(Baothanhhoa.vn) - Vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, trước sự phức tạp của thế giới; tình hình kinh tế – xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức to lớn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới kinh tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình đổi mới

Vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, trước sự phức tạp của thế giới; tình hình kinh tế – xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức to lớn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới kinh tế.

Hành trình đổi mới

Cầu cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Lê Hợi

Tổ chức thực hiện, vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo nhân dân đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, tạo ra bước phát triển đột phá trong sản xuất nông nghiệp, từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cùng với xác lập vị trí của kinh tế hộ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển hết năng lực sản xuất, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo đổi mới loại hình kinh tế HTX, kiên quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, từng bước tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về công tác dân tộc, mở ra một thời kỳ phát triển mới của miền núi Thanh Hóa. Nhà máy Đường Lam Sơn được khánh thành, đi vào sản xuất đã mở ra hướng đi mới cho nông dân các huyện phía Tây của tỉnh phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ cây mía. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chủ trương tổ chức Hội chợ “Hè Sầm Sơn 1989 – Sức khỏe – Kinh tế - Bạn bè”, mở ra triển vọng mới về phát triển du lịch của Sầm Sơn và của tỉnh.

Những chính sách kinh tế mới dần đi vào cuộc sống. Khoán hộ theo tinh thần Nghị quyết 10–NQ/BCT của Bộ Chính trị thực chất là xác lập từng bước quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đưa tỉnh ta từ một tỉnh thiếu đói thường xuyên trở thành một tỉnh cân đối được lương thực và có lương thực hàng hóa. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và sản xuất lâm nghiệp đã bắt đầu xuất hiện hình thức kinh doanh trang trại. Được tạo môi trường thuận lợi, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và vốn đăng ký kinh doanh. Tư duy về các khu công nghiệp (KCN) tập trung (“tứ sơn”, gồm: Bỉm Sơn – Thạch Thành, Lam Sơn – Sao Vàng, TP Thanh Hóa – Sầm Sơn, Nghi Sơn) nhằm tạo ra động lực cho các vùng kinh tế của tỉnh phát triển gắn với thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngày càng rõ nét. Một số dự án lớn được đầu tư đã tạo ra diện mạo mới cho sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Cho đến năm 1995, sản lượng lương thực lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 triệu tấn, giải quyết cơ bản vấn đề lương thực. Thời kỳ 1996 – 2000 mặc dù tốc độ tăng trưởng chưa cao nhưng nền kinh tế của tỉnh đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ. Phát huy thành quả thời kỳ đầu đổi mới, thời kỳ 2001 – 2010, Đảng bộ tỉnh đã dồn sức lãnh đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng tỉnh đã tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng vào các khu công nghiệp, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn. Bắt đầu từ năm 2003, thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2005, lần đầu tiên tỷ trọng công nghiệp – xây dựng vượt tỷ trọng nông nghiệp.

Đặc biệt là nhận thức được tiềm năng và lợi thế của Cảng nước sâu Nghi Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng đề án, đề nghị Chính phủ cho thành lập Khu Kinh tế Nghi Sơn. Mục tiêu là phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn của Thanh Hóa cũng như của Việt Nam thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu... Quyết tâm và kỳ vọng xây dựng thành công Khu Kinh tế Nghi Sơn thành hạt nhân của các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước. Khu Kinh tế Nghi Sơn ra đời với những cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất đã thực sự trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án quan trọng có sức lan tỏa, thu hút các dự án mới đó là: Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Công Thanh, khu công nghiệp luyện kim, trung tâm nhiệt điện... Nhiều KCN, cụm công nghiệp được hình thành. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp và xây mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, gồm hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước, bưu chính – viễn thông, phát thanh – truyền hình, trường học, bệnh viện, hệ thống đô thị... Trong đó có những công trình tầm cỡ như đường Hồ Chí Minh, cảng biển Nghi Sơn, đập Bái Thượng, hệ thống thủy nông sông Chu, Công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt...

