11:12 06/10/2022 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Ngày 6-10, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia năm 2022, với chủ đề “Thúc đẩy chương trình CĐS tỉnh Thanh Hóa”. Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc các sự kiện. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa.

Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 6-10, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia năm 2022, với chủ đề “Thúc đẩy chương trình CĐS tỉnh Thanh Hóa”. Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc các sự kiện. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa.

Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp

Kính thưa đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kính thưa các quý vị đại biểu dự hội nghị.

Cùng với không khí chung của cả nước, hôm nay UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, lời đầu tiên, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đã đến dự các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10-2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; cảm ơn các đồng chí trong đoàn công tác của các Bộ, ngành Trung ương đã quan tâm, giúp đỡ tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua và trực tiếp chỉ đạo, tham gia triển khai các sự kiện quan trọng này.

Xin cảm ơn Tập đoàn Viễn thông, công nghệ thông tin nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung đã luôn đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua.

Xin chúc toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc hội thảo và chuỗi sự kiện thành công tốt đẹp.

Thưa các quý vị đại biểu!

Hiện nay Chuyển đổi số không chỉ còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai nữa, mà đây còn là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

Nhận thức được những cơ hội, thách thức và xu thế tất yếu của chuyển đổi số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 15Ctr/TU ngày 25-5-2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đã xác định: “Từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số: Chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; đổi mới phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi xã hội số, trọng tâm là đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp”. Ngày 10-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đồng thời là chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia, đồng hành trong quá trình chuyển đổi số.

Thưa các quý vị đại biểu!

So với nhiều địa phương khác, tỉnh Thanh Hóa chưa phải là địa phương có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng Thanh Hóa đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cao trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp... bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực như: Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao;... Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Kết quả chuyển đổi số 9 tháng năm 2022 có những nét nổi bật như:

Đối với hạ tầng số: Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.947.000 thuê bao (trong đó 27.000 thuê bao cố định; 2.920.000 thuê bao di động) bằng 99,92% so với kế hoạch được giao. Thuê bao Internet trên toàn mạng ước đạt 2.350.000 thuê bao; đạt mật độ 64,1 thuê bao/100 dân bằng 117,5% kế hoạch được giao (chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giao năm 2022).

Về chính quyền số: Hệ thống văn bản được kết nối liên thông giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cả 3 cấp trên địa bàn tỉnh và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; tổng số lượt trao đổi, gửi/nhận qua hệ thống trên 2,8 triệu lượt văn bản; tỷ lệ văn bản được ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 100%, giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã được các cơ quan Nhà nước trong tỉnh quan tâm, chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng tiếp tục được duy trì, ổn định.

Về kinh tế số: Tổ chức hội nghị, hội thảo để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ sản xuất từng bước chuyển đổi số như: Kê khai, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; đưa các sản phẩm, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và Cổng kết nối cầu nông sản an toàn; triển khai việc kết nối thanh toán trực tuyến, các điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, bệnh viện, khu chợ, khu công nghiệp, các cửa hàng kinh doanh.

Về xã hội số: Triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà và các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức nòng cốt; cán bộ lãnh đạo cấp xã; thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân. Đã triển khai tại 27 huyện, thị xã, thành phố với 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm và hơn 14.478 thành viên tham gia để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Không phải bất kỳ một cơ quan, đơn vị, cá nhân nào cũng hiểu được sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số, thậm chí còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Công nghệ số chưa được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp tỉnh còn hạn chế; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc chuyển đổi số của người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn chưa được chú trọng. Tình hình an toàn, an ninh mạng tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Vì vậy, việc tổ chức các chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là cơ hội để chúng ta tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất, có những góc nhìn sâu sắc hơn từ những chuyên gia đến từ các Bộ, ngành của Trung ương và các Tập đoàn Viễn thông, công nghệ thông tin, các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Với tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”; chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi xin tuyên bố khai mạc các chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10-2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]