(Baothanhhoa.vn) - Cùng với các ngành đào tạo khác, trong những năm qua, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức không ngừng đổi mới công tác quản lý, xây dựng và hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo ngành giáo dục mầm non (GDMN) với mục tiêu đào tạo những giáo viên mầm non có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện có hiệu quả chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tại các cơ sở GDMN trong và ngoài tỉnh.

Trường Đại học Hồng Đức nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành giáo dục mầm non

Cùng với các ngành đào tạo khác, trong những năm qua, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức không ngừng đổi mới công tác quản lý, xây dựng và hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo ngành giáo dục mầm non (GDMN) với mục tiêu đào tạo những giáo viên mầm non có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện có hiệu quả chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tại các cơ sở GDMN trong và ngoài tỉnh.

Trường Đại học Hồng Đức nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành giáo dục mầm non

Một giờ học của sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Hồng Đức.

Chương trình GDMN mới đang đặt ra những đòi hỏi và sự thay đổi mạnh mẽ đối với giáo viên mầm non về các kỹ năng như: Kỹ năng phát triển chương trình và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với bối cảnh địa phương; kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và phối hợp với cha mẹ, cộng đồng; việc cập nhật các phương pháp giáo dục mới... Xác định rõ điều này, công tác đào tạo giáo viên mầm non của Trường ĐH Hồng Đức cũng từng bước được điều chỉnh, đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ sở GDMN cả ở nhóm trường công lập, nhóm trường chất lượng cao, trường mầm non có yếu tố nước ngoài...

Tiến sĩ Hồ Thị Dung, Trưởng Khoa GDMN, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: Để đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên trong giai đoạn mới, hàng năm khoa đều tiến hành rà soát chương trình đào tạo, lấy ý kiến của đơn vị sử dụng lao động, đánh giá chương trình đào tạo, kỹ năng nghề làm cơ sở điều chỉnh chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, khoa luôn chú trọng và tăng cường công tác rèn nghề. Thuận lợi của khoa trong công tác đào tạo là ngoài được đầu tư hệ thống các phòng thực hành rèn nghề cho sinh viên như phòng dinh dưỡng, phòng thể chất, âm nhạc, múa... nhà trường còn đầu tư xây dựng cơ sở mầm non thực hành. Chính vì vậy, ngoài những giờ học chính khóa, sinh viên còn được tham gia thực hành, rèn nghề ngay tại trường mầm non của nhà trường; tham gia tất cả các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ngay những năm học ĐH đầu tiên. Bên cạnh đó, các hoạt động thi tay nghề, thi nghiệp vụ sư phạm cũng được nhà trường, khoa tổ chức thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích để sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy, giáo viên mầm non có những nét khác biệt và luôn cần sự hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo và chính xác. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới thì việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn cũng có thể tiến hành bằng các hình thức khác nhau, nhất là việc đào tạo theo tín chỉ thay cho đào tạo theo niên chế trước kia. Lối truyền nghề “cầm tay chỉ việc” không còn chiếm ưu thế, thay vào đó người học phải chủ động, sáng tạo và tích cực trong việc tự học, tự bồi dưỡng, tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cũng như tự rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Việc làm này đang được Trường ĐH Hồng Đức đẩy mạnh thực hiện ở tất cả các khóa đào tạo trong những năm gần đây nhằm đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành những nhà giáo dục có phẩm chất chính trị, đạo đức đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; có kiến thức nền tảng, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có năng lực hình thành ý tưởng, thiết kế, tổ chức và đánh giá các hoạt động về GDMN trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Theo PGS.TS Đậu Bá Thìn, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Hồng Đức, để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành giáo viên, trong đó có ngành GDMN đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh rà soát, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, đầu tư cơ sở vật chất... nhà trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Đây được xem là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Đến nay, 100% giảng viên Khoa GDMN của nhà trường đều có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 8 giảng viên có trình độ tiến sĩ, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết với nghề. Ngoài ra, hằng năm, nhà trường đều cử giảng viên tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đào tạo ngành GDMN do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đồng thời tổ chức các hội thảo, chuyên đề góp phần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên cũng như làm cơ sở để đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo.

Mới đây, nhà trường tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo sinh viên ngành GDMN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan vai trò của việc xác định chuẩn đầu ra với sinh viên, giảng viên, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động; thực trạng của việc đổi mới phương pháp dạy học các học phần đào tạo sinh viên theo định hướng chuẩn đầu ra ở một số học phần: Mỹ thuật, Âm nhạc, Phát triển ngôn ngữ, Văn học... Hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương pháp dạy học các học phần đào tạo sinh viên ngành GDMN như: Nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ; xác định các tiêu chí kiểm tra, đánh giá sinh viên khi dạy các học phần Văn học trẻ em; nâng cao kỹ năng thực hành nghề cho sinh viên... Theo tiến sĩ Hồ Thị Dung, Trưởng Khoa GDMN, Trường ĐH Hồng Đức, đây là những giải pháp quan trọng góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình đào tạo, qua đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non, đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]