Giai đoạn 2011 – 2018, Thanh Hóa bước vào thời kỳ phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong thời kỳ đổi mới. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Huy động vốn cho đầu tư phát triển vượt kế hoạch. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án sản xuất, hạ tầng lớn đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng và khởi công, xây dựng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Khu hàng không dân dụng Cảng Hàng không Thọ Xuân, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn... Để khai thác, phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, vững chắc, Thanh Hóa đã thực hiện một bước đi đột phá, táo bạo khi kết hợp với BCG (Tập đoàn tư vấn Boston, Mỹ) xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, dựa trên 5 trụ cột chính để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm đổi mới, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việc tăng trưởng kinh tế cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Trước khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, hơn 90% dân số của tỉnh thuộc diện đói nghèo; đến năm 1995 toàn tỉnh còn 50,2% thuộc diện đói nghèo, năm 2010 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14,85%, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn 8,43%. Đến năm 2018, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành một trong những địa phương tốp đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 15,16%, cao thứ 3 cả nước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 23.500 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao trên 1.600 tỷ đồng. Nếu so với năm 2010 thu trên địa bàn đạt hơn 4.000 tỷ đồng thì đó là bước tiến rất lớn. Giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đứng tốp đầu cả nước. Y tế có bước phát triển nhanh, mạnh, đang dần trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung bộ.

Những thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới là kết quả tìm tòi, trăn trở, đổi mới sáng tạo trong tư duy, quyết liệt trong hành động của nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, nhất là những năm gần đây. Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước vào thực hiện có hiệu quả. Đảng bộ đã chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Những kết quả quan trọng trong hành trình đổi mới là nền tảng vững chắc để Thanh Hóa tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa vào cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả ấn tượng, toàn diện mà Thanh Hóa đạt được thời gian qua, để lại nhiều dấu ấn trong phát triển các vùng kinh tế - xã hội của tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng, trung du đến các huyện miền núi. Thủ tướng khẳng định Thanh Hóa có nhiều tiềm năng lợi thế, có nền tảng tốt, phải phát huy hơn nữa những lợi thế cạnh tranh, những kết quả đã đạt được để tiến lên một tỉnh công nghiệp hóa mạnh mẽ, vươn lên là tỉnh có nhiều mặt dẫn đầu, đổi mới sáng tạo, sớm trở thành một tỉnh gương mẫu, kiểu mẫu toàn diện như Bác từng căn dặn.

Việt Linh

Vững tin Thanh Hóa sẽ có bước đột phá mới

Hành trình đổi mới

Hơn 30 năm qua đánh dấu một chặng đường đổi mới vô cùng đáng nhớ đối với tỉnh ta. Nổi bật nhất là những thành tựu về phát triển kinh tế. Từ một tỉnh còn thiếu đói, nay đã đảm bảo cân đối vững chắc về lương thực. Các thành phần kinh tế trong tỉnh được khuyến khích phát triển. Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước được quan tâm và xúc tiến mạnh mẽ. Ý tưởng xây dựng “tứ sơn” trở thành những vùng kinh tế động lực đã và đang trở thành hiện thực. Tiềm năng cảng nước sâu và Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng trong nông nghiệp giảm, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh. Nông nghiệp đang chuyển dần từ chuyên canh lúa sang xây dựng những vùng cây công nghiệp chuyên canh tập trung có khối lượng hàng hóa lớn theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Ấn tượng nhất là năm 2018, tỉnh ta đạt thu ngân sách gần 23.500 tỷ đồng, năm 2019 kỳ vọng đạt khoảng 27.000 tỷ đồng và khả năng còn lớn hơn nữa, đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Cùng với phát triển kinh tế, việc làm, đời sống người dân, an sinh xã hội cũng được cải thiện đáng kể. Hạ tầng giao thông đô thị và nông thôn, các chương trình về điện, nước sạch, thủy lợi, đê điều... được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Đời sống văn hóa tinh thần được chăm lo. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản vật thể và phi vật thể được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị. An ninh quốc phòng, an toàn trật tự xã hội được đảm bảo ổn định vững chắc. Với những kết quả đã đạt được, có thể nói, thế và lực của Thanh Hóa đã khác xa so với trước đây.

