn như một “luồng gió mới” đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh ở vùng “cực Tây” tỉnh Thanh Hóa.

Trần Thanh - Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]