(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 11 năm (từ năm 2010) triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, Nông Cống có 100% xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM nâng cao và 9/9 tiêu chí huyện NTM. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; tăng giá trị các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,28%.

Nông Cống hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới

Sau hơn 11 năm (từ năm 2010) triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, Nông Cống có 100% xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM nâng cao và 9/9 tiêu chí huyện NTM. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; tăng giá trị các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,28%.

Nông Cống hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mớiCông nhân Công ty TNHH Giày Kim Việt – Việt Nam, thị trấn Nông Cống trong ca sản xuất. Ảnh: Xuân Hùng

Năm 2010, huyện đã thành lập ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM từ huyện, xã đến thôn; đồng thời, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Ngoài ra, huyện và các xã đã thành lập ban quản lý Chương trình XDNTM để huy động và sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình... Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân để tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện Nông Cống triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả, bảo đảm việc làm và không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo và đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, bảo đảm có quy mô đất đai, mặt nước lớn, liên xã phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Dựa trên điều kiện thực tế và các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế, huyện đã xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để xây dựng cơ chế, ban hành chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, gồm: lúa gạo, rau an toàn, lợn hướng nạc, gà, bò sữa, bò thịt, tôm cua nước lợ, cá nước ngọt. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có những chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất gia tăng nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, mở rộng diện tích sản xuất cây hàng hóa, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Huyện cũng đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, với diện tích hơn 1.500 ha, cải tạo vườn tạp 1.200 ha, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đến nay, toàn huyện có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm: Miến gạo Thăng Long, Gạo sạch Hương Quê, Gạo tím quê nông thôn. Trên địa bàn cũng đã hình thành được 5 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, với tổng diện tích 7.361 ha, như: vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tập trung 5.000 ha ở 29 xã, thị trấn; vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP 31 ha, tại các xã: Thăng Long, Vạn Hòa, Vạn Thắng, Công Liêm, Trường Sơn, Tượng Văn, Thăng Bình, Yên Mỹ; vùng sản xuất cói tập trung 330 ha, ở các xã Minh Khôi, Tế Nông, Trường Trung, Trường Giang, Tượng Sơn, Tượng Văn, Tượng Lĩnh; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung 600 ha; vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi 1.400 ha... Huyện tập trung chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất đồng bộ và đến nay, trên địa bàn các xã có 520 máy làm đất, 25 máy cấy, 68 máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa 60 cái... 100% diện tích gieo trồng được cơ giới hóa khâu làm đất, có 90% diện tích được cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa; ngoài ra, các khâu bóc tách hạt, vận chuyển, gieo hạt, bảo quản, chế biến từng bước được cơ giới hóa. Toàn huyện cũng đã xây dựng được 29 chuỗi liên kết sản xuất; trong đó, 12 chuỗi lúa gạo, 10 chuỗi rau quả, 5 chuỗi thịt gia súc gia cầm, 2 chuỗi thủy sản cung ứng thực phẩm an toàn và 28/28 xã được công nhận xã an toàn thực phẩm. Đi đôi với đó, huyện cũng đã xây dựng và hình thành 5 vùng chăn nuôi tập trung, gồm: 1 vùng chăn nuôi gia cầm tập trung tại các xã Tân Khang, Tân Thọ; 3 vùng chăn nuôi lợn tập trung tại các xã Tế Thắng, Trung Thành, Minh Nghĩa, Tế Lợi, Trường Giang, Trường Trung; 1 vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao tại các xã Yên Mỹ, Công Chính. Tổng diện tích rừng trên địa bàn hơn 2.800 ha; trong đó, duy trì và bảo vệ 800 ha rừng phòng hộ, phát triển rừng sản xuất gần 2.000 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 958,18 ha, hàng năm sản lượng thủy sản đạt 2.926 tấn, giá trị sản xuất khoảng 1.220 tỷ đồng/năm. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh được áp dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao trong nhà có mái che, sử dụng công nghệ sục khí trong bể nuôi, công nghệ trong xử lý nguồn nước, men vi sinh, phần mềm quản lý môi trường nước và cung cấp dinh dưỡng cho tôm. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn. Đi đôi với đó, huyện đã tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp. Đến nay, huyện có 480 doanh nghiệp (trong đó, có 20 doanh nghiệp FDI về may mặc và sản xuất gấu bông, đồ chơi trẻ em), giải quyết việc làm cho trên 18.500 lao động, thu nhập bình quân 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Toàn huyện có 7 làng nghề đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được huyện quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới.

