(Baothanhhoa.vn) - Năm nay đã bước sang tuổi 89, cái tuổi khiến ông đôi lúc quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cái cảm xúc được gặp Bác Hồ thì vẫn còn hằn sâu trong tâm trí ông như vừa mới diễn ra”. Đó là tâm sự của ông Hoàng Tiến Lực, thôn Liêm Chính, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) - người vinh dự được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm đơn vị năm 1962.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khắc sâu hình bóng của Người

Năm nay đã bước sang tuổi 89, cái tuổi khiến ông đôi lúc quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cái cảm xúc được gặp Bác Hồ thì vẫn còn hằn sâu trong tâm trí ông như vừa mới diễn ra”. Đó là tâm sự của ông Hoàng Tiến Lực, thôn Liêm Chính, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) - người vinh dự được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm đơn vị năm 1962.

Khắc sâu hình bóng của Người

Ông Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) ôn lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ.

Ở tuổi 89, tôi nghĩ ông đã không còn được minh mẫn để có thể nhớ lại lần được gặp Hồ Chủ tịch. Nhưng không, ông vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Khi nhắc đến kỷ niệm được gặp Bác Hồ, đôi mắt ông ánh lên niềm vinh dự, tự hào và ông kể cho tôi nghe rõ ràng, mạch lạc từng câu, từng chữ về Bác kính yêu. Tôi thật cảm phục trí nhớ của người lính hải quân như ông.

Sinh năm 1932 tại xã Hoằng Lương cũ (nay là xã Hoằng Sơn), ông Hoàng Tiến Lực được kết nạp vào Đảng tại địa phương khi mới 18 tuổi. Năm 1952, ông đi bộ đội và tham gia chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954, ông Lực được đơn vị chọn đi học văn hóa và học ngoại ngữ để đào tạo sĩ quan. Đến tháng 9-1956, ông được cử sang Trung Quốc học thuyền trưởng tàu phóng lôi. Sau 3 năm học tập, ông trở về và làm thuyền trưởng, rồi phân đội trưởng tàu phóng lôi, phụ trách 3 tàu T313, T316, T319 và trực tiếp lái chiếc tàu chỉ huy T313.

Trò chuyện với chúng tôi, cảm xúc về lần đầu được gặp Bác lại ùa về trong trái tim người lính hải quân năm xưa. Theo dòng hồi tưởng, ông Lực nhớ lại: “Ngày 13-11-1962, Tiểu đoàn 135 đang hoạt động tại cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) thì được đón Bác Hồ đến thăm. 8 giờ sáng, một chiếc trực thăng từ từ hạ cánh xuống sân vận động của cảng Vạn Hoa. Sau khi bụi đất tan đi, cửa chiếc trực thăng mở, Bác xuất hiện giản dị trong bộ quần áo màu nâu gụ, đội mũ cát vải rộng vành và đi đôi dép cao su đã cũ. Đơn vị chúng tôi xếp hàng chỉnh tề ở sân vận động để đón Bác về nhà khách. Sau khi bước xuống khỏi trực thăng, Bác đưa tay chào mọi người rồi nhìn về phía xa xa, nơi có khói bay lên ở dãy nhà tranh. Bác hỏi đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Cảnh rằng: “Kia có phải là bếp nấu ăn không?”. Đồng chí Cảnh trả lời: “Thưa Bác vâng ạ”. Thế là Bác không đi về phía đoàn người đang đứng chỉnh tề chào đón Bác mà đi về phía nhà bếp. Vào đến nhà bếp, 3 chị đang nấu cơm thấy bất ngờ quá, không biết nói gì, chỉ đứng nhìn Bác. Sau khi thăm hỏi tình hình sức khỏe của các chị, Bác đi thăm khẩu phần ăn và dặn dò các chị phải giữ gìn an toàn thực phẩm, bảo đảm cho bộ đội ăn ngon, ăn đủ để có sức khỏe chiến đấu. Rời nhà bếp, Bác quay lại vẫn thấy bộ đội xếp hàng nghiêm chỉnh, Bác nói với đồng chí Nguyễn Văn Cảnh cho anh em về nghỉ ngơi chứ Bác không cần đón tiếp trang nghiêm như thế”.

