(Baothanhhoa.vn) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài. Trong bối cảnh đó, lực lượng công an Nhân dân đã được thành lập để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Nhân dân.

Cảnh sát Nhân dân Công an Thanh Hóa 60 năm một chặng đường vẻ vang

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài. Trong bối cảnh đó, lực lượng công an Nhân dân đã được thành lập để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Nhân dân.

Cảnh sát Nhân dân Công an Thanh Hóa 60 năm một chặng đường vẻ vang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Công an Thanh Hóa. Ảnh: tư liệu

Tại Thanh Hóa, sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, ngày 21-8-1945, lực lượng cảnh sát xung phong Thanh Hóa chính thức được thành lập theo quyết định của chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa. Tiếp đó, ngày 18-4-1946 Ty Công an Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ lực lượng trinh sát Viện và cảnh sát xung phong. Trong mô hình tổ chức của Ty Công an Thanh Hóa lúc bấy giờ có 6 ban nghiệp vụ, trong đó Ban Trị an hành chính, là tổ chức tiền thân của lực lượng cảnh sát Nhân dân (CSND) Công an Thanh Hóa sau này.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng CSND Công an Thanh Hóa vừa củng cố, kiện toàn lực lượng vừa sát cánh cùng với các lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh đập tan nhiều âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tiêu diệt và bắt sống nhiều toán gián điệp, biệt kích; triệt phá hàng trăm ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn tài sản XHCN, tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Một trong những mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng CSND, đó là vào ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34 công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Thực hiện 2 pháp lệnh quan trọng này, ngày 22-12-1962, Ty Công an Thanh Hóa đã tổ chức lễ phong cấp bậc hàm CSND cho 84 đồng chí.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ “Tất cả cho tiền tuyến”, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an Thanh Hóa đã viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Trong số hơn 500 đồng chí được chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào, Campuchia có hơn 300 đồng chí thuộc lực lượng CSND. Trong chiến đấu, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương để lại một phần xương máu trên các chiến trường ác liệt.

Ở hậu phương, trong 2 lần giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, Thanh Hóa là địa bàn trọng điểm, huyết mạch giao thông Bắc - Nam nên địch oanh tạc, bắn phá suốt ngày đêm. Trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, lực lượng CSND Công an Thanh Hóa đã ngày đêm dũng cảm, kiên cường bám trận địa, bám cầu phà, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa tổ chức sơ tán, cứu dân, cứu tài sản và chỉ huy cho các đoàn xe qua vùng trọng điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như các liệt sĩ Lê Văn Hanh, Võ Đình Đa, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Xuân Văn... đã để lại niềm tiếc thương và cảm phục sâu sắc trong lòng người dân xứ Thanh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta bước sang thời kỳ mới: Độc lập, hòa bình, thống nhất và xây dựng CNXH. Mặc dù thất bại, song các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Với bản lĩnh vững vàng được tôi luyện qua 2 cuộc chiến tranh, lực lượng CSND đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung thống nhất, chuyên sâu, tăng cường nghiệp vụ cơ bản, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo nâng cao trình độ và bố trí cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy với công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tác phong, phương pháp làm việc; củng cố, nâng cao chất lượng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra, công tác khoa học hình sự, hồ sơ nghiệp vụ và các biện pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần cùng các lực lượng khác giữ vững trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đặc biệt là trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, xã hội cũng diễn biến phức tạp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng CSND Công an Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ANTT. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, các lực lượng công an Thanh Hóa mà nòng cốt là lực lượng cảnh sát đã điều tra khám phá hơn 23.000 vụ phạm pháp hình sự với hơn 34.000 đối tượng, triệt xóa hơn 1.400 băng, ổ nhóm tội phạm hình sự; gần 9.000 vụ, trên 11.000 đối tượng phạm tội ma túy; 1.754 vụ, gần 2.500 đối tượng phạm tội kinh tế, chức vụ; bắt, vận động đầu thú và thanh loại gần 3.000 đối tượng truy nã, trốn thi hành án...

