(Baothanhhoa.vn) - Từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã huy động được hơn 4.073 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Trong đó, nhân dân tham gia đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất để XDNTM, với giá trị 2.557 tỷ đồng, chiếm 62,78% tổng kinh phí huy động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã huy động được hơn 4.073 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Trong đó, nhân dân tham gia đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất để XDNTM, với giá trị 2.557 tỷ đồng, chiếm 62,78% tổng kinh phí huy động.

Những thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Công sở xã Thiệu Khánh.

Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của xứ Thanh, TP Thanh Hóa hôm nay đã và đang được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều công trình hiện đại, khang trang. Cùng với đó, “luồng gió” từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thổi đến đã tạo ra những đổi thay lớn lao về mọi mặt khu vực nông thôn của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và hướng tới đô thị xanh, thông minh.

Đồng thuận vượt qua khó khăn

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng khi triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, thành phố phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ, TP Thanh Hóa được mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm 19 xã, thị trấn lân cận thuộc các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương. Sau khi mở rộng, TP Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 146,77 km2 với 20 phường và 17 xã (nay sáp nhập còn 14 xã), dân số 393.294 người, trở thành một trong những đô thị lớn nhất của khu vực phía Bắc về dân số. Việc tiếp nhận và triển khai nối tiếp Chương trình XDNTM đối với 17 xã mới sáp nhập phải thay đổi lại toàn bộ các tiêu chí để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị của thành phố hiện tại và trong tương lai. Đáng nói hơn, trong giai đoạn đầu, một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về mục tiêu, quan điểm XDNTM còn chưa đầy đủ, vẫn có tư tưởng ngại khó, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho Chương trình XDNTM đôi lúc còn hạn chế và chưa kịp thời, trong khi nội lực kinh tế ở các địa phương còn yếu, việc thu hút đầu tư vào khu nông thôn tương đối khó khăn. Trong đó, phải kể đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ở các xã còn thấp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh của địa phương chưa được chú trọng; khoảng cách thu nhập giữa khu vực ngoại thành và nội thành có sự chênh lệch đáng kể; công tác đào tạo và phát triển nghề còn không ít những khó khăn, bất cập. Không những vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ở nhiều địa phương thiếu đồng bộ, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn.

Để vượt qua những khó khăn, Thành ủy TP Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết chuyên đề chung cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn với XDNTM. Trên cơ sở nghị quyết của Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa đã xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn và từng năm. Đồng thời, khẩn trương thành lập ban chỉ đạo XDNTM từ thành phố đến cơ sở. Mặt khác, trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố đã tổ chức lập quy hoạch các phân khu tỷ lệ 1/2000 để làm cơ sở thực hiện phát triển đô thị và XDNTM. Đồng thời, chỉ đạo các xã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành rà soát, kế thừa các quy hoạch đã có, bổ sung quy hoạch mới về đất đai, phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng theo yêu cầu của Chương trình XDNTM. Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khích lệ các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc, cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến từng thôn, đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức XDNTM”. Bên cạnh công tác tuyên truyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị của thành phố còn triển khai xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo”, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực có sức lan tỏa như: “Hiến đất làm đường giao thông nông thôn”, “Trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường”,... qua đó, từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò chủ thể của mình trong XDNTM. Sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của toàn đảng bộ, các cấp chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị – xã hội, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân đã góp phần đưa TP Thanh Hóa hoàn thành Chương trình XDNTM sớm trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Những “quả ngọt”

Với chủ trương lấy phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân làm khâu đột phá trong XDNTM, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thanh Hóa đã ban hành chương trình hành động về phát triển nông nghiệp và XDNTM giai đoạn 2016-2020. Cùng hành động, UBND TP Thanh Hóa tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án: “Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung”, “Khôi phục và phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp”, “Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tập trung rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, chú trọng quy hoạch vùng chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Kết quả, toàn thành phố đã chuyển đổi được 899,7 ha/1.700 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, như: Trồng nấm ở xã Thiệu Khánh, trồng cây ăn quả ở xã Đông Vinh, rau an toàn ở xã Quảng Cát, chăn nuôi lợn ở xã Đông Lĩnh...

