(Baothanhhoa.vn) - Trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới và tất cả các quốc gia đều xác định: vắc-xin là vũ khí hữu hiệu, đặc biệt quan trọng để phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Người dân cần tìm hiểu, nắm thông tin một cách đầy đủ hơn để hiểu đúng về vắc-xin phòng COVID-19 và đồng hành cùng quốc gia, dân tộc chiến thắng đại dịch nguy hiểm này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng tới miễn dịch cộng đồng bằng “công cụ” vắc-xin:

Cần hiểu đúng về vắc-xin phòng COVID-19 - giải pháp căn cơ đẩy lùi dịch bệnh

Trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới và tất cả các quốc gia đều xác định: vắc-xin là vũ khí hữu hiệu, đặc biệt quan trọng để phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Người dân cần tìm hiểu, nắm thông tin một cách đầy đủ hơn để hiểu đúng về vắc-xin phòng COVID-19 và đồng hành cùng quốc gia, dân tộc chiến thắng đại dịch nguy hiểm này.

Cần hiểu đúng về vắc-xin phòng COVID-19 - giải pháp căn cơ đẩy lùi dịch bệnh

Qua 2 đợt tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Thanh Hóa chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng nặng sau tiêm, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng được thực hiện nghiêm. Ảnh: Tô Hà

Mỗi mũi tiêm là một “lá chắn”

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, qua 2 đợt đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho hơn 1.000 đối tượng là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ các ban, ngành, các cơ quan thường xuyên làm việc, tiếp xúc với nhiều người. Để thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế cho các buổi tiêm và xử trí phản ứng sau tiêm chủng. Mặc dù số lượng tiêm chủng trong 2 đợt khá lớn, song công tác tiêm chủng tại đây được tiến hành hết sức bài bản, đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó đặc biệt chú trọng khám sàng lọc chỉ định tiêm và theo dõi sau tiêm. Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm chủng trước ở các địa phương trong tỉnh, tại mỗi bàn tiêm đều chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin (một loại thuốc cơ bản chống sốc phản vệ), liều lượng 1mg/1ml, sẵn sàng xử trí sốc phản vệ với tốc độ nhanh nhất.

Anh Đào Văn Minh, giảng viên Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa chia sẻ: Khi tiêm tôi được bác sĩ hướng dẫn đầy đủ các quy trình trước, trong và sau khi tiêm. Trước khi tiêm, tôi được kiểm tra kỹ các tiêu chí sức khỏe, đủ điều kiện vào tiêm. Đồng thời, được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những phản ứng phụ sau tiêm phòng; được hướng dẫn khai báo tình trạng sức khỏe hằng ngày để theo dõi phản ứng sau tiêm ít nhất 7 ngày. Với đặc thù thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, việc tiêm vắc-xin giúp tôi yên tâm làm việc và cũng là cách để chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhanh chóng đẩy lùi đại dịch.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cường, cho biết: “Để chuẩn bị cho các đợt tiêm vắc-xin phòng COVID-19, Bộ Y tế, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Thanh Hóa đã có hướng dẫn, tập huấn cho bệnh viện. Bệnh viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ y tế. Khu vực tiêm được bố trí hợp lý, khoa học, gồm tiếp đón, khám sàng lọc, chờ tiêm, tiêm, theo dõi sau tiêm. Bên cạnh đó, các phương tiện, thuốc, dịch truyền chống sốc, máy hỗ trợ thở được bố trí sẵn sàng để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp. Chính vì vậy, qua 2 đợt tổ chức, trong tất cả các đối tượng đến tiêm tại bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng nặng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn đề cao công tác an toàn tiêm chủng, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế”.

Tại Thanh Hóa, thời gian qua tỉnh đang nỗ lực để lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân được tiếp cận tối đa với vắc-xin. Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, Thanh Hóa đã triển khai 2 đợt tiêm chủng cho khoảng trên 48.900 đối tượng. Quy trình tiêm được thực hiện nghiêm ngặt, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối sau tiêm.

Phấn đấu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng

Nói đến vắc-xin COVID-19, hiện nhiều người bày tỏ mong muốn được tiêm để bảo vệ mình trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp. Là nhân viên giao hàng của một công ty dịch vụ bưu chính, hàng ngày phải tiếp xúc với hàng trăm khách hàng, ngoài khẩu trang là vật bất ly thân thì điều mà anh Nguyễn Bà Thành (TP Thanh Hóa) mong muốn là được tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Anh Thành chia sẻ: Khi tiêm vắc-xin sẽ tạo sức đề kháng, giúp cho những người luôn phải tiếp xúc với nhiều người như chúng tôi được bảo vệ.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít người mơ hồ về loại vắc-xin mới này. Nhiều ý kiến cho rằng “tiêm vắc-xin là tiêm chất độc vào cơ thể con người”, nhiều hội nhóm và tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đã liên tục đăng tải lời kêu gọi “không tiêm vắc-xin”, thậm chí, còn so sánh đại dịch COVID-19 với các căn bệnh khác như HIV hay ung thư để tăng tính thuyết phục.

