(Baothanhhoa.vn) - Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của ngành giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương hoàn thành chương trình học, kiểm tra học kỳ II để kết thúc năm học 2020-2021 sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khẩn trương hoàn thành chương trình học ứng phó với đại dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của ngành giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương hoàn thành chương trình học, kiểm tra học kỳ II để kết thúc năm học 2020-2021 sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.

Khẩn trương hoàn thành chương trình học ứng phó với đại dịch COVID-19

Học sinh Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) cấp tốc hoàn thành bài kiểm tra cuối năm để kết thúc năm học 2020-2021 sớm theo kế hoạch của ngành.

Cấp tốc kiểm tra

Ngày 11-5, thay vì học tập bình thường như kế hoạch, học sinh khối lớp 4 và khối 5 của Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) phải thực hiện kiểm tra định kỳ cuối năm học 2020-2021. Thầy giáo Nguyễn Trọng Tính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Tâm, cho hay: “Kế hoạch này được thay đổi theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Thanh Hóa trên cơ sở nội dung Công văn số 1187/SGDĐT-VP, ngày 10-5-2021 của Sở GD&ĐT. Nếu theo kế hoạch năm học 2020-2021, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh các khối lớp kiểm tra định kỳ cuối năm từ ngày 23 đến 25-5-2021 và tổ chức bế giảng trước 30-5. Tuy nhiên, hiện việc tổ chức kiểm tra đang được triển khai thực hiện cho các khối lớp. Sự thay đổi này là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời của ngành trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19”.

Được biết, ngay khi có thông báo, hướng dẫn của tỉnh, của Sở GD&ĐT về việc điều chỉnh thời gian hoàn thành chương trình học và kết thúc năm học 2020-2021, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Quảng Tâm đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch học tập, ôn luyện cụ thể cho từng môn học, với phương châm rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm nội dung chương trình học và bảo đảm kiến thức cho các em học sinh hoàn thành tốt bài kiểm tra cuối năm. Chính vì vậy, dù tổ chức cho học sinh kiểm tra cuối kỳ sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu, song với sự chủ động, quyết tâm của tập thể sư phạm nhà trường, thầy, trò Trường Tiểu học Quảng Tâm vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập theo đúng nội dung chương trình quy định.

Tại Trường THCS Kiên Thọ (Ngọc Lặc) ngay khi có hướng dẫn và chỉ đạo của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT huyện về việc khẩn trương hoàn thành chương trình và kết thúc năm học 2020-2021, nhà trường đã tổ chức cho học sinh kiểm tra cuối kỳ cả trong ngày chủ nhật. Hiện tại các khối lớp đã hoàn thành việc kiểm tra, các tổ chuyên môn đang gấp rút chấm bài, đánh giá xếp loại học sinh để bế giảng năm học sớm. Thầy giáo Lê Ngọc Thuật, Hiệu trưởng Trường THCS Kiên Thọ, cho biết: “Việc tổ chức thi, chấm thi và kết thúc năm học tuy hơi gấp gáp về thời gian nhưng do có sự chủ động tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường và sự chỉ đạo sát sao của ngành nên mọi hoạt động diễn ra bình thường, nội dung chương trình học được thực hiện đúng quy định và bảo đảm theo yêu cầu. Nhà trường luôn động viên cán bộ, giáo viên cố gắng, nỗ lực vì sức khỏe, tinh thần của học sinh, vì cộng đồng xã hội”.

Theo ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT, đến thời điểm này phần lớn các trường từ cấp tiểu học đến THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kiểm tra, thi học kỳ II. Đối với đơn vị chưa hoàn thành kiểm tra, sở chỉ đạo các nhà trường đẩy nhanh tiến độ. Việc tổ chức kiểm tra, thi có thể diễn ra kể cả vào thứ 7 và chủ nhật tuỳ vào tình hình thực tế mỗi đơn vị trường. Ngay sau thi, kiểm tra các nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học, kết thúc năm học. Các trường đã hoàn thành thi, kiểm tra nhưng chưa hoàn thành chương trình dạy học thì tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến...

Việc cấp tốc tổ chức kiểm tra để kết thúc năm học sớm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Thị Hằng có con học tại Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của ngành giáo dục và nhà trường. Biết là các con sẽ vất vả hơn, học hành, ôn tập gấp gáp hơn, nhưng tại thời điểm này vấn đề sức khỏe và an toàn trong phòng, chống dịch bệnh vẫn là trên hết. Kiến thức còn thiếu, còn hổng chỗ nào thầy, cô có thể bổ sung vào thời điểm thích hợp, hoặc học online, nhưng để dịch bệnh bùng phát trong trường học thì sẽ rất vất vả cho cộng đồng, xã hội”.

