(Baothanhhoa.vn) - Nằm yên bình dưới những tán cây cổ thụ suốt bao thế kỷ, đền thờ Trung Túc vương Lê Lai (làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), thu hút khá đông du khách đến tham quan. Bởi, ai cũng mong muốn được thắp nén hương thơm bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến vị Anh hùng dân tộc Lê Lai - người đã xả thân liều mình cứu chúa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần tạo nên trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

“Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”: Bài 4 - Từ truyền thuyết Lê Lai cứu chúa đến di tích đền thờ Lê Lai

Nằm yên bình dưới những tán cây cổ thụ suốt bao thế kỷ, đền thờ Trung Túc vương Lê Lai (làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), thu hút khá đông du khách đến tham quan. Bởi, ai cũng mong muốn được thắp nén hương thơm bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến vị Anh hùng dân tộc Lê Lai - người đã xả thân liều mình cứu chúa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần tạo nên trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

“Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”: Bài 4 - Từ truyền thuyết Lê Lai cứu chúa đến di tích đền thờ Lê Lai

Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc). Ảnh: Nguyễn Đạt

Vượt hàng chục cây số từ TP Thanh Hóa, chúng tôi về đền thờ Trung Túc vương Lê Lai trong tiết trời thu tháng 9 cao xanh vời vợi. Đi qua khoảng sân rộng được bố trí nhiều chậu cây cảnh đẹp mắt, chúng tôi tới tiền đường. Trong không khí thanh tịnh, tĩnh lặng, ông Nguyễn Huy Tuấn, một trong những người trông coi đền, cho biết: Ngôi đền được xây dựng rất hài hòa, nằm trong khuôn viên rộng rãi, dưới những tán cây đại thụ vừa thanh cao, lại vừa thiêng liêng. Phía trước là hồ bán nguyệt thơm ngát hương sen, quanh năm mặt nước phẳng lặng xanh mát như một tấm gương soi mây trời...

Theo sử sách ghi lại: Làng Thành Sơn trước đây còn có tên gọi là làng Tép. Đó là khi Lê Lợi đi chiêu binh qua dòng suối của làng (khoảng thế kỷ XV), vì nóng quá xuống rửa chân thì tép bám đầy chân, vì vậy Lê Lợi đặt ngay tên là làng Tép. Thế nhưng, điều đặc biệt là làng Tép lại cũng chính là nơi đã sinh ra Phúc Quốc công Lê Lai. Lê Lai sinh năm 1355, là người cương trực, dung mạo khác thường, khí thế cao cả, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. Ông là người đầu tiên gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, cùng hào kiệt bốn phương tụ dưới cờ nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi.

Lịch sử còn ghi lại, ngày 20-5 năm Ất Mùi 1415, Lê Lợi đã thành lập Hội đồng mưu lược chuẩn bị khởi nghĩa, gồm 9 người trong đó có Lê Lai. Đến mùa xuân năm Bính Thân 1416, Lê Lợi cùng với 18 vị hào kiệt đã làm lễ tế cáo trời đất, mưu tính việc dựng cờ khởi nghĩa, lật đổ ách thống trị của nhà Minh. Sử chép sự kiện ấy là Hội thề Lũng Nhai. Với sự lãnh đạo sáng suốt của Bình Định vương Lê Lợi và Hội đồng mưu lược, cùng tinh thần của Hội thề Lũng Nhai, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã chính thức nổ ra vào đầu năm 1418. Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra vô cùng ác liệt ngay từ buổi đầu phát động, đặc biệt là năm 1419, nghĩa quân rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” do bị quân Minh bao vây trùng điệp trên núi Chí Linh. Tại đây, do không còn đường rút lui, tình hình cấp bách, Lê Lai đã xin được đổi áo bào đóng giả Lê Lợi và xông ra đánh phá vòng vây. Do tương quan lực lượng chênh lệch, quân địch quá mạnh nên Lê Lai đã bị địch bắt đem về Đông Đô tra tấn và xử chém. Để tưởng nhớ người có công với dân tộc, với giang sơn xã tắc và sự trân trọng, ngưỡng mộ của Nhân dân, sau khi Lê Lai mất người dân làng Tép đã suy tôn ông lên làm Thành hoàng làng và xây dựng đền thờ Trung Túc vương Lê Lai để quanh năm khói hương thờ tự.

