(Baothanhhoa.vn) - Tự học, tự rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đó cũng là những vấn đề cốt yếu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những nhà báo cách mạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn!

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn!

Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Minh

Tự học, tự rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đó cũng là những vấn đề cốt yếu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những nhà báo cách mạng.

Cách đây 94 năm, ngày 21-6-1925, tờ báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Để ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng thời nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, năm 1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21-6 hằng năm là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Những ngày này, báo giới cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta lại bồi hồi nhớ Bác - Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, một nhà báo lỗi lạc, người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sử dụng báo chí như một vũ khí đấu tranh sắc bén, là một phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng. Bản thân Người là tấm gương làm báo sáng ngời, là người thầy của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện ký, với gần 200 bút danh. Bài báo đầu tiên Bác viết năm 1919 là bài “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, bài báo cuối cùng là bài viết về thiếu nhi vào ngày 1-6-1969. Bác đã từng viết nhiều bài báo quan trọng, trong đó có tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đăng báo Nhân Dân ngày 3-2-1969. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng, quan điểm Người đưa ra vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên càng cho thấy ý nghĩa to lớn của tác phẩm. Suốt cuộc đời làm báo của mình, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo.

Bác là người nói và viết được bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, như: Anh, Pháp, Nga, Trung..., trước tiên là nhờ Bác có vốn tiếng Pháp khi còn học ở Quốc học Huế. Sau đó, trong thời gian bôn ba ở nước ngoài, đến nước nào Bác cũng bắt tay vào tự học tiếng nước đó, cứ rảnh rỗi là học, mỗi ngày cố gắng thuộc 10 từ, vừa học vừa hành. Bác viết báo say mê và cũng rất đam mê đọc báo. Điều đáng chú ý là khi đọc báo, cần lưu ý điều gì, Bác đều đánh dấu ngay bên lề, chỉ đạo ngay việc cần làm. Là người có trình độ chữ nghĩa uyên thâm song Bác luôn viết bằng ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu nhất. Bác luôn là người kỹ càng, thận trọng trong viết báo, viết văn. Bác đặt ra tiêu chí: Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ viết. Bác Hồ là một tấm gương về sự khiêm tốn. Lúc tập viết những tin, bài đầu tiên trên các báo Pháp, Bác kể lại: “Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí đăng cho, tôi không có tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của mình, Người luôn thực hiện “viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại”. Những kinh nghiệm quý báu ấy thật sự là cẩm nang, hành trang không thể thiếu của những người làm báo.

Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Bác luôn đòi hỏi nhà báo cách mạng phải có lập trường chính trị vững chắc. Có lập trường chính trị vững vàng sẽ giúp người làm báo phân tích đúng-sai, đánh giá tốt-xấu trong các vấn đề, đấu tranh với các luận điệu thù địch, đưa ra định hướng, hướng dẫn dư luận đối với quần chúng nhân dân. Quan điểm của Người về cách viết thể hiện rõ nét tính chiến đấu của báo chí cách mạng, tập trung quanh các câu hỏi Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác cho rằng, người làm báo phải có đạo đức trong sáng. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, vì báo chí là để “phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Với kinh nghiệm của một người viết báo lâu năm, bên cạnh những lời dạy nghiêm túc về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, Bác còn đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với nhà báo. Để người làm báo ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, tác phẩm báo chí ngày càng có hiệu ứng tích cực đối với xã hội, Bác đưa ra những lời khuyên chân thành: “Muốn viết báo thì cần: Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người...”.

Để có một tờ báo hay, có ý nghĩa, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của những người viết báo còn phải có sự hợp tác chặt chẽ của những người in báo, sửa báo, phát hành báo... Người nói: “Trong nghề báo có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô chú thích nói chữ là ngành “ấn loát”, cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu hoặc in mờ không rõ. Người viết bài lại thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là “ngư dân”, rồi người in lại in thiếu cái dấu ở chữ ư hóa ra “ngu dân”. Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt. Việc phát hành cũng rất quan trọng... Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành... đều phải ăn khớp nhau”.

Báo chí dù ở thời chiến hay trong thời đại công nghệ 4.0 hôm nay, dù phương tiện làm nghề có hiện đại nhưng những vấn đề cốt yếu của báo chí và của người làm báo vẫn không thay đổi. Làm thế nào để có thể “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì mỗi phóng viên, nhà báo phải hàng ngày tự học và tự rèn luyện mình. Tự học, tự rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đó cũng là những vấn đề cốt yếu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những nhà báo cách mạng.

Tinh thần báo chí, thái độ với báo chí, cách làm báo và cả cách đọc báo của Bác luôn như một lời nhắc nhở ân cần, yêu thương đối với những người làm báo cách mạng chân chính. Lấy tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay có thể thấy, những di sản báo chí của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xin kết thúc bài viết bằng hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu:

“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi...”.

Đức Anh


Đức Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]