(Baothanhhoa.vn) - Không có những trận chiến đấu rung trời, chuyển đất trong những năm 1930 - 1931 thì không thể có cao trào những năm 1936 - 1939, không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và không có đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay. Xô Viết Nghệ Tĩnh với biểu tượng “Tiếng trống và ngọn lửa năm 30” vang vọng mãi trong lòng dân tộc, là cuộc tổng diễn tập, rèn luyện lực lượng đầu tiên cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không chỉ xứng đáng với danh hiệu “đỏ”, cùng dân tộc Việt Nam viết tiếp bản hùng ca “đỏ” trên tầm cao mới, liên tiếp đánh bại hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn để lại bài học quý đối với công cuộc đổi mới hiện nay.

Tiếng trống, ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931: Vang vọng và rực sáng

Không có những trận chiến đấu rung trời, chuyển đất trong những năm 1930 - 1931 thì không thể có cao trào những năm 1936 - 1939, không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và không có đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay. Xô Viết Nghệ Tĩnh với biểu tượng “Tiếng trống và ngọn lửa năm 30” vang vọng mãi trong lòng dân tộc, là cuộc tổng diễn tập, rèn luyện lực lượng đầu tiên cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không chỉ xứng đáng với danh hiệu “đỏ”, cùng dân tộc Việt Nam viết tiếp bản hùng ca “đỏ” trên tầm cao mới, liên tiếp đánh bại hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn để lại bài học quý đối với công cuộc đổi mới hiện nay.

Tiếng trống, ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931: Vang vọng và rực sáng

Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (tranh của Nguyễn Đức Nùng).

Tháng 9-1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Từ đây, Nhân dân ta phải sống trong cực khổ, lầm than, rên xiết dưới xiềng xích “một cổ hai tròng” thực dân, phong kiến.

Từ cuối những năm 1920, các nước tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. “Trong lịch sử chủ nghĩa tư bản, cho đến lúc đó, cuộc khủng hoảng 1929 - 1933 là cuộc khủng hoảng lớn nhất, sâu sắc nhất và gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhất, lâu dài nhất về kinh tế, chính trị, xã hội”(1). Để thoát khỏi khủng hoảng, các nước đế quốc không chỉ tăng cường bóc lột sức lao động ở chính quốc, mà còn tìm mọi cách trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng lên đầu Nhân dân thuộc địa và nửa thuộc địa bằng cách tăng cường bóc lột sức lao động, vơ vét tài nguyên thiên nhiên... Việt Nam là thuộc địa của Pháp, nên Nhân dân ta, đặc biệt công nhân và nông dân là những nạn nhân trực tiếp và chịu hậu quả nặng nề nhất. Họ ngày càng bị bần cùng hóa, bị bóc lột dã man ngay trên mảnh đất quê hương mình. Mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc.

Giữa lúc đó, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của lịch sử, kịp thời trực tiếp lãnh đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng công, nông đang bùng lên mạnh mẽ, rộng khắp cả nước. Nghệ - Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Vinh - Bến Thủy lại là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, có giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đảng bộ Nghệ An và Đảng bộ Hà Tĩnh sớm được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đây chính là điều kiện, tiền đề cho phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân ở Nghệ Tĩnh phát triển thành đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931 cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận Vinh - Bến Thủy đã rầm rộ biểu tình thị uy, phất cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị... Đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân sát cánh bên nhau trong đấu tranh chống kẻ thù, mở đầu cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trên đà phát triển mạnh mẽ đó, ngày 1-8-1930, đã nổ ra cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy. Nhân dân huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã kéo lên huyện đường đấu tranh. Ngày 30-8, nông dân huyện Nam Đàn với khoảng 3.000 người kéo đến phá huyện đường, thả tù chính trị. Ngày 1-9, khoảng 20.000 nông dân huyện Thanh Chương đã kéo lên đốt huyện đường, thả tù chính trị, trừng trị bọn phản động gian ác, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh quyết liệt “đòi dân chủ và độc lập dân tộc”. Tiếp đó, khắp các địa phương của Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ.

Đỉnh cao của phong trào là ngày 12-9-1930, hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên đã kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách, hô vang các khẩu hiệu chống đế quốc thực dân, phong kiến. Thực dân Pháp đã man rợ, dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình, làm hàng trăm người chết và bị thương. Không chùn bước trước bom đạn của kẻ thù, phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ - Tĩnh ngày càng dâng cao, lan rộng ra ở nhiều địa phương, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều nơi. Trước tình hình chính quyền địch tan rã, các chi bộ đảng và Nông hội đỏ đã chủ động thiết lập, đứng ra điều hành, quản lý mọi mặt đời sống chính trị, xã hội ở nông thôn và làm nhiệm vụ của chính quyền Nhân dân theo hình thức Xô Viết. Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho Nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh, chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý... Chính quyền Xô Viết tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình, thực sự là một “chính quyền của dân, do dân và vì dân”.

Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng công nông trong cả nước nổi dậy đấu tranh. Thực hiện chủ trương và lời kêu gọi của Đảng, Nhân dân nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục vùng lên đấu tranh, phản đối chính sách đàn áp, bóc lột hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến, chống khủng bố “trắng”. Ngoài khẩu hiệu đòi tăng lương giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, còn xuất hiện khẩu hiệu mang tính chính trị: Ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô Viết... Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Yên, Quảng Trị, Quảng Ngãi... không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết “chia lửa” cùng Nhân dân Nghệ - Tĩnh mà còn minh chứng sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam chống lại sự áp bức, nô dịch của đế quốc và tay sai phong kiến.

Ở Thanh Hóa, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 29-7-1930, Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập. Thực hiện nhiệm vụ do Xứ ủy Bắc Kỳ giao, cuối tháng 4-1931, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã tổ chức một hội nghị mở rộng gần phà Ghép, phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và ủng hộ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. “Ngày 1-5-1931, tại thị xã Thanh Hóa, cờ Đảng đã tung bay trên nóc nhà ga Thanh Hóa và cây đa làng Si (nay thuộc xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương). Truyền đơn cách mạng với nội dung hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được rải ở nhiều địa điểm đông người qua lại ở thị xã Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, một số đảng viên đã được phân công vào các nhà máy, đồn điền để tổ chức Công hội đỏ, vận động công nhân đoàn kết đấu tranh đòi bọn chủ phải tăng tiền công, giảm giờ làm, không được đánh đập, cúp phạt vô lý”(2).

Trước khí thế sục sôi của cao trào cách mạng và ngọn lửa Xô Viết rực sáng, thực dân Pháp cùng tay sai đã tăng cường lực lượng đàn áp và tiến hành cuộc “khủng bố trắng” vô cùng tàn bạo, dìm các phong trào đấu tranh của Nhân dân ta trong bể máu. Nhiều cơ sở đảng bị đàn áp, nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt bớ, tù đày, chém giết, nhiều làng xóm bị tàn phá, thiêu rụi. Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tạm thời lắng xuống vào cuối năm 1931.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một nhà nước công nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ. Quốc tế Cộng sản đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao phong trào. Hình ảnh của lá cờ đỏ búa liềm cùng với một chính quyền kiểu mới thực sự do Nhân dân làm chủ vẫn còn khắc sâu trong tâm trí quần chúng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng độc lập tự do, nung nấu ý chí quyết tâm làm cách mạng đến cùng của Nhân dân ta.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Thành công có tính chiến lược của Đảng trong giai đoạn này là thực hiện công nông liên minh, một cuộc liên minh chiến đấu, một cuộc liên minh của đa số đồng bào Việt Nam, làm cho đế quốc kinh hoàng. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”(3).

Cao trào 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã để lại bài học lớn về sức lôi cuốn, tập hợp được đông đảo các tầng lớp Nhân dân của Đảng ta thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của Nhân dân. Quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản được thực hiện trọn vẹn, tuy Đảng còn rất trẻ. Đảng ta ngay từ đầu đã giúp Nhân dân cảm nhận được những lợi ích cơ bản và cấp bách của mình thông qua các chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn là giành độc lập thoát khỏi ách nô lệ, giành ruộng đất, nhà máy về tay công nông, thực hiện những quyền dân sinh, dân chủ cơ bản đầu tiên..., từ đó khơi dậy và thúc đẩy động lực cách mạng trong Nhân dân.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với xu thế phát triển thời đại và nguyện vọng, lợi ích thiết thực, chính đáng của Nhân dân để hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đổi mới đang là nhiệm vụ cấp bách, to lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy những giá trị cao đẹp, xác định đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”. 92 năm đã qua, bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, liên minh công - nông trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh mãi là ngọn lửa cho sức mạnh Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

(1) Viện Sử học Việt Nam (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 9, từ năm 1930 đến năm 1945, NXB KHXH, HN, tr.27.

(2) Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa (2020), 90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020): Những dấu ấn và thành tựu nổi bật, NXB Thanh Hóa, tr.71.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, HN, 1969, tr.9.

PGS.TS Hoàng Thanh Hải


PGS.TS Hoàng Thanh Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]