(Baothanhhoa.vn) - Nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với anh Lê Nhật Công, quản đốc xưởng cơ khí - sửa chữa, Chi nhánh Sản xuất nước thành phố, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa. Nhiều cán bộ, công nhân, lao động công ty gọi anh bằng cái tên trìu mến “cây sáng kiến” bởi anh là “cha đẻ” của nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào lao động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Cây sáng kiến” Lê Nhật Công

Nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với anh Lê Nhật Công, quản đốc xưởng cơ khí - sửa chữa, Chi nhánh Sản xuất nước thành phố, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa. Nhiều cán bộ, công nhân, lao động công ty gọi anh bằng cái tên trìu mến “cây sáng kiến” bởi anh là “cha đẻ” của nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào lao động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Cây sáng kiến” Lê Nhật Công

Anh Lê Nhật Công vận hành thử nghiệm tổ bơm sau khi chuyển đổi công nghệ sử dụng Basitup sang phớt cơ khí làm kín tổng bơm.

Xưởng cơ khí - sửa chữa do anh Công phụ trách có nhiệm vụ gia công và sửa chữa máy móc, thiết bị tại công ty; đồng thời kiểm tra, giám sát máy và thiết bị nhằm bảo đảm tính ổn định của dây chuyền sản xuất. Áp lực công việc với anh không hề nhỏ. Ấy vậy mà bằng lòng say mê, yêu công việc, cùng với kiến thức được đào tạo khá bài bản trong thời gian học nghề và kinh nghiệm thực tế, anh Công đã luôn vượt qua khó khăn trong công việc. Bám sát sản xuất, đam mê nghiên cứu sửa chữa nên anh biết được máy nào hay hỏng, hỏng ở đâu để bố trí thời gian sửa chữa sao cho nhanh nhất và bảo dưỡng thế nào để tuổi thọ máy đạt cao.

Trong công tác, anh Công đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo chi nhánh bổ sung, sửa đổi và ban hành quy chế quản lý kỹ thuật phù hợp với dây chuyền sản xuất, thiết lập lý lịch từng tổ máy, nhật ký theo dõi vận hành, sửa chữa trong từng giai đoạn. Thường xuyên trau dồi, học hỏi, nghiên cứu, trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác kỹ thuật, thông qua đó để đưa ra những giải pháp kỹ thuật cũng như quy trình bảo dưỡng, sửa chữa đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, anh Công tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, say mê nghiên cứu để có những giải pháp, sáng kiến chế tạo công cụ nâng đỡ, dụng cụ hỗ trợ phù hợp để rút ngắn thời gian cũng như giảm bớt và giải phóng sức lao động. Anh Công cho biết: “Tôi luôn quan niệm rằng đã đi làm, phải làm việc thật sự và cống hiến hết mình. Vì vậy, tôi luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Với tôi, niềm vui chính là đam mê trong công việc, là khát vọng được cống hiến và sáng tạo; hạnh phúc hơn khi những sáng kiến, sáng tạo ấy có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt cho công việc, cho sự phát triển chung của doanh nghiệp”.

Với tinh thần cầu thị và lòng quyết tâm cao, từ năm 2015 đến nay, anh Công đã có 7 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa cho phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty. Một trong những sáng kiến quan trọng và có giá trị làm lợi 947 triệu đồng/năm của anh Công là “Chuyển đổi công nghệ sử dụng Basitup sang phớt cơ khí làm kín tổng bơm”. Anh Công chia sẻ: Hiện nay, tại Chi nhánh Sản xuất nước thành phố, nhà máy có 6 máy bơm có công suất lớn và áp lực cao đang dùng công nghệ quấn dây Basitup làm kín nước cổ trục máy bơm. Đây là loại máy bơm được chế tạo hệ thống làm kín tại vị trí tiếp giáp giữa buồng bơm và trục bơm bằng công nghệ quấn Basitup; loại dây Basitup được làm bằng dây chì, được nhúng mỡ bôi trơn và được quấn và ép chặt để tạo độ kín khít từ đó gây ra lực cản giữa buồng bơm và trục bơm. Vì vậy trong suốt quá trình làm việc, động cơ điện phải sinh ra một công vô ích để bù vào sức cản của dây Basitup, đặc biệt vào thời điểm khởi động máy, dòng điện khởi động rất cao để thắng lực cản ban đầu, dễ gây quá dòng cho động cơ và còn tạo ra độ rung, văng cho trục bơm trong khi khởi động cũng như trong suốt quá trình vận hành sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, giảm chi phí trong sản xuất, cần phải nâng cao hiệu suất các máy bơm, vì vậy tìm giải pháp để cải tạo thay thế hệ thống làm kín tổng bơm bằng dây Basitup sang phớt cơ khí là việc làm cần thiết.

Sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu thực tế, anh Công đã nghiên cứu và áp dụng thành công sáng kiến “Chuyển đổi công nghệ sử dụng Basitup sang phớt cơ khí làm kín tổng bơm”. Giải pháp này có ưu điểm là hạn chế được chi phí trong quản lý vận hành, như giảm chi phí điện năng, giảm sự mài mòn các thiết bị trong tổng bơm, nâng cao năng lực cấp nước ổn định, lâu dài để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khách hàng; giảm được chi phí trong quá trình sản xuất và nâng cao doanh thu tiền nước cho công ty; khắc phục được những khó khăn trong công tác sửa chữa; kéo dài được tuổi thọ của các thiết bị, phụ kiện trong tổng bơm; nâng cao độ an toàn, liên tục trong vận hành cấp nước tại các nhà máy. Đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, khích lệ người lao động yên tâm công tác và tích cực trong việc tìm hiểu nâng cao trình độ và phát huy ý tưởng sáng kiến trong lao động sản xuất.

Với những nỗ lực và lòng nhiệt tình trong công việc, sự tâm huyết với các ý tưởng sáng tạo, anh Lê Nhật Công đã 2 lần được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III - năm 2018; giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa năm 2019.

Bài và ảnh: Thanh Huê


Bài và ảnh: Thanh Huê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]