(Baothanhhoa.vn) - Xác định, mọi sự thành - bại đều bắt đầu từ công tác cán bộ, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cán bộ sao cho phù hợp, hiệu quả, đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Từ đó, tạo nên “mắt xích” cơ bản nhất để vận hành tổ chức bộ máy từ huyện xuống cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ ở huyện Cẩm Thủy

Bài 1: Cái gốc của mọi sự thành – bại

Bài 1: Cái gốc của mọi sự thành – bại

Một góc thị trấn Cẩm Thủy. Ảnh: Khôi Nguyên

Xác định, mọi sự thành - bại đều bắt đầu từ công tác cán bộ, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cán bộ sao cho phù hợp, hiệu quả, đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Từ đó, tạo nên “mắt xích” cơ bản nhất để vận hành tổ chức bộ máy từ huyện xuống cơ sở.

Chú trọng “mắt xích” tại cơ sở

Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn giữ vai trò đặc biệt quan trọng như những “mắt xích” giúp hoàn thiện và vận hành bộ máy chính quyền tại cơ sở; tạo ra cầu nối giữa chính quyền với nhân dân và bảo đảm cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai đầy đủ và hiệu quả. Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đương chức và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã, thị trấn thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp với từng lĩnh vực, có năng lực và trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng... được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định là một khâu trọng yếu trong công tác cán bộ hiện nay.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã được bố trí đủ số lượng (112 đồng chí) và cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; độ tuổi ngày càng được trẻ hóa và tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các chức danh chủ chốt cấp xã tương đối phù hợp, hài hòa với cơ cấu dân tộc (57 người, chiếm 50,89%). Đại đa số cán bộ cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có tinh thần đoàn kết trách nhiệm cao, được nhân dân tin tưởng; thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết, khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đồng thời, thông qua hoạt động, đội ngũ cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành về nhiều mặt, như năng lực nắm bắt thông tin và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.

Bài 1: Cái gốc của mọi sự thành – bại

Chất lượng đội ngũ cán bộ – nhân tố quyết định hiệu quả chỉ đạo, điều hành tại cơ sở.

Tuy chất lượng ngày càng được nâng cao, song, so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, thì đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, thị trấn vẫn còn những hạn chế nhất định về trình độ, năng lực. Trong đó, đa số cán bộ tuy đã có bằng cấp, nhưng chủ yếu là bằng trung cấp, số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng còn ít; năng lực và trình độ quản lý của cán bộ đang dựa vào các đợt tập huấn ngắn ngày và kinh nghiệm là chủ yếu, nên công tác quản lý điều hành thiếu bài bản, chưa khoa học, hiệu quả hoạt động chưa cao, dẫn đến năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực thực tiễn của một số cán bộ còn thấp; một số cán bộ chậm đổi mới về tư duy, phương pháp làm việc, nhất là trong xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chưa dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm; một số cán bộ ngại học tập, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; tỷ lệ cán bộ nữ còn ít.

Xuất phát từ thực trạng trên, cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho các giai đoạn tiếp theo, Huyện ủy Cẩm Thủy đã ban hành Kế hoạch số 46-KH/HU, ngày 16-8-2013 về Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ chủ chốt xã, thị trấn giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo. Đồng thời, thực hiện Quy định số 02-QĐ/TU ngày 18-5-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và định hướng nhiệm kỳ 2020-2025”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Hướng dẫn số 16-HD/HU “Hướng dẫn xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và định hướng nhiệm kỳ 2020-2025” để các xã, thị trấn chủ động thực hiện xây dựng quy hoạch, trình Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt. Về cơ bản, số lượng nguồn đưa vào quy hoạch (từ 2 đến 3 cán bộ cho một chức danh và một người quy hoạch 2-3 chức danh) và cơ cấu về độ tuổi, giới tính, dân tộc được bảo đảm. Nhân sự quy hoạch các chức danh chủ chốt đa số có bằng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị đạt chuẩn theo quy định hiện hành.

Theo đó, tổng số cán bộ trong nguồn quy hoạch các chức danh chủ chốt ở xã, thị trấn là 197 người, trong đó, quy hoạch từ 2 đến 3 chức danh/người. Để tạo sự chuyển biến nhanh và hiệu quả hơn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, cũng như góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020, 100% cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trong đó 87% (khoảng 171 người) có trình độ đại học. Đồng thời, việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ chủ chốt xã, thị trấn được thực hiện theo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Ðào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; dựa trên cơ sở quy hoạch, năng lực, sở trường của cán bộ gắn với thực hiện theo vị trí công việc, tiêu chuẩn, chức danh cán bộ; ưu tiên đào tạo đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số... Từ đó, từng bước khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp; hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng tràn lan không trong chương trình, kế hoạch cụ thể; hoặc bố trí cán bộ không phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, sở trường...