Một hiểu lầm thường thấy của người dân đó là khi đã tiêm vắc-xin thì ngay lập tức người tiêm sẽ không thể bị nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về vắc-xin COVID-19 đã chỉ rõ, để vắc-xin hoạt động hiệu quả cần đảm bảo cùng lúc nhiều yếu tố: liều lượng tiêm, thời gian giãn cách giữa các mũi tiêm và thời gian để cơ thể sản sinh kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Ngay sau khi tiêm, cơ thể con người chưa thể có miễn dịch ngay để phòng bệnh, nên khả năng bị lây nhiễm vi-rút là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng trong trường hợp bị nhiễm bệnh, cơ thể đã được kích hoạt hệ thống miễn dịch nhờ tiêm vắc-xin, nên sẽ giảm được tình trạng nặng và tử vong. Đối với vắc-xin ngừa COVID-19 AstraZeneca đang được tiêm chủng tại Việt Nam, thời gian để tạo kháng thể sau tiêm trung bình là 2 tuần. Ở mũi 1, mức bảo vệ đáp ứng tối đa 40% và sau khi tiêm mũi 2 khoảng 1 tháng, mức bảo vệ tối ưu mới đạt trên 80%.

Theo khẳng định của Tổ chức Y tế thế giới, các loại vắc-xin COVID-19 được lưu hành hiện nay đều đã được thử nghiệm an toàn. Khi tiêm vắc-xin sẽ gặp một số phản ứng, như đau tại vị trí tiêm, đau đầu, sốt, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, ớn lạnh, ngứa, mệt mỏi... Ðây là các triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa của phần lớn vắc-xin, nhất là sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đối với các trường hợp phản ứng nhẹ, thường tự khỏi sau 1 - 2 ngày mà không cần điều trị. Đối với các trường hợp phản ứng quá mẫn cảm (chỉ chiếm 1%O), được xử trí kịp thời theo đúng quy định và sẽ ổn định sau 1 - 2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu và huyết khối sau tiêm vắc-xin là rất hiếm gặp.

Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch cùng thời điểm, đặc biệt xuất hiện nhiều biến chủng vi-rút mới, với khả năng lây lan nhanh hơn, mạnh hơn thì tiêm chủng vắc-xin là cách an toàn nhất giúp tạo “lá chăn” bảo vệ và được coi là chiến lược để đẩy lùi dịch bệnh. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, với các chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi giải pháp chống dịch theo phương châm mới 5K, cùng vắc-xin và ứng dụng công nghệ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh: tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19.

Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã thực hiện hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng sản xuất vắc-xin trên thế giới và chương trình COVAX Facility của WHO, để có được 130 triệu liều vắc-xin cho người dân Việt Nam trong năm 2021. Từ các nguồn vắc-xin hợp pháp được Chính phủ Việt Nam nhập về cấp phép lưu hành, tỉnh Thanh Hóa đã và đang hết sức chủ động trong việc tiếp cận các nguồn vắc-xin để bảo đảm có sớm, nhiều và tiêm hiệu quả, an toàn cho người dân. Bên cạnh việc chuẩn bị đủ nguồn vắc-xin, ngành y tế cũng đã sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ tiêm vắc-xin và cấp cứu phản vệ sau tiêm, kiểm soát nhiễm khuẩn. Sở Y tế phối hợp với Cục Khám chữa bệnh, tổ chức tập huấn an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế, cán bộ quản lý tại các cơ sở y tế tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc CDC Thanh Hóa, mặc dù việc triển khai tiêm chủng cần được đẩy nhanh và tiến hành trên diện rộng, nhưng ngành y tế vẫn luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Theo đó, Sở Y tế luôn quán triệt đến các cơ sở y tế phải tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe thì sẽ được trì hoãn tiêm. Để phấn đấu năm 2022 đạt mục tiêu miễn dịch toàn dân, Sở Y tế sẽ tập trung xây dựng phương án, kịch bản, quy trình từ tiếp nhận, bảo quản, tiêm, tới xử lý những tình huống nảy sinh sau tiêm. Đặc biệt, nâng cao năng lực y tế tuyến huyện và các bệnh viện, để tổ chức tiêm chủng cho Nhân dân.

Hiện nay, có không ít người hiểu chưa hết về ý nghĩa và tầm quan trọng của vắc-xin phòng COVID-19 và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa, họ chưa có thái độ cởi mở và trân trọng lợi ích mà cả xã hội dành cho mình. Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 miễn phí là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người dân. Đây không chỉ là chính sách an sinh xã hội mà vấn đề cốt lõi hơn là tiến tới đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19. Vì thế, không vì vấn đề tâm lý, nhận thức chưa đúng đắn làm ảnh hưởng đến tiến độ tiêm vắc-xin mà cả nước đang nỗ lực thực hiện.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]