Kết thúc năm học sớm

Chỉ trong vòng 3 ngày Sở GD&ĐT liên tiếp ban hành 2 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh về việc hoàn thành chương trình và kết thúc năm học 2020-2021 sớm. Trong đó, ngày 8-5-2021, sở ban hành Công văn số 1179/SGDĐT-VP hướng dẫn hoàn thành chương trình và tổng kết năm học 2020-2021. Đến ngày 10-5, tiếp tục ban hành Công văn số 1187/SGDĐT-VP về việc khẩn trương hoàn thành chương trình và kết thúc năm học 2020-2021. Điều này cho thấy sự quyết liệt của tỉnh, của ngành trong chỉ đạo, điều hành nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Đúng ra, khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT quy định: Hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25-5-2021; kết thúc năm học trước 31-5-2021. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các tỉnh, thành trong cả nước đã chủ động điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương. Tại tỉnh ta, đến ngày 13-5, đa phần các trường học đã hoàn thành chương trình học, sẵn sàng cho hoạt động bế giảng năm học. Riêng cấp học mầm non, 100% trường trong tỉnh đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 11-5-2021. Cô giáo Lê Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Lương (Lang Chánh), cho hay: “Kế hoạch đến ngày 18-5 mới kết thúc chương trình học. Nhưng chương trình của bậc học mầm non cũng nhẹ nhàng và hiện nay cũng sắp hết, nên việc cho học sinh nghỉ học sớm là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để lây lan, bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong trường học cũng như tạo sự an tâm cho phụ huynh học sinh”.

Theo thầy giáo Nguyễn Công Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Vinh (TP Sầm Sơn), đến ngày 11-5 nhà trường đã hoàn thành tổ chức kiểm tra cuối năm học ở các khối lớp, hoàn thành việc chấm bài kiểm tra và đang đánh giá xếp loại học sinh. Dự kiến nhà trường sẽ tổ chức bế giảng vào ngày 17-5, sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu của năm học. Việc tổ chức bế giảng được thực hiện tại mỗi lớp và chia thành 2 buổi, trong đó buổi sáng tổ chức cho khối 1, 4 và khối 5, buổi chiều khối 2 và 3 nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết: Việc cho học sinh nghỉ học và kết thúc năm học sớm trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 được Sở GD&ĐT chỉ đạo rất quyết liệt. Sở đã giao quyền cho địa phương, các trường học căn cứ thực tế khẩn trương, chủ động, linh hoạt trong việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, hoàn thành chương trình và kết thúc năm học. Song yêu cầu đặt ra của ngành là trước ngày 17-5-2021 tất cả các trường học trong tỉnh phải thực hiện bế giảng, kết thúc năm học 2020-2021. Sở cũng chỉ đạo việc tổ chức bế giảng năm học trên tinh thần gọn nhẹ, tổ chức nội bộ hoặc bằng hình thức trực tuyến. Không tổ chức họp phụ huynh cuối năm theo hình thức tập trung, sử dụng hình thức OTT (mạng xã hội: zalo, viber, facebook,...) để trao đổi thông tin giữa nhà trường, lớp, giáo viên với phụ huynh. Các nhà trường không tổ chức tham quan, dã ngoại, chụp ảnh kỷ yếu, hội khóa... khi tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa được khống chế trong cả nước. Riêng đối với khối lớp 9 và lớp 12, các trường học tiếp tục hệ thống hóa kiến thức cho học sinh để bảo đảm chất lượng trước khi các em tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thông tin thêm về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tốt nghiệp THPT năm 2021, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, không xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh vẫn diễn ra đúng kế hoạch trong ngày 4 và 5 tháng 6 tới. Trường hợp F1, F2 hoặc khu vực còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ bố trí phòng thi giãn cách theo quy định hoặc có phương án xét tuyển đặc cách. Tuy nhiên, nếu dịch có diễn biến xấu thì sẽ lùi lịch thi vào thời điểm thích hợp, nhưng phải hoàn thành trước khi bắt đầu năm học mới 2020-2021. Trường hợp dịch bệnh không kiểm soát được, ảnh hưởng nghiêm trọng thì Sở GD&ĐT sẽ trình phương án xét tuyển, trừ trường hợp thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Nhưng trước mắt vẫn chỉ đạo thực hiện theo phương án thi vào ngày 4 và 5-6-2021.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, bệnh COVID-19, vừa hoàn thành chương trình giáo dục

Khẩn trương hoàn thành chương trình học ứng phó với đại dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 và hoàn thành chương trình giáo dục ở tất cả các bậc học sớm nhất. Trong đó, công tác phòng, chống dịch được các đơn vị, nhà trường thực hiện đồng bộ, quyết liệt, không chủ quan, lơ là; triển khai nghiêm túc chỉ đạo của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp và khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế trong mọi hoạt động. Một số trường cho học sinh tạm nghỉ học khi trong trường có cán bộ, học sinh là F1 và thực hiện phun khử khuẩn, tiêu độc, tẩy trùng toàn bộ khuôn viên nhà trường.

