(Baothanhhoa.vn) - Trong 2 ngày (14 và 15-10), tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), UBND tỉnh long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, năm 2019. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Đại hội.

Bài phát biểu của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ III

Trong 2 ngày (14 và 15-10), tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), UBND tỉnh long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, năm 2019. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Đại hội.

Bài phát biểu của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ III

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo đại hội.

Thưa đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ!

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân!

Thưa các vị đại biểu khách quý!

Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3 năm 2019. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội, không riêng của nhân dân các dân tộc thiểu số, mà của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; là dịp để biểu dương và tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Tại diễn đàn trọng thể của Đại hội, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Dân tộc Chính phủ; các đồng chí đại biểu ở Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng các lực lượng vũ trang Nhân dân; các vị đại biểu khách quý, cùng 243 đại biểu ưu tú đại diện cho trên 660 ngàn đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh, những tình cảm thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể Đại hội!

Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; nơi sinh sống quần tụ hòa thuận, đoàn kết, gắn bó lâu đời của 7 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu; cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số anh em, đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Những kết quả to lớn và rất quan trọng mà tỉnh Thanh Hóa chúng ta đạt được trong những năm qua, như:

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao trong nhiều năm liên tục; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 11%/năm; trong đó năm 2018 tăng 15,16%, 9 tháng đầu năm 2019 tăng 20,25%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 20,5%/năm; trong đó, năm 2018 đạt trên 23.300 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015 và gấp gần 6 lần năm 2010; 9 tháng đầu năm 2019, thu được trên 19.700 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cả năm 2010. Tỷ lệ cân đối thu - chi ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng; dự kiến sau năm 2021 có thể điều tiết được ngân sách về Trung ương.

Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - thương mại, đều phát triển mạnh, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Xây dựng nông thôn mới đến nay đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra và đạt kết quả cao hơn bình quân chung cả nước về số tiêu chí/xã và tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao liên tục duy trì trong tốp 4 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.

Tình hình chính trị xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao.

Những kết quả ấy, đều có sự đóng góp rất quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta.

Từ chỗ là một vùng nông thôn, miền núi nghèo nàn, lạc hậu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao; đồng bào thường xuyên thiếu đói. Đến nay, diện mạo khu vực miền núi tỉnh ta đã có những đổi thay tích cực, nhiều vùng thực sự là miền quê đáng sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Kinh tế toàn vùng liên tục tăng trưởng qua các năm. Các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ - thương mại đều phát triển khá; đã có nhiều mô hình là điểm sáng của cả nước về phát triển sản xuất công - nông nghiệp công nghệ cao và hoạt động dịch vụ gắn với cộng đồng dân cư, như: Dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk và TH-Truemilk; các nhà máy thủy điện; nhà máy chế biến nông - lâm sản; các vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy chế biến đường, cao su, sắn; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm;... Những mô hình ấy, không chỉ tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta.

Cùng với sản xuất phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi đã được quan tâm đầu tư nâng cấp và làm mới; nhất là hệ thống đường giao thông, điện lưới, thông tin liên lạc, đã kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng và với các vùng, miền trong tỉnh.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và thể dục - thể thao đều có chuyển biến tiến bộ. Đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 20 triệu đồng, tương đương một số địa phương ở vùng đồng bằng, ven biển của tỉnh; an ninh lương thực trên địa bàn luôn được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ hữu nghị giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng vùng dân tộc miền núi được nâng lên; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới; nhiều cán bộ người dân tộc đã và đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua, trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hoá mới ở cơ sở.

Về với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta hôm nay, chúng ta không chỉ vui mừng trước những đổi thay mạnh mẽ của bản làng; mà còn được chứng kiến những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự,... đặc biệt là được chứng kiến những đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ an ninh Tổ quốc và biên giới quốc gia,...

Với những nỗ lực, cố gắng và những đóng góp quan trọng của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta trong suốt những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân vùng dân tộc miền núi của tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng vươn lên và những thành tích mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta đã đạt được trong thời gian qua. Tôi biểu dương và chúc mừng các tập thể, cá nhân được khen thưởng dịp này về những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể Đại hội!