Những thành tựu đó không chỉ là kết quả của việc kiên định trong định hướng phát triển, quyết tâm khơi dậy tiềm năng lao động sáng tạo của các thành phần kinh tế, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền nhiều thế hệ, mà còn có sự vào cuộc và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tự hào với những kết quả đã đạt được, càng vững tin Thanh Hóa sẽ có đột phá mới trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra; nhanh chóng trở thành một tỉnh khá của cả nước, một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Nguyễn văn Lợi

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,

nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Thanh Hóa tự tin trên hành trình phát triển toàn diện

Hành trình đổi mới

Có thể nói, những năm gần đây, cả nước đã chứng kiến sự phát triển mang tính chất “lột xác” của tỉnh Thanh Hóa. Từ một tỉnh nghèo, cùng với hành trình đổi mới đất nước, giờ đây, Thanh Hóa đã có một hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Mạng lưới, loại hình giao thông trên địa bàn ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương. Bên cạnh đó, là hàng loạt những công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Với những lợi thế về địa hình, khí hậu, tiềm năng lao động, cùng với những hoạch định chiến lược và sự quan tâm, nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một trong những “điểm sáng” về thu hút đầu tư nguồn vốn nước ngoài. Sự hiện diện của những dự án tầm cỡ như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đã minh chứng cho điều đó. Cùng với sự vào cuộc của những doanh nghiệp lớn, Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhảy vọt. Năm 2018, tăng trưởng GRDP đạt 15,16% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Từ một tỉnh phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương, năm 2018, thu ngân sách của tỉnh đã vượt kế hoạch Trung ương giao và đang trên lộ trình cân đối, tự chủ thu - chi. Cùng với phát triển kinh tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khá ổn định. Lòng dân tin tưởng vào hệ thống pháp luật và hy vọng vào những khởi sắc mới.

Để đạt được những kết quả nhanh và toàn diện hơn nữa, các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát huy năng lực tự chủ, sự cần cù, sáng tạo để hội nhập phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Nguyễn Thanh Tiêu

Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -

Chi nhánh tại Thanh Hóa

Doanh nghiệp đang được thụ hưởng một môi trường kinh doanh với những cải cách vượt bậc

Hành trình đổi mới

Những năm gần đây, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn đã có những đổi thay đồng bộ. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang được thụ hưởng sự quan tâm, trách nhiệm với tư cách được phục vụ để vượt khó, bứt phá đi lên.

Hiện nay, môi trường hoạt động của DN đã có những cải thiện rõ rệt, thủ tục gia nhập thị trường đã được đơn giản hóa. Các DN tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí hoạt động so với trước. Tinh thần khởi nghiệp lên cao chưa từng có, hình thành làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng. Lĩnh vực kinh tế tư nhân được chú trọng. Cùng với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, phát triển DN trên địa bàn đã có sự tăng trưởng đột phá về số lượng và chất lượng hoạt động, khiến “bức tranh” kinh tế của tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Nhiều DN đã chủ động hội nhập, thích ứng với sự biến động của thị trường. Đồng thời, không ngừng tiếp cận, mở rộng quy mô và vươn lên làm chủ những công nghệ mới nhất trong sản xuất. Sự hiện diện của những sản phẩm với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và khả năng cạnh tranh trên thị trường đã minh chứng cho sức sống mới của DN xứ Thanh.

Để tạo những cú đột phá mới, giúp các DN phát huy được giá trị, sức mạnh tiềm năng, cộng đồng DN trong tỉnh mong muốn sự vào cuộc đồng đều, trách nhiệm hơn nữa từ các cấp chính quyền, nhất là sự vào cuộc của các cấp thực thi nhiệm vụ. Từ đó, tạo nguồn lực để các DN phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.

Trịnh Xuân Lâm

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tổng Công ty Tiên Sơn


Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]