Về việc hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học, các đơn vị, trường học đang khẩn trương chạy đua với thời gian đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thành chương trình đúng quy định. Đến nay, các cơ sở giáo dục mầm non đã cho trẻ nghỉ học; giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành thi, kiểm tra đánh giá học sinh; một số địa phương đã hoàn thành chương trình giáo dục và tổng kết năm học bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, bệnh COVID-19, vừa hoàn thành chương trình giáo dục.

Đối với học sinh khối lớp 9 và lớp 12, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch hệ thống hóa kiến thức, ôn tập cho học sinh một cách khoa học, hợp lý dưới nhiều hình thức khác nhau như: trực tiếp, trực tuyến, giao bài và hướng dẫn làm bài tập qua các nền tảng số,... nhằm bảo đảm kiến thức cho học sinh tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt kết quả cao nhất.

Trịnh Văn Tâm

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học

Khẩn trương hoàn thành chương trình học ứng phó với đại dịch COVID-19

Hiện nay, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai thực hiện dạy học trực tuyến trên hệ thống phần mềm bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho học sinh, giáo viên; từng bước số hóa và phát triển giáo án điện tử; tập huấn, hướng dẫn phương pháp dạy trực tuyến cho giáo viên... Đồng thời chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cụ thể; rà soát chương trình; đề xuất nội dung dạy học trực tuyến cho từng phân môn; lập thời khóa biểu dạy học cụ thể; chuẩn bị cơ sở vật chất như: máy vi tính, đường truyền internet ổn định, thêm webcam, phối hợp với phụ huynh học sinh cùng vào cuộc để chương trình đạt hiệu quả cao.

Thời gian qua, một trường trên địa bàn phải cho học sinh nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Theo đó ngành đã phối hợp với các nhà trường lên kế hoạch dạy học thậm chí thi thử bằng hình thức trực tuyến và cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, để việc dạy và học trực tuyến đạt được hiệu quả, ngành GD&ĐT cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin. Ban giám hiệu các nhà trường cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đột xuất việc sử dụng và bảo quản các trang thiết bị về công nghệ thông tin, kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chuyên môn làm tốt.

Lê Thành Đồng

Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa

Nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến cho các em học sinh vùng cao

Khẩn trương hoàn thành chương trình học ứng phó với đại dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phú Xuân (Quan Hóa) đã có phương án sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến khi có sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Mặc dù vậy, việc dạy và học trực tuyến tại các trường học ở khu vực miền núi, vùng cao là rất khó khăn và trường chúng tôi cũng không phải ngoại lệ.

Khó khăn lớn nhất là nhiều em học sinh đang sinh sống tại các bản cách trường 12 km, chưa có điện, chưa có internet. Hơn nữa, đa phần gia đình các em học sinh đều là hộ nghèo, kinh tế khó khăn chưa mua sắm được ti vi, máy tính xách tay, điện thoại thông minh để giúp các em học trực tuyến. Cùng với đó là ý thức học tập của một số em học sinh vẫn còn kém, chưa sẵn sàng cho phương án học trực tuyến khi cần.

Đặc biệt việc dạy và học trực tuyến của các trường khu vực vùng cao, miền núi còn khó khăn do thiếu thốn trang thiết bị cần thiết như ti vi (smart TV), máy tính cá nhân (laptop), máy chiếu, dụng cụ trực quan..., chưa có phòng học riêng để triển khai dạy học trực tuyến. Nhiều cán bộ, giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng dạy học trực tuyến, nhất là các trường ở xa trung tâm huyện, ở các xã khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường cũng đã vận động, kêu gọi sự chung tay, đồng hành của các bậc phụ huynh, trong việc triển khai dạy học trực tuyến. Đồng thời mong rằng, ngành giáo dục quan tâm, hỗ trợ các trường ở khu vực miền núi, vùng cao cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng kỹ năng để việc dạy và học trực tuyến được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Triệu Quốc Toản

Chủ tịch Công đoàn Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phú Xuân, Quan Hóa

Hoàn thành chương trình sớm bảo đảm an toàn cho học sinh

Khẩn trương hoàn thành chương trình học ứng phó với đại dịch COVID-19

Tôi có con đang học lớp 1 Trường QTH SCHOOL (TP Thanh Hóa). Theo lịch đến 22-5 khối cháu học mới làm bài kiểm tra cuối năm. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, tôi như “ngồi trên đống lửa” vì sợ dịch bùng phát học sinh phải nghỉ học. Ngay khi khận được thông báo các con sẽ đẩy nhanh chương trình học và làm bài kiểm tra cuối năm sớm hơn vào ngày 12-5, tôi đã giúp con xây dựng kế hoạch học và ôn tập. Song, tôi cũng rất lo lắng khi thấy con gấp rút học và ôn tập để hoàn thành bài kiểm tra. Tôi đã động viên và cùng con ôn tập để có kết quả tốt nhất. Đồng thời, tôi mong nhà trường sẽ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho học sinh khi tổ chức làm bài kiểm tra cuối năm tại trường.

Nguyễn Thị Diệu Linh (Phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa)


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]