(Baothanhhoa.vn) - Câu chuyện nàng Bình Khương gieo mình vào đá chết theo chồng là một trong những bí ẩn có sức ám ảnh ghê gớm, đã vén lên một phần quá trình kiến tạo tòa thành đá, mà ngày nay, mỗi khi nhắc đến người ta không khỏi xót xa và cảm phục!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền thờ nàng Bình Khương và câu chuyện đẫm nước mắt

Câu chuyện nàng Bình Khương gieo mình vào đá chết theo chồng là một trong những bí ẩn có sức ám ảnh ghê gớm, đã vén lên một phần quá trình kiến tạo tòa thành đá, mà ngày nay, mỗi khi nhắc đến người ta không khỏi xót xa và cảm phục!

Đền thờ nàng Bình Khương và câu chuyện đẫm nước mắt Đền thờ nàng Bình Khương.

Đền thờ nàng Bình Khương (thuộc địa phận làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) gắn liền với lịch sử hình thành kinh đô triều Hồ, cũng chính là Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã được UNESCO vinh danh. Công cuộc dời đô cấp bách, Thành Nhà Hồ được xây dựng trong khoảng thời gian “không tưởng” với khối lượng công việc đồ sộ. Để xây dựng thành, Hồ Quý Ly đã cho người đào đắp tới 80.000 m3 đất, khai thác vận chuyển, lắp đặt 20.000 – 25.000 m3 đá phiến, có những khối đá nặng tới 25 tấn (ở mặt tường cổng Tây). Một công trình kiến trúc to lớn phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn và gấp gáp, vì lúc này quân Minh đã lăm le xâm lược nước ta. Vậy nên, có vô số bí ẩn về quá trình dựng thành bị vùi sâu bên trong những đoạn tường đã mọc đầy cây bụi, hay được chôn chặt dưới chân thành, có lẽ phải chờ những cuộc khai quật quy mô mới lý giải hết được. Thế nhưng, vẫn có những bí ẩn đã trở thành giai thoại mà nhờ đó, hậu thế thấy được không chỉ là sự kỳ công và tài hoa của con người, mà còn thấy cả máu và nước mắt đã hắt lên đá mà trở thành rêu phong, thành lịch sử, thành văn hóa và thành cả những giá trị nhân sinh lớn lao hơn những khối đá hàng chục tấn, đã nằm im lìm suốt hơn 6 thế kỷ qua. Câu chuyện nàng Bình Khương gieo mình vào đá để chết theo chồng là một trong những bí ẩn có sức ám ảnh ghê gớm, đã vén lên một phần lịch sử kiến tạo tòa thành đá, mà ngày nay, mỗi khi nhắc đến người ta không khỏi xót xa và cảm phục.

Dân gian trong vùng còn truyền lại câu chuyện rằng, công cuộc đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu tại Thành Nhà Hồ được tiến hành hết sức gấp rút và nghiêm ngặt. Trần Cống Sinh (chồng nàng Bình Khương) là người được giao phụ trách việc xây dựng đoạn tường thành phía Đông, song bản thân ông cũng không biết vì lý do gì đoạn thành cứ xây gần xong lại bị sụt lở. Sau vài lần xây lại đổ, xây lại đổ, Trần Cống Sinh bị Hồ Quý Ly nghi ngờ có mưu làm phản, nên cố ý chậm trễ việc xây thành. Vậy là Hồ Quý Ly đã ghép cho Cống Sinh tội làm phản và sai người vùi thân chàng vào tường thành cửa Đông. Tương truyền, nàng Bình Khương nghe tin chồng bị chôn sống liền tìm tới động An Tôn. Khi biết chồng đã chết, nàng quá đau đớn và uất hận đã đập đầu vào đá để kêu oan cho chồng. Cái chết tiết liệt và ám ảnh để đòi lại công bằng cho chàng Cống Sinh của nàng Bình Khương đã khiến triều đình lúc bấy giờ phải tiến hành tra lại nguyên nhân khiến một đoạn tường thành phía Đông cứ xây lên cao lại đổ. Sau khi đào sâu xuống dưới người ta phát hiện ra chân đoạn tường thành phía Đông có mạch nước ngầm lớn thường có cát đùn, nên địa chất không ổn định. Đây là lý do khiến đoạn tường cứ xây xong lại bị sụt lở. Sau cùng, để khắc phục sự cố, Hồ Nguyên Trừng - tổng chỉ huy xây thành, đã cho lát một phiến đá to, rộng dưới chân móng. Từ đó, đoạn thành phía Đông mới được xây lên.

Câu chuyện về nàng Bình Khương tưởng chừng cứ thế mà bị lãng quên, cũng như tòa thành đá từng có giai đoạn chìm vào quên lãng khi đã kết thúc vai trò lịch sử của nó. Mãi đến năm 1903, tổng đốc Thanh Hóa lúc bấy giờ là Vương Duy Trinh trong một đêm nằm mộng đã gặp người phụ nữ khóc lóc kêu oan cho chồng. Sau khi hỏi thăm người trong vùng và được biết đó là nàng Bình Khương, ông liền cho quyên tiền xây dựng ngôi đền khang trang để thờ nàng và cho dựng bia ghi lại sự tích Cống Sinh - Bình Khương: “Tấm lòng trinh tiết in vào đá/ Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm”. Lần theo câu chuyện, chúng tôi tìm đến di tích nổi tiếng, gắn với câu chuyện bi thương nhưng đầy cảm động. Suốt một thời gian dài, ngôi đền thờ người phụ nữ tiết liệt đã bị nắng mưa bào mòn, cùng sự tác động của con người mà bị hủy hoại nghiêm trọng. Sau này, khi đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho trùng tu, tôn tạo lại di tích, để trả lại cho ngôi đền cơ ngơi như hiện nay, gồm một tiền điện và một gian hậu cung. Sự tồn tại của ngôi đền có thể xem như một minh chứng về một đoạn sự thật lịch sử đẫm nước mắt trong cả “cuộn sử” được dùng để ghi lại quá trình hình thành, tồn tại cùng những giá trị bất biến của Thành Nhà Hồ. Đồng thời, đó cũng là chứng tích nhằm lưu lại và đề cao tiết hạnh, phẩm giá của nàng Bình Khương nói riêng và vẻ đẹp đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam.