Đền thờ được xây vào năm Thái Hòa thứ 7, triều Vua Lê Nhân tông (1450). Theo tài liệu hiện có, thì đền được trùng tu một lần vào năm Bảo Đại thứ 14 (1939). Trải qua nhiều biến cố, đến năm 1971, dân làng đã dựng lại một ngôi nhà gỗ lợp kè 8 mái trên nền tiền đường cũ với kiến trúc hình chữ Đinh. Sau đó, đến năm 1997, Nhà nước đã đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo lại nhà tiền đường trên nền móng cũ theo lối kiến trúc chồng rường giá chiêng, toàn bộ kiến trúc được lắp ghép thông qua hệ thống cột xà và kẻ bẩy có độ chính xác cao. Đề tài chạm khắc trang trí là vân mây sông nước, xen lẫn hoa lá cách điệu. Tiền đường có chiều dài 12m, rộng 9,5m, bên trong đặt hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, trên hương án có long ngai và bài vị, phía trên cùng là bức đại tự cùng hai câu đối. Kiến trúc hậu cung là “Thượng sàng hạ mộ”. Phần móng nhà tương đương với phần mộ, vật liệu kiến trúc bằng gỗ, móng xây bằng đá xanh, nhà bố trí vuông vắn có chiều dài 9,5m rộng 9m. Kết cấu với 3 hàng cột hiên kê trên tảng đá xanh. Bên trong là bàn thờ xây bằng gạch theo hình vòm cuốn, trên đặt tượng Lê Lai tạc bằng gỗ mít sơn đỏ và sơn đen ngồi trong ngai, chân đặt lên 2 con sư tử, phía dưới là bát hương và đồ thờ... Bên cạnh hậu cung là đền thờ Đức chúa bà nương A Thiện (vợ Lê Lai), còn gọi là đền thờ Mẫu. Được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, tiền đường và hậu cung liền nhau, tường xây bằng gạch dày với 3 vòm, trên có lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay phượng múa, xen lẫn các họa tiết. Bên đầu hồi đắp nổi hình hổ phù, kiến trúc vì kèo đơn giản (chồng lên tường), vật liệu chủ yếu bằng gỗ lim lợp ngói.

Ông Tuấn, người trông coi đền, cho chúng tôi biết thêm: Trước đây cùng với việc dựng đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, người dân còn trồng nhiều loại cây bóng mát, che chở cho ngôi đền. Đến nay các cây cổ thụ vẫn đứng sừng sững, tỏa bóng mát che chở cho ngôi đền và Nhân dân mỗi lần đến với di tích. Đặc biệt, trong đó có nhiều cây có tuổi đời khá cao và đã được vinh danh là Cây di sản Việt Nam đó là 2 cây đại phía trước ngôi đền và 3 cây sấu ở phía sau ngôi đền. Hàng năm, để tỏ lòng thành kính và nhớ ơn công đức hy sinh của Anh hùng dân tộc Lê Lai, chính quyền cùng Nhân dân địa phương đã tổ chức 2 dịp lễ hội, đó là lễ khai hạ của người dân địa phương (vào ngày 7, 8-1 âm lịch) và lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn của Anh hùng dân tộc Lê Lai (vào ngày 21-8 âm lịch). Trong lễ hội ngoài phần lễ, phần hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc Mường ở địa phương như ném còn, múa hát pôồn pôông, nhảy sạp, giao lưu bóng chuyền...

Những giá trị lịch sử, văn hóa của đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, cùng với danh thơm của nhân vật được thờ tự đã tỏa rọi hào quang vào lịch sử và văn hóa dân tộc. Sự linh thiêng của ngôi đền sẽ tồn tại vĩnh hằng cùng non sông, để trở thành điểm tựa tinh thần - tâm linh và nhắc nhớ con dân đất Việt luôn hướng về cội nguồn và tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Bài cuối: Đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]