(Baothanhhoa.vn) - Khép lại năm 2021, mặc dù giữa bộn bề khó khăn bởi đại dịch COVID-19, Thanh Hóa bước qua năm thứ nhất thực hiện những quyết sách của Đại hội thứ XIII của Đảng một cách khả quan và đầy triển vọng! Mặc dù chịu tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai và Ninh Thuận). Đây là mốc son năm đầu tiên thực hiện quyết nghị Đại hội thứ XIX của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Để đột phá mười năm kiến tạo tứ giác phát triển phía Bắc Tổ quốc

Khép lại năm 2021, mặc dù giữa bộn bề khó khăn bởi đại dịch COVID-19, Thanh Hóa bước qua năm thứ nhất thực hiện những quyết sách của Đại hội thứ XIII của Đảng một cách khả quan và đầy triển vọng! Mặc dù chịu tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai và Ninh Thuận). Đây là mốc son năm đầu tiên thực hiện quyết nghị Đại hội thứ XIX của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Để đột phá mười năm kiến tạo tứ giác phát triển phía Bắc Tổ quốcĐôi bờ sông Mã. Ảnh: Lê Công bình

Nhưng, trong tầm nhìn đến năm 2030, trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022, Thanh Hóa phải tiếp tục làm gì, làm như thế nào để xứng đáng là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc?

Nhìn tổng thể, để phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng lực hội nhập, phải chăng tiếp tục đổi mới tầm nhìn chiến lược, lựa chọn đột phá phát triển đúng, trúng và ngang tầm, kiến tạo không gian mới, cơ hội mới cho phát triển toàn diện.

Trong hàng loạt công việc hệ trọng, phải chăng cần thiết lựa chọn và nắm lấy ba đột phá chiến lược?

Đột phá trước hết: Phát triển biển và kinh tế biển toàn diện làm động lực song hành phát triển các trụ cột kinh tế hợp thành đường băng để “cất cánh”

Từ địa kinh tế và địa xã hội, kiến tạo các khu phát triển vùng trên cơ sở các thế mạnh mang ý nghĩa động lực, trung tâm kinh tế động lực, hợp thành tổng thể kinh tế - xã hội.

Đột phá phát triển biển và kinh tế biển, trước hết kinh tế du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn – một ngành công nghiệp không có khói – song hành với phát triển và khai thác các lợi thế tuyệt đối từ biển, xứng đáng là một trung tâm tăng trưởng khu vực Vịnh Bắc bộ, tương xứng với tiềm năng của 18.000 km2 thềm lục địa? Phải làm sao để phát triển mạnh các ngành dịch vụ, trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải - cảng biển của khu vực Bắc Trung bộ và nước ta? Phải làm thế nào để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch hiện đại, một cách đa diện: du lịch biển, khám phá thiên nhiên biển; gắn du lịch, nghỉ dưỡng biển với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh với hệ thống đền đài, di tích cố đô độc đáo, chỉ có ở riêng Thanh Hóa. Khi du lịch là mũi nhọn, rất cần phát triển đa dạng các ngành dịch vụ chung quanh. Ngoài du lịch thì tiềm năng kinh tế biển còn rất dồi dào. Những tín hiệu đầu tiên đặc biệt quan trọng dù chỉ 500 tỷ đồng từ doanh thu vận tải quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, nếu tiếp thị tốt, chủ động thúc đẩy dịch vụ logistics, hoàn toàn có thể mở ra triển vọng lớn trong việc kết nối thẳng Cảng Nghi Sơn với các cảng quốc tế, thu hút các nhà đầu tư xứng tầm.

Và, song hành với phát triển biển và kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics phải xứng đáng là mũi đột phá và là một trụ cột tăng trưởng? Ưu tiên dành sự phát triển xứng tầm các nhóm ngành trọng điểm: sản xuất xăng dầu, các sản phẩm sau lọc hóa dầu; hóa chất; nhựa; công nghiệp điện tử viễn thông, sản xuất thiết bị y tế và công nghiệp dược phẩm; dệt may; giày da; chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản...

Kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy, không thể có một nền kinh tế mạnh, phát triển bền vững, nếu thiếu các trụ cột tăng trưởng, tức các ngành kinh tế trụ cột làm giá đỡ, có tính quyết định tốc độ tăng trưởng. Nhưng ngành nào là giá đỡ, ngành nào giữ vị thế cạnh tranh ưu thế, ngành nào là cạnh tranh tiềm năng và cạnh tranh phát triển? Nếu xác định rõ các trung tâm động lực thì không thể không lựa chọn các trụ cột tăng trưởng tương dung và độc đáo, thậm chí riêng có, tạo nên thế mạnh cạnh tranh tiềm năng và cạnh tranh tuyệt đối. Nền kinh tế mạnh hiện nay quyết không phải là cung cấp cái ta có mà đáp ứng cái mà thiên hạ cần, trên cơ sở lựa chọn và đi bằng cách riêng của mình, thậm chí cả việc bán buôn “ngược chiều chợ”, nhằm tạo cho được dù một mặt hàng nhưng chiếm lĩnh nhiều thị trường, các loại khách hàng và các phân khúc thị trường.

