Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm “tín dụng đen”
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tình trạng “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và đời sống Nhân dân. Lực lượng Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này.
Khách hàng đến giao dịch tại VietinBank Sầm Sơn.
Nhiều vụ cho vay lãi nặng bị phát hiện
Mới đây nhất, ngày 15/3/2025, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Hoàng Viết T., sinh năm 1992, trú tại thôn Thái Phong, xã Thái Hòa (Triệu Sơn). Qua đấu tranh, T. thừa nhận do tích lũy được một số tiền nên đã nảy sinh ý định cho người khác vay với lãi suất cao. Từ đầu năm 2022 đến khi bị bắt, đối tượng đã cho nhiều công dân vay tiền với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương ứng 108% đến 182%/năm), thu lợi bất chính khoảng hơn 100 triệu đồng.
Tháng 2/2025, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án Bùi Thị T., sinh năm 1988, ở tỉnh Ninh Bình phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2024, đối tượng đã cho 3 người quen biết vay tổng số tiền 150 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương ứng 109,5%/năm), cao gấp 5,475 lần so với quy định của Bộ luật Dân sự. Bùi Thị T. đã thu lợi bất chính hơn 104 triệu đồng, trong đó thực tế thu được hơn 61 triệu đồng. Đáng chú ý, đối tượng chỉ thỏa thuận miệng về lãi suất và yêu cầu người vay ký vào sổ với nội dung chỉ ghi số tiền gốc, không ghi lãi suất, trong một số trường hợp còn yêu cầu thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một vụ án khác cũng đáng chú ý là vụ Hoàng Văn L., sinh năm 1988, ở TP Sầm Sơn. Đối tượng này làm dịch vụ cầm đồ, đã áp dụng thủ đoạn “cắt lãi trước” khi cho vay. Từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024, L. đã cho hai người vay tổng số tiền 40 triệu đồng với lãi suất 4.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương ứng 146%/năm), thu lợi bất chính hơn 83 triệu đồng. Trong đó có trường hợp của chị Nguyễn Thị A., sinh năm 1985, ở huyện Quảng Xương, khi L. cho chị A. vay 20 triệu đồng, L. đã cắt lãi trước 2,4 triệu đồng ngay từ đầu.
Các vụ án cho vay nặng lãi nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với người vay. Đơn cử như, chị Nguyễn Thị H. vay 50 triệu đồng của Bùi Thị T., đã phải trả 20,7 triệu đồng tiền lãi chỉ trong 5 tháng. Anh Bùi Văn S., vay 50 triệu đồng của Bùi Thị T., phải trả tới 49,5 triệu đồng tiền lãi trong 12 tháng, gần bằng số tiền gốc.
Chị Nguyễn Thị A. vay 20 triệu đồng của Hoàng Văn L., phải trả 52,8 triệu đồng tiền lãi trong 22 tháng mà vẫn chưa trả được tiền gốc. Chị Lê Thị T. vay 20 triệu đồng cũng của Hoàng Văn L., phải trả tổng cộng 36 triệu đồng trong 15 tháng, trong khi theo quy định pháp luật, số tiền lãi chỉ khoảng 4,9 triệu đồng.
Nguyên nhân và giải pháp
Từ thực trạng trên, theo nhận định của các cơ quan tư pháp, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động tín dụng đen phát triển là “nhu cầu vốn của người dân rất lớn, trong khi các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu”. Điều này tạo điều kiện cho các đối tượng làm ăn phi pháp thu lợi nhuận bất chính.
Trong bản án của vụ Bùi Thị T., Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh đã nhấn mạnh: "Tín dụng đen hoành hành khắp nơi khiến nhiều gia đình tán gia bại sản, không có khả năng trả nợ. Có những trường hợp phải bỏ nhà xa xứ và luôn sống trong tình cảnh lo sợ vì bị siết nợ".
Đối với người cho vay, hậu quả pháp lý rất nghiêm trọng. Bùi Thị T. bị phạt 200 triệu đồng. Hoàng Văn L. bị phạt 27 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung 70 triệu đồng và bị khấu trừ thu nhập cá nhân mỗi tháng 500.000 đồng. Ngoài ra, họ còn phải nộp lại tiền gốc dùng để cho vay và các tài sản thu giữ trong quá trình điều tra.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm “tín dụng đen”, Công an tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Đồng thời, lực lượng công an cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảnh báo người dân về các hình thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Khuyến cáo người dân, khi có nhu cầu vay tiền cần hết sức cẩn trọng, không nên vay tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo hay các tổ chức tài chính núp bóng hoạt động tín dụng đen mà nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an để kịp thời xử lý.
Người dân khi gặp khó khăn tài chính nên tìm hiểu kỹ điều kiện vay, lãi suất và các khoản phí phát sinh; ưu tiên các tổ chức tín dụng chính thức; không ký vào giấy tờ vay mượn không ghi rõ lãi suất; cảnh giác với các khoản vay có lãi suất cao bất thường và báo ngay cho cơ quan chức năng khi bị ép vay nặng lãi.
Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh trong một phiên tòa đã nhấn mạnh, hành vi của các đối tượng “nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích của công dân, gây mất trật tự trị an chung”.
“Tín dụng đen” là vấn nạn của xã hội. Vì vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân để đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2025-04-12 18:32:00
Công an xác minh vụ nghi trục lợi từ thiện liên quan đến mẹ Bắp
-
2025-04-12 14:33:00
Quan tâm phòng, chống tệ nạn xã hội trong giới trẻ
-
2025-04-10 14:46:00
Lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 45 qua thị trấn Kim Tân
Dự án Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 Xử lý tiền lãi từ 145 tỷ nhà thầu gửi tiết kiệm
Siết chặt kỷ cương, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2025
Đắk Lắk: Phạt 224 triệu đồng cơ sở kẹo rau củ Kera
Bắt giữ hai đối tượng trộm cắp tài sản
Cảnh giác thủ đoạn giả danh công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Phê chuẩn khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa
Làm rõ vụ hủy hoại tài sản trên cao tốc Bắc - Nam
Năm 2025, phấn đấu có từ 80% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT
Thực hiện Nghị định 168, ý thức chấp hành giao thông được nâng cao