Ấn tượng khi chúng tôi về Quảng Phú, một xã vùng ven phía Đông thành phố là hình ảnh những công trình cơ sở hạ tầng khang trang. Thoạt nhìn đồng bãi ven bờ sông Mã, những tưởng Quảng Phú có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa, song trên thực tế hàng năm mỗi khi mùa lũ đến đồng đất của xã phần lớn bị ngập lụt nên việc phát triển sản xuất nông nghiệp của người dân gặp không ít khó khăn. Nhận diện được những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung quy hoạch lại đồng đất để hình thành những vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản, cây trồng quy mô lớn. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân mạnh dạn nhận thầu đất để đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp mới có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã đã quy hoạch hơn 30 ha đất hoang hóa ngoài đê thành vùng nuôi trồng thủy sản và xây dựng mô hình cá - lúa kết hợp, với diện tích 28 ha ở những vùng đất trũng. Đối với vùng đất bãi màu phù sa đã được bà con nhân dân chuyển sang các loại cây ăn quả, cây dược liệu, kê, lạc xuất khẩu, với diện tích hơn 30 ha. Bằng hướng đi phù hợp, tiềm năng đất đai được khai thác hiệu quả và một lớp nông dân mới xuất hiện có kinh tế khá giả.

Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã, gia đình ông Nguyễn Trọng Bảo, thôn 2 đã mạnh dạn nhận thầu hơn 7 ha bao gồm cả diện tích đất bãi ven sông và mặt nước để trồng rau an toàn, đầu tư xây dựng mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập cao. Ông Bảo cho biết: “Thời điểm đồng đất còn manh mún, giá trị sản xuất thấp. Kể từ khi được xã tạo điều kiện cho thầu đất, quy mô sản xuất được mở rộng nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất đã tăng lên rõ rệt. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập khoảng 450 triệu đồng/ha”. Cùng với đó, thành phố cũng sớm hoàn thành việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, cụm nghề và làng nghề, nhằm thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn. Nhờ vậy, kinh tế nông nghiệp của thành phố có sự tăng trưởng khá, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn phát triển nhanh và đa dạng, góp phần giải quyết hiệu quả “bài toán” thu nhập cho người dân nông thôn. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã ngoại thành đạt 43,6 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo ở các xã sau khi về đích NTM giảm xuống còn 188/31.994 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,58%. Đi liền với đó, chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển.

Song song với giải quyết hiệu quả “bài toán” thu nhập cho người dân vùng nông thôn, các cấp ủy, chính quyền TP Thanh Hóa cũng xác định đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn chính là điểm tựa cho sự phát triển lâu dài. Bên cạnh tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thành phố còn tập trung huy động tối đa các nguồn lực khác trong xã hội để đầu tư xây mới, sửa chữa các công trình thiết yếu ở nông thôn. Từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã huy động được hơn 4.073 tỷ đồng cho XDNTM. Trong đó, nhân dân tham gia đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất để XDNTM, với giá trị 2.557 tỷ đồng, chiếm 62,78% tổng kinh phí huy động. Trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn, thành phố đã đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng được hàng trăm km đường giao thông, kênh mương nội đồng, trung tâm văn hóa – thể thao xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn... bảo đảm theo tiêu chí NTM, phục vụ hiệu quả các hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội, sản xuất và đời sống của nhân dân khu vực nông thôn. Đây thực sự là những “quả ngọt” mà TP Thanh Hóa gặt hái được sau nhiều năm triển khai XDNTM.

Những thành quả trong XDNTM ở TP Thanh Hóa là minh chứng rõ nét nhất khẳng định một chủ trương đúng đắn, gắn với lợi ích thiết thân của đại bộ phận nhân dân. NTM không chỉ làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn, mà còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, những chuyển biến tiến bộ về văn hóa – xã hội của thành phố.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài Và Ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]