Theo đó, nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp có xứng đáng là một trụ cột tăng trưởng không? Phải chăng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng phải sản xuất tập trung theo vùng, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị là đầy triển vọng hiện nay? Và, phải chăng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trở thành động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp, phải tiến tới có một số sản phẩm đứng đầu cả nước? Phải chăng tất yếu phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm là yếu tố thành bại? Đây là nguồn sống, có ý nghĩa quyết định sức mạnh và tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp chế biến, động lực tạo nên các “xa lộ nông nghiệp”, mà tôi vừa phác thảo ở trên.

Và, theo đó, công nghệ phát triển hạ tầng có xứng đáng là một trong những trụ cột phát triển không? Yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, sự kết nối tự nhiên giữa các khu kinh tế động lực, các hành lang kinh tế, vùng liên huyện đang trở nên cấp bách. Hơn nữa, cần phát triển hạ tầng số, hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, trước mắt năm 2025, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp đủ năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, để vượt lên và làm chủ tình hình.

Cùng với việc hoạch định các vấn đề đó, việc phát triển các hành lang kinh tế ra sao, phát triển các vùng liên huyện của Thanh Hóa như thế nào cần những câu trả lời và khả thi.

Có thể nói khái lược, quy mô tăng trưởng rất quan trọng, chất lượng tăng trưởng cũng thật là quan trọng, nhưng cái làm nên vị thế, sức mạnh, uy tín Thanh Hóa là chất lượng của sự phát triển, mang tầm quốc gia.

Đột phá thứ hai: Chăm lo toàn diện để an Dân làm kế sách phát triển căn bản, lâu dài và bền vững

Đó chính là đột phá mang tầm chiến lược phát triển nguồn lực con người.

Năm 2021, sản xuất công nghiệp cơ bản thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, thực sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,93% so với năm 2020 là rất đáng ghi nhận. Nhưng, cần lượng hóa Nhân dân được hưởng lợi từ đó về việc làm, về thu nhập, về an sinh xã hội như thế nào, tỷ lệ số người được thụ hưởng bao nhiêu và sắp tới, nhất là hậu COVID-19 sẽ ra sao? Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân đã được chuyển giao về công nghệ, về kỹ thuật canh tác, về khả năng trở thành công nhân nông nghiệp như thế nào, về tỷ lệ lãi so với đầu tư là bao nhiêu, có đủ tái sản xuất và tăng khả năng tích lũy không? Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sự chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp ra sao? Cơ cấu lao động chuyển dịch có tương dung với tốc độ và phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu ngành và các thành phần kinh tế không, còn những gì bất cập, xu hướng vận hành ra sao, liệu tới “ngưỡng” chưa?...

Tất cả cần định lượng, chứ không dừng lại ở định hướng và định tính. Không bắt đầu từ cái gốc sản xuất và sự đóng góp to lớn, thụ hưởng tương xứng cụ thể của Nhân dân thì không thể nói chuyện yên dân, càng không thể đột phá phát triển sản xuất hiện đại và bền vững và chủ động chăm lo xứng đáng nhân tố con người.

Rõ ràng, cần lấy sản xuất phát triển và việc làm ổn định là cái căn bản để yên dân!

Năm 2021, tổng sản xuất lương thực đạt 1,61 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch; năng suất các cây trồng chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, trong đó năng suất lúa và ngô đạt cao nhất từ trước đến nay... nhưng còn bao nhiêu hộ nghèo, số người thiếu ăn, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo? Vấn đề chăm sóc sức khỏe, việc khám chữa bệnh, BHYT cộng đồng của Nhân dân, việc học hành, việc làm của con em đồng bào như thế nào? Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực,... nhưng đã thực sự xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh xứ Thanh?.

Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, xã bãi ngang, nhất vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi được quan tâm đầu tư ra sao, các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được triển khai thực hiện tới đâu, đã ngang tầm và tương xứng chưa?... Đây là bài toán chiến lược nhưng nóng bỏng, cấp bách hằng ngày, hằng giờ, cần lời giải đồng bộ giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa sản xuất với an sinh xã hội, cân bằng, bình đẳng giữa các vùng, miền với nhau.

Rõ ràng, an sinh xã hội cần được chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là công việc trước hết; phát triển đoàn kết và đồng thuận xã hội là cái bảo đảm từ bên trong để yên dân!