Đã 58 năm trôi qua, với quyển sổ được ghi chép cẩn thận, ông Hoàng Tiến Lực vẫn nhớ như in những lời Bác căn dặn anh em trong đơn vị. Trong buổi nói chuyện hôm ấy, Bác dặn dò nhiều điều nhưng ông nhớ nhất là bài học được liên hệ từ chiếc đồng hồ. 9 giờ sáng ngày 13-11-1962, đơn vị tập hợp tại sân cảng để nghe Bác nói chuyện. Sau khi thăm hỏi tình hình sức khỏe anh em trong đơn vị, Bác rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt, Bác giơ cao và hỏi: “Các cháu thấy trên mặt chiếc đồng hồ có gì?”. Bộ đội đồng thanh trả lời: “Thưa Bác trên mặt đồng hồ có chữ số ạ”. Bác hỏi tiếp: “Còn gì nữa?”. Bộ đội trả lời: “Thưa Bác còn có các kim đồng hồ nữa”. Bác lại hỏi: “Thế chữ số chạy hay đứng?”. “Thưa Bác đứng ạ”. “Chiếc kim chạy hay đứng?”. “Thưa Bác chạy ạ”. Bác bảo đúng rồi và nói tiếp: “Nếu giờ chữ số nói muốn chạy, còn chiếc kim nói muốn đứng thì chiếc đồng hồ có dùng được không?”. Bộ đội trả lời: “Không ạ”. Sau những câu hỏi về chiếc đồng hồ, Bác bắt đầu liên hệ đến chiếc tàu và đơn vị. Bác nói “Một con tàu, một đơn vị cũng vậy, có nhiều ngành nghề khác nhau, có người làm việc dưới nước, có người làm việc trên bờ. Nếu người dưới tàu muốn lên bờ, còn người trên bờ muốn xuống tàu thì đơn vị có mạnh được không?. Vì vậy các cô, các chú phải yên tâm công tác, công việc nào cũng quan trọng và vẻ vang cả”. Từ chiếc đồng hồ, Bác căn dặn toàn đơn vị phải thực hiện tốt 4 điều: Phải nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu; Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; Phải giữ gìn tàu thuyền, vũ khí chiến đấu; Phải tích cực tham gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Một bài học nữa mà ông Hoàng Tiến Lực cùng các đồng đội của mình nhớ mãi đó là bài học về tinh thần tiết kiệm. Sau khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác đi thăm một số cơ sở, trạm xưởng của đơn vị. Rất đông cán bộ, chiến sĩ đi theo Bác, trong lúc đi, đồng chí Thiếu úy Hoàng Khôi, nghiệp vụ trưởng cơ điện đã vô tình dẫm vào dép Bác khiến chiếc dép bị đứt quai. Bác tiến lại sát bức tường gần đó để bộ đội sửa lại dép cho Bác. Trung úy Đàm Cần tìm được hòn đá, nhanh chóng chạy lại sửa dép cho Bác. Thấy đôi dép đã quá cũ, đồng chí Đàm Cần ngỏ ý muốn đổi cho Bác đôi giày mới và xin đôi dép của Bác làm kỷ niệm. Bác mỉm cười, rồi nói: “Dép này rất tiện lợi, trời nắng, trời mưa, trèo đèo, lội suối đều dùng được. Bác đã dùng lâu lắm rồi, hỏng thì lại sửa, còn sửa được thì còn dùng được. Phải tiết kiệm chứ...”. “Những bài học Bác dạy khiến chúng tôi nhớ mãi và khắc ghi suốt cả cuộc đời” - ông Lực chia sẻ.

Còn một chi tiết khiến ông Lực vô cùng cảm phục bởi lối sinh hoạt giản dị, mộc mạc, gần gũi của một vị Chủ tịch nước. Ông kể: “Đã trưa rồi mà chưa thấy trực thăng mang cơm đến cho Bác, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác và một bác sĩ đi theo Bác đề nghị đơn vị cử cán bộ tin cậy đi làm cơm cho Bác. Tôi là một trong số ít cán bộ được cử đi làm cơm và được phân công làm thịt gà. Nhưng khi mọi người đang làm giở thì thấy trực thăng đến. Chúng tôi lại nhận nhiệm vụ ra trực thăng đưa cơm xuống tàu cho Bác. Bữa cơm của Bác chỉ có cà muối, thịt rang mắm tép, một lát cá kho và 1 chai bia nhỏ. Chúng tôi không nghĩ rằng món ăn hàng ngày của vị Chủ tịch nước lại đơn giản và đậm chất quê hương Nghệ An đến thế”.

Sau lần gặp ấy, người lính hải quân Hoàng Tiến Lực không còn lần nào được gặp Bác nữa. Nhưng những lời căn dặn ân cần, sâu sắc của Bác đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị luôn nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không đầy hai năm sau, ngày 2-8-1964, Tiểu đoàn 135 đã tham gia đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc ra khỏi vùng biển nước ta, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu vẻ vang của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tiểu đoàn 135, sau này đổi thành Hải đội 135 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 7 năm sau lần Bác Hồ thăm cảng Vạn Hoa, sau khi được tin Bác mất, ông Hoàng Tiến Lực là một trong số 200 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của lực lượng hải quân đã vinh dự được về dự lễ tang của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Năm 1984, sau khi nghỉ chế độ, ông Hoàng Tiến Lực trở về địa phương và tham gia các hoạt động của xã như phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã, ủy viên ủy ban kiểm tra đảng ủy xã, bí thư chi bộ. Khắc ghi lời Bác dạy, trong suốt cuộc đời đi theo Đảng, ông Lực luôn phấn đấu và đạt nhiều thành tích dù công tác ở bất cứ vị trí nào.

Bài và ảnh: Thu Vui


Bài Và Ảnh: Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]