(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hoá điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu khai mạc của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.

Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội nghị lần thứ Chín, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX

Báo Thanh Hoá điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu khai mạc của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.

Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội nghị lần thứ Chín, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy!

Thưa các đồng chí đại diện các cơ quan Trung ương!

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh!

Thư­a toàn thể Hội nghị!

Trong khí thế thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 - 29-7-2021); Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang chung sức, đồng lòng, vừa chủ động, tích cực phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX họp Hội nghị lần thứ Chín với các nhiệm vụ:

Một là, Thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ Ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hai là, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Ba là, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 5 năm (2021-2025).

Bốn là, Kế hoạch hành động thực hiện Khâu đột phá về phát triển hạ tầng, giai đoạn 2021 - 2025.

Năm là, quán triệt Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các cơ quan Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng toàn thể các đồng chí đại biểu đã về dự Hội nghị. Xin gửi tới các đồng chí những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Thưa các đồng chí! Thư­a toàn thể Hội nghị!

Sau đây, tôi xin phát biểu về một số nội dung chính và nhiệm vụ của Hội nghị.

Thứ nhất, về kết quả Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 05 đến ngày 8-7-2021, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ ba (kết thúc sớm hơn 1 ngày so với dự kiến) để thảo luận và quyết định về các nội dung:

1- Tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021 - 2025;

2- Xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII;

3- Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng khóa XIII;

4- Về cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước và phương án giới thiệu bổ sung nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026;

5- Bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII;

6- Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4;

7- Báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

8- Xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác.

Tại Hội nghị các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các Tờ trình, Báo cáo và các nội dung của Hội nghị.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao với các nội dung:

1. Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Đây là những kế hoạch hết sức quan trọng, rộng lớn, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Các đại biểu đã nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay và phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới dưới tác động của đại dịch COVID-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mới trên thế giới; từ đó, thống nhất cao về những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, một số chỉ tiêu cơ bản, như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 1 - 1,5%/năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỉ lệ che phù rừng ổn định ở mức 42%. Đồng thời, thống nhất các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tế, có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm thực hiện thành công các kế hoạch đề ra.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các tờ trình, kế hoạch để trình Quốc hội khoá XV xem xét, quyết định.

2. Về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, nhất trí thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII. Đây là những văn bản rất quan trọng, nhằm cụ thể hoá Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Nội dung của các quy chế căn cứ vào Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ Đảng và Quy định thi hành Điều lệ Đảng, là sự kế thừa, bổ sung, phát triển Quy chế làm việc của khoá XII, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, với những điểm mới, quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

3. Về Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng khóa XIII

Trên cơ sở tổng kết thi hành Điều lệ Đảng khoá XII, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về những nội dung mà qua thực tiễn thi hành còn có những vướng mắc, bất cập, nhất là các vấn đề cụ thể phát sinh từ cơ sở, từ các chi bộ, đảng bộ.

Đó là những vấn đề như: Quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; sinh hoạt định kỳ của đảng bộ cơ sở, chi bộ; việc giới thiệu và kết nạp người vào Đảng; trường hợp kết nạp và công nhận đảng viên chính thức sai quy định; phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, ghi hồ sơ đảng viên; việc bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên; việc lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy; quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và thẩm quyền, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp; thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, quy định về việc xử lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý; quy định về các trường hợp không giải quyết tố cáo...; công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng; thi hành kỷ luật và biểu quyết kỷ luật; khiếu nại kỷ luật đảng...

Đây là những vấn đề quan trọng thuộc phương pháp, quy trình thủ tục và nghiệp vụ của công tác Đảng cần phải được tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc.

4. Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao về cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước và việc giới thiệu nhân sự bổ sung một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để trình Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 02 đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

5.Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, kết luận, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng; thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ: 2010 - 2015, 2015 - 2020, 2020 - 2025.

6.Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã chỉ đạo giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4; Báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cùng một số nội dung quan trọng khác.

7.Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy kết quả quan trọng đã đạt được của năm 2020 và những tháng đầu năm 2021; nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19; tiếp tục tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ hai, về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Thưa các đồng chí!

Chúng ta bước vào năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiều yếu tố thuận lợi, đan xen không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát, lan rộng và diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; bên cạnh đó những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan và những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò,… đã làm cho khó khăn càng chồng chất khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương và Nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện hiệu quả “Mục tiêu kép”, vừa tích cực, quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,66%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng khá so với cùng kỳ, trong đó sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, đạt 13,91%; sản xuất nông nghiệp được mùa, tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất so với nhiều năm gần đây. Dịch vụ lấy lại đà tăng trưởng; một số lĩnh vực có bước phát triển; giá trị xuất khẩu tăng 16,3% so với cùng kỳ. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt kết quả tích cực. Cùng với việc quán triệt, triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa, đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống; chúng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công rực rỡ Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 và kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh, HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, thể hiện sự thống nhất cao, hòa quyện giữa “Ý Đảng và lòng dân”.

