(Baothanhhoa.vn) - Có quy mô hơn 2.000 cơ sở giáo dục, hơn 870.000 học sinh, hơn 5 vạn cán bộ, giáo viên và ảnh hưởng tới hơn một triệu phụ huynh học sinh, Ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hoá xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, do đó cần nhập cuộc với quyết tâm cao, đầu tư xứng tầm, nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng và sự thay đổi toàn diện trong lĩnh vực GD&DT.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Có quy mô hơn 2.000 cơ sở giáo dục, hơn 870.000 học sinh, hơn 5 vạn cán bộ, giáo viên và ảnh hưởng tới hơn một triệu phụ huynh học sinh, Ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hoá xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, do đó cần nhập cuộc với quyết tâm cao, đầu tư xứng tầm, nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng và sự thay đổi toàn diện trong lĩnh vực GD&DT.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Lãnh đạo VNPT Thanh Hóa và lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025

Thành tựu bước đầu đáng ghi nhận

Với tầm ảnh hưởng to lớn đến nhân dân, xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Ngành GD&ĐT Thanh Hoá đã chủ động phối hợp với các đơn vị viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, mà hạt nhân là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, dạy – học trong các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 100% các đơn vị, trường học được trang bị máy vi tính; gần 2.000 đơn vị quản lý giáo dục, trường học đã và đang được Viettel, VNPT hỗ trợ miễn phí 1- 2 đường truyền Internet cáp quang, đảm bảo tốt công tác quản lý, giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh theo hướng ứng dụng CNTT; các đơn vị, trường học dần dần được trang bị hệ thống máy chủ, camera, máy chiếu, màn hình thông minh, máy in, máy quét …

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Cô trò Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) trong giờ học môn Tin học

Là 1 trong 6 trường học của tỉnh được chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh đã góp phần làm thay đổi toàn diện công tác điều hành, quản lý dạy – học và tư duy của giáo viên, học sinh, phụ huynh, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) được đầu tư 1 phòng học thông minh cấp độ I và 6 phòng cấp độ 2, trong đó phòng cấp độ I được trang bị máy chủ dành cho giáo viên, 1 bảng tương tác và 35 máy tính dành cho học sinh; 6 phòng cấp độ 2, gồm có 6 bảng tương tác để kết nối với máy tính của giáo viên…

Cô giáo Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ: Việc ứng dụng CNTT vào trong hoạt động dạy học, quản trị nhà trường đã đem lại hiệu quả to lớn cho việc cải cách giáo dục. Tất cả học sinh, giáo viên đều có một mã định danh riêng trên hệ thống cơ sở dữ liệu của nhà trường, khi cần có thể truy xuất bất cứ lúc nào. Đối với hoạt động giảng dạy của nhà trường, ngoài 2 phòng học thông minh, tất cả các phòng học của nhà trường đều được trang bị máy chiếu, sử dụng bài giảng điện tử, hệ thống wifi toàn trường thuận tiện cho việc kết nối hoặc tìm kiếm thông tin, phòng học thông minh mang lại kết quả và chất lượng giáo dục rất cao, giúp cho giờ học sinh động, tạo được sự thích thú, hứng khởi học tập của học sinh, giúp cho các hình thức tổ chức dạy học trở nên gọn nhẹ, đơn giản, không cồng kềnh, gắn kết ra gia tăng tương tác giữa giáo viên và học sinh…

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, phòng học thông minh và chuyển đổi số đã thúc đẩy việc đổi mới GD&ĐT của nhà trường theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học… của học sinh nhà trường.

Thầy giáo Phạm Anh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Việc sử dụng các phương pháp dạy học mới cùng với việc ứng dụng CNTT đã tạo nên hiệu quả rõ rệt trong hoạt động dạy học của nhà trường. Ngoài ra, hoạt động ứng dụng CNTT trong nhà trường cũng giúp làm giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, khiến việc kiểm tra, đánh giá trở nên thuận tiện, nhanh chóng… được giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh ghi nhận, đánh giá cao, đồng thuận thực hiện.

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong Ngành GD&ĐT Thanh Hóa đang tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 hiện đại để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GD&ĐT một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa có 100% các trường THCS&THPT, THPT, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT trên địa bàn đã triển khai xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử (Td Office); hơn 80% trường học đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (vnEdu, Smas, QLTH.VN, …), các bậc học THCS, THPT luôn đạt trên 95% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý trường học; 100% trường THCS, THPT sử dụng sổ điểm điện tử; hơn 90% cán bộ, giáo viên và hơn 80% học sinh có ít nhất một tài khoản sử dụng phần mềm quản lý trường học; Hơn 1.400 trường học sử dụng mềm hỗ trợ dạy và thi trực tuyến;. Các trường học đang dần sử dụng các phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ điểm danh thông minh, ứng dụng OTT trên di động cho cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh. Mỗi giáo viên phổ thông biết sử dụng ít nhất 1 phần mềm, ứng dụng trong soạn giáo án điện tử; hệ thống hội họp, tập huấn trực tuyến (LMS) đã triển khai, ứng dụng cho hơn 30.000 giáo viên, phục vụ tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới…

