(Baothanhhoa.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, khi lòng người ngập tràn niềm vui về đất nước tròn 45 mùa xuân thống nhất, cựu chiến binh Trần Đình Ất, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) cũng thấy tự hào vì ông và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắm lá cờ của quân giải phóng trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy vào trưa ngày 30-4-1975.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào là người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy

Những ngày tháng Tư lịch sử, khi lòng người ngập tràn niềm vui về đất nước tròn 45 mùa xuân thống nhất, cựu chiến binh Trần Đình Ất, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) cũng thấy tự hào vì ông và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắm lá cờ của quân giải phóng trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy vào trưa ngày 30-4-1975.

Tự hào là người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy

Bác Trần Đình Ất, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) – người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

Năm 1968, chàng thanh niên Trần Đình Ất sẵn sàng “gác bút nghiên lên đường nhập ngũ” vào Sư đoàn 338 của Bộ Quốc phòng để huấn luyện quân tăng cường, bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam và 3 nước Đông Dương. Với trình độ văn hóa lớp 10 thời ấy, lại có nhiều nỗ lực, cố gắng trong quá trình huấn luyện, thanh niên Trần Đình Ất được cấp trên cử đi học 2 lần tại Trường hạ sĩ quan và về làm Trung đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 46 quân khu Hữu Ngạn (Ninh Bình).

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn vô cùng cam go và ác liệt, Trung đoàn 46 được lệnh chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Lúc ấy, thị xã Quảng Trị mà tâm của nó là Thành cổ trở thành điểm phá hủy và thử nghiệm vũ khí giết người hàng loạt của đế quốc Mỹ. Trung đoàn 46 đổi tên thành Trung đoàn 48, nằm trong đội hình của Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Tháng 2-1972, toàn trung đoàn lên đường ra mặt trận. Trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông Trần Đình Ất là Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội 5, Trung đoàn 48. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi cát cây ba chạc Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong và các mục tiêu quan trọng khác là ngã ba Long Hưng, Quất Xá, Tân Mỹ, Cam Lộ... Cuộc chiến không cân sức diễn ra vô cùng khốc liệt, nhưng với quyết tâm “còn người còn trận địa, còn người còn tiến công”, dưới sự chỉ huy của ông Trần Đình Ất, Đại đội 5 cùng với các đơn vị bạn đã đánh nhiều trận xuất sắc, đẩy lùi các cuộc tấn công của địch.

Là người từng tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, ở nhiều chiến trường khốc liệt khác nhau, nhưng với ông Trần Đình Ất, tự hào và đáng nhớ nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đầu năm 1975, Trung đoàn 48 đang thực hiện nhiệm vụ đắp đê ở sông Đáy (Ninh Bình) thì được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận...”, toàn Trung đoàn 48 hành quân không kể ngày đêm từ Ninh Bình vào Sài Gòn, từng đoàn xe cơ giới nối đuôi nhau ra mặt trận. Ông Trần Đình Ất, nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B nhớ lại: “Sau nhiều ngày hành quân vất vả, toàn đơn vị đã có mặt tại Đồng Xoài, địa điểm tập kết được cấp trên ấn định và nhận nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ Tân Uyên và cầu Bình Triệu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tối ngày 28-4, đơn vị tiếp tục được lệnh hành quân đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Trong quá trình hành quân, tôi đại diện cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 nhận lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” rộng 3,4m, dài 4,8m của Trung đoàn 48 để cắm lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy”.

Để thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng này, Đại đội 5 đã thành lập 2 thê đội, thê đội 1 trực tiếp cắm cờ, thê đội 2 dự bị. Nếu cán bộ, chiến sĩ thê đội 1 hy sinh, thê đội 2 sẽ thay thế thực hiện mục tiêu cắm cờ. 8 giờ 30 phút ngày 30-4, Đại đội 5 là mũi chủ công đi đầu đã đánh vào đường Võ Tánh - cổng chính của Bộ Tổng tham mưu. Đồng chí Lại Đức Lưu, Đại đội trưởng Đại đội 5 và đồng chí Trần Đình Ất, Chính trị viên Đại đội 5 ngồi trên xe tăng T59 và M48 cùng đồng đội dùng các loại hỏa lực B40, B41 chống trả lại sự bắn phá từ trên tầng cao của quân địch và tiêu diệt được nhiều kẻ thù. Tiếp đó, Đại đội 5 tiến tràn vào khu vực Bộ Tổng tham mưu, đánh chiếm và chốt giữ các khu vực tại đây. Tổ cắm cờ gồm Đại đội trưởng Lại Đức Lưu, Chính trị viên Trần Đình Ất và 3 đồng chí khác đã tiến lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Mỗi người một nhiệm vụ, người hạ cờ của quân địch, người mở ba lô lấy cờ, người lồng cờ vào cán, người tung cờ, chỉ trong chốc lát, lá cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

Để ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320B trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, tại nhà truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 390 (thị xã Bỉm Sơn) đã lưu giữ rất nhiều hình ảnh và hiện vật quan trọng. Trong đó, tấm ảnh cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy được treo trang trọng phía trên sa bàn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Không chỉ thế, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy còn được tái hiện lại qua bức phù điêu đặt ở chính giữa phòng trưng bày số 5, là minh chứng quan trọng cho thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Sau giải phóng, Chính trị viên Trần Đình Ất đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội. Khi nghỉ chế độ và trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn miệt mài với hoạt động nghĩa tình đồng đội và đau đáu nỗi mong chờ được gặp lại những người đã cùng ông tham gia trận đánh cuối cùng ngày 30-4, cùng ông đưa lá cờ của quân giải phóng tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy trong thời khắc lịch sử ấy.

Bài và ảnh: Thu Vui


Bài Và Ảnh: Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]