(Baothanhhoa.vn) - Đứng chân ở vùng biên giới xa xôi nơi đầu nguồn sông Mã, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (KTQP5), Quân khu 4 đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, tự lực vượt khó để xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp chính quyền và đồng bào các dân tộc an cư, lạc nghiệp, xây dựng bản làng đẹp, giàu...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tình quân dân mang ấm êm về đầu nguồn sông Mã

Tình quân dân mang ấm êm về đầu nguồn sông Mã

Cán bộ, nhân viên Đoàn KTQP5 chuyển giao công nghệ và hướng dẫn đồng bào thực hiện mô hình trồng rau bắp cải. Ảnh: Việt Hà - Duy Thành

Đứng chân ở vùng biên giới xa xôi nơi đầu nguồn sông Mã, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (KTQP5), Quân khu 4 đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, tự lực vượt khó để xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp chính quyền và đồng bào các dân tộc an cư, lạc nghiệp, xây dựng bản làng đẹp, giàu...

Tấm lòng nơi đội “bốn không”

“Các đồng chí có đến bản Chai thăm đời sống đồng bào không?”, Thượng tá Nguyễn Đình Tấn, Phó chính ủy Đoàn KTQP 5, tươi cười nói với tôi, nhân chuyến đoàn công tác báo Quân đội Nhân dân đến phối hợp tuyên truyền về hoạt động của Đoàn KTQP5 trong công tác giúp đỡ đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo. Nghe lời của anh, tôi sốt sắng nhận lời ngay vì ở đó, tôi đang mắc nợ về lời hứa sẽ quay lại với 2 người. Lúc đó là vào mùa mưa lũ năm 2015, khi tôi lần đầu tiên lên với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP5,...

Ngày ấy, nhìn những cơn mưa rừng rả rích, Đại tá Lê Thế Soái - trưởng đoàn, trầm ngâm nói: “Các anh (những nhà báo quân đội - PV) nên ở ngoài này tìm hiểu thông tin và đi gặp những mô hình. Chứ vào Đội sản xuất số 3, đường sá rất xa xôi vất vả. Có khi mưa lũ lại cô lập không về được đấy”! Sau sự chia sẻ của anh Soái, nhiều ánh mắt ngần ngại liếc nhìn đoàn công tác chúng tôi. Quả thực, từ trung tâm huyện đến bản Bún, xã Mường Chanh, nơi đóng quân của Đoàn KTQP5, mà đoàn công tác 3 người chúng tôi, bùn đất lấm lem quần áo, dính đầy mặt, nhìn nhau cũng “nhận không ra”. Những cảm xúc và nhiệt huyết trong người thấy giảm hẳn, giờ ai cũng thèm được tắm, được ngả lưng trên giường. “Kế hoạch đã đề ra, chả lẽ vì chút khó khăn lại thay đổi?”, xốc lại tinh thần, tôi xin được đến với anh em cán bộ đang làm nhiệm vụ tại Đội sản xuất số 3.

Và cơ duyên đó, cho tôi gặp Thượng úy, y sĩ, Trần Thanh Hải, nhân viên Đội sản xuất số 3, nhân chuyến đi anh đã lấy cơ số thuốc tây được cung cấp cho đội, nay thêm nhiệm vụ đưa tôi vào đó ngay khi vừa kết thúc bữa ăn trưa. Thấy tôi ngồi lúc lắc sau chiếc xe vua núi rừng (Min-khơ), anh quay lại tươi cười nói: “Cái xe ni chạy tốt lắm, chỉ có hắn là có thể chống chọi với địa hình ni thôi”. Nói xong như để chứng minh, anh từ từ buông tay côn, vặn ga để xe chuyển bánh. Xọc xạch, xọc xạch, chiếc xe rung lắc như xương cốt người già kêu mỗi sáng trở mình và rồi cũng đưa chúng tôi xé bùn lao đi với tốc độ... dưới 10km/h.

Anh Hải năm ấy 35 tuổi. Dáng người to khỏe. Thoáng nhìn anh, ai cũng nghĩ là người rất nghiêm nghị qua nét mặt khắc khổ. Nhưng trái lại, anh rất vui vẻ chủ động bắt chuyện để đường bớt xa. “May mà mưa không lớn nên có thể đi về đội được. Chứ mưa lớn thì chịu, chiếc ni cũng không thể đi nổi, đèo dốc trơn trượt lắm. Ít có ai dám đi đến đội đâu, vừa xa, vừa vất vả. Hơn nữa đi vào là phải ở lại vì đường sá xa xôi. Tuy cách đồn 40km nhưng thời tiết này phải đi mất khoảng 4 giờ đồng hồ mới đến nơi đấy!”.

