Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan diễn ra tại Nhà Trắng trong bối cảnh mối quan hệ hai bên quá nhiều thăng trầm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liệu những bế tắc trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã được tháo gỡ?

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan diễn ra tại Nhà Trắng trong bối cảnh mối quan hệ hai bên quá nhiều thăng trầm.

Liệu những bế tắc trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã được tháo gỡ?Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại Washington DC., ngày 13/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đó là việc, hai nước đang phải vật lộn với những sóng gió mới do những bất đồng liên quan tới một loạt vấn đề, từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đến cuộc tấn công người Kurd ở miền Bắc Syria, cũng như sự tức giận của Ankara đối với việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và công nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời đế chế Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) là “diệt chủng.”

Sự kiện lãnh đạo hai nước gặp nhau tại thủ đô Washington không chỉ được coi là cơ hội hàn gắn phần nào sự rạn nứt ngày càng lớn giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này, mà còn được kỳ vọng có thể đưa mối quan hệ hai bên “quay trở lại đúng hướng."

Nếu dựa vào những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ là một “đồng minh NATO tuyệt vời,“đồng thời cho rằng các cuộc thảo luận giữa hai bên đã thành công và coi đó là một “cuộc đối thoại có tính xây dựng về hàng loạt vấn đề quan trọng,” thì có thể nói rằng “nút thắt” trong quan hệ hai bên có vẻ đang được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, thực hiện được mục tiêu trên không phải là điều dễ dàng bởi giữa Washington và Ankara hiện có quá nhiều những bất đồng và mâu thuẫn cần giải quyết. Ngay trước thềm cuộc gặp, bầu không khí căng thẳng dường như bị hâm nóng hơn bởi những cảnh báo mà đôi bên nhằm vào nhau.

Trong lịch sử, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ gần gũi thân thiết, nhưng vài năm trở lại đây, hai nước liên tiếp đối đầu nhau bằng các biện pháp trừng phạt, trả đũa kinh tế, đe dọa và thách thức.

Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng trong quan hệ hai nước không chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn ngoại giao, đặc biệt liên quan đến số phận của mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ hay Giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, mà còn là những bất đồng âm ỉ liên quan đến lợi ích của mỗi bên.

Chính những mâu thuẫn lợi ích này đang tạo ra “nút thắt” không thể gỡ trong quan hệ hai nước.

Tại khu vực Trung Đông, lực lượng người Kurd là một trở ngại chính trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ bởi chính quyền Ankara coi nhiều nhóm vũ trang của người Kurd là “thành phần khủng bố,” trong khi với Mỹ đây là lực lượng đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và bảo vệ các khu khai thác dầu mỏ rộng lớn trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về giải pháp hòa bình cho Syria cạnh tranh trực tiếp với tiến trình đàm phán mà Mỹ dẫn dắt, được cho sẽ đe dọa đến lợi ích của Washington tại Syria cũng như trong khu vực.

Mặc khác, Ankara còn “kết bạn” với nhiều “đối thủ” khác của Mỹ như tuyên bố tiếp tục trao đổi thương mại với Iran hay thiết lập mối quan hệ vững mạnh với Venezuela.

Đặc biệt, một yếu tố chính trị khác khiến quan hệ hai nước trở lên “lung lay” chính là quyết tâm theo đuổi đến cùng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp Mỹ phản đối gay gắt.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng mua sắm thiết bị quân sự từ Nga cho thấy quan hệ giữa Ankara và Moskva ngày càng trở nên gần gũi và nồng ấm, điều đó thật sự không thể khiến Mỹ và NATO cảm thấy “dễ chịu” khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, lại là thành viên có lực lượng vũ trang lớn thứ hai của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này.

Thổ Nhĩ Kỳ còn đe dọa thắt chặt quan hệ quân sự với Nga hơn nữa bằng việc mua máy bay chiến đấu Su-35 nếu Washington không dỡ bỏ lệnh cấm bán chiến đấu cơ F-35 cho Ankara...

Liệu những bế tắc trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã được tháo gỡ?Máy bay chiến đấu F-35 trình diễn tại Washington, DC, Mỹ, ngày 12/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chỉ cách đây đúng 1 tháng, Mỹ thậm chí đã áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara phát động chiến dịch tấn công nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria, làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước bởi gói trừng phạt này càng “bóp nghẹt” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO không thể từ bỏ mối quan hệ đồng minh chiến lược với cường quốc trong khu vực có chung biên giới với Syria, Iraq và Iran này.

Mỹ hiểu rằng áp đặt trừng phạt mạnh vốn như “con dao hai lưỡi,” nếu đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Mỹ sẽ càng khiến Ankara đối đầu và không nhượng bộ Washington.

Trong khi đó, nếu thiếu sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ sẽ không thể ngăn chặn hoặc áp đặt trọn vẹn các biện pháp trừng phạt đối với Iran cũng như không thể thực hiện thành công các mục tiêu trong khu vực.

Hơn nữa, về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Biển Đen lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa châu Âu và toàn bộ vùng Trung Cận Đông. Vị trí địa-chính trị chiến lược quan trọng đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ khiến việc cắt đứt mối quan hệ với quốc gia này, đối với Mỹ hay nhiều nước NATO, là bước đi mạo hiểm.

Ngược lại, Ankara cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Washington trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự của quốc gia cầu nối lục địa Á-Âu này.

Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhận được các thiết bị quốc phòng lớn thứ ba từ Mỹ, sau Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), và phần lớn lực lượng không quân của Ankara là do Mỹ hỗ trợ.

Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào chương trình F-35 bởi vì ngành hàng không của nước này cung cấp nhiều bộ phận phụ cho chiếc F-35, và sẽ phải đối mặt với tổn thất lớn nếu Mỹ chấm dứt sự tham gia của Ankara trong dự án.

Bên cạnh yếu tố kinh tế-thương mại thì quan hệ với Mỹ có ý nghĩa về mặt an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, trên nhiều phương diện, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần tới nhau. Chính vì vậy, một mặt hai bên thường xuyên cảnh báo, đe dọa và gây sức ép lẫn nhau nhằm đạt được những tính toán của riêng mình, nhưng mặt khác vẫn tìm cách nới dần những nút thắt trong quan hệ để khi cần có thể “bắt tay nhau.”

Sau nỗ lực ngoại giao trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Thổ Nhĩ Kỳ phần nào xoa dịu được tình hình, cuộc gặp cấp cao Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington ít nhiều cũng đã tạm thời nới lỏng những nút thắt căng thẳng “vĩnh cửu” trong quan hệ, để hai bên tiếp tục duy trì mối đồng minh “bằng mặt dù không bằng lòng,” chừng nào điều đó còn cần thiết cho lợi ích chiến lược của Washington và Ankara.

Theo AFP



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]