Tạo thành một thể thống nhất!

Phương châm trong xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay là phù hợp với thực tiễn và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Đồng thời, quy trình công tác cán bộ phải đồng bộ, chặt chẽ, công khai, minh bạch và dân chủ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Ngô Anh Thúy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, nhấn mạnh: Như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, cho nên cán bộ và công tác cán bộ cần được thực hiện theo lộ trình, với các giải pháp triển khai một cách cụ thể và bám sát đặc thù địa phương. Muốn vậy, trước hết địa phương đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mọi khâu từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, đến công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá xếp loại, thi đua khen thưởng... cũng được tiến hành một cách đồng bộ, phù hợp và từng bước đạt được kết quả quan trọng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được huyện Cẩm Thủy quan tâm theo hướng cập nhật kiến thức, gắn lý luận với thực tiễn, có địa chỉ cụ thể, mang tính thực tiễn, tính khả thi và hiệu quả; cũng như gắn quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đánh giá và bố trí sử dụng cán bộ thành một thể thống nhất. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, huyện đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi học đại học, cao học, cao cấp lý luận, bồi dưỡng cập nhật kiến thức và tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành. Bên cạnh đó, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính và các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho hàng trăm lượt cán bộ cấp huyện và cấp xã... Đến nay, đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý ở cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ cấp xã, thị trấn đạt chuẩn về chuyên môn (trên 70% có trình độ đại học và cao đẳng) và lý luận chính trị.

Luân chuyển cán bộ có thể xem là một giải pháp hữu hiệu, nhằm bồi dưỡng và đánh giá cán bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành “Kế hoạch luân chuyển cán bộ là bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương nhiệm kỳ 2015-2020”. Đến nay, địa phương đã tiến hành luân chuyển 4 đồng chí từ các phòng, ban, đơn vị cấp huyện về giữ chức bí thư đảng ủy xã; 3 đồng chí là phó chủ tịch UBND các xã về giữ các chức vụ tại một số phòng, ban, đơn vị cấp huyện; 8 đồng chí là bí thư, chủ tịch các xã được luân chuyển ngang giữa các xã, thị trấn; đồng thời, việc luân chuyển giữa phòng, ban, đoàn thể cấp huyện cũng được địa phương tích cực triển khai. Theo đánh giá của đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ngô Anh Thúy, thì việc luân chuyển cán bộ là nhằm bổ sung, tăng cường năng lực cán bộ cho cơ sở; tạo điều kiện cho việc chuyển giao kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, cũng như đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ rèn luyện đạo đức cách mạng, trưởng thành toàn diện; đồng thời, góp phần chống biểu hiện bảo thủ, trì trệ, cục bộ đối với cán bộ giữ một chức vụ quá lâu tại một đơn vị.

Là một trong những cán bộ thuộc diện được luân chuyển, đến nay, đồng chí Cao Minh Thức, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cẩm Thủy, đã có 4 năm gắn bó cùng cơ sở. Trao đổi với chúng tôi về tâm thế tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Thức lạc quan, tin tưởng vì được tổ chức lựa chọn đưa đi đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi cho bản thân phát huy sở trường, năng lực chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm. Để nhanh chóng hòa nhập và hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ được luân chuyển phải nắm bắt tình hình đội ngũ và đặc điểm địa bàn, từ đó, có sự phối hợp và tranh thủ được sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ tại chỗ, nhằm lựa chọn và thực hiện những công việc trọng yếu, có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực cho cơ sở. Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn Cẩm Thủy, thì bản thân người được luân chuyển cần tránh ngộ nhận rằng cứ luân chuyển sẽ được đề bạt lên vị trí cao hơn. Đồng thời, họ cũng cần được cấp trên quan tâm đúng mức và đúng thời điểm, để có thể yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; công tác đánh giá cán bộ cũng được huyện Cẩm Thủy quan tâm, thông qua quy trình và nội dung đánh giá từng bước bám sát yêu cầu, mục đích và hiệu quả cần đạt được của công việc được giao. Ngoài ra, công tác kiểm tra giám sát, xử lý các trường hợp sai phạm, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... cũng đã và đang có sự chuyển biến tích cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ và tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân nhân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương.

Khôi Nguyên

Bài 2: Hợp nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]