Lên nhận công tác ở Đoàn KTQP5 từ năm 2013, với chức danh y sĩ của đoàn, hai năm rong ruổi đến từng bản, làng khám, chữa bệnh giúp Nhân dân đã làm da anh xạm đen vì nắng gió biên cương. Đầu năm 2015, mặc dù thuộc diện được luân chuyển đến những vị trí ở địa bàn tốt hơn, nhưng anh tình nguyện về nhận công tác tại Đội sản xuất số 3 – địa bàn khó khăn nhất do Đoàn KTQP5 phụ trách để “nhường” nơi có điều kiện sống tốt cho các thế hệ cán bộ trẻ đến sau. Anh Hải cười tươi nói: Đội sản xuất số 3, trước đây được gọi là đội 4 “không” - không điện, không sóng điện thoại, không nước, không chợ. Sau khi được trên hỗ trợ xây bể trữ nước mưa và đưa đường ống dẫn nước từ khe núi cách đội khoảng gần 3km về cơ bản tuy nước sinh hoạt vẫn thiếu nhưng nước để đun nấu ăn, uống tạm đủ, nên tên đội được gọi là đội “3 không, 1 thiếu”. Đời sống đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn lắm! Trên đường về đội, tôi có việc phải ghé vào bản Piềng Tặt để xem tình hình, điều kiện để hỗ trợ bộ đội xuất ngũ Lò Văn Ún, phát triển sản xuất. Nhà báo chịu khó đợi một chút nhé.

Nghe anh Hải nói, lòng tôi trùng lại: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”, nếu không có những cán bộ đúng chất “Bộ đội Cụ Hồ” tràn đầy nhiệt huyết và trách nhiệm như anh thì “dân bản biết ở với ai? Ai sẽ là người lo cho dân bản?”. Suy nghĩ đấy, làm tôi tự cảm thấy mình “nhỏ bé” khi đang ở bên anh. Bỗng nhiên, trong lòng tôi bùng lên dòng nhiệt huyết và hãnh diện khi được khoác trên mình màu áo “Bộ đội Cụ Hồ” và tôi cảm thấy quyết định của mình về với cán bộ đang công tác tại đội là đúng. Con đường đèo dốc bùn đất gian khổ lúc đầu, giờ trở nên nên thơ và đẹp lạ lùng như bức tranh thủy mặc với dáng hình uốn lượn mềm mại như dải lụa dài vắt qua các sườn núi và cảnh sắc những bông hoa rừng chấm phá vào màu xanh bạt ngàn cây cối. “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” - câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng chợt đến tiếp bước quân hành.

Gần 16 giờ, bản Piềng Tặt đón chúng tôi bằng những mái lá đơn sơ nằm rải rác lưng đồi. Rất may, Lò Văn Ún không đi rừng mà lại có ở nhà. Vừa lấy nước mời chúng tôi, Ún vừa hỏi anh Hải:

- Bao giờ em được hỗ trợ vậy?

- Anh vừa đi ra ngoài đoàn để báo cáo tình hình rồi. Ún là trường hợp đặc biệt được xem xét hỗ trợ đấy.

- Em đã từng ở bộ đội, cũng tham gia chăn nuôi, trồng trọt nên em biết làm. Mong các anh tạo điều kiện hỗ trợ con giống, cây giống để em phát triển kinh tế. Em tính đào thêm ao vừa nuôi cá, vừa lấy nước tưới rau như ở đơn vị.

- Ừ, chỉ cần có chí làm ăn thì đội và đoàn sẽ giúp.

Cuộc trò chuyện trở nên thân mật hơn. Qua câu chuyện của anh Hải và Ún, tôi hiểu rõ hơn đời sống của đồng bào nơi đây. Hầu như đồng bào chưa có ý thức về chăn nuôi trồng trọt, hơn nữa đất đai đồi núi khô cằn nên cuộc sống của đồng bào quanh năm suốt tháng thiếu đói. Bắt tay Ún trước lúc ra về: Tôi hẹn Ún một ngày gần nhất sẽ đến để xem mô hình kinh tế làm giàu từ chính mảnh đất quê hương của Ún.