Các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ, quản lý, giáo dục, cải tạo can phạm nhân; công tác thi hành án, hỗ trợ tư pháp và tái hòa nhập cộng đồng đều được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực. Dấu ấn nổi bật là lực lượng CSND đã chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử, hoàn thành xuất sắc việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD), tạo nền tảng để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, có nhiều sáng tạo đột phá, không quản ngày đêm thực hiện thắng lợi chiến dịch thu nhận trên 2,8 triệu hồ sơ CCCD, để lại những dấu ấn đậm nét, lan tỏa về hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an vì Nhân dân phục vụ, được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá là một trong 4 địa phương hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Cảnh sát Nhân dân Công an Thanh Hóa 60 năm một chặng đường vẻ vang

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh hướng dẫn người dân làm các thủ tục. Ảnh: Lê Quốc

Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị và Nghị định số 01 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tập trung thống nhất, chuyên sâu. Tập trung xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Trong đó đã điều động, bố trí 2.400 CBCS thuộc lực lượng cảnh sát đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn. Sau hơn 2 năm xuống địa bàn, lực lượng công an xã chính quy đã trực tiếp, phối hợp giải quyết trên 900 vụ việc về ANTT và là cánh tay nối dài, góp phần quan trọng để Công an Thanh Hóa thực hiện thành công Dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và Dự án “Sản xuất, cấp và quản lý CCCD”.

Đối mặt với những tên tội phạm nguy hiểm, trên hành trình giải mã những chuyên án, mồ hôi, máu và nước mắt của các chiến sĩ CSND đã đổ xuống. Trong trận chiến thầm lặng, gian khổ mà khốc liệt đó, đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng giữa thời bình để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Tiêu biểu như tấm gương hy sinh của liệt sĩ Ngô Sỹ Đăng, Trưởng Công an xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn; liệt sĩ Trần Mạnh Tùng, Phó trưởng Công an xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân; liệt sĩ Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; đồng chí Vi Văn Luân, công an viên xã Pù Nhi, huyện Mường Lát và hàng trăm CBCS khác bị thương, bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ... Ngoài ra, còn có hàng nghìn CBCS, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, giàu tính nhân văn của mình đã và đang góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CSND “vì nước, vì dân quên thân phục vụ”, như: đồng chí Tống Văn Đông, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã cùng đồng đội nhường mặt nạ dưỡng khí để cứu nạn nhân bị ngất xỉu trong đám cháy tòa nhà Dầu khí; Thượng úy Hà Minh Hải, Phó trưởng Công an xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn đã nhanh trí cứu được mạng sống của cháu bé bị đuối nước... Những hình ảnh và việc làm đó là những minh chứng cho tinh thần “Lúc dân cần, lúc dân khó có công an” và “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của người chiến sĩ công an Nhân dân.

Hai năm 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, lực lượng CSND Công an Thanh Hóa là một trong những lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Hàng nghìn CBCS đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tham gia các chốt kiểm dịch, phối hợp thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết, khoanh vùng, dập dịch; tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn ANTT góp phần cùng cả nước từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Qua đó, càng tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, cao quý của người chiến sĩ CSND “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm lẽ sống của mình”.

Mang trong mình phẩm chất và bản lĩnh người chiến sĩ công an cách mạng, trong suốt chặng đường 60 năm qua, lực lượng CSND luôn kiên định lập trường cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lập được nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; có 4 đơn vị cấp phòng được phong tặng danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” gồm: Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (nay là Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ), Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra (nay là Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra). Ngoài ra, còn có hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương; bằng khen, giấy khen.

Kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh CSND là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường vẻ vang của lực lượng CSND Việt Nam nói chung, CSND Công an Thanh Hóa nói riêng nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng để tiếp tục đoàn kết, phấn đấu xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy công an Nhân dân, với phương châm và lẽ sống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, luôn xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân.

Thiếu tướng Trần Phú Hà

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh


Thiếu tướng Trần Phú Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Khúc Du Ca - 09:50 19/07/22

 Trả lời

Tôi xin góp một ý kiến nhỏ: CSGT Thanh Hóa cần thực hiện vai trò hướng dẫn và hỗ trợ giao thông tốt hơn, đặc biệt đối với người tỉnh ngoài và du khách đến Thanh Hóa làm việc và du lịch. CSGT nên hạn chế việc dừng xe và xử phạt đồng thời tăng hoạt động hướng dẫn và trợ giúp, với tinh thần nhiệt tình và thân thiện. CSGT Thanh Hóa làm tốt vai trò này sẽ tạo ấn tượng tốt với người dân, du khách khi đến với Thanh Hóa, góp phần cùng với chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển du lịch Thanh Hóa hơn nữa.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]