Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII: Phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, quyết nghị nhiều vấn đề hệ trọng
Với tinh thần "Tích cực, chủ động, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả", thành công của Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của cơ quan quyền lực trong việc quyết nghị các vấn đề hệ trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.
Toàn cảnh kỳ họp.
Dân chủ, trách nhiệm
Là kỳ họp rất quan trọng, với khối lượng công việc lớn và nhiều nội dung có tác động đến sự ổn định, đổi mới và phát triển của tỉnh năm 2024 cũng như của cả giai đoạn 2021-2025. Chính vì lẽ đó, Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung, chương trình; cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc tổ chức Kỳ họp chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cử tri và Nhân dân.
Để Kỳ họp đi đúng và trúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề, nội dung đã được chuẩn bị, đòi hỏi chủ tọa phải điều hành một cách khoa học, dân chủ, linh hoạt. Từ đó, định hướng, dẫn dắt và nhất là gợi ý các nội dung, các vấn đề để “mở hướng” cho các đại biểu trong quá trình thảo luận, chất vấn, phản biện. Đồng thời, khơi dậy nhiệt huyết, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, để đóng góp và quyết nghị các vấn đề hệ trọng của tỉnh.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Về vấn đề này, phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nhấn mạnh: “Với trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh đã được tích lũy, rèn luyện qua nửa nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVIII, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu; phát huy dân chủ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng đối với các nội dung của Kỳ họp; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của Kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh”.
Trên tinh thần đó và phát huy cao nhất trí tuệ tập thể, các đại biểu đã tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào nhiều nội dung lớn, quan trọng, như các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh; báo cáo thẩm tra kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HDND tỉnh khóa XVIII; báo cáo kêt quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh... Trong đó, việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa thảo luận tại kỳ họp.
“Hiến kế” cho tỉnh về việc nuôi dưỡng các nguồn thu năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa, cho rằng: Tỉnh cần có các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh như giảm, giãn, gia hạn thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực cho tăng trưởng của năm 2024 là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đồng thời, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nhằm phục hồi và phát triển thị trường bất động sản. Song song với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm để làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu ngân sách.
Đại biểu Lê Đình Hải, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân thảo luận tại kỳ họp.
Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Lê Đình Hải, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, cũng đề nghị: Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 11% trở lên và tổng vốn đầu tư phát triển đạt 135.000 tỷ đồng, trước hết cần khai thác những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo động lực tăng trưởng từ nguồn nội lực; khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ điểm nghẽn; huy động các nguồn đầu tư của doanh nghiệp là yêu cầu đặt ra bức thiết. Song, cần chỉ đạo làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến tồn tại, hạn chế; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương? Từ đó đề ra các giải pháp mang tính đột phá, thực hiện quyết liệt, gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, nhất là người đứng đầu.
Đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thảo luận tại kỳ họp.
Còn đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thì thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn của doanh nghiệp và bất cập trong thủ tục hành chính hiện nay. Đó là, trong khi doanh nghiệp đang phải gồng mình đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và trong tình trạng “đói vốn”, thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại thừa tiền.
Chưa hết, mặc dù việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Song bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp kéo dài, như các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng có thể làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp... Qua đó, đại biểu cũng bày tỏ mong muốn sự quan tâm và đồng hành của tỉnh trong việc tháo gỡ các rào cản, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó làm ra nhiều của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện chất vấn tại kỳ họp.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân. Bởi lẽ, vấn đề được đưa ra chất vấn thường là những vấn đề nóng, những bất cập, nút thắt cần được giải quyết để mở đường cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực hoặc của toàn nền kinh tế. Đó cũng có thể là những vấn đề đang phát sinh và tồn tại trong thực tiễn đời sống, ảnh hưởng hoặc cản trở sự phát triển, gây bức xúc trong Nhân dân. Việc đưa các vấn đề này ra “đấu tranh” tại nghị trường cho thấy tinh thần nhìn thẳng, nói thật của HĐND; cùng tinh thần trách nhiệm của các đại biểu dân cử - đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri.
Tại Kỳ họp thứ 17, vấn đề được đưa ra chất vấn là vấn đề có quan hệ mật thiết và tác động rất lớn đến sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh hiện nay và tương lai gần. Đó là sự chậm trễ, bất cập trong công tác giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chậm và thiếu đồng bộ trong đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp.
Qua chất vấn và trả lời chất vấn, nguyên nhân của sự chậm trễ (cả khách quan lẫn chủ quan); trách nhiệm của các bên có liên quan và các giải pháp để gỡ khó, đã được các đại biểu “trao đi đổi lại” nhằm đi đến cùng bản chất vấn đề. Đặc biệt là công tác giải ngân vốn đầu tư công, bởi việc chậm trễ này đang và sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nhất là tạo gánh nặng cho ngân sách; ảnh hưởng đến chất lượng công trình do đội vốn và thời gian kéo dài; cũng như ảnh hưởng đến đời sống do người dân chậm được thụ hưởng các công trình kinh tế - xã hội, phúc lợi, dân sinh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa (người giơ biển) tại kỳ họp.