Hành trình của chúng tôi cuối cùng cũng đã kết thúc. Tranh thủ trời còn nhá nhem sáng, tôi cùng cán bộ đội dùng cơm với những hương vị cây nhà lá vườn: Rau cải luộc, canh rau mồng tơi, gà rang gừng... Sống ở nơi nghèo khó, nên tình người càng bền chặt. Không phân biệt chỉ huy hay cán bộ dưới quyền. 4 cán bộ cắm bản (Trung tá Lê Hữu Khoa, đội trưởng; Thượng úy Dương Khắc Tài, đội phó; Thiếu úy Phạm Văn Tuấn và anh Hải) thân thiết, thương yêu lo lắng cho nhau như 4 anh em ruột thịt. Công việc là việc chung. Người nào đi công tác thì các người ở lại lo việc nhà. Trong bữa cơm, anh Hải tranh thủ báo cáo tình hình chuyến đi, đồng thời chuyển những lời hỏi thăm, thông tin tình hình ở đoàn và kể những câu chuyện vui vừa diễn ra ở đoàn. Cuối cùng, mọi vấn đề vẫn quay lại đề tài: Làm thế nào để đồng bào đủ ăn rồi vươn lên thoát nghèo, đây là điều trăn trở đối với cán bộ Đội sản xuất số 3... Quay về phía tôi, anh Hải tâm sự: Nuôi gà lợn hay trồng rau cũng mất thời gian chờ đợi để thu hoạch, trong khi cứ vào rừng là có thể kiếm được cái gì ăn nên đồng bào khó bỏ tập quán săn bắn hái lượm. Mà giảng giải nhiều cũng không bằng một bằng chứng sống để đồng bào nhìn thấy tận mắt, sờ thấy tận tay và để có chí thú phát triển kinh tế gia đình. Chính vì thế, chúng tôi rất hy vọng, chỗ Ún sẽ là gương điển hình để lan tỏa và làm động lực cho đồng bào trong bản học theo các mô hình xóa đói, giảm nghèo.

Gần giữa tháng, ánh trăng dịu dàng rọi qua khe cửa, nhuộm bạc sương mờ gió núi, phủ trắng như ngàn bông hoa trên các ngọn núi đồi. Tôi được đắm chìm trong một đêm hơi mát lạnh miền biên cương Tổ quốc với nhiều bâng khuâng kỷ niệm. Trong niềm thân mật, tôi bắt chặt tay anh Hải và hứa: Em sẽ thu xếp để thăm các anh! Thăm trái ngọt các anh ươm mầm tặng đồng bào gian khó!

Hai năm sau chuyến đi, vào xuân 2017, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại. Tiếng anh Hải vang vang qua loa báo tin vui: Giờ đội đã xóa được “2 không” nữa rồi! Bản đã có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại đã phủ nhiều nơi. Tôi lại hẹn lên với các anh. Và mãi tới bây giờ khi tiết trời sang thu 2020, tôi mới có dịp quay trở lại.

Bản nghèo khởi sắc

Vẫn là anh Hải đón tôi tại doanh trại Đoàn KTQP5, giờ anh đã là đại úy quân nhân chuyên nghiệp. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, anh hồ hởi cho biết: Giờ Nhà nước đã làm đường nên đi mau lắm! Từ Đội sản xuất số 3 về đây mất có 1 tiếng là đến nơi. Không sợ mưa gió nữa đâu.

Giờ đây, đường đã đẹp nên anh Hải được đoàn hỗ trợ cho chiếc xe Dream (cũ) để thay thế chiếc xe Min-khơ già nua. Con đường nhựa mềm mại đưa chúng tôi về Piềng Tặt. Từ xa, cơ ngơi của Lò Văn Ún hiện lên khang trang. Giờ Lò Văn Ún đang là trưởng bản!

Tình quân dân mang ấm êm về đầu nguồn sông Mã

Cán bộ, nhân viên Đoàn KTQP5 hướng dẫn đồng bào thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn.

Trong năm 2015, Ún là một trong hai hộ ở bản được Đoàn KTQP5 chọn làm điểm, hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản, 3 con lợn nái và nhận nuôi con bò đực. Đến nay, đàn bò nhà anh Ún đã tăng lên 9 con và 6 con lợn nái. Với những kinh nghiệm và nghị lực được rèn luyện qua môi trường quân đội, Ún còn động viên gia đình chịu khó trồng thêm 4 ha rừng xoan và lát, nuôi vịt, gà đẻ, trồng rau xanh... Với mô hình trên, trung bình mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình Ún thu lãi gần 100 triệu đồng. Anh Ún phấn khởi chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn KTQP5, giờ gia đình mình khá giả rồi. Nhiều hộ trong bản học tập mô hình của gia đình mình, nay cũng thoát được đói nghèo. Bà con trong bản biết ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm!”.

“Mô hình xóa đói, giảm nghèo đã bước đầu thành công và có sự lan tỏa. Và đặc biệt đó là khơi dậy được tình thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong gian khó”, anh Hải nói và đưa tôi đến thăm nhà ông Lương Văn Tịnh, ở bản Piềng Tặt.

