(Baothanhhoa.vn) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sáng 8-7-2019, đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sáng 8-7-2019, đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII.

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII

Đồng chí Lê Thị Thìn,Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII. (Ảnh:Minh Hiếu)

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị, kết quả thực hiện như sau:

1. Về cơ chế chính sách

1.1. Về việc cử tri các huyện đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; khuyến khích các doanh nhiệp đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, đầu tư tiến bộ khoa học, kỹ thuật:

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 152/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; trên cơ sở các Nghị quyết nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ, đầu tư tiến bộ khoa học, kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

1.2. Về việc cử tri đề nghị tiếp tục cấp gạo cho dân vùng biên giới như trước đây tại xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hoá:

Ngày 03/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa bảo đảm được lương thực giai đoạn 2018-2024 trên địa bàn huyện Quan Hóa; theo đó, các hộ nghèo nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn xã Hiền Kiệt được hỗ trợ 313 tấn gạo trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2018-2024 (bình quân mỗi hộ nghèo được trợ cấp 15kg/tháng). Đối với các hộ nghèo không tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng có nhu cầu hỗ trợ gạo trong thời gian chưa tự túc được lương thực thì UBND huyện Quan Hoá rà soát, báo cáo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ theo chính sách cứu trợ đột xuất.

1.3. Về việc cử tri huyện Quan Hóa, Bá Thước đề nghị chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án thủy điện Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1 có chương trình sinh kế cho người dân khu vực tái định cư và người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án:

Các dự án Thủy điện Thành Sơn, Thủy điện Bá Thước 1 đã thực hiện hoàn thành công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, tái định cư và nhiều hoạt động phúc lợi khác, hỗ trợ cho các xã vùng dự án như: xây dựng nhà văn hóa, hội trường xã, làm tượng đài liệt sĩ, ủng hộ bàn, ghế cho nhà văn hóa;…hàng năm có hỗ trợ gạo cho người nghèo ở các xã vùng dự án. Riêng đối với Thủy điện Hồi Xuân hiện đang thực hiện phương án bồi thường - GPMB, tái định cư theo quy định (gồm: Thu hồi đất thực hiện dự án, di dời nhà ở cho các hộ bị ảnh hưởng, đền bù các công trình tránh ngập...); dự kiến hoàn thành trong tháng 10 năm 2019.

2. Về lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, xây dựng

2.1. Về việc cử tri huyện Quảng Xương đề nghị sớm hoàn thiện Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị du lịch ven biển tại xã Quảng Nham, Quảng Thạch, huyện Quảng Xương:

Khu vực nêu trên được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3117/QĐ-UBND ngày 17/8/2018; đến nay, Công ty cổ phần ORG đang triển khai lập quy hoạch theo đúng quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.

2.2. Về việc cử tri huyện Hà Trung đề nghị cho chủ trương triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, dân cư phía đông Quốc lộ 1A từ xã Hà Lâm đi xã Hà Dương, huyện Hà Trung:

Hiện nay, toàn bộ ranh giới huyện Hà Trung đang được UBND tỉnh đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ lập quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn và vùng phụ cận nên việc phát triển đô thị, các khu dân cư như kiến nghị của cử tri sẽ được thực hiện sau khi quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn và vùng phụ cận (huyện Hà Trung) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.3. Về việc cử tri huyện Quan Hóa đề nghị không chấp thuận chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Nam Động 1 và Nam Động 2:

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng xem xét chấp thuận chủ đầu tư dự án Thủy điện Nam Động 1, Nam Động 2 để tiếp tục rà soát kỹ, đánh giá thận trọng, chi tiết tác động ảnh hưởng môi trường - xã hội, thống kê đầy đủ diện tích các loại đất đai, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng và biện pháp giảm thiểu, khắc phục; đặc biệt, phải lấy ý kiến tham vấn cộng đồng nhân dân và lập phương án sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng; nghiên cứu, xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, giúp hộ dân bị ảnh hưởng lựa chọn mô hình sản xuất bảo đảm thu nhập ổn định lâu dài, cuộc sống tốt hơn khi chưa có dự án.

2.4. Về việc cử tri huyện Quan Hóa đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hoàn trả cho huyện do bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện:

Trên địa bàn huyện Quan Hóa, còn lại dự án thủy điện Hồi Xuân phải thực hiện các công trình bù trả do thực hiện dự án với tổng kinh phí là 17,2 tỷ đồng. Đến nay, Chủ đầu tư đã chi trả 1,3 tỷ đồng để xây dựng điểm trường THPT Thanh Xuân; còn lại 15,9 tỷ đồng, Nhà đầu tư cam kết sẽ thu xếp kinh phí để tri trả trước ngày 20/7/2019.

3. Về lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường

3.1. Về việc cử tri đề nghị đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình, dự án cụ thể trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đê điều, thủy sản:

Tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan đôn đốc các nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thành các công trình, dự án đang triển khai đảm bảo tiến độ; tham mưu, đề xuất đầu tư các dự án cần thiết khi cân đối được nguồn vốn và tham mưu đưa một số dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc báo cáo, đề nghị các bộ ngành Trung ương bố trí kinh phí để thực hiện (thông tin cụ thể các dự án nêu trên kèm theo tại văn bản báo cáo của các sở, ngành liên quan).

