(Baothanhhoa.vn) - Đường Hồ Chí Minh trên biển - “con đường huyền thoại” trong lịch sử là nơi hoạt động của những đoàn “tàu không số” chuyên vận chuyển vũ khí và lực lượng phục vụ chiến trường miền Nam. Đã có rất nhiều người con Thanh Hóa hiến dâng tuổi xuân của mình trên “con đường huyền thoại” ấy, góp phần làm nên những kỳ tích của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2021)

Ký ức “con đường huyền thoại”

Đường Hồ Chí Minh trên biển - “con đường huyền thoại” trong lịch sử là nơi hoạt động của những đoàn “tàu không số” chuyên vận chuyển vũ khí và lực lượng phục vụ chiến trường miền Nam. Đã có rất nhiều người con Thanh Hóa hiến dâng tuổi xuân của mình trên “con đường huyền thoại” ấy, góp phần làm nên những kỳ tích của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ký ức “con đường huyền thoại”Hải đoàn 128, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) trao quà cho quân nhân từng tham gia đoàn “tàu không số”. Ảnh: Tố Phương

Những năm đầu chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngoài con đường Trường Sơn trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển cũng được hình thành để cung cấp vũ khí cho các tỉnh miền Nam, nơi mà đường bộ không vươn tới được. Trong khi Tiểu đoàn 301 mở đường xuyên Trường Sơn trên bộ thì Tiểu đoàn 603 bắt đầu mở đường trên biển. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn 603 ẩn dưới cái tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh. Tết Canh Tý năm 1960, chuyến đi đầu tiên của Tiểu đoàn 603 đưa vũ khí vào chiến trường khu V bất thành do thời tiết xấu và gặp quân địch. Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động để tìm phương án mới. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, một số đội tàu của các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu... đã vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí, sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu từ Bắc vào Nam. Những chuyến tàu vận chuyển thành công là cơ sở quan trọng để xúc tiến thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. Ngày 23-10-1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập. Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt này, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân trên biển. Tên gọi đoàn “tàu không số” ra đời từ đó.

Là thế hệ cán bộ đầu tiên của miền Bắc tham gia đoàn “tàu không số”, Trung tá Vũ Trung Tính, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn vinh dự được làm nhiệm vụ trên 2 tàu 154 và 42. Trong ký ức của cựu chiến binh Vũ Trung Tính, mỗi chuyến đi của đoàn “tàu không số” là cuộc đấu trí, đấu lực giữa những chiếc tàu nhỏ bé của quân ta với lực lượng hùng hậu của hải quân Mỹ. Trong những chuyến đi bám “tàu không số”, ông nhớ nhất là lần tàu 42 thực hiện chuyến đi tái mở đường sau sự kiện Vũng Rô ở Phú Yên (tàu 143 của ta bị địch phát hiện và ném bom chìm). Ông Tính kể: Sau sự kiện Vũng Rô, Mỹ kiểm soát rất gắt gao, con đường vận chuyển chiến lược trên biển bị lộ. Trước tình hình đó, cấp trên lệnh cho cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn 125 (năm 1964 Đoàn 759 đổi tên thành Đoàn 125) phải nghiên cứu lại con đường vận chuyển theo hướng mới để kịp thời chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Tàu 42 được đưa sang Trung Quốc cải dạng thành tàu đánh cá để thực hiện nhiệm vụ mới. Đêm 15-10-1965, từ Hải Phòng, tàu 42 rời bến chở theo 60 tấn vũ khí. Nếu như trước đây các tàu của ta đi theo hướng ven bờ biển thì nay đổi hướng, đi vòng sang vùng biển quốc tế để tránh sự phát hiện của địch. Thử thách khó khăn nhất cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu là không có hải đồ biển của các nước. Vì thế, thay bằng đi theo phương pháp hàng hải địa văn (đi theo hải đồ) thì tàu 42 phải đi theo phương pháp hàng hải thiên văn (tức là dựa vào mặt trăng, mặt trời và các vì sao để xác định vị trí trên đường đi). “Tôi lúc bấy giờ hiểu biết về thiên văn nên được tin tưởng giao nhiệm vụ “dò đường”. Không ngờ mình lại làm cái việc mà trước đó chưa có tiền lệ. Trong cuộc hành trình “phong ba, bão táp” ấy, có những thời khắc tàu 42 ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi đối diện với tàu chiến của Mỹ và bị chúng áp sát. Những lúc như thế, chúng tôi phải thay đổi kế hoạch, chuyển hướng liên tục. Sau gần 10 ngày đối đầu với quân giặc, ngày 24-10, con tàu 42 đã cập bến rạch Kiến Vàng, tỉnh Cà Mau an toàn. Chuyến đi thắng lợi mở đường mới của tàu 42 đã được đánh giá rất cao. Sau chuyến đi lịch sử đó, tôi tiếp tục tham gia đoàn “tàu không số” cho đến năm 1970 với tất cả 18 chuyến vượt biển, vận chuyển thành công hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam những ngày đánh Mỹ” - ông Tính cho biết.