Thành tựu mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta đạt được trong những năm qua là rất đáng tự hào, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng:

Vùng dân tộc miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh. Tiềm năng, thế mạnh của vùng là phát triển sản xuất trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp cả ở quy mô nông hộ và quy mô trang trại tập trung, gắn với các cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ, đều chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả. Thu hút đầu tư vào vùng dân tộc miền núi kết quả còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội còn thấp so với các vùng miền trong tỉnh; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; đời sống đồng bào tuy được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn miền núi, biên giới còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định. Các tai, tệ nạn xã hội, nhất là nạn vận chuyển, buôn bán, nghiện hút ma túy còn diễn biến phức tạp.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên, có phần do điều kiện tự nhiên không thuận lợi; thường xuyên bị thiên tai gây ra những thiệt hại nặng nề, nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; có phần do khả năng bố trí nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội của Nhà nước cho vùng dân tộc miền núi còn hạn chế; nhưng cũng có phần do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ vùng dân tộc miền núi còn bất cập; một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc vẫn còn biểu hiện tâm lý tự ti, ỷ lại, thiếu quyết tâm vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Tại Đại hội này, tôi đề nghị các đại biểu hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận sâu, phân tích rõ về những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đồng thời tích cực đóng góp với Đại hội các biện pháp, giải pháp khắc phục, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc, phát huy hơn nữa vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ biên giới quốc gia và an ninh Tổ quốc;… qua đó, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể Đại hội!

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm rất lớn đến các dân tộc thiểu số và đặc biệt coi trọng vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, Người căn dặn: Đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt;…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã nhấn mạnh: “... Tập trung thực hiện tạo chuyến biến rõ nét về hiệu quả chương trình giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi,...”.

Chúng ta tiến hành Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 3, năm 2019 trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra, để đến năm 2020 trở thành tỉnh khá, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm các tỉnh mạnh của cả nước và sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Hướng tới khát vọng thịnh vượng đó, hơn bao giờ hết, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh ta bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Tôi đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 được nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đó, trong thời gian tới, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác dân tộc, tầm quan trọng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa 9) về công tác dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020, gắn với Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy (khóa 17) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa và Chương trình trọng tâm giảm nghèo nhanh và bền vững của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 18, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh phải tiếp tục cụ thể hóa thành chương trình hành động sát đúng với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng thôn, bản, làng; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, để đưa vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, sớm hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh và của nước.

Hai là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng mới các quy hoạch vùng dân tộc miền núi, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và kết nối đồng bộ với vùng phụ cận, làm cơ sở để thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu chiến lược của công tác dân tộc trong thời kỳ mới.

Huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền núi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng các dự án phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, các công trình phục vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng các trạm theo dõi, cảnh báo thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại và bảo đảm an toàn, ổn định cho vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi; ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn lực trên địa bàn để triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Tăng cường vận động, xúc tiến, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Tiếp tục nhân rộng các các mô hình liên kết sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh cây chủ lực có lợi thế, sản phẩm đặc sản, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia trại gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến hoặc gia công, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn như: Mastergood, NewHope, Vinamilk, TH-Truemilk;…

Phát huy lợi thế so sánh của miền núi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhịp độ nhanh và bền vững, nhất là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sâu khoáng sản, nông, lâm sản, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm sắc thái đồng bào các dân tộc thiểu số; ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất của vùng.

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh ở miền núi, nhất là dịch vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu, thương mại, siêu thị tại các thị trấn huyện lỵ, làm đầu mối thúc đẩy giao thương hàng hóa của vùng và khai thác tốt cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn miền núi.

Bốn là, tăng cường xã hội hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục đào tạo ở các huyện miền núi; khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục, dạy nghề, y tế, thể dục thể thao ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tăng cường tổ chức đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tạo việc làm mới cho đồng bào các dân tộc; tiếp tục khôi phục và phát triển các ngành, nghề truyền thống, các ngành, nghề có lợi thế ở địa phương. Chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản phi vật thể của các dân tộc, các di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn miền núi gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, xây dựng nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Năm là, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận lòng dân và an ninh nhân dân để bảo đảm vững chắc an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc tại cơ sở. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vượt biên trái phép, tội phạm buôn lậu, mua bán vận chuyển ma tuý, vũ khí, chất nổ qua biên giới; không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để truyền đạo trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai bên biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn, Việt Nam - Lào.

Sáu là, tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sạch, vững mạnh. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn miền núi; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc năng động, sáng tạo, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp phát triển của quê hương; đẩy mạnh phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trong đồng bào các dân tộc làm hạt nhân nòng cốt xây dựng các phong trào ở các thôn, bản, làng.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, thực hiện có kết quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới phương thức tập hợp, vận động, đoàn kết các dân tộc; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, các lực lượng tại cơ sở, động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động để vươn lên trong cuộc sống; đồng thời tích cực tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể Đại hội!

Nhiệm vụ của chúng ta trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề; song, với truyền thống quý báu của dân tộc và quê hương, chúng ta tin tưởng rằng, thời gian tới, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, chung sức đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp xứng đáng cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3 năm 2019 đã đề ra, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn Ủy ban Dân tộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương, trong thời gian qua đã luôn quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc; trong thời gian tới, mong rằng các đồng chí tiếp tục quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện để tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao về công tác dân tộc miền núi.

Một lần nữa, tôi xin kính chúc các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]