3.2. Về việc cử tri các huyện đề nghị tiếp tục có chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng:

Cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đang còn hiệu lực thi hành và sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020 theo quy định tại Nghị quyết số 150/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh.

3.3. Về việc cử tri huyện Hà Trung đề nghị giao bổ sung kế hoạch vốn xây dựng nông thôn mới cho huyện:

Đến nay, tỉnh đã phân bổ cho huyện Hà Trung 60,4% vốn theo định mức phân bổ, như vậy, đã cao hơn so với bình quân chung của tỉnh được Trung ương phân bổ (52%).

3.4. Về việc cử tri đề nghị mở lại tuyến xe buýt số 09 qua xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân:

Tuyến xe buýt số 9, có lộ trình thành phố Thanh Hóa - Thiệu Toán - Thị trấn Thọ Xuân - Đền thờ Lê Hoàn do Công ty Cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa khai thác. Tuy nhiên do dự án cải tạo, nâng cấp đoạn đường từ Ba Chè -Thiệu Toán - Hạnh Phúc đang thi công, chưa hoàn thành, gây khó khăn cho xe buýt hoạt động nên UBND tỉnh đã có Công văn cho phép tạm dừng hoạt động; sau khi tuyến đường trên hoàn thành, đưa vào sử dụng (tháng 12/2019), Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu, báo cáo UBND tinh cho phép tổ chức lại hoạt động của xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

3.5. Về việc cử tri đề nghị không cho tăng thêm xe điện ở thành phố Sầm Sơn:

Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất tạm thời chưa bổ sung xe điện năm 2019 theo lộ trình tại Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 09/3/2018; giao UBND thành phố Sầm Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục theo dõi để có ý kiến tham mưu đề xuất việc bổ sung hay không bổ sung xe điện theo lộ trình.

3.6. Về việc cử tri đề nghị thu hồi dự án xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại huyện Yên Định của Công ty CP Công nông nghiệp Việt Mỹ:

Do việc sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, Công ty đã lập dự án chuyển đổi mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi sang sản xuất sơ chế hàng nông sản trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

3.7. Về việc cử tri đề nghị thu hồi dự án xây dựng Xưởng tuyển quặng và Văn phòng điều hành của Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản xuất khẩu Thanh Hóa tại xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra sử dụng đất của dự án, trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tiến hành lập hồ sơ thu hồi đất trình UBND tỉnh theo quy định.

3.8. Về việc cử tri đề nghị thu hồi đất, dự án của Công ty Cổ phần Phụ gia và khoáng sản Việt Nam:

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện việc thu hồi quyết định và Giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty tại xã Phú Nhuận, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh; đồng thời, ban hành quyết định thu hồi 67,742 ha đất của Công ty tại xã Tân Khang, huyện Nông Cống giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý theo quy định

4. Về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

4.1. Về việc cử tri đề nghị không đưa các đối tượng người có công với cách mạng đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân:

Theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế; được quyền lựa chọn cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu vào đầu mỗi quý. Do đó, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cử tri để lựa chọn nơi khám, chữa bệnh phù hợp.

4.2. Về việc cử tri huyện Quảng Xương đề nghị xem xét, giải quyết 29 hồ sơ xin được hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ ở huyện:

Qua kiểm tra, rà soát 29 trường hợp này chưa được Nhà nước công nhận liệt sĩ (chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công) nên chưa có cơ sở để giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ cho thân nhân các đối tượng. Để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi cho thân nhân các đối tượng, yêu cầu UBND huyện Quảng Xương hướng dẫn thân nhân các đối tượng lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo đúng quy định của pháp luật, làm cơ sở để giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

4.3. Về việc cử tri đề nghị khôi phục lại di tích Hành cung Vạn Lại, xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân; tu bổ di tích cách mạng Bãi Sậy, xã Hà Tiến; di tích Đình Quan Chiêm, xã Hà Giang và di tích Đình Phúc Điền, xã Hà Vân, huyện Hà Trung; hỗ trợ kinh phí tôn tạo di tích Đền Mỹ Lâm, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc:

Từ năm 2015 đến năm 2018, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Hà Trung 7,7 tỷ đồng, huyện Thọ Xuân 4,317 tỷ đồng và huyện Ngọc Lặc 1,5 tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp các di tích trên địa bàn huyện. Đối với các di tích nêu trên, do giai đoạn 2019 - 2020, ngân sách tỉnh chưa cân đối được nguồn vốn nên UBND tỉnh đã giao các ngành, đơn vị, chức năng tham mưu bố trí kinh phí thực hiện dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích nêu trên từ nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích giai đoạn 2021 - 2025.