Đồng thời, về phương diện môi trường xã hội và phát triển văn hóa với tỷ lệ đô thị hóa sắp tới dự đạt 40% trở lên; 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 81% số trường đạt chuẩn quốc gia; 13 bác sĩ/vạn dân; 20% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao... đã thật sự là một bảo đảm vững chắc cho sự phát triển toàn diện, đồng bộ và vững chắc giữa kinh tế với văn hóa, giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa miền núi và miền biển với đồng bằng thật sự xứng đáng với tầm nhìn phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nưóc về giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu chưa?

Có thể nói khái lược, mục tiêu và động lực yên dân và chăm lo đời sống toàn diện của Nhân dân – mũi đột phá chăm lo con người, công việc gốc rễ mọi thành bại của sự phát triển.

Đột phá thứ ba: Xứng đáng là “yết hầu” chiến lược phát triển vào Nam ra Bắc và góp phần án ngữ biển Đông

Địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa và địa - xã hội đã làm nên vị trí đó của xứ Thanh! Mấy chục năm qua, Thanh Hóa tích lũy không ít kinh nghiệm trên phương diện phát triển này.

Để phát triển một cách tổng thể, toàn diện, từ yêu cầu phát triển, cần đột phá về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội “cứng” và “mềm” một cách đồng bộ, hiện đại phá vỡ những “cục nghẽn mạch”, tạo nền tảng vững chắc, thống nhất và động lực mạnh mẽ tiến hành CNH, HĐH nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh và bền vững. Nói cách khác, tiếp tục triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hệ thống hạ tầng tương dung với quy mô, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, trước hết và trực tiếp là hệ thống trung tâm động lực và các vùng kinh tế trọng điểm, với mũi đột phá số hóa, trí tuệ nhân tạo trên nền tảng in-tơ-nét và công nghệ hiện đại. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới, với trước hệ thống “đường băng” cho các dự án đầu tư kinh tế và xã hội, dù trong nước hay ở nước ngoài, cất cánh; mặt khác là nơi tụ hội Bắc vào, Nam ra và phía Tây nước bạn Lào sang.

Tính toán tổng thể chiến lược phát triển hệ trung tâm động lực ngang tầm dẫn dắt và lan tỏa sức mạnh động lực, có tính chất chi phối quyết định quy mô và tốc độ phát triển như thế nào? Trung tâm TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, với chất lượng cao; công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thế nào? Trung tâm động lực phía Nam, với cái lõi Nghi Sơn, sự phát triển đa ngành, mà trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với Cảng biển Nghi Sơn sẽ tiếp tục ra sao? Trung tâm động lực phía Bắc gồm chuỗi từ Thạch Thành tới Bỉm Sơn nhằm phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, dược phẩm, da giày, dịch vụ, du lịch sẽ như thế nào? Trung tâm động lực phía Tây Lam Sơn - Sao Vàng tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao; du lịch di sản.

Vấn đề ở đây là nhân lên sức mạnh tổng hợp chứ không phải đơn thuần là tổng số sức mạnh một cách cơ học, riêng lẻ, dù có thể quan trọng nhất thời nào đó.

Để phát huy sức mạnh của các trung tâm phát triển và các vùng động lực, phải chăng đổi mới và phát triển tương xứng hạ tầng trong tổng thể các trung tâm kinh tế, gắn liền xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ... tạo nền tảng trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu... Tính toán tổng thể, cơ cấu lại đầu tư công, tập trung bố trí nguồn lực thực thi các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển, nhất là có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, các công trình thủy lợi đầu mối, công trình trọng điểm của tỉnh, các dự án hạ tầng trường lớp học, các cơ sở y tế phục vụ cộng đồng dân sinh.

Năm 2021, việc huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2020; và, đến ngày 25-11-2021, tiến độ thực hiện và việc giải ngân vốn đầu tư công đạt 8.211,7 tỷ đồng, bằng 89,1% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm 2020 và đứng thứ 2 cả nước... nhưng có tương đương với quy mô và tốc độ phát triển tổng thể?

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới. Phối hợp với Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế trong tầm nhìn 1.000 năm Danh xưng Thanh Hóa; phối hợp cùng các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong cả nước lập định hướng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung bộ nhằm không ngừng nâng cao thực lực cạnh tranh xoay chung quanh những lĩnh vực riêng có, xứng đáng là “yết hầu” của Bắc miền Trung, có sức lan tỏa cả nước và hội nhập quốc tế?

Không có nền móng hạ tầng “cứng” và “mềm” tương xứng không thể có bất cứ một sự “cất cánh” nào như mong muốn, càng không thể bứt phá và vượt lên!

Đứng ở năm 2020, trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2030, Thanh Hóa còn phải tiếp tục làm gì và làm như thế nào nữa để bước đến năm 2045, thực sự là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, như quyết sách của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa XII, năm 2020?

Đó là khát vọng, là cơ hội nhưng cũng là thách thức trên con đường Thanh Hóa nhất định phải bứt phá, phải vượt lên, trước hết là vượt qua chính mình!

21-12-2021

Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]