(Baothanhhoa.vn) - Vinh dự, tự hào và cảm thấy may mắn là tâm trạng chung của những cựu chiến binh từng có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và chiến đấu dưới sự chỉ huy sáng suốt, tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng các cựu chiến binh vẫn rất phấn khởi khi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm với người anh cả của quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những cựu chiến binh

Vinh dự, tự hào và cảm thấy may mắn là tâm trạng chung của những cựu chiến binh từng có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và chiến đấu dưới sự chỉ huy sáng suốt, tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng các cựu chiến binh vẫn rất phấn khởi khi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm với người anh cả của quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức những cựu chiến binhCụ ông Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) lưu giữ tấm hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt nhiều năm qua.

Trong cái nắng hanh vàng của những ngày thu tháng Tám, tôi tìm về nhà cụ ông Nguyễn Văn Phú, thôn Phúc Triền 2, xã Đông Thanh (Đông Sơn), người vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đã 95 tuổi, mắt cụ Phú mờ không còn nhìn thấy rõ nhưng cụ vẫn giữ được sự minh mẫn hiếm có. Năm 1951, cụ Phú lên đường nhập ngũ vào Đại đội 2, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Năm 1954, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị cụ Phú được lệnh hành quân ngày đêm để có mặt tại khu rừng Tây Bắc đúng thời gian đã định. Cụ Phú nhớ lại: “Giữa núi rừng Tây Bắc mênh mông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện rất bình dị với chiếc áo sơ mi màu xanh, đi một đôi ủng ngắn, đầu đội mũ. Khi mọi người đã trật tự, Đại tướng nói với chúng tôi: Bác Hồ chuyển lời hỏi thăm sức khỏe tất cả các đồng chí. Chiến dịch lần này vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của cả dân tộc. Bác giao các đồng chí phải đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ. Đại tướng đến rồi đi rất nhanh, khẩn trương đúng theo phong cách nhà binh”. Cụ Phú cho biết: “Theo kế hoạch, lẽ ra chiến dịch Điện Biên Phủ phải được bắt đầu sớm hơn nhưng qua kiểm tra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên yêu cầu toàn mặt trận chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác hơn nên có những việc phải chuẩn bị lại từ đầu. Đường lên Điện Biên ngày ấy rất hiểm trở, một bên là suối, một bên là núi, ban ngày quân địch thả bom, ban đêm chúng thả pháo sáng để đánh phá, tôi cùng đơn vị pháo cao xạ có nhiệm vụ quan trọng là chiến đấu với không quân địch, giữ vững huyết mạch giao thông để bộ đội ta hành quân lên trận địa. Bước vào trận chiến, với ba đợt tiến công, bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà còn để lại những bài học sâu sắc về tư duy quân sự và ý chí tiến công. Dù chỉ được gặp có 1 lần nhưng hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi và những người lính năm ấy.

Người ta được gặp Đại tướng một lần đã thấy hạnh phúc và vinh dự, còn cụ Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) vinh dự hơn nhiều khi được ở gần Đại tướng hơn một tuần đầy ý nghĩa. Dù đã 90 tuổi nhưng cụ Lực còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cụ nhớ rõ ràng, mạch lạc, chi tiết từng sự kiện, từng câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ Lực kể: “Mùa hè năm 1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Bộ Tư lệnh hải quân ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) để thị sát tình hình các đảo Đông Bắc. Lúc ấy, tôi là cán bộ phòng tác chiến nên được đơn vị cử đi cùng Đại tướng để báo cáo tình hình. Mỗi lần đi thị sát, Đại tướng thường hỏi tôi đảo này tên gì, có dân không, có bộ đội không... Vì hoạt động lâu, lại rất am hiểu tình hình các đảo nên mọi câu hỏi của Đại tướng tôi đều trả lời rành rọt, suôn sẻ, không lần nào bị Đại tướng quở trách”. Cụ Lực còn nhớ, trong lần Đại tướng làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh, đồng chí cán bộ tỉnh Quảng Ninh báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, quân sự quốc phòng của tỉnh với Đại tướng khá rõ ràng, mạch lạc, nhưng khi Đại tướng hỏi cụ thể một số vấn đề thì đồng chí ấy trả lời ngập ngừng, chung chung. Đại tướng không hài lòng, đứng dậy đi lại trong phòng họp và nói “Tôi không cần nghe tình hình chung chung, cậu chưa nắm được tình hình cụ thể thì về chuẩn bị thêm lần sau báo cáo lại”, rồi Đại tướng rời khỏi phòng làm việc. Những ngày ở Bãi Cháy, chiều chiều Đại tướng thường đi dạo dọc bờ biển, sau đó xuống tắm biển. Đại tướng bơi khá xa nên tôi phải bơi theo bên cạnh để bảo vệ Đại tướng. Tôi nhớ mãi câu hỏi đùa của Đại tướng: “Cậu là hải quân nhưng có biết bơi không, hay lặn nổi bơi chìm?”. Tôi trả lời: “Thưa Đại tướng, tôi đã 3 năm học hải quân ở Trung Quốc, tuần nào cũng có tiết tập bơi, về nước lại có nhiều năm công tác dưới tàu hải quân nên có thể bơi 2 đến 3 giờ đồng hồ. Đại tướng nhìn tôi cười rất vui vẻ”.

Cụ Lực kể: “Hằng ngày, đúng 8 giờ tối, đồng chí Nguyên - thư ký của Đại tướng đều báo cáo tóm tắt tình hình trong nước và thế giới với Đại tướng, còn tôi báo cáo tình hình hoạt động của Đại tướng với Phòng tác chiến hải quân. Điều vô cùng ý nghĩa và đáng nhớ đối với tôi là hơn một tuần ở gần Đại tướng, tôi vinh dự được đi cùng Đại tướng trong rất nhiều hoạt động khác nữa. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”.

Trọn cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp – nhà chỉ huy quân sự, vị Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của quân đội Nhân dân Việt Nam đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng giành thắng lợi, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.

Võ Nguyên Giáp - một vị tướng văn võ song toàn, cả 2 lĩnh vực ấy hòa quyện vào nhau, hỗ trợ cho nhau đã đưa tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng không chỉ khắc ghi trong lịch sử dân tộc mà còn lừng danh cả thế giới và mãi mãi ngời sáng trong lòng Nhân dân. Một trái tim vĩ đại đã ngừng đập và về với đất mẹ Quảng Bình yêu thương, nhưng tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn sống mãi với thời gian. Mỗi người dân đất Việt sẽ nhớ mãi về nhà chiến lược tài ba, lừng danh, trọn cả cuộc đời cống hiến vì sự phát triển của đất nước.

Bài và ảnh: Minh Khôi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]