(Baothanhhoa.vn) - Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những người lính quân hàm xanh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đang ngày đêm bám địa bàn, giúp Nhân dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, thắt chặt tình quân dân, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Họ đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho người dân vùng biên giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả từ việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới

Bài 2: Người chiến sĩ quân hàm xanh trong lòng dân biên giới

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những người lính quân hàm xanh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đang ngày đêm bám địa bàn, giúp Nhân dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, thắt chặt tình quân dân, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Họ đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho người dân vùng biên giới.

Bài 2: Người chiến sĩ quân hàm xanh trong lòng dân biên giới

Giúp dân xóa đói giảm nghèo

Xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa là nơi sinh sống của 902 hộ, với 4.040 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm tới 96% dân số, còn lại là đồng bào Kinh lên làm ăn sinh sống. Thiếu tá Vi Văn Lý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hiền Kiệt cho biết: “Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 4,2km đường biên giới với 3 mốc giới. Hiền Kiệt là xã biên giới giáp bản Hin Đăm, cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào), đời sống Nhân dân trên địa bàn xã còn nghèo, trong đó có những bản đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện. Có nhiều đường mòn qua biên giới nên Hiền Kiệt còn là địa bàn các đối tượng phạm tội chọn để trung chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh với các loại tội phạm, đồng thời giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian qua, đồn đã thực hiện phân công 21 đảng viên phụ trách 91 hộ gia đình/551 khẩu trên địa bàn”.

Cách xa trung tâm xã Hiền Kiệt chừng 10km, con đường vào bản Ho thật gian nan vất vả. Chúng tôi cùng Thiếu tá Đoàn Ngọc Hùng, cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hiền Kiệt vào bản Ho, cũng là người được phân công phụ trách giúp đỡ 5 hộ gia đình tại bản. Người đầu tiên chúng tôi được gặp tại bản Ho là ông phó bản Ho Vi Văn Liên. Nói chuyện làm ăn của bà con trong tâm trạng phấn khởi, ông Liên nhắc nhiều đến chuyện bộ đội đã hướng dẫn bà con trong bản trồng cây lúa nước, đậu tương, trồng gừng... đã khiến cái đói, nghèo dần rời xa mảnh đất nhiều gian khó này. Ông kể: “Khi chưa có BĐBP ở đây, bản Ho nghèo lắm. Cả bản có 93 hộ, 430 nhân khẩu người dân tộc Thái. Bản nằm ở vùng sâu, tiếp giáp với nước bạn Lào, địa hình núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt; trình độ canh tác của bà con rất lạc hậu, nông sản không bán được nên sản xuất chủ yếu tự cấp, tự túc, dẫn đến tỷ lệ hộ đói nghèo trong bản chiếm đến 70%”.

Chúng tôi cùng đi thăm người dân bản Ho, được nghe câu chuyện về một bản Ho no ấm hôm nay. Nhiều năm trước, bản Ho còn chẳng có đường mà đi. Người dân muốn ra trung tâm xã bán con gà, mua gói muối hay người ngoài muốn vào bản phải men theo suối Khiết, đi bộ nửa ngày mới đến nơi. Cây ngô, hạt lúa gieo trên nương rồi phó mặc cho ông trời nên nhà ai cũng đói. Thế rồi người dân cứ đốt nương rẫy, chặt phá rừng một cách vô tội vạ, đến nỗi những con thú rừng cũng chẳng còn chỗ mà trú ngụ nữa. Từ khi có BĐBP vào bản tuyên truyền, vận động, người dân bản Ho mới biết khai hoang trồng cây lúa nước, trồng cây luồng trên những ngọn đồi, cùng với BĐBP bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.

Ông Lê Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa cho biết: Trước đây, đồng bào bản Ho thường xuyên phát rừng, đốt nương làm rẫy, thu nhập bấp bênh, đời sống nhiều gia đình gặp khó khăn. Trước tình hình đó, đồn biên phòng đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân địa phương đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao lên cấy ở ruộng bậc thang, thay thế giống lúa cũ đã thoái hóa; đồng thời hướng dẫn đồng bào áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong đó đồn biên phòng là đơn vị trực tiếp thực hiện mô hình điểm. Để triển khai có hiệu quả, đồn đã thành lập ban chỉ đạo vận động quần chúng và tổ chức thực hiện, dùng 500m2 đất trong số 19 hộ tham gia mô hình làm thí điểm. Cán bộ chức năng địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng thường xuyên “bám ruộng, bám dân” trực tiếp thực hành các khâu làm đất, xử lý hạt giống, ngâm thóc, gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, theo dõi tình hình phát triển của cây lúa, từ khi cấy đến lúc thu hoạch”.

