(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt nhiều năm qua, bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các bản làng biên giới đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương. Họ được ví như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền nơi biên giới.

Khi già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Trong suốt nhiều năm qua, bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các bản làng biên giới đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương. Họ được ví như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền nơi biên giới.

Khi già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Anh Phan Văn Cấu (bên phải) ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát) thường xuyên thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 286.

Ông Lương Văn Quý, ngư­ời dân tộc Thái, ở bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát đã có thời gian hơn 20 năm tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần, lại thêm những dấu chân của ông trên cung đường rừng hơn 10km để kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc... Ngoài việc phát quang cây cỏ xung quanh cột mốc, già làng Lương Văn Quý đã kiểm tra tỉ mỉ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu khác thường ở đường biên, cột mốc báo cáo ngay cho Đồn Biên phòng Trung Lý. Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, già làng Lương Văn Quý còn là tuyên truyền viên tích cực đến từng hộ gia đình trong bản Táo về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, vượt biên trái phép, đốt nương, làm rẫy.

Với hành trang băng rừng chỉ vẻn vẹn con dao nhỏ và cơm nắm muối vừng mang ăn trên đường, 3 năm nay, hằng tháng, bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa bão, anh Phan Văn Cấu, dân tộc Dao, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát lại cùng các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu băng rừng, vượt đèo, lội suối để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 286 ở biên giới Việt – Lào. Công việc trong mỗi chuyến tuần tra cột mốc của anh là phát quang cỏ dại, sơn vẽ lại chính xác thông tin trên cây cột mốc quốc gia và ghi chép những điều bất thường về báo cáo cơ quan chức năng. Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, mỗi lần có cuộc họp dân bản, anh lại tuyên truyền để dân làng hiểu được tầm quan trọng để cùng nhau bảo vệ, chăm sóc cột mốc. Không những thế, anh còn trực tiếp đến từng hộ dân, gặp từng người để nhắc nhở bà con mỗi lần lên rừng, lên nương là phải lên đến cột mốc quan sát tình hình ngoại biên, nội biên, nếu thấy có gì khác thường thì báo cáo kịp thời cho bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương. Với anh, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc là góp phần bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh biên giới và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt – Lào, vì thế, đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, hạnh phúc.

Với 30 năm âm thầm tuần tra biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc và giúp bà con phát triển kinh tế, già làng Hà Văn Chốn ở xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn đã nhận được hàng chục giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Với già, phần thưởng lớn nhất chính là sự quan tâm ủng hộ của Nhân dân trong bản và sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mìn để già được bảo vệ cột mốc, bảo vệ biên giới của Tổ quốc thân yêu... Là bộ đội xuất ngũ về địa phương, già làng Hà Văn Chốn vẫn mang trong mình phẩm chất của người lính, ý thức bảo vệ biên giới vẫn thôi thúc ông không ngừng nghỉ. Ở bản Yên, ông đã tuyên truyền cho con cháu, dòng họ và bà con Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị quy chế biên giới, hơn thế nữa già còn lập ra đội tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc.

Tỉnh Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), 92 mốc quốc giới/88 vị trí, 13 cọc dấu biên giới. Hiện nay 16/16 xã biên giới của tỉnh đã có 151 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Những năm qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tham gia cùng lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc giới; cung cấp hàng trăm lượt thông tin, trong đó có nhiều thông tin giá trị, giúp bộ đội biên phòng kịp thời phá nhiều vụ án lớn, góp phần giữ gìn ổn định an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cho vùng biên giới của Tổ quốc. Nhiều già làng, người có uy tín tuổi cao, sức đã yếu, nhưng với tâm huyết của mình, các già luôn được bà con tin yêu, quý trọng; trở thành tấm gương sáng, chỗ dựa vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chung tay bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Bài và ảnh: Lê Quốc


Bài và ảnh: Lê Quốc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]