4.4. Về việc cử tri đề nghị tu bổ, nâng cấp các di tích trên địa bàn huyện Yên Định:

Trên địa bàn huyện Yên Định có tổng số 49 di tích đã được xếp hạng; từ năm 2015 đến năm 2018, ngân sách tỉnh (nguồn kinh phí chống xuống cấp) đã hỗ trợ 12,85 tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp cho 11 di tích. Theo Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2019 - 2020, huyện Yên Định tiếp tục được hỗ trợ 14.830 triệu đồng để tu bổ, nâng cấp cho các di tích còn lại.

5. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các vấn đề khác

5.1. Về việc cử tri đề nghị Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý và xử lý các hoạt động tín dụng trái pháp luật, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cầm đồ trá hình dưới hình thức công ty tài chính, tình trạng cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, băng nhóm xã hội đen diễn ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thành phố Thanh Hóa:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm trên địa bàn tỉnh; đến nay, đã phát hiện, điều tra, xử lý 22 vụ, 72 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, tập trung lực lượng, điều tra, xử lý kịp thời nhiều vụ án hình sự trên địa bàn; tập trung đấu tranh triệt phá nhanh các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, các vụ do tội phạm có tổ chức, các đối tượng côn đồ hung hãn, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiển, các vụ đánh bạc, cá độ với quy mô lớn, như: Vụ triệt phá ổ đánh mạc trên mạng internet với số tiền giao dịch trên 300 tỷ đồng, tạm giữ hình sự 10 đối tượng; triệt phá xới bạc liên tỉnh, bắt quả tang 36 đối tượng, thu giữ hơn 01 tỷ đồng cùng nhiều tang vật, tạm giữ hình sự 36 đối tượng; vụ phá chuyên án 183-S, bắt giữ đối tượng Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn Thần đèn) và Nguyễn Ngọc Tuyên (tức Tuyên mo) là 02 đối tượng trực tiếp chỉ đạo hàng chục đối tượng dùng súng bắn nhau ở cầu Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

5.2. Về việc cử tri đề nghị hỗ trợ triệt phá một số điểm buôn bán ma túy tại huyện Hà Trung:

Công an tỉnh đã phá án giai đoạn 1, chuyên án ma túy, triệt xóa tụ điểm mua, bán trái phép ma túy tại ngã ba thôn Thượng Quý, xã Hà Phong, huyện Hà Trung do gia đình bố, con Nguyễn Văn Hiển cầm đầu, chỉ đạo, bắt giam và khởi tố 04 đối tượng có liên quan; hiện nay, Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng còn lại để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

5.3. Về việc cử tri đề nghị hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn cho HTX dịch vụ điện năng xã Quảng Thắng và Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa:

Đối với xã Quảng Thắng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có văn bản báo cáo, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý vướng mắc trong tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn; tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có trả lời nên sau khi có ý kiến giải quyết của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thanh Hóa sẽ hoàn trả vốn đầu tư nêu trên.

Đối với xã Quảng Phú: Lưới điện hạ áp nông thôn xã Quảng Phú do HTX dịch vụ điện năng tại xã Quảng Phú chủ động bàn giao cho Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp nhận, quản lý từ ngày 28/8/2009, với tổng giá trị tài sản bàn giao là 140.019.407 đồng (trong hồ sơ giao nhận hai bên đã thống nhất bàn giao theo hình thức tăng giảm vốn). Ngày 25/9/2014, Sở Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công ty Điện lực Thanh Hóa, UBND thành phố Thanh Hóa kiểm tra xem xét hồ sơ hoàn trả vốn của xã Quảng Phú; theo đó, hồ sơ của xã Quảng Phú không đủ điều kiện để thực hiện hoàn trả vốn. Ngày 13/5/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 820/QĐ-UBND phê duyệt giá trị, phương thức hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện HANT tỉnh Thanh Hóa, theo đó lưới điện xã Quảng Phú thực hiện bàn giao cho Công ty Điện lực Thanh Hóa theo hình thức tăng giảm vốn; vì vậy, không có cơ sở để Công ty Điện lực Thanh Hóa hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn cho HTX dịch vụ điện năng xã Quảng Phú.

5.4. Về việc cử tri thành phố Sầm Sơn đề nghị cho phép UBND xã, phường được chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

Thực hiện ý kiến của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở tại Công văn số 4233/BTTP-BTP ngày 16/11/2015, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch và thành lập Đoàn khảo sát liên ngành tiến hành khảo sát hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất tại 25 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố và 22 tổ chức hành nghề công chứng; làm việc với Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố được khảo sát. Kết quả cho thấy: Hoạt động chứng thực tại UBND cấp xã cán bộ năng lực yếu, kiêm nhiệm nhiều việc; trình tự thủ tục không tuân thủ theo quy định của pháp luật, phần lớn không lưu trữ được hồ sơ đã chứng thực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ phát sinh tranh chấp. Do đó, ngày 22 tháng 6 năm 2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 6587/UBND-NC giao Sở Tư pháp thông báo cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản từ UBND cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố chờ đến khi các Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn tiếp theo.

Đối với các kiến nghị khác của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã tập hợp ý kiến giải quyết của các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh gửi đến cử tri tại các tổ bầu cử khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII..../.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]