(Baothanhhoa.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”... Không chỉ thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta phát triển nhận thức lý luận, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm tốt công tác cán bộ - “đánh chìa khóa” mở nhiều “cánh cửa”

Kỳ 2: Sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Kỳ 2: Sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

(Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”... Không chỉ thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta phát triển nhận thức lý luận, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau...

Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống

Mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc, công tác cán bộ đều là một trong những vấn đề quan trọng được xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng, về những thành tựu cũng như hạn chế cùng nguyên nhân của nó. Dưới đây là một số dấu mốc bắt đầu từ thời kỳ đổi mới (năm 1986), bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Tại đại hội này, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm của Đảng và những nguyên nhân cụ thể trong công tác lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng và coi đó là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Tiếp đó, Nghị quyết Trung 6 khóa VI (ngày 29-3-1989) bổ sung một số vấn đề quan trọng về công tác cán bộ, nổi bật là: Thống nhất tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực cán bộ, về đánh giá cán bộ trong công cuộc đổi mới; cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh lãnh đạo và quản lý; phân định rõ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn; xúc tiến mạnh việc xây dựng quy hoạch cán bộ, từ cán bộ lãnh đạo cao nhất trong Đảng, Nhà nước cho đến cán bộ cơ sở, tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch đó... Chống tư tưởng nể nang, hữu khuynh, thiếu tin vào cán bộ trẻ, không tích cực đào tạo, chuẩn bị hoặc “níu áo” nhau. Thay thế kịp thời những cán bộ không còn phù hợp với nhiệm vụ được giao; việc sắp xếp, bố trí, đề bạt cán bộ phải theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Khắc phục tư tưởng cục bộ, địa phương, tệ bè phái, cảm tình cá nhân trong công tác cán bộ...

Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) khẳng định quan điểm thực hiện chính sách đoàn kết, động viên, phát huy mọi lực lượng cán bộ cả trong và ngoài Đảng, không hẹp hòi định kiến về lý lịch và thành phần. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chỉ rõ: Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao. Đảng quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân...

Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới, đã khẳng định phải “sớm xây dựng chiến lược cán bộ của thời kỳ mới”. Sau đó, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (ngày 18-6-1997) “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng...

Tháng 11-2008, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010). Luật Cán bộ, công chức quy định: Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước...

Trên thực tế, mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc đều có những nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ, mang đủ đầy tính kế thừa, sự xuyên suốt, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung những nội dung cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong nước và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII (ngày 19-5-2018) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng... Nghị quyết đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp thứ 5 về công tác cán bộ được xem là bước đột phá sâu sắc, chiến lược khi chú trọng “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”...

Nhìn suốt diễn trình lịch sử, trải qua biết bao khó khăn, thách thức, Đảng ta luôn kế thừa, từng bước phát triển, vận dụng linh hoạt Tư tưởng Hồ Chí Minh để rồi hình thành hệ thống quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, trí tuệ cao, phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới. Nhờ đó, khi hiện thực hóa, triển khai trong thực tiễn, đã khắc phục được không ít khuyết điểm, hạn chế, ngày càng phát huy một cách cao nhất năng lực của đội ngũ cán bộ, góp phần quan trọng, quyết định giúp đất nước ta vượt qua những trở ngại, đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược dài hạn, giải quyết những vấn đề then chốt, cấp bách trong bối cảnh hiện nay nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

184 nhân sự được quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Ngày 25-12-2019, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương - cho biết, hiện có 560 cán bộ diện Trung ương quản lý, 184 cán bộ cấp chiến lược đã được phê duyệt quy hoạch. Cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với khoảng 600 người.

Nghị quyết nêu rõ: “Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông, nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”(1).

Rõ ràng, chỉ nhìn vào những đánh giá khoa học, thẳng thắn, khách quan, đúng sự thật về công tác cán bộ, cũng như trình độ, chất lượng, phẩm chất, năng lực... của đội ngũ cán bộ hiện nay, những hạn chế, yếu kém được chỉ ra rõ ràng là vấn đề quan trọng, cần khắc phục, thay đổi. Cùng với những tồn tại đã chỉ ra, Đảng ta không ngần ngại đối mặt với sự thật và tìm cách khắc phục, sửa chữa những bất cập đã trông thấy trong công tác cán bộ. Có dũng cảm, có bản lĩnh đổi mới, có quyết liệt trong hành động, mới có thể từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới hết sức năng động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày một tác động sâu rộng đến mọi quốc gia cũng như tất cả các nền kinh tế trên thế giới...

Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên có một nghị quyết của Trung ương đề cập đến vấn đề “cán bộ cấp chiến lược”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cán bộ cấp chiến lược là những cán bộ và bộ phận cán bộ ở đỉnh cao của tháp nhân sự của Đảng, Nhà nước ta, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách, đường lối đổi mới, cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành. Cán bộ cấp chiến lược là những chiến lược gia, chính trị gia; là lực lượng tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, đủ tầm dẫn dắt đất nước phát triển.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân, khái quát, cán bộ cấp chiến lược phải có các tiêu chí như: Có năng lực tư duy vượt trội, hơn người; có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, biết rõ được, mất và phải biết làm gì để đạt được mục tiêu đặt ra; có khả năng tổ chức lực lượng vật chất, sức mạnh tinh thần của cộng đồng xã hội một cách khoa học, hợp lý để triển khai đường lối, chính sách chiến lược trong thực tiễn; là những người có lòng tự trọng và liêm sỉ; là những người chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình...(2).

Để thực hiện, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 26, ngày 25-2-2019, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 179-QĐ/TW “về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”. Quy định này thêm một lần khẳng định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đánh giá đúng về công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các vi phạm và dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân góp phần bảo đảm công tác cán bộ phải được thực hiện theo đúng quy định.

***

Còn nhiều vấn đề có thể đề cập, luận bàn, kiến giải về công tác cán bộ trong tình hình hiện nay, từ lý luận đến thực tiễn, từ những kết quả thành công đến hạn chế, tồn tại. Nhưng xâu chuỗi từ thời kỳ đổi mới (năm 1986) đến nay, qua 34 năm trải qua biết bao thăng trầm, biến chuyển, Đảng và Nhà nước ta luôn kế thừa, phát triển Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau...

Nguyễn Tri Thức

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2018, tr.47.

(2). Lê Thanh Vân, Cán bộ cấp chiến lược là ai? https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-bo-cap-chien-luoc-la-ai-20180506233555879.htm, xem ngày 1-3-2020.

Kỳ 3:Để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.


Nguyễn Tri Thức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]