Bên cạnh kết quả đạt được, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, có mặt yếu kém đang làm cản trở sự phát triển đi lên của tỉnh.

Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ Báo cáo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị và xuất phát từ tình hình thực tiễn trong tỉnh, cũng như từ các ngành, lĩnh vực, địa bàn nơi công tác để tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình 6 tháng đầu năm 2021. Đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm, chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là những yếu tố tích cực mới xuất hiện, những vấn đề nổi cộm mới phát sinh. Tập trung phân tích, chỉ rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong quý III và 6 tháng cuối năm, đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2021, đặc biệt là mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm phải đạt 12,8% trở lên, để cả năm đạt 11% trở lên.

Quá trình thảo luận, cần tập trung bàn kỹ về phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, để tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả, nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021, nhất là những giải pháp tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 và 6 tháng đầu năm 2021 để tiếp tục thực hiện thành công “Mục tiêu kép” trong bối cảnh mới; đồng thời, khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo, khát khao cống hiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương.

Thứ ba, về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 5 năm (2021-2025)

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã thống nhất đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”. Trong tổng số 27 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, có tới 24 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Để thể chế hoá, cụ thể hoá và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra; thời gian qua, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình trọng tâm, khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các ban, UBKT và Văn phòng Tỉnh ủy khẩn trương nghiên cứu, cập nhật tình hình, đồng thời phân tích, dự báo xu hướng phát triển trước những biến động của tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm đến nay để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định tại Hội nghị lần này.

Đây là nội dung hết sức quan trọng, rộng lớn, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Đảng và xuất phát từ thực tiễn tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta hiện nay và phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới dưới tác động của đại dịch COVID-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh mới trong nước và trên thế giới. Trong quá trình nghiên cứu thảo luận, cần lưu ý phân tích, đánh giá thật sâu sắc, làm rõ thêm thực tế tình hình; cơ hội, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với tỉnh ta trong giai đoạn tới; từ đó, cho ý kiến vào các vấn đề lớn nêu trong Báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong cả giai đoạn 5 năm và từng năm kế hoạch đã đầy đủ và chính xác chưa? Có đủ mạnh để làm chuyển biến tình hình hay không? có cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, có tính đột phá, khả thi nào để bảo đảm thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra hay không?

Thứ tư, về Kế hoạch hành động thực hiện Khâu đột phá về phát triển hạ tầng, giai đoạn 2021 - 2025

Như chúng ta đều biết, kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, vừa tạo điều kiện để kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Chính vì vậy, cùng với việc lựa chọn các khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thì phát triển hạ tầng được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX lựa chọn là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Có thể nói, đây là khâu đột phá có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta không chỉ trong 5 năm tới mà còn có tầm nhìn 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa, nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ “Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hoá phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới” theo tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị.

Về nội dung Kế hoạch hành động, trên cơ sở kế thừa kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp thu có chọn lọc những nội dung cơ bản của đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng, giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí tham dự hội nghị, đặc biệt là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị mình nghiên cứu tham gia ý kiến vào bố cục và các nội dung của kế hoạch hành động, đặc biệt là các nội dung về mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội, đã đầy đủ, bao quát, toàn diện chưa? Các nhóm giải pháp chủ yếu đã chính xác chưa? Đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu danh mục các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 và tham gia ý kiến cụ thể cần bổ sung, thay thế chương trình, dự án nào không? Nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án đã đủ rõ hay chưa? Và cần bổ sung thêm cơ chế, chính sách nào để chúng ta tổ chức thực hiện thành công kế hoạch hành động này?

Thứ năm, về Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Để tạo sự thống nhất cao trong tổ chức triển khai thực hiện; tại hội nghị này, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy sẽ quán triệt Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Công văn số 313-CV/TU, ngày 12-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các đồng chí.

Thư­a toàn thể Hội nghị!

Nội dung chương trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần này bao gồm nhiều vấn đề rất cơ bản, hệ trọng, quyết định đến sự phát triển của tỉnh ta trong giai đoạn tới. Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Tỉnh ủy đã gửi tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Tôi đề nghị từng đồng chí tham dự hội nghị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia thảo luận tích cực, tâm huyết, trọng tâm, không chỉ góp phần vào thành công của hội nghị, mà còn có tác động, làm chuyển biến tình hình của tỉnh.

Với tinh thần đó, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin liên quan:
  • Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội nghị lần thứ Chín, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX
    Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ IX: Nêu cao tinh thần đoàn ...

    Ngày 13-7, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Hội nghị lần thứ IX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá khóa XIX đã nghe thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); thảo luận, cho ý kiến vào tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2021 và nhiều nội dung quan trọng khác.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]