So với 3 tường thành còn lại, tường thành phía Đông có lẽ là bức tường còn giữ được tương đối nguyên vẹn hình dáng, cấu trúc, vật liệu, chiều cao... Suốt hơn 600 năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đoạn tường vẫn sừng sững như không chịu bất kỳ sự mài mòn nào của thời gian. Thế nhưng, có một đoạn ngắn dường như “lỗi nhịp” hẳn với chỉnh thể kết cấu bức tường. Đó chính là đoạn tường oan nghiệt, nơi bắt đầu tấm bi kịch oan khuất. Dưới bóng rợp mát của cây xanh và thảm cỏ ăn ra từ chân tường thành, trong khuôn viên đền thờ còn 2 nấm mộ của chàng Cống Sinh và người vợ trung trinh. Song, hiện vật có sức ám ảnh nhất trong câu chuyện về nàng Bình Khương mà bà Vũ Thị Lựu (thủ từ của đền) đã giới thiệu cho chúng tôi không phải 2 ngôi mộ, mà là tảng đá còn in dấu tay và đầu của nàng. Theo sử sách, vào đời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn, dân gian truyền tai nhau tin đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương, qua 500 năm vẫn còn in rõ trên phiến đá tường thành. Lúc bấy giờ, một viên hào lý làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng xa sẽ gây nhiều phiền nhiễu đến trị an của làng, nên đã thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Việc này được thực hiện âm thầm trong đêm không để một ai biết, thế nhưng sau khi đục xong phiến đá, người thợ bỗng nhiên mắc bệnh lạ rồi chết. Còn viên hào lý cũng chết một cách bí ẩn mà không rõ nguyên nhân. Sự việc đã khiến cho Tri phủ Đoàn Thước lo sợ, bèn sai lính tìm và đào phiến đá, rồi lắp vào chỗ cũ. Đồng thời, khắc lên phiến đá dòng chữ “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân chi thạch” (nghĩa là: Tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần).

Cũng nói về hiện vật đặc biệt này, Lưu Công Đạo – Tri huyện Vĩnh Lộc thời vua Gia Long (1816) – trong cuốn “Thanh Hóa tỉnh – Vĩnh Lộc huyện chí” có đoạn ghi lại: “Góc Đông Nam thành có một phiến đá lớn, ở giữa lõm xuống như hình đầu người, hai bên có hai vết lõm nhỏ như hình đôi tai. Lại thấy hai bên có hai vết lõm như in hình đôi bàn tay người còn thấy rõ hình ngón tay. Tục truyền, xưa nhà Hồ xây thành, dân phải đi phu dịch hết, sau không đủ cung cấp, họ Hồ tức giận lấy thân người lấp vào chỗ thành khuyết đó rồi xây lên. Người vợ là Khương (...) xót thương chồng chết, giận dữ chẳng tiếc tính mệnh, gào lên 3 tiếng, đập đầu vào chỗ đá ấy, hai bàn tay vỗ lên đá làm đá lõm xuống. Thời ấy không người nào là không rơi lệ, cảm động đến sự trinh tiết của nàng khiến đá cũng phải lõm”. Những chuyện được chép lại từ 600 năm trước và lưu truyền đến tận ngày nay, khó có thể kiểm chứng mức độ đúng sai. Duy có điều, trong ngôi đền thờ quanh năm nghi ngút khói hương này, phiến đá còn in một vết lõm sâu và hai vết lõm nông vẫn được đặt ở vị trí trang trọng nhất, như một sự khẳng định về tấm gương tiết liệt còn in trên đá ngàn năm không mòn.

Trải qua biết mấy là thời gian, câu chuyện về nàng Bình Khương gieo mình vào đá đã lẫn vào cát bụi, đã thấm vào hơi thở cổ xưa nơi thành đá và vẫn lẩn khuất trong nếp sống chầm chậm nơi làng cổ. Muôn vật vẫn không ngừng vận động và thay đổi, chỉ có tấm bia đá dựng trong đền luôn không ngừng nhắc nhở hậu thế về sự tồn tại của đền thờ Bình Khương, gắn liền với giai thoại về nhân vật được thờ phụng: “Thành mở đường hoa đà tuyệt tích/ Bia chuyện Bình Khương còn cảm kích/ Thư sinh mang sức cả muôn nhà/ Đá cứng, liễu mềm mà vô địch/ Vết bàn tay mất mặt gian hùng/ Oai thượng tướng vang trời hiển hách/ Nửa trời nhật nguyệt tỏ đến nay/ Triều Trần trung liệt ghi sử sách”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]