Lăn lộn với đồng ruộng để đưa giống lúa lai lên vùng cao biên giới đã khó, để nó phát triển tốt, chuyển dần nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó khăn hơn, nhưng bằng trách nhiệm của những người lính biên phòng, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã cố gắng để đem lại niềm vui cho bà con nơi vùng cao biên giới”. Nhìn những cánh đồng lúa chín nằm dọc con suối Khiết, những rừng luồng bạt ngàn xanh ngắt, những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau là minh chứng cho cuộc sống ấm no đang hiện hữu ở bản Ho. Từ chuyển đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, xã cũng xóa bỏ được tập quán canh tác cũ, lạc hậu, đời sống Nhân dân được no đủ, có vốn để phát triển sản xuất, tình trạng phá rừng làm nương rẫy cơ bản chấm dứt. Nhờ có thu nhập cao, nhiều gia đình đã có vốn tích lũy, xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được xe máy, ti-vi, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được cải thiện... Tỷ lệ hộ đói nghèo trong xã đã giảm rõ rệt, tình hình an ninh, chính trị ổn định, Nhân dân tích cực, hăng hái tham gia phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới.

Nghe lời bộ đội, dân không di cư nữa

Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, Đồn Biên phòng Trung Lý đã phân công 39 đồng chí là đảng viên phụ trách giúp đỡ 185 hộ/1.132 khẩu. Là một trong những địa bàn phức tạp nhất về tội phạm ma túy, di cư tự do... trên tuyến biên giới của Thanh Hóa, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác quốc phòng, dân vận, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Trung Lý, huyện Mường Lát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững an ninh biên giới, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn quản lý. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý thường xuyên gần dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân bản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền về tác hại và hậu quả của ma túy, vận động bà con dân bản tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội. Cũng chính đồng bào là những người cung cấp hàng trăm nguồn tin cho các cán bộ, chiến sĩ đánh án thành công. Cũng nhờ sâu sát, gần dân nên cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, nắm chắc các nguồn tin, công tác chuẩn bị di cư của đồng bào Mông. Qua đó các cán bộ, chiến sĩ đến từng nhà tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông ổn định đời sống, không di cư tự do, không đốt nương làm rẫy.

Bản Tà Cóm, xã Trung Lý là bản có vị trí địa lý nằm cách trung tâm xã gần 50 km, với 95 hộ/596 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông. Qua rà soát, thống kê, toàn bản hiện có 40 đối tượng sử dụng chất ma túy (có hồ sơ quản lý), hầu hết các gia đình có người nghiện đều thuộc diện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đã hơn 10 năm sống trong cảnh nghiện ma túy, hơn ai hết, ông Thào A Giọng thấu hiểu cái nghèo do ma túy gây ra. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, nhà có bao nhiêu đồ có giá trị, ông đều mang đi bán để lấy tiền mua thuốc. Thế nhưng, trong 1 năm nay, ông đã cai nghiện thành công. Kết quả đó không chỉ do nỗ lực của bản thân vượt lên chính mình, mà một phần lớn từ sự vận động, hỗ trợ của cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý. Từ khi cai nghiện thành công, ông đã thay đổi tích cực về lối sống, siêng năng làm ăn, chăm lo xây dựng gia đình.

Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh là một trong số các đảng viên được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Trung Lý phân công phụ trách các hộ gia đình ở bản Khằm. Đây là các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình có các mối quan hệ chính trị, xã hội phức tạp, dễ bị lợi dụng kích động, cần quan tâm và giúp đỡ. Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh là người trực tiếp tham gia hướng dẫn đồng bào Mông trồng lúa nước cho biết: “Để bà con tin và trồng được lúa nước, chúng tôi đã làm mô hình trình diễn để bà con tận mắt chứng kiến năng suất lúa nước cao hơn hẳn lúa nương. Sau đó chúng tôi mới hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc cho bà con. Sau một thời gian “cầm tay chỉ việc” bà con dân bản đã thông thạo kỹ thuật trồng lúa nước” - anh Cảnh cho biết.

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Trung Lý còn giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Lương Thị Hỏa, ở bản Táo và em Sùng Thị Cá, ở bản Ma. Các em đã được đồn nhận đỡ đầu và hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng, góp phần giúp các em có điều kiện sinh hoạt và được đi học con chữ.

Chia tay những người lính quân hàm xanh với niềm tin về một bản vùng biên đang từng ngày khởi sắc. Ở đó có những người lính quân hàm xanh luôn thấu hiểu, sẻ chia với những vất vả, nhọc nhằn, hàng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và cùng bà con bảo vệ bình yên nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài cuối: Tạo thế trận lòng dân vững chắc.

Bài và ảnh: Hoàng Anh


Bài và ảnh: Hoàng Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]