(Baothanhhoa.vn) - Qua khảo sát, đánh giá, hiện tại TP Thanh Hóa đang ở giai đoạn 2 – giai đoạn phát triển cơ bản trong 4 giai đoạn phát triển của lộ trình chuyển đổi theo mô hình đô thị thông minh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh

Qua khảo sát, đánh giá, hiện tại TP Thanh Hóa đang ở giai đoạn 2 – giai đoạn phát triển cơ bản trong 4 giai đoạn phát triển của lộ trình chuyển đổi theo mô hình đô thị thông minh.

Xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh

Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Khôi

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu “đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh đứng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”. Điều này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của thành phố nhằm tạo nên bước đột phá mới để bắt kịp xu hướng phát triển chung của thời đại.

Đô thị thông minh (ĐTTM) là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt. TP Thanh Hóa là địa phương có nhiều lợi thế để xây dựng ĐTTM. Giai đoạn 2016-2020, việc ứng dụng và phát triển thông tin (CNTT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố đã đạt được nhiều kết quả. Hạ tầng CNTT viễn thông tương đối hoàn chỉnh, hệ thống mạng cáp quang đã phủ khắp địa bàn thành phố, cung cấp đầy đủ dịch vụ Internet và đường truyền số liệu có băng rộng với 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn là Viettel, VNPT và FPT. Trình độ dân trí cao, hiện nay thành phố có trên 70% dân số sử dụng Internet, các thiết bị thông minh cũng được sử dụng rộng rãi. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi CNTT, cung cấp một số dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chương trình xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ và có chất lượng, 100% cán bộ, công chức từ thành phố đến các phường, xã có tài khoản và sử dụng thư điện tử công vụ làm việc trên môi trường mạng; 100% các chức danh trong hệ thống chính trị thực hiện ký số, sử dụng chứng thư số để giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả ở mọi lúc, mọi nơi. Công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ và tích cực như: dịch vụ hành chính công, phần mềm tương tác trực tuyến tiếp nhận phản ánh kiến nghị trực tuyến của người dân; phòng họp không giấy tờ E-Cabinnet, phòng họp trực tuyến; hệ thống camera giám sát tại các tuyến phố và khu dân cư, các phần mềm quản lý y tế, giáo dục, dân cư được áp dụng... Hiện nay, các hệ thống này đang hoạt động và phát huy hiệu quả tích cực.

Qua khảo sát, đánh giá, hiện tại TP Thanh Hóa đang ở giai đoạn 2 – giai đoạn phát triển cơ bản trong 4 giai đoạn phát triển của lộ trình chuyển đổi theo mô hình ĐTTM. Trong thời gian tới, TP Thanh Hóa sẽ phát triển lên giai đoạn 3 – giai đoạn phát triển nâng cao. Bắt tay vào thực hiện, năm 2021, TP Thanh Hóa đã xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng TP Thanh Hóa trở thành ĐTTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và đã được UBND tỉnh, các sở, ngành cho ý kiến cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội; tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực trong thành phố; nâng cao chất lượng sống và làm việc; quản trị ĐTTM hơn; nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững của thành phố. Giai đoạn này, thành phố tập trung xây dựng hạ tầng CNTT và viễn thông đồng bộ; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của chính quyền và xây dựng hệ thống giám sát an ninh trật tự đô thị, an toàn giao thông bằng việc lắp đặt hệ thống camera ở các vị trí trọng yếu. Đối với ứng dụng công dân thông minh sẽ thiết lập miễn phí tài khoản điện tử cho trên 80% người dân thành phố để sử dụng các tiện ích của ĐTTM và để công dân tương tác với chính quyền qua hệ thống thông tin điện tử của địa phương. TP Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị tiêu biểu của khu vực Bắc Trung bộ tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu đưa tỉnh Thanh Hóa hướng tới là một trong các tỉnh dẫn đầu về phát triển kinh tế trong khu vực. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ, phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, du khách tốt hơn. Các dịch vụ công được được cung cấp dưới dạng cá nhân hóa theo nhu cầu, phát huy nguyên tắc người dân làm trung tâm của ĐTTM. Mô hình và lộ trình triển khai ĐTTM cũng sẽ được thực hiện theo 7 lĩnh vực gồm hạ tầng kỹ thuật CNTT và viễn thông, quản lý điều hành, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự, giao thông vận tải, môi trường và kinh tế, nhưng ở mức cao hơn giai đoạn 2021-2025.

Việc xây dựng ĐTTM có rất nhiều lợi ích. Người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp các công cụ hỗ trợ để tiếp cận nhanh chóng các dịch vụ công, tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra môi trường an toàn, tiện lợi hơn. Đối với chính quyền, sẽ quản lý toàn bộ dữ liệu một cách thống nhất, đồng bộ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, hỗ trợ chính quyền chỉ đạo và điều hành một cách toàn diện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. TP Thanh Hóa có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Việc xây dựng TP Thanh Hóa trở thành ĐTTM là hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế của thời đại. Đó cũng là giải pháp quan trọng để giải quyết các khó khăn, thách thức, đưa TP Thanh Hóa bứt phá lên một tầm cao mới, nâng cao tính cạnh tranh của thành phố, giúp thành phố tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Khôi


Minh Khôi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]