Chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau hai ngày thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, lấy ý kiến về các vấn đề quan trọng, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bế mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau hai ngày thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, lấy ý kiến về các vấn đề quan trọng, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tổng kết Kỳ họp thứ 6, tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 để gửi và xin ý kiến các cơ quan hữu quan và đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, thường trực các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng triển khai các Nghị quyết, Kết luận của phiên họp. Riêng dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch, dự kiến ngày 29/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ biểu quyết. Ủy ban Kinh tế chịu trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh này. Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến diễn ra từ ngày 10 -12/1/2019, tức trước Tết Nguyên đán và cùng thời điểm với nhiều hoạt động khác, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp công việc, tham gia đầy đủ, tránh ảnh hưởng tới nội dung và phải điều chỉnh chương trình phiên họp. Sự cần thiết của việc ban hành nghị định về hoạt động triển lãm Cũng trong chiều 11/12, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã điều hành nội dung cho ý kiến về việc ban hành nghị định về hoạt động triển lãm. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ sự nhất trí cao với Chính phủ về việc cần ban hành nghị định về hoạt động triển lãm để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này, trong lúc chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh; nhất trí với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và dự thảo nghị định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 19 để hoàn thiện dự thảo nghị định. Theo tờ trình của Chính phủ, hoạt động triển lãm hiện nay đã có những bước phát triển với nhiều nội dung, hình thức mới rất đa dạng, phong phú, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới cho thấy sự cần thiết phải có những quy định pháp lý điều chỉnh. Các mô hình, nội dung, hình thức triển lãm hiện nay rất đa dạng. Đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động triển lãm cũng không chỉ là các cơ quan Nhà nước, bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, mà có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mặt khác, việc chủ động hội nhập quốc tế thúc đẩy các triển lãm mang danh nghĩa quốc gia, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài, nhưng không ít triển lãm chưa thực sự đạt yêu cầu, thậm chí có triển lãm còn có sai phạm về nội dung và thời gian tổ chức chưa phù hợp... Thực tiễn hoạt động triển lãm cho thấy, những quy định về quản lý hoạt động triển lãm ban hành trước đây chủ yếu mới chỉ dừng ở phạm vi triển lãm, hội chợ thương mại, triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, chưa bao quát được toàn bộ hoạt động triển lãm với rất nhiều loại hình, nội dung triển lãm khác. Vì thế, nếu không bổ sung, ban hành văn bản quy định về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức và quản lý hoạt động triển lãm sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh các luật, nghị định đã có, việc ban hành nghị định về hoạt động triển lãm sẽ góp phần bổ khuyết hệ thống văn bản quy định về hoạt động triển lãm. Trong thời gian chưa xây dựng được luật triển lãm, nghị định về hoạt động triển lãm sẽ là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể trong hoạt động triển lãm. Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 19, của các cơ quan hữu quan đã được tiếp thu đầy đủ nên Ủy ban chủ trì việc thẩm tra cơ bản tán thành với dự thảo nghị định. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ đề nghị thay cụm từ “hàng hóa” tại Khoản 3, Điều 6 thành “tác phẩm, hiện vật, tài liệu” cho phù hợp với đối tượng điều chỉnh của nghị định; quy định cụ thể về số lượng thành viên tối thiểu của Hội đồng thẩm định; tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản của dự thảo nghị định. Về chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài Cũng trong chiều 11/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Theo Tờ trình, dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa nội dung Nghị định số 157/2005 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Tờ trình nêu rõ, một số chế độ mới quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện chỉ áp dụng cho đối tượng là thành viên cơ quan đại diện. Điều này dẫn đến tình trạng, trên cùng một địa bàn công tác, cùng hưởng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các thành viên cơ quan Việt Nam khác lại không được hưởng cùng một chế độ như thành viên cơ quan đại diện, dẫn tới sự không công bằng trong việc thực hiện chính sách, chưa đúng với mục tiêu chung về xây dựng chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, ngoài Nghị định 157/2005, chưa có văn bản nào điều chỉnh cho nhóm đối tượng là các cơ quan Việt Nam có nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hoạt động tại nước ngoài. Hơn nữa, nhóm đối tượng này có số lượng không lớn, nên Chính phủ đề nghị xem xét cho nhóm đối tượng là thành viên cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài cũng được hưởng các chế độ quy định tại Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiến nghị giữ nguyên chế độ quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 48 “Phu nhân/phu quân của cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nếu không thể đi theo chồng/vợ do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do địa bàn khó khăn, nguy hiểm thì được hưởng 50% mức chế độ sinh hoạt phí”. Tuy chế độ này không được quy định tại luật hiện hành, song đã được thực hiện từ năm 2012, sau khi Luật Cơ quan đại diện năm 2009 ban hành. Quá trình thực hiện không có vướng mắc, góp phần động viên cán bộ yên tâm công tác tại nước ngoài. Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Đối ngoại tán thành với đề nghị của Chính phủ cho phép các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các chế độ như thành viên cơ quan đại diện, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong việc thực hiện chính sách đối với các thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trên cùng một địa bàn công tác, cùng hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, chế độ đối với phu nhân/phu quân không thể đi theo thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là chính sách được kế thừa từ Nghị định 48/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 157/2005. Hầu hết những phu nhân/phu quân không đi cùng do nguyên nhân các địa bàn khó khăn, trong đó có vấn đề an ninh... Chế độ, chính sách này là nguồn động viên, hỗ trợ thiết thực góp phần để thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài yên tâm công tác, còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, áp dụng chế độ đối với đối tượng là thành viên cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân của cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, nếu không thể đi theo chồng/vợ không được quy định trong luật, nhưng thực tế là rất cần. Thành viên cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài trên thực tế cũng đi làm nhiệm vụ đối ngoại bên cạnh Đại sứ quán nếu áp dụng chế độ khác sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt. Cùng với đó, phu nhân/phu quân không đi cùng có thể có nhiều nguyên nhân như "vì công việc nên không đi" hay "địa bàn rất khó khăn"... Do đó áp dụng chế độ cho hai nhóm đối tượng này là cần thiết. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải thì cho rằng, tổng số kinh phí để thực hiện hai chính sách này không phải là lớn, do đó có thể xem xét áp dụng nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động ngoại giao... Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, do xuất phát từ yêu cầu, để đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ thiết thực để động viên công chức và các thành viên gia đình của các đối tượng thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ quy định chính sách đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ, chính sách như là thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; nhất trí quy định chế độ chính sách đối với phu nhân/phu quân không thể đi theo thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]