ĐBQH Võ Mạnh Sơn tham gia góp ý vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa), Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng: Qua hơn 12 năm thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trước yêu cầu mới, Luật Các tổ chức tín dụng đã bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan Nhà nước.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất cao với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ thực tiễn việc thực hiện, để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Võ Mạnh Sơn tham gia góp ý một số nội dung cụ thể đó là: Về hạn chế thành viên hội đồng quản trị: Tại điểm b khoản 2 Điều 43 của Dự thảo có quy định hạn chế thành viên hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không đồng thời là... người quản lý, điều hành doanh nghiệp khác. Quy định này được suy đoán là nhằm tránh xung đột lợi ích khi thành viên hội đồng quản trị có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định của ngân hàng nhằm có lợi cho doanh nghiệp khác của mình. Tuy nhiên, quy định này cần được cân nhắc một cách thận trọng hơn vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Tham gia hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không phải là một công việc toàn thời gian, nên những người này thường có công việc khác. Việc hạn chế điều kiện thành viên hội đồng quản trị như Dự thảo có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia hội đồng quản trị, đặc biệt đối với thành viên độc lập.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở việc kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp khác mà thành viên hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp mà thành viên hội đồng quản trị có lợi ích liên quan.
Về giới hạn tỷ lệ sở hữu: Theo Điều 63 của Dự thảo Luật đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng so với quy định hiện hành. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của tổ chức giảm từ 15% xuống 10%, nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15% (khoản 2, 3 Điều 63 dự thảo). Sự thay đổi này, cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan, được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho các ngân hàng. Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này.
Tỷ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% như tại Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống. Như vậy, quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7/2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra tại một số ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu cao dễ dẫn đến xung đột lợi ích, khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào cho các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó mới gây mất an toàn cho ngân hàng.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng nên giữ tỷ lệ sở hữu như quy định hiện hành, đồng thời Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu cổ phần; không áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực.
Về dự phòng rủi ro (Điều 147), đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất cao với dự thảo Luật lần này đã quy định theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 3 Điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp... vì vậy cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác; đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là phù hợp.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII), đại biểu Võ Mạnh Sơn hoàn toàn thống nhất với nội dung giải trình và chỉnh lý bổ sung trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về việc (i) Bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 200 của dự thảo Luật về chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan và (ii) Bổ sung tương ứng tại khoản 15 Điều 210 (Quy định chuyển tiếp) để chuyển tiếp đối với các hợp đồng bảo đảm có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là phù hợp.
Quốc Hương
{name} - {time}
-
2024-11-24 18:11:00
TP Thanh Hóa triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023-2025
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2024-01-15 15:58:00
Trao trích thưởng và tặng quà Tết cho các hộ tham gia Chương trình “Tiếp sức nhà nông”
ĐBQH Lê Thanh Hoàn đề nghị bổ sung thêm quy định về quyền của người sử dụng đất
ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét rút ngắn, sử dụng thông tin chính xác và gần nhất tại thời điểm định giá
Bộ CHQS tỉnh: Tập huấn cán bộ phòng không, pháo binh năm 2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị khóa XIII
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 15/1/2024
Những nội dung chính của Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 15/1
Đại hội đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia huyện Thọ Xuân lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2029