Về nội dung này, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa, trong đó “xoáy” sâu vào trách nhiệm của các chủ đầu tư và những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Cao Tiến Đoan (Tổ đại biểu TP Sầm Sơn) đặt vấn đề: “Nếu một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm thuộc về chủ đầu tư, vậy cần có biện pháp nào đối với chủ đầu tư?”. Còn đại biểu Lê Thị Hương (Tổ đại biểu huyện Thọ Xuân) đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để các dự án lớn có nguy cơ không giải ngân hết và buộc phải trả lại vốn. Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị Mười (Tổ đại biểu huyện Thạch Thành thì nhấn mạnh “Nếu các chương trình không thể triển khai đúng tiến độ, buộc phải trả lại vốn là chúng ta có lỗi với Nhân dân, với cử tri”...
Đại biểu Lê Thị Hương (Tổ đại biểu huyện Thọ Xuân) chất vấn tại kỳ họp.
Đối với các vấn đề được chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có sự giải trình, phân tích tương đối cụ thể, đầy đủ, rõ ràng. Đồng thời, trên tinh thần khách quan, thẳng thắn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm, năng lực điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ của nhiều chủ đầu tư là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bởi thực tế, cùng một mặt bằng cơ chế, nhưng có địa phương, đơn vị làm tốt; và ngược lại. Do đó, để tạo áp lực buộc các chủ đầu tư nâng cao tinh thần trách nhiệm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh không giao dự án mới và cắt giảm vốn đầu tư công trung hạn đối với các chủ đầu tư giải ngân vốn chậm...
Đặc biệt, chất lượng phiên chất vấn đã được nâng lên khi chủ tọa Kỳ họp luôn luôn có sự điều phối, định hướng, dẫn dắt vấn đề đi đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng người đúng việc và đi thẳng vào nội dung được chất vấn. Đối với cam kết của các ngành, các đơn vị về thời gian, chất lượng triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Đây là cam kết chính trị, do đó yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện đúng như cam kết trước HĐND”. Đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu các cấp, các ngành có trách nhiệm xử lý đối với các nhà thầu chậm trễ triển khai thi công các dự án.
Những dấu ấn
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Những người được lấy phiếu tín nhiệm đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, của địa phương, đơn vị...
Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Qua đó, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, Nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, nhiều đại biểu có số phiếu tín nhiệm cao đạt tỷ lệ rất cao, đã cho thấy uy tín, năng lực của những người được lấy phiếu tín nhiệm, cũng như sự tín nhiệm, đánh giá cao của các đại biểu HĐND dành cho người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
Có thể khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu là một dấu ấn nổi bật của kỳ họp lần này. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã diễn ra đúng với tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Qua đó, giúp HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đồng thời, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; cũng như làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Một trong những chức năng cơ bản và quan trọng nhất của HĐND là giám sát. Nổi bật trong đó là các cuộc giám sát chuyên đề của các Ban, như giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý đất công, gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách; giám sát công tác quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2022 của Ban Văn hóa - Xã hội; giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn các huyện miền núi của Ban Dân tộc. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát đã đi rất sát, rất đúng với những vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội và có tác động đáng kể đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng.
Ngoài ra, tại Kỳ họp này HĐND tỉnh cũng tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng, như giám sát các báo cáo công tác của UBND tỉnh; xem xét báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh (liên quan đến hoạt động chất vấn; các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay)... Qua đó khẳng định, việc thực hiện quyền giám sát của HĐND tỉnh đã giúp làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đồng thời, kiến nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp giải quyết, khắc phục những hạn chế trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành..., góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và vai trò của HĐND trong việc xem xét các vấn đề quan trọng của địa phương.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 17 đã giải quyết một khối lượng công việc lớn và khép lại bằng một nhiệm vụ hết sức quan trọng: quyết nghị và thông qua 38 dự thảo nghị quyết.
Các dự thảo nghị quyết của kỳ họp này trải rộng trên nhiều lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn; cơ chế, chính sách; chủ trương đầu tư các dự án; nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung quan trọng khác.
Có thể nói, các nghị quyết của HĐND tỉnh là văn bản pháp lý quan trọng của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Việc ban hành các nghị quyết là một nhiệm vụ quan trọng, bởi chất lượng các nghị quyết được ban hành và khả năng, hiệu quả thực thi của nó sẽ có tác động rất lớn, rất sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của từng ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng. Nghị quyết đúng và trúng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn có thể là giải pháp tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thậm chí sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển mới. Đồng thời, việc HĐND quyết nghị và thông qua các nghị quyết cũng cho thấy trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh, năng lực, trình độ và trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử trong việc quyết định các vấn đề hệ trọng, có tác động sâu rộng đến sự phát triển đi lên của tỉnh.
...
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII đã kết thúc thành công, để lại nhiều dấu ấn và dư âm trong cử tri, Nhân dân toàn tỉnh. Hi vọng rằng, những vấn đề được bàn thảo, tháo gỡ, và nhất là những nghị quyết đã được Kỳ họp thông qua, sẽ sớm được hiện thực hóa trong cuộc sống. Từ đó, tạo ra tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Khôi Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-12 21:41:00
Bộ Nội vụ thông tin chính thức về chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức sau sắp xếp bộ máy
-
2024-12-12 20:47:00
LĐLĐ huyện Thiệu Hoá quan tâm chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động
-
2023-12-14 16:23:00
Thanh Hóa đón đợt rét đậm
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh quan tâm
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII: Biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp
Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 (*)
Tổ chức sân chơi nghiệp vụ hiệu quả, tạo sức lan tỏa
Tìm giải pháp khắc phục tình trạng chậm đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp
Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII: Chất vấn và trả lời chất vấn
Nhận diện khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 14/12