Gia đình ông Tịnh là một trong những hộ được nhân rộng theo mô hình, khi bò lợn giống sinh sản sẽ chuyển con giống cho một gia đình nghèo khác, để nâng cao trách nhiệm của đồng bào trong việc giữ gìn và phát huy nguồn vốn. Bởi nếu cung cấp cho gia đình toàn quyền quyết định, đồng bào thường bán, hoặc mổ thịt ăn. Ông Tịnh cho biết: “Từ nguồn giống nhân rộng của gia đình anh Ún và được cán bộ Đội sản xuất số 3 hướng dẫn cách chăn nuôi tập trung, tiêm phòng định kỳ thay cho nuôi thả tự do như trước đây, nay tôi đã nhân rộng mô hình nuôi lợn lên 10 con lợn nái sinh sản và hơn 30 con lợn thịt. Mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình thu lãi 30-40 triệu đồng và đã ra khỏi danh sách hộ nghèo trong bản”.

Không chỉ riêng Piềng Tặt, “cây ấm no” đã đơm hoa kết trái ở nhiều bản làng. Vượt dòng sông Mã, chúng tôi đến bản Đoàn Kết của đồng bào dân tộc Khơ Mú (xã Tén Tằn), đúng lúc Trung tá Nguyễn Văn Cẩn, Đội trưởng Đội sản xuất số 1 đến kiểm tra việc chăm sóc đàn dê và đàn bò sinh sản của gia đình anh Vi Văn Khó. Trước đây, gia đình anh Khó thuộc diện khó khăn nhất bản. Nhưng hai năm trở lại đây, mọi người trong bản hay đùa với anh “phải đổi tên từ “Khó” sang “Giàu”. Từ ngày được Đoàn KTQP5 hỗ trợ một con bò và 3 con dê sinh sản, gia đình anh luôn xem đó là sinh kế để thoát nghèo nên chăm sóc, nuôi dưỡng đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ Đoàn KTQP5. Trưởng bản Đoàn Kết Mong Văn Dôm cho biết: “Năm 2018, cả bản có 20/160 hộ được Đoàn KTQP5 hỗ trợ bò và lợn nái bản địa. Đến nay, nhiều hộ đã trở nên khá giả, không còn cảnh đói nghèo”.

Thượng tá Nguyễn Đình Tấn chia sẻ: Đoàn KTQP5 đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 5 xã: Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu và Mường Chanh, với tổng số 50/90 bản của huyện Mường Lát. Tổng diện tích đất tự nhiên vùng dự án chiếm 60% diện tích toàn huyện, với 4.538 hộ/21.344 nhân khẩu, chiếm 57,86% dân số toàn huyện; tỷ lệ hộ nghèo 57,91%, cận nghèo 10,48%, đời sống Nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ tình hình thực tế trên, Đoàn KTQP5 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Mục tiêu được lãnh đạo, chỉ huy đoàn đặt ra là kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược; tạo nên những yếu tố bước đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; trồng mới, chăm sóc, khai thác có hiệu quả các mô hình trồng rừng; chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho người dân; tổ chức sản xuất, làm nòng cốt hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bằng các mô hình thiết thực như: Hỗ trợ giống bò lai sinh sản; nuôi lợn nái bản địa; nuôi dê thương phẩm; trồng lúa lai, ngô lai... đều phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo và phát huy được thế mạnh của địa phương; khuyến khích, huy động sự đóng góp của người dân và cộng đồng. Đối tượng thụ hưởng là những hộ nghèo trong vùng dự án Khu KTQP Mường Lát, có sức lao động, có ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Đoàn KTQP5 đã tổ chức cấp giống ngô lai, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 1.110 hộ nghèo thiếu vốn sản xuất trên địa bàn 5 xã vùng dự án trồng 283 ha ngô lai; mô hình đã thu hoạch với năng suất bình quân 6,7 tấn/ha; cấp hỗ trợ 479 con bò giống lai cho 868 nhóm hộ (2 hộ/nhóm), số bê giống đã sinh sản được hơn 217 con và đã luân chuyển cho 217 hộ tiếp tục nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình; cấp 1.543 con lợn nái bản địa cho 943 hộ nghèo, đến nay, đàn lợn phát triển tốt, có 95% số con giống đã sinh sản...

Chiều dần buông, từ những mái nhà vững chãi của đồng bào, khói lam chiều tỏa dịu dàng pha vào sương núi. Sự ấm êm đã về, cho hương sắc nơi đầu nguồn sông Mã thêm đậm đà nghĩa tình Bộ đội Cụ Hồ, vì dân, vì nước.

Việt Hà - Duy Thành


Việt Hà - Duy Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]