Nhìn chung, chuyển đổi số trong Ngành GD&ĐT Thanh Hoá bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm chi phí cho người dân và đơn vị, trường học.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đạt được những thành quả bước đầu rất đáng khích lệ, song chuyển đổi số trong Ngành GD&ĐT nói chung vẫn còn nhiều khó khăn: Hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn - còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy-học); việc xây dựng học liệu số (sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) còn phát triển tự phát, chưa thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập.... Trang thiết bị số hóa dữ liệu, chuyển đổi số rất thiếu hoặc chưa đồng bộ; hành lang pháp lý trên môi trường mạng chưa cao, việc lưu trữ hồ sơ dữ liệu trên môi trường mạng còn hạn chế đây cũng là những khó khăn chung. Các bậc học GDTX, THCS, Tiểu học, Mầm non chưa triển khai Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc Td Office (hơn 1900 đơn vị, trường học); việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn ít, tiếp cận dịch vụ công lĩnh vực giáo dục của các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng còn nhiều hạn chế; Việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực GS&ĐT hiện nay là rất cấp thiết. Tuy nhiên, đầu tư công để có các hệ thống dùng chung là rất hạn chế, chưa có nhiều hệ thống đồng bộ trong việc triển khai thu thập dữ liệu, hội họp, tập huấn và dạy – học trực tuyến…

Nói về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của nhà trường, thầy giáo Mai Sỹ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn) chia sẻ: Nhà trường hiện có 1.537 học sinh với 37 lớp, do sỹ số đông, điều kiện kinh tế xã hội của người dân còn nhiều khó khăn… Do đó, hoạt động kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư trang thiết bị, công nghệ dạy học hiện đại của nhà trường rất hạn chế. Hoạt động quản lý, dạy học của nhà trường chưa được ứng dụng đồng bộ CNTT. Ngoài ra, một số giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi ngại thực hiện việc số hóa các loại hồ sơ, sổ sách và ứng dụng CNTT trong dạy học; Vị trí việc làm cán bộ CNTT trong nhà trường chưa có người chuyên trách, lãnh đạo trường phải phân công giáo viên tin học kiêm nhiệm nên hiệu quả làm việc chưa cao…

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của nhà trường

Định hướng của ngành GD&ĐT trong thời gian tới

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Định hướng Ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy học; chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng, giai đoạn 2021-2025 của ngành GD&ĐT Thanh Hoá đó là: Hoàn thiện và triển khai sử dụng rộng rãi Hệ thống phần mềm quản lý giáo dục với các phân hệ quản lý mầm non, quản lý tiểu học, quản lý trung học cơ sở và quản lý trung học phổ thông dùng chung của toàn Ngành. Số hoá, hồ sơ dữ liệu toàn Ngành theo Kế hoạch của tỉnh, của Chính phủ.

Ứng dụng, phát triển Hệ thống quản lý học tập, nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về học liệu điện tử, bài giảng điện tử, câu hỏi, đề thi trắc nghiệm trực tuyến; tăng cường tổ chức thi, kiểm tra trực tuyến trong các cơ sở giáo dục.

Triển khai áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh; phấn đấu đến năm 2025 có 20% số trường áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh.

100% văn bản, hồ sơ công việc tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật). 100% văn bản, hồ sơ công việc tại các cơ sở giáo dục thuộc ngành GD&ĐT Thanh Hoá được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật).

100% các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục được thực hiện ở mức độ 4 và tích hợp lên Cổng thông tin Dịch vụ công của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 75% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục.

Xây dựng Hệ thống hội nghị, tập huấn trực tuyến để 100% các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên môn của ngành được thực hiện trên môi trường mạng; 80% các cuộc hội nghị quan trọng được truyền hình trực tiếp trên mạng; 80% cuộc họp của Sở GD&ĐT thực hiện thông qua hệ thống phòng họp không giấy tờ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng chứng chỉ, phục vụ tái cấp văn bằng chứng chỉ, phục vụ tra cứu của các tổ chức, cá nhân, hằng năm Thu thập và cập nhật theo các kỳ thi, cập nhật theo danh sách công nhận tốt nghiệp.

Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu tuyển sinh trực tuyến, phục vụ công tác tuyển sinh học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT trong toàn ngành.

Kết nối hệ thống thông tin của ngành với các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác và kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; kết nối cơ sở dữ liệu Ngành với Cổng dữ liệu (data.thanhhoa.gov.vn) của tỉnh Thanh Hóa, là Kho dữ liệu dùng chung của các cơ quan, đơn vị, nơi được kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục, đào tạo

Xây dựng hạ tầng CNTT cho Sở GD&ĐT, các trường theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả hướng tới mô hình giáo dục thông minh. Đến năm 2025, có 100% các trường được kết nối đường truyền Internet băng thông rộng; 100% học sinh được tiếp cận dịch vụ Internet và các kho học liệu trực tuyến; 100% các trường học có trang thông tin điện tử; đáp ứng triển khai, thực hiện các nhóm nhiệm vụ toàn Ngành.

Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh.

Với quyết tâm cao của Ngành GD&ĐT và sự hỗ trợ, định hướng, đồng hành của các cấp, các ngành, các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh, tin tưởng rằng mục tiêu chuyển đổi số trong Ngành GD&ĐT sẽ được hiện thực hóa, từng bước, đổi mới toàn diện, hiệu quả GD&ĐT góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, của quốc gia.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]