(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, xứ Thanh đã sản sinh và đóng góp cho dân tộc biết bao nhân tài, góp phần làm vượng cho “nguyên khí quốc gia”. Để rồi, đến lượt mình, mỗi người con của vùng sông Mã lại ví như một ánh lửa, thắp dậy ngọn đuốc của tinh thần coi trọng tri thức, làm nên một xứ Thanh trăm năm đất học, nổi tiếng sánh ngang với nhiều vùng đất cổ giàu truyền thống văn hiến trong khắp cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trăm năm đất học

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, xứ Thanh đã sản sinh và đóng góp cho dân tộc biết bao nhân tài, góp phần làm vượng cho “nguyên khí quốc gia”. Để rồi, đến lượt mình, mỗi người con của vùng sông Mã lại ví như một ánh lửa, thắp dậy ngọn đuốc của tinh thần coi trọng tri thức, làm nên một xứ Thanh trăm năm đất học, nổi tiếng sánh ngang với nhiều vùng đất cổ giàu truyền thống văn hiến trong khắp cả nước.

Trăm năm đất học

Bảng Môn Đình – một biểu tượng của vùng đất học Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Đất khoa bảng

Trong “bản đồ” những vùng đất học, đất khoa bảng xứ Thanh, huyện Hoằng Hóa vẫn luôn là cái tên chói sáng. Trong đó, hai xã Bột Thượng và Bột Thái (nay là xã Hoằng Lộc), từ lâu đã nức tiếng với những làng đại khoa, lắm người đỗ đạt, nhiều người thành danh, thành tài. Văn bia tại Văn từ huyện Hoằng Hóa, miêu tả Hoằng Lộc ở vào hình thế “có núi Phong Châu làm án, lại có sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng mà sinh trưởng nhân tài anh tuấn; kẻ sĩ nhiều người đỗ đạt danh tiếng lẫy lừng, đứng hàng đầu Châu Ái mà sánh chung cả nước”. Với lịch sử khoa cử trải trên 400 năm, 12 người được đề danh trên bảng vàng, trong đó có 7 người được khắc tên trên bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám; có thể nói, đất học Hoằng Lộc là niềm tự hào của cả vùng đất xứ Thanh.

Trên mảnh đất từng nức tiếng nhờ lắm người thành danh này, hiện vẫn còn lưu lại dấu vết của một thời “vàng son” trong quá khứ. Đó là Nhà thờ Trạng Quỳnh - một nhân vật có thật được khoác lên nhiều giai thoại hư cấu, có tính trào lộng, gắn với cuộc đời ông và hiện thực xã hội đương thời. Nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là Bảng Môn Đình – một biểu tượng thiêng liêng về truyền thống học hành, khoa bảng của đất Hoằng Lộc. Đình được xây dựng thời Lê (khoảng thế kỷ XV), ban đầu chỉ có 3 gian làm nơi thờ thành hoàng và sinh hoạt cộng đồng. Khoảng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11, triều Vua Lê Hiển tông, đình được sửa sang, tôn tạo lại. Đến đầu năm 1932, đình được xây cất quy mô hơn, ba mặt xây gạch, bên trong là những hàng cột gỗ lim lớn đường kính khoảng 50cm, đỡ toàn bộ phần vì kèo và mái ngói.

Trong Bảng Môn Đình treo bức đại tự lớn “Địa linh nhân kiệt” và một số câu đối đề cao truyền thống văn hiến của làng, cũng như nhắc nhở kẻ sĩ giữ vững khí tiết: “Địa linh quân tử hương, thanh danh sở tụy/ Nhân tại văn hiến ấp, phong tiết tư trì” (Đất sinh người quân tử tiếng tăm hội tụ/ Người ở làng văn hiến khí tiết vững bền). Không chỉ là nơi thờ Thành hoàng hay hội họp thông thường, Bảng Môn Đình có vai trò lớn hơn khi là nơi hội tụ, rèn luyện những người theo Nho học và trí thức của làng. Chính vì vậy, di tích này đóng vai trò quan trọng trong việc động viên, khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện nhằm phát huy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của kẻ sĩ. Có thể nói, sự tồn tại của Bảng Môn Đình đã củng cố và phát huy truyền thống hiếu học của người Hoằng Lộc.

Cũng nhờ truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt thành tài, mà Hoằng Lộc có “làng Văn” riêng, do người có học thức cao nhất trong làng đứng đầu. Đồng thời, có Văn Chỉ thờ Khổng tử cùng các vị văn quan hiển đạt và là nơi thực hiện các nghi thức tế lễ theo xuân thu nhị kỳ. “Làng Văn” có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích học tập, viết và đọc văn tế ở hành miếu, tổ chức các đợt bình văn thơ, giảng sách. Dù không nắm thực quyền, nhưng “làng Văn” có uy vọng lớn và nhận được sự kính nể của dân làng, thậm chí của cả quan trên. Theo một số tài liệu còn ghi chép lại, thì để được vào “làng Văn”, trước hết người đó phải là các nhà khoa bảng, hoặc chí ít phải biết chữ Hán và sau này là chữ Quốc ngữ từ trình độ tiểu học. Đồng thời, người đó phải có phẩm chất đạo đức tốt, tổ tiên không làm việc gì phản làng, phản nước và đã ngụ cư ở làng ít nhất 3 đời. Sau khi xét đủ các tiêu chuẩn và đóng lệ phí từ 10-20 quan, người đó sẽ được vào “làng Văn”. “Làng Văn” có vai trò giáo dục các thành viên bảo đảm tư cách đạo đức và gìn giữ phẩm chất, danh dự của người có học. Cũng bởi một số điều phân biệt về quyền lợi và nghĩa vụ, nên nhiều gia đình dù nghèo khó đến mấy cũng cố cho con theo đòi bút nghiên chữ nghĩa, để có cơ hội tiến vào “làng Văn”, cũng là có một vị trí được tôn trọng trong các hoạt động làng xã.

Coi trọng sự học

Từ xưa, Thanh Hóa đã nổi tiếng là vùng đất có tinh thần hiếu học, trân trọng đào tạo nhân tài và khuyến khích việc học hành, thi cử. Cũng từ truyền thống ấy mà nhiều vùng đất học hành, khoa bảng đã ra đời và làm rạng danh quê hương. Dân gian Thanh Hóa vẫn lưu truyền câu “Thí Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn”, nhằm khẳng định thành tích học hành, khoa bảng thuộc hàng đầu của 2 huyện Hoằng Hóa và Đông Sơn. Ngoài ra, các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc... cũng có nhiều làng, xã trọng văn, hiếu học, thậm chí có nơi, việc học hành đã trở thành một “thuần phong” tốt đẹp và được đưa vào hương ước, lệ làng. Tuy nhiên, sự hiếu học hay coi trọng việc học ở nhiều làng khoa bảng xưa, không phải bỗng dưng mà có. Truyền thống ấy phải trải qua hàng trăm năm tích lũy, qua lớp lớp kế cận động viên, nêu gương và bằng sự bền bĩ nỗ lực không mệt mỏi của những người theo đòi bút nghiên mới có được. Đồng thời, truyền thống hiếu học chỉ có thể có được khi song hành cùng truyền thống khuyến khích việc học tập, khoa bảng ở nhiều vùng nông thôn xứ Thanh từ xa xưa.

Sự học ở làng Phu Huệ (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống), được mô tả lại trong sách “Địa chí Nông Cống” một cách tường tận: “Bước vào làng Phu Huệ đã thấy một không khí học hành bao trùm. Các địa danh trong làng hầu như đều tập trung vào việc học hành như Cồn Nhất Tự, Cồn Bảng, Cồn Cờ, Cồn Trống, Cồn Chuông, Cồn Nghiên, Mũi Bút. Xa ngoài cánh đồng làng có Chòm Thất Tinh, Bãi Kim Quy, miếu Thần Đồng... có giếng làng được đặt thành chuyện “Đôi hạc trầm phù ngậm cụm sen”. Theo đó, việc học trở thành một nội dung quan trọng của hương ước làng từ xưa. Cứ đến khoa thi là tất cả trai tráng trong làng đều phải bỏ công sức, tiền của ra để làm nhà học tại Vườn Ký Thí (nơi luyện tập văn bài, chữ nghĩa trước khi đi thi). Với mỗi người tham gia thi Hương, sẽ được làng cấp tiền lệ phí. Nếu “nhất cử thành danh” sẽ được làng thưởng tiền 3 quan, rượu 1 vò để làm lễ cáo yết tổ tiên. Tính từ Tú tài trở lên, đậu càng cao thì thưởng càng hậu. Nếu đỗ Đại khoa được vinh quy bái tổ, thì làng sẽ đứng ra phục dịch và có lễ lạt cho đám khao vọng, lễ tổ tiên và yết tạ miếu Thần Đồng. Ngoài ra, những người đỗ đạt sẽ được hưởng nhiều phúc lợi và được trọng vọng khi tham gia việc làng và khi trong nhà có việc hiếu, việc hỉ... Cũng chính vì coi trọng sự học, nên không ngạc nhiên khi Hoàng Giang đã sinh ra cho đất nước tới 11 vị tiến sĩ. Trong đó, họ Lê – một dòng họ khoa bảng nổi danh, được Vua Lê Thần tông ban câu đối thêu trên gấm: “Tiến sĩ ba đời lừng đất Việt/ Công hầu một họ ánh trời Nam”.

Nói đến xứ Thanh đất học, mà không nhắc đến những con người đặt nền móng cho cái sự học muôn đời ấy, thì quả thật là thiếu xót lớn. Người xứ Thanh trọng việc học và đặc biệt, càng trọng người dạy học. Nhiều người đi ra từ đất học này đã đỗ đạt thành danh và nhiều người đã chọn trở về để gây dựng sự học cho quê hương. Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là một trong những người đã dựng trường dạy học ngay trên mảnh đất Hoằng Hóa (khoảng đầu thế kỷ XVI). Khi tìm hiểu về trường học này thông qua sử liệu, một số nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra nhiều điểm thú vị của nó. Đó là ngôi trường đã thu hút được nhiều người từ ngoài Bắc vào theo học, mà nổi tiếng hơn cả là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và 2 Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu, Bùi Doãn Đốc. Trường không chỉ dạy sách Nho giáo, mà còn truyền thụ cho người học cuốn Thái Ất Thần Kinh, mà nhờ đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là người đứng đầu cả nước về lý học. Riêng thầy Lương Đắc Bằng còn có con và cháu đỗ tiến sĩ và trở thành bề tôi lương đống của nhà Lê Trung hưng... Bên cạnh người thầy đức cao vọng trọng này, ở vùng đất Yên Định xưa cũng từng có một trường học ở Châu Bối (thuộc xã Định Tường ngày nay), do cụ Nghè Bón (Trần Ân Chiêm) thành lập (khoảng đầu thế kỷ XVIII). Ngôi trường đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, với một quan điểm giáo dục tiến bộ, đó là “Ta hãy khơi cái nguồn văn minh, đạo lý cho người đời để mong cánh cửa tà vạy cong queo vĩnh viễn đóng lại, con đường công bằng trong sạch đi lại thung dung, chẳng phải là con đường phò đời giúp nước thực sự thái bình, chân chính hay sao”!

...

Cây đứng vững là nhờ gốc bền chắc, cành lá tươi khỏe là vì đất đai mỡ màu. Bởi vậy mới nói, bề dày truyền thống học hành của đất Thanh Hóa chỉ có thể được ươm mầm, bén rễ từ sâu xa trong quá khứ, ở những vùng quê dẫu lam lũ nhưng luôn nêu cao đạo học. Đồng thời, từ những con người mà trí tuệ, tài năng đã được khẳng định trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, trung hưng và phát triển đất nước qua nhiều triều đại. Cũng bởi sự nghiệp trăm năm chỉ có thể là sự nghiệp trồng người, cho nên, làm rạng danh xứ Thanh - trăm năm đất học, đang là câu chuyện mà hậu thế cần phải viết tiếp trong thời đại ngày nay.

(Bài viết sử dụng một số tư liệu trong cuốn Địa chí Thanh Hóa tập II).

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]