(THo) - Theo tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về xã Luận Thành (Thường Xuân). Giữa bốn bề rừng xanh, những công trình cơ sở hạ tầng hiện ra khang trang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cuộc sống ấm no nơi vùng cao

(THo) - Theo tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về xã Luận Thành (Thường Xuân). Giữa bốn bề rừng xanh, những công trình cơ sở hạ tầng hiện ra khang trang.

Một góc xã Hóa Quỳ (Như Xuân).

Tiếp chúng tôi, anh Lê Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Với đặc điểm của một xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Luận Thành chẳng khác nào cuộc “leo núi” đầy gian khó. Giống với nhiều xã nơi rẻo cao trong tỉnh, đường giao thông vẫn là “trở lực” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2012 về trước - thời điểm xã bắt đầu triển khai XDNTM, nhiều tuyến đường giao thông về các thôn, bản vẫn là đường đất, vào mùa mưa nhân dân đi lại khó khăn. Xác định XDNTM như một cuộc “cách mạng”, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã, mà còn nâng cao đời sống cho người dân, đảng ủy, chính quyền xã đã cùng lúc bắt tay vào 2 mục tiêu, vừa thực hiện các tiêu chí NTM, vừa tìm các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất, nhằm giải “bài toán” thu nhập của bà con.

Theo chân anh Bình, chúng tôi xuống thôn Sơn Cao – thôn NTM của xã. Đường bê tông kiên cố, uốn lượn chạy vào tận cổng nhà mỗi hộ dân. Những ngôi nhà với tường rào, cổng ngõ được chỉnh trang sạch đẹp, không gian nông thôn miền núi thật bắt mắt. Anh Trịnh Công Đồng, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, hồ hởi cho biết: Có đường giao thông, các sản phẩm nông sản của bà con sản xuất ra bán rất thuận lợi, giá lại cao. Thế mới có chuyện ở thôn chúng tôi xuất hiện mô hình xen canh trên đất đồi và người dân “nuôi trâu, bò trên vai”. Tìm hiểu thêm mới biết, sản xuất của người dân ở thôn Sơn Cao chủ yếu phụ thuộc vào gần 60 ha đất đồi rừng. Với chủ trương lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm khâu đột phá trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thôn đã tập trung vận động bà con chuyển đổi diện tích đất đồi cao sang trồng keo. Ở những chân đồi thấp nhân dân đưa các cây màu cạn như: Ngô, khoai sọ vào trồng xen với cây sắn. Riêng cây khoai sọ, 3 năm nay đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân trong thôn. Trong đó, năm 2017, với 12 ha khoai sọ người dân thôn Sơn Cao thu về hơn 1,3 tỷ đồng. Anh Đồng cũng không quên giải thích cho chúng tôi chuyện người dân “nuôi trâu, bò trên vai”, anh nói: Thực chất đấy là nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Thay vì thả trâu, bò vào rừng tự kiếm ăn, người dân đã xây chuồng trại để chăn nuôi có kiểm soát. Hàng ngày bà con tranh thủ ra bờ rào, bờ thửa cắt vài bó cỏ vác trên vai mang về cho trâu, bò ăn, rất nhàn nhã”. Từ chỗ có cán bộ chỉ cho cách làm ăn và đánh thức được tiềm năng đất đai, nhiều hộ dân trong thôn đã có cuộc sống khá giả. Thôn Sơn Cao giờ chỉ còn 2 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm.

3 năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Trọng Thanh đã mở rộng diện tích trồng khoai sọ lên 6 sào, mỗi vụ cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng. Để không phí đất, ông trồng cỏ voi ven bờ rào để có nguồn thức ăn cho 9 con trâu, bò nhốt chuồng. Giống nhiều hộ dân khác trong thôn, ở vùng đồi cao gia đình ông trồng keo để giữ nước cho mía, sắn, khoai sọ. Cần cù lao động, mỗi năm gia đình ông Thanh có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ vườn đồi kết hợp chăn nuôi và trở thành hộ khá của thôn. Ông Thanh chia sẻ: “NTM đã mang lại cuộc sống mới cho người dân vùng nông thôn miền núi như chúng tôi. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, giao thông đi lại thuận tiện, môi trường trong sạch, quan trọng hơn, thu nhập của mỗi hộ dân được nâng lên, phấn khởi lắm!”.

Ngược lên huyện vùng cao Quan Hóa, ngay bên dòng sông Mã hùng vĩ, xã Xuân Phú hiện ra với bộ mặt NTM khang trang hòa quyện bên những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái, tựa như bức tranh về một vùng quê miền núi đẹp và yên bình. Để “vượt núi” cán đích NTM, đảng ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”. Vì thế, những công trình cơ sở hạ tầng ở các thôn, bản, cấp ủy đảng đều đưa ra để nhân dân bàn bạc, thống nhất lựa chọn, quyết định đầu tư. Đồng thời, đảng ủy xã giao cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch vận động hội viên bằng những việc làm cụ thể để tác động làm thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc về vai trò chủ thể của mình trong XDNTM. Từ chỗ thụ động, người dân địa phương đã chủ động trong việc chung sức cùng cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện các tiêu chí NTM. Cùng với các chính sách hỗ trợ về vốn, xi măng kích cầu của Trung ương, của tỉnh và huyện, nhân dân ở Xuân Phú đã hiến hơn 7.000 m2 đất để mở đường giao thông, đóng góp khoảng 12.000 ngày công để giải phóng mặt bằng, đổ bê tông 10 km đường giao thông nông thôn, mở 3 km đường giao thông nội đồng, ra khu sản xuất; hơn 50% số hộ dân xây dựng tường rào kiên cố. Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống điện lưới, công trình vệ sinh thôn, bản được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt và phát triển kinh tế. Tính đến cuối tháng 6-2018, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 27,5 triệu đồng/năm, toàn xã còn 26 hộ nghèo; 95% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên.

Bằng cách làm riêng và sáng tạo trong XDNTM – lấy thôn, bản làm địa bàn hành động, khu vực miền núi hiện có 33 xã và 393 thôn, bản về đích NTM. Giờ đây, mỗi vùng đất, mỗi bản làng nơi vùng cao xứ Thanh đang khoác lên mình sức sống mới.


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]