Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 315.000 hộ gia đình có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở. Với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt từ Chính phủ đến các địa phương như hiện nay, mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 sẽ sớm đạt kết quả như kỳ vọng.

Tăng mức hỗ trợ xây nhà ở để người nghèo sớm có chốn “an cư, lạc nghiệp”

Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 315.000 hộ gia đình có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở. Với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt từ Chính phủ đến các địa phương như hiện nay, mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 sẽ sớm đạt kết quả như kỳ vọng.

Tăng mức hỗ trợ xây nhà ở để người nghèo sớm có chốn “an cư, lạc nghiệp”

Một hộ nghèo ở huyện Như Thanh được hỗ trợ xây dựng nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Ngọc Huấn

Thực hiện các chính sách với người có công, các chính sách an sinh xã hội, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã dành nhiều nguồn lực thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn ở vùng cao, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hộ nghèo... xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã huy động được các nguồn lực trong xã hội, trong các tầng lớp nhân dân chung tay xây mái ấm cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn... Những mái nhà ấm áp, nghĩa tình được xây nên từ tình đồng chí, đồng bào, từ tinh thần đùm bọc, sẻ chia, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã lan tỏa hơi ấm tình người, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tinh thần tương thân tương ái sâu sắc trong xã hội.

Tuy số hộ được giúp đỡ xóa nhà tạm, dột nát khá lớn, nhưng số hộ còn phải ở trong những ngôi nhà dột mỗi khi trời mưa, lạnh mỗi khi trời rét cũng đang còn khá nhiều, “đến nay thu nhập bình quân đầu người đã hơn 4.300 USD, quy mô nền kinh tế Việt Nam gần 500 tỷ USD, không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát” – tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này. Và người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các thành viên Chính phủ phải phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Để hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, và đặc biệt nhấn mạnh chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của chương trình, không ỷ lại vào trung ương mà cần phải đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo; đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm.

Theo nội dung Thông báo số 523/TB- VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 16/11/2024 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tất cả các đối tượng (trừ đối tượng diện bảo trợ xã hội không có khả năng đối ứng) lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng). Đối với các hộ thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia, vận động thêm nguồn lực xã hội hoá để bảo đảm bằng mức trên. Các địa phương có các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tăng cường giám sát, sử dụng chủ yếu vật liệu của địa phương, vận động cộng đồng hỗ trợ các hộ gia đình...

Việc điều chỉnh mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tất cả các đối tượng nhằm tạo thêm động lực, niềm tin để các hộ chính sách, hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở nỗ lực tự mình vươn lên, cùng với sự trợ giúp, chia sẻ, chung sức của cộng đồng sớm “an cư, lạc nghiệp”. Và mục tiêu phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực cho phát triển.

Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế để vươn lên trở thành một cực tăng trưởng mới, một trụ cột phát triển mới của vùng Bắc Trung Bộ và phía Bắc của Tổ quốc. Tuy nhiên, là tỉnh có dân số đông thứ ba trong cả nước, qua rà soát và phê duyệt tổng số hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trong hai năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh còn tới 15.251 hộ cần xây mới và sửa chữa nhà ở, trong đó số hộ cần xây nhà mới là 10.609 hộ, số hộ cần sửa chữa nhà là 4.642 hộ.

Cùng với cả nước, trong năm 2024 Thanh Hóa đã dồn sức thực hiện Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hơn 2.200 ngôi nhà đã và đang được khởi công xây dựng mới và sửa chữa. Nhiều ngôi nhà sẽ kịp hoàn thành để các hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở có nhà mới đón tết Ất Tỵ.

Sẽ “không còn ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng trên hành trình giúp người nghèo, người có khó khăn về nhà ở xóa nhà tạm, nhà dột nát, xóa đói nghèo, rất cần lắm sự chung tay hành động thiết thực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nhiều hơn nữa của cả cộng đồng: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”. Mỗi người bằng việc làm thiết thực, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình để lan tỏa, nhân rộng ý nghĩa nhân văn sâu sắc tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt. Đó cũng là hành động đẹp khi cả đất nước đang hướng về kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước và Quốc khánh ngày 02/9 (1945-2025).

Hà Minh


Hà Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]