Kinh tế phát triển, đời sống của Nhân dân được nâng lên, huyện có điều kiện huy động nguồn lực và cùng với hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để XDNTM. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thôn chủ động vận động các nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt... Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện huy động hơn 9.239 tỷ đồng XDNTM; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 112 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 314 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 516 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 751 tỷ đồng, vốn tín dụng 40,45 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 56,163 tỷ đồng, vốn lồng ghép 7,13 tỷ đồng và nguồn đầu tư từ Nhân dân hơn 7.441 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, trong những năm qua, huyện hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, phải kể đến các công trình giao thông trên địa bàn được huyện tập trung chỉ đạo, triển khai đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai thực hiện, bảo đảm sự kết nối đồng bộ giữa trung tâm hành chính huyện với trung tâm hành chính các xã và các khu vực phụ cận. Trong đó, nhiều tuyến đường huyết mạch, như: Quốc lộ 45, đoạn qua trung tâm thị trấn huyện và các xã Hoàng Giang, Hoàng Sơn, Trung Chính, Trung Thành, Tế Thắng, Tế Lợi, Vạn Hòa, Vạn Thắng; Quốc lộ 47C qua các xã Trung Chính, Tân Khang, Tân Thọ; 4 tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp V trở lên; 5 tuyến đường huyện, với tổng chiều dài 35,8 km đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%, phù hợp với quy hoạch được duyệt. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai Dự án đường Cao tốc Bắc Nam qua 16 xã, thị trấn, với chiều dài 35 km; đường kết nối xã Vạn Thiện đi Bến En dài 5,3 km... Hệ thống mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Nông Cống phát triển tương đối đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đi lại thuận lợi cho Nhân dân. Bên cạnh đó, hệ thống công trình thủy lợi của huyện cũng đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh và đồng bộ từ kênh liên xã đến mặt ruộng, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Trên địa bàn cũng đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình điện, như: xây dựng mới 155 trạm biến áp, nâng tổng số trạm biến áp trên địa bàn hiện là 405 trạm, đường dây trung thế 439,6 km. Các công trình điện bảo đảm cấp điện an toàn đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Hiện trên địa bàn có 5 trường THPT và đều có vị trí địa lý phù hợp với hiện trạng phân bố dân cư; diện tích bảo đảm theo yêu cầu trường học đạt chuẩn quốc gia. Đi đôi với đó, hiện có 2 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Đa khoa Nông Cống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Đức Cầu Quan). Các bệnh viện luôn quan tâm đến chất lượng phục vụ người bệnh, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, triển khai các kỹ thuật mới. Trung tâm Y tế Nông Cống luôn làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện, với tổng diện tích 32.610m2 và các công trình được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Thời gian tới, Nông Cống tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện NTM, xã NTM sau đạt chuẩn, XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, có 50% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã NTM kiểu mẫu, tỷ lệ thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu 25%, 30 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/năm. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Nông Cống tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, XDNTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp. Tiếp tục xây dựng vùng sản xuất lúa gạo và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đạt tiêu chuẩn VietGAP; nhất là mở rộng diện tích nhà lưới, nhà màng để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, phát huy hiệu quả các trang trại chăn nuôi công nghiệp; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản và nhân rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao. Rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành; qua đó, ban hành cơ chế, chính sách mới hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, củng cố và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển.

Đi đôi với đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, xây dựng cơ quan, đơn vị, xã văn hóa. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất trường học; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên phát triển toàn diện, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nghề với các doanh nghiệp theo hướng gắn với thị trường lao động và giải quyết việc làm sau đào tạo. Chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế; có chính sách thu hút bác sĩ giỏi về huyện công tác. Quan tâm đầu tư các nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế, kêu gọi đầu tư vào Bệnh viện Đa khoa huyện. Bảo đảm môi trường an ninh, trật tự xã hội nông thôn an toàn, bình yên để phát triển kinh tế - xã hội.

Xuân Hùng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]