(Baothanhhoa.vn) - Năm 1975, với sức tiến công thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước đã sạch bóng quân thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đến nay, đất nước đã tròn 45 năm mùa xuân thống nhất, nhưng ký ức về những ngày tháng khốc liệt, hào hùng làm nên Đại thắng mùa xuân vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính từng sống, chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa...”

Năm 1975, với sức tiến công thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước đã sạch bóng quân thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đến nay, đất nước đã tròn 45 năm mùa xuân thống nhất, nhưng ký ức về những ngày tháng khốc liệt, hào hùng làm nên Đại thắng mùa xuân vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính từng sống, chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa...”

Bác Đào Ngọc Vân, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) kể cho các cháu nghe kỷ niệm thời chiến trường.

Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, cảm xúc về một thời máu lửa lại ùa về trong trái tim đầy cảm xúc của bác Phùng Thiên Hổ, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Bác Hổ nhớ lại: “Ngày 12-3-1975, đơn vị tôi đang ở Quảng Trị thì nhận được lệnh tham gia chiến dịch mùa xuân. Lúc đó, tôi là Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Từ Quảng Trị, đơn vị bắt đầu hành quân liên tục. Cuộc hành quân vô cùng gian khổ, cả đơn vị phải đi bộ, mỗi người mang theo 35 đến 40 kg súng đạn trên lưng. Tới Đà Nẵng, một lực lượng được nhập đoàn và hành quân bằng xe tăng, lực lượng khác tiếp tục hành quân bộ đến bán đảo Sơn Trà. Ngày 16-4, đơn vị nhận lệnh hành quân thần tốc, cuộc hành quân miền duyên hải từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn được thực hiện trong một thời gian ngắn. Khi tới Biên Hòa, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào Trường sĩ quan thiết giáp Nước Trong. Quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, dù gặp phải sự bắn trả ác liệt của quân địch nhưng đơn vị đã chuẩn bị kỹ càng và có trận phản kích quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ, bắt sống 8 tù binh và yêu cầu các tù binh này kêu gọi đồng bọn ra hàng. Sau đó, đơn vị phát triển ra đường 15 và mở đường cho lực lượng phía sau tiến vào giải phóng Sài Gòn. Từ chiều ngày 26-4, sau khi mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, bầu trời Sài Gòn rung chuyển bởi tiếng nổ của đạn, pháo, xe tăng và các loại động cơ, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng ai cũng hừng hực khí thế chiến đấu. Trong trận chiến ấy, chúng tôi đã đánh giáp lá cà với quân địch, tiêu diệt nhiều tên lính Ngụy và được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Trong cuộc chiến hết sức ác liệt ấy, Đại đội 11 có 102 cán bộ, chiến sĩ thì 14 người đã ngã xuống và 33 người bị thương, tôi cũng bị thương rất nặng vào đầu”.

Là đơn vị hỏa lực được giao nhiệm vụ đi phía sau hỗ trợ cho bộ binh tấn công, bác Phạm Hồng Xuyên, nguyên Tiểu đội phó Tiểu đội pháo cối 120 ly, Đại đội 14, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 vẫn nhớ rất rõ những trận đánh gian khổ, khốc liệt của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Sáng ngày 26-4, khi lính bộ binh Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 của đồng chí Phùng Thiên Hổ đang thực hiện nhiệm vụ để đánh vào Trường sĩ quan thiết giáp Nước Trong thì bị trực thăng của địch phát hiện, chúng bắn rốc két xối xả vào quân ta” – bác Xuyên nhớ lại. “Đại đội tôi được lệnh bắn trả, mỗi người một nhiệm vụ, pháo thủ số 1 ngắm bắn, pháo thủ số 2 thả đạn và pháo 12 ly 7 của đơn vị đã bắn rơi 2 trực thăng của địch. Những ngày tiếp theo, khi ở rừng cao su Ông Quế, tổng kho Long Bình và Trung tâm Cảnh sát quốc gia Ngụy, pháo binh của đơn vị tiếp tục chi viện đắc lực cho bộ binh tấn công vào các mục tiêu quan trọng. Đêm ngày 29-4, theo chiến thuật của cấp trên, đơn vị được lệnh dừng lại để cho các đơn vị khác tiến vào đánh chiếm Sài Gòn”.

Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận...”, bác Nguyễn Như Minh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B cùng đơn vị của mình đã hành quân với tốc độ nhanh phi thường. Chỉ mất 16 ngày, Sư đoàn 320B đã vượt gần 2.000 km từ Ninh Bình và có mặt tại Đồng Xoài, địa điểm tập kết được cấp trên ấn định. Sư đoàn 320B nằm trong đội hình Quân đoàn 1, cùng với 3 quân đoàn khác làm thành thế gọng kìm xiết chặt hang ổ cuối cùng của chế độ Mỹ, Ngụy. Ngày 24-4, đơn vị được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Cả đơn vị vui mừng vì đây là vinh dự quá lớn lao nên ai cũng chuẩn bị cho mình đầy đủ vũ khí, quân tư trang, đặc biệt không ai quên chuẩn bị thêm một lá cờ và mong muốn mình là người đến trước cắm cờ vào giờ phút lịch sử đó. Trong trận chiến quyết liệt những ngày cuối tháng 4, đơn vị đã đánh chiếm được cầu Bình Triệu, bắn cháy 2 xe tăng M48, nhiều quân địch đầu hàng, bỏ vũ khí, súng đạn. Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Như Minh, Đại đội 7 tiếp tục tiến đánh vào cổng 2 Dinh Độc Lập và tiêu diệt nhiều quân địch. Cùng lúc đó, các cánh quân khác của ta cũng đồng loạt tiến công vào những mục tiêu trọng yếu khác của địch.

Đã 45 năm trôi qua, nhưng câu chuyện về thời khắc lịch sử lái chiếc xe Jeep chở Tổng thống Dương Văn Minh ra đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bác Đào Ngọc Vân, lính lái xe của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 1. Bác kể cho chúng tôi nghe với giọng đầy tự hào, phấn khởi: “Khi được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, từng đoàn xe chở chiến sĩ Trung đoàn 66 nối đuôi nhau hành quân ngày đêm từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Tôi được giao nhiệm vụ lái xe chở cán bộ của trung đoàn. Sáng ngày 30-4-1975, Trung đoàn 66 nhận lệnh khẩn cấp phối hợp với các đơn vị tiến thẳng vào Sài Gòn. Tôi lái chiếc xe Jeep chở đồng chí Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn Phó Trung đoàn 66 và một số đồng chí khác vượt cầu Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập. Lúc này, có một người dân chạy ra cắm vào đầu chiếc xe của tôi lá cờ giải phóng rất to. Đến cổng Dinh Độc Lập, chiếc xe tăng thứ nhất có nhiệm vụ phá cổng phụ, chiếc thứ 2 phá cổng chính và rẽ trái, chiếc thứ 3 tiến vào rẽ phải ôm trọn Dinh Độc Lập. Chiếc xe Jeep do tôi lái bám sát phía sau băng qua cánh cổng chính đưa chỉ huy của trung đoàn tiến thẳng vào sân. Đồng chí Phạm Xuân Thệ và các chiến sĩ nhanh chóng di chuyển lên tầng hai tòa nhà, còn tôi ôm lá cờ giải phóng được người dân cắm ở đầu xe chạy lên nóc nhà Dinh Độc Lập và liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm giữ được Dinh Độc Lập. Vài phút sau, tôi nhận lệnh lái chiếc xe Jeep đưa đồng chí Phạm Xuân Thệ, Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, tất cả các loa phóng thanh ở Sài Gòn cùng phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Lời tuyên bố kết thúc, mọi người vỡ òa trong niềm hạnh phúc chiến thắng”.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng đổi mới, vươn mình lớn mạnh cùng thời gian nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa xuân vẫn mãi là niềm tự hào trong ký ức của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là với những người trực tiếp cầm súng chiến đấu. Một mùa xuân thống nhất nữa lại về, mỗi người dân Việt Nam lại hân hoan ngược dòng lịch sử để cùng nhau sống lại thời khắc thiêng liêng, hào hùng, trọng đại của cả dân tộc.

Bài và ảnh: Tố Phương


Bài Và Ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]