Hướng tới Khuôn khổ Đối thoại Toàn diện nhằm chấm dứt xung đột ở Sudan
Tính đến tháng 10, xung đột đã cướp đi sinh mạng của 9.000 người, buộc hơn 6 triệu người phải di dời bên trong và ngoài Sudan, đồng thời khiến 25 triệu người gặp khó khăn.
Người tị nạn tại Hasahisa, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 14/11, Tổng thống Kenya William Ruto và Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã nhất trí nỗ lực hướng tới tạo ra một Khuôn khổ Đối thoại Toàn diện nhằm chấm dứt 7 tháng xung đột ở Sudan.
Hai nhà lãnh đạo đã tham gia cuộc đối thoại song phương tại thủ đô Nairobi của Kenya vào tối 13/11 để thảo luận những diễn biến an ninh gần đây ở Sudan và trong khu vực.
Theo một tuyên bố chung giữa hai bên, Tổng thống Ruto và Tướng Al-Burhan đã xem xét các sáng kiến hòa bình hiện đang được thực hiện, bao gồm tiến trình hòa bình Jeddah và những đề xuất của Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD).
Hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Sudan, đồng thời thừa nhận những tiến triển chậm chạp ở thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia, nơi các bên tham chiến ở Sudan đã tiến hành đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 tháng.
Hai nhà lãnh đạo nêu bật sự cấp thiết của việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt sự thù địch và thực hiện viện trợ nhân đạo.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nỗ lực hướng tới việc khẩn trương triệu tập hội nghị thượng đỉnh IGAD để tìm cách đẩy nhanh tiến trình đàm phán Jeddah và chấm dứt thù địch ở Sudan.
Các cuộc đụng độ giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bùng phát từ ngày 15/4 năm nay.
Theo Liên hợp quốc, tính đến tháng 10, cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của 9.000 người, buộc hơn 6 triệu người phải di dời bên trong và ngoài Sudan, đồng thời khiến 25 triệu người gặp khó khăn.
Liên hợp quốc ngày 14/11 đã bày tỏ quan ngại về sự leo thang bạo lực sắc tộc ở Sudan, nói rằng tổ chức này có thông tin đáng tin cậy về các vụ tấn công có chủ đích nhằm vào nhóm sắc tộc Masalit.
Ông Stéphane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc - cho biết: "Chúng tôi hiện đang xác minh các nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi nhận được về các hành động bạo lực có quy mô lớn nhằm vào các thành viên của cộng đồng Masalit ở khu vực Darfur."
Theo ông Dujarric, nguồn tin của Liên hợp quốc nêu cụ thể “bạo lực được cho là do các nhóm vũ trang Arab” tiến hành từ ngày 4-6 vừa qua, có thể có sự kích động của RSF.
Các cuộc tấn công tập trung ở khu vực Tây Darfur. Những hành vi bạo lực bao gồm “giết hại nam giới và phụ nữ người Masalit, đối xử vô nhân đạo và đánh đuổi các cộng đồng của người Masalit”./.
Theo TTXVN
- 2024-11-05 09:17:00
Chính phủ Đức đối mặt với nguy cơ tổ chức bầu cử sớm
- 2024-11-05 07:35:00
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Những điều cần biết
- 2023-11-15 13:04:00
Phái đoàn Nga thăm Bình Nhưỡng đàm phán hợp tác thương mại và khoa học
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, ngăn việc chính phủ đóng cửa
Chủ tịch COP27 kêu gọi nhiều nỗ lực hơn để giảm lượng khí phát thải
Tổng thư ký LHQ: Bệnh viện ở Gaza trong tình trạng tồi tệ khủng khiếp
Hàn Quốc điều chỉnh lịch trình hơn 90 chuyến bay để tránh gây ồn kỳ thi đại học
Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất vũ khí trang bị cho máy bay chiến đấu
Hàn Quốc cân nhắc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều
Phong trào Hamas sẵn sàng đổi 50 con tin lấy lệnh ngừng bắn
Liên minh châu Âu thông qua cấp visa thăm khối Schengen trên nền tảng số
Tuần lễ Cấp cao APEC 2023: Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững