(Baothanhhoa.vn) - Cây cầu tạm được người dân tự dựng lên để đi qua sông Ken, thuộc bản Khong, xã Yên Nhân (Thường Xuân), cứ mỗi khi mưa lớn, lũ về lại bị cuốn trôi. Bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập, hàng ngày những đứa trẻ nơi đây vẫn vượt qua sông Ken bằng chiếc bè mảng chòng chành để đến trường với ước mơ theo đuổi cái chữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện học bên dòng sông Ken

Cây cầu tạm được người dân tự dựng lên để đi qua sông Ken, thuộc bản Khong, xã Yên Nhân (Thường Xuân), cứ mỗi khi mưa lớn, lũ về lại bị cuốn trôi. Bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập, hàng ngày những đứa trẻ nơi đây vẫn vượt qua sông Ken bằng chiếc bè mảng chòng chành để đến trường với ước mơ theo đuổi cái chữ.

Hàng ngày hơn 50 học sinh Trường Tiểu học Yên Nhân 1 phải đi bè qua sông đến trường.

Gian nan hành trình “tìm chữ”

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Yên Nhân 1 (bản Khong, xã Yên Nhân), vào ngày đầu tháng 10. Con đường đất vào trường chỉ khoảng 4,5 km nhưng gập ghềnh khó đi. Chiếc xe máy chạy trên đường cứ chồm lên, chồm xuống, nghiêng ngã.

Tiếp đón chúng tôi, thầy giáo Lương Thanh Luyến, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Tiểu học Yên Nhân 1 có 16 giáo viên, trong đó có 12 giáo viên nhà xa phải ở lại khu tập thể nhà trường. Bản Khong và bản Mỵ là 2 bản khó khăn nhất của xã Yên Nhân, nhiều hộ dân nơi đây còn chưa có điện. Con đường đất khó đi, vào những ngày mưa lũ, khu vực này gần như cô lập do nước suối dâng cao chia cắt. Nơi đây cũng không có chợ, hàng quán cũng khan hiếm. Để có đủ thực phẩm ăn trong tuần, cứ vào cuối tuần, các thầy, cô giáo về thăm nhà lại mang lương thực, thực phẩm lên dự trữ. Những ngày mưa không về nhà được, hết thực phẩm, các thầy cô chỉ ăn mì tôm, cơm và rau tự canh tác. Khu vực này cũng chưa có mạng internet, sóng 3G cũng chập chờn không bắt được. Vì vậy, mỗi khi phải cập nhật các thông tin chỉ đạo chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường lại phải đến điểm trường bản Mỵ hoặc trung tâm xã mới làm việc được. Niềm vui của các thầy giáo cắm bản nơi đây là chiếc ti vi được đặt bên bộ bàn ghế đá để sau mỗi bữa cơm chiều, lại cùng nhau ngồi nghe tin tức thời sự, bàn luận thể thao để vơi nỗi nