(Baothanhhoa.vn) - Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nắm bắt rõ điều đó, những năm qua TP Sầm Sơn luôn chú trọng nguồn lực con người, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

TP Sầm Sơn chú trọng phát triển nguồn nhân lực

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nắm bắt rõ điều đó, những năm qua TP Sầm Sơn luôn chú trọng nguồn lực con người, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

TP Sầm Sơn chú trọng phát triển nguồn nhân lựcLớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhân lực du lịch do UBND TP Sầm Sơn tổ chức hồi cuối tháng 5-2022.

Là đô thị du lịch trẻ năng động, có tiềm năng và dư địa phát triển lớn. Song, để khai thác nhằm biến tiềm năng thành lợi thế thì yêu cầu về nguồn nhân lực bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, luôn là vấn đề trăn trở của TP Sầm Sơn. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nguồn lao động của thành phố tương đối dồi dào. Cụ thể, tính từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm thành phố có khoảng 1.759 người đủ từ 15 tuổi bước vào độ tuổi lao động để bổ sung vào nguồn lao động địa phương; hơn 1.586 người hoàn thành bậc học THPT. Năm 2021, dân số thành phố là 111.317 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 71.700 người, chiếm 64,41% dân số; tỷ lệ lao động qua đào tạo (kể cả đào tạo bằng hình thức truyền nghề) chiếm khoảng 75%; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học chiếm khoảng 60%; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền và đơn vị sự nghiệp là gần 2.000 người, trong đó 100% có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên.

Nhìn vào những kết quả trên có thể nói, công tác phát triển nguồn nhân lực đã được cấp ủy, chính quyền TP Sầm Sơn quan tâm. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là bài toán khó của thành phố. Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực, như chú trọng công tác đào tạo nghề; tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chủ các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, người lao động phục vụ du lịch; cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị... Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn, đến nay một số giải pháp, chính sách được thành phố triển khai những năm qua đã không còn phù hợp. Điều đó dẫn đến hệ quả là mất cân đối về lực lượng lao động giữa các ngành nghề, giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các tháng trong năm. Cùng với đó là các kỹ năng thực hành, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ của người lao động vào sản xuất còn bất cập; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực; việc nắm bắt thông tin về thị trường lao động còn hạn chế, dẫn đến việc xây dựng chỉ tiêu đào tạo, ngành nghề đào tạo và trình độ đào tạo chưa sát, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội...

Thực trạng trên đã và đang đặt ra yêu cầu cho cấp ủy, chính quyền thành phố trong việc đề ra và triển khai các giải pháp hữu hiệu hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, hiệu quả và bền vững. Để làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mới đây, thành phố đã xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025. Theo đó, thành phố xác định phải tạo ra một lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao, đáp ứng các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của thành phố và doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học, có khả năng hội nhập để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt trên 99,5%, tốt nghiệp THPT đạt trên 97%; hằng năm tổ chức từ 5 - 10 lớp, với từ 1.750 - 2.000 lao động, để đào tạo nghề sơ cấp cho lao động nông thôn hoặc lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 85%, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp năm 2025 xuống còn khoảng 3%. Đối với cán bộ, công chức cấp thành phố, phấn đấu đến năm 2025, 100% đạt yêu cầu tiêu chuẩn quy định; hằng năm có ít nhất 90% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng đạo đức công vụ; 80% được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ. Đối với cán bộ, công chức xã, phường và người hoạt động không chuyên trách, phấn đấu đến năm 2025, 100% có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên; 90% có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công tác; 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên...

Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trên, thành phố xác định, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm. Từ đó, tạo hành lang pháp lý và cơ sở cho việc huy động các nguồn lực hỗ trợ việc phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường. Đặc biệt, thành phố chú trọng đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục – đào tạo, xem đây là tiền đề cho công tác phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tạo cơ chế, môi trường thuận lợi để khuyến khích việc liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm; tạo cơ chế để thu hút con em Sầm Sơn tốt nghiệp đại học loại giỏi ở các lĩnh vực về quê hương công tác, cống hiến. Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường đầu tư ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo, bố trí việc làm mới cho lao động...

Với các mục tiêu và giải pháp cụ thể, TP Sầm Sơn hướng đến xây dựng nguồn nhân lực vừa bảo đảm quy mô, cơ cấu, vừa có chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]