Đã 79 tuổi nhưng trong trí nhớ của Trung tá Lê Duy Mai, phố Hồng Phong 1, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn vẫn còn hằn in những kỷ niệm cùng đoàn “tàu không số”. Để phục vụ chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông Lê Duy Mai và các chiến sĩ tàu C235 nhận lệnh chở 16 tấn vũ khí cập bến Hòn Hèo (tỉnh Khánh Hòa). Lúc bấy giờ, việc đưa được con tàu vào bến Hòn Hèo là cả một thách thức vô cùng khó khăn và táo bạo bởi đây là hang ổ, là căn cứ mà địch canh phòng rất cẩn thận. Ông Mai nhớ lại: “Ngày 6-2-1968, tàu C235 do đồng chí Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng bắt đầu xuất bến, khi cách Hòn Hèo 38 hải lý thì chúng tôi được lệnh quay lại vì bị tàu địch phát hiện và bám theo. Ngày 27-2-1968, tàu lại tiếp tục xuất phát. Cách bến Hòn Hèo 19 hải lý, tàu C235 bị quân địch phát hiện, chúng tổ chức bao vây hòng bắt sống cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Thế nhưng, với tài năng, bản lĩnh và sự khôn khéo, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã nhanh trí chỉ huy cho tàu luồn lách qua đội hình của địch để vào bến xã Ninh Phước mà không bị phát hiện. Cách bờ vài trăm mét, tàu C235 đánh tín hiệu xin thả hàng nhưng không thấy phía bến trả lời. Tình thế vô cùng căng thẳng, quân địch ngày càng tiến gần hơn, nếu chậm trễ, việc thả hàng có nguy cơ bị lộ. Trong tình thế cấp bách đó, chúng tôi quyết định thả hàng, từng hòm vũ khí nặng được chuyền tay nhau xuống biển. Hàng thả xong cũng là lúc tàu C235 bị bủa vây bởi pháo sáng và tàu chiến của địch. Chúng bắn đạn cỡ lớn phía trên bờ hòng không cho quân ta chạy thoát, đồng thời dùng các loại súng nhỏ bắn thẳng vào tàu để tiêu diệt. Cuộc chiến không cân sức diễn ra giữa tàu C235 đơn lẻ và kẻ thù hung hãn, được trang bị vũ khí tối tân. Sau một hồi chiến đấu, 5 chiến sĩ trên tàu hy sinh, 7 người khác bị thương. Tàu C235 bị hỏng máy, không để cho quân địch phát hiện, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh nhanh chóng ra lệnh “nổ bộc phá, phá tàu”. Các đồng chí bị thương và những người không có nhiệm vụ nổ bộc phá được rời tàu bằng xuồng cao su đã bơm hơi, chuẩn bị sẵn. Tôi là 1 trong 3 người ở lại tàu làm nhiệm vụ nổ bộc phá. Sau lệnh điểm hỏa phá hủy tàu, 3 người chúng tôi nhanh chóng bơi vào bờ, hơn 10 phút sau, trên mặt biển bùng lên ngọn lửa khổng lồ kèm theo tiếng nổ dữ dội, chấn động cả một vùng biển. Mệnh lệnh “đánh bộc phá, phá tàu” được phát ra là điều duy nhất đúng trong tình thế cấp bách đó”.

Từ năm 1961 đến 1975, những con đường, những bến bãi tập kết vũ khí đều nằm trong vùng kìm kẹp, truy quét, đánh phá ác liệt của địch. Thế nhưng, khi địch phong tỏa đường trong thì ta đi đường ngoài; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện, áp sát tấn công ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật con đường... Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm cho kẻ thù kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về tinh thần dũng cảm, tính sáng tạo của những con tàu và những con người trên tàu. Những người con quê Thanh Hóa vinh dự đứng trong hàng ngũ lực lượng vận tải quân sự đặc biệt - đoàn “tàu không số” đã góp công không nhỏ để Đoàn 125 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với những con đường trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa dân tộc Việt Nam đi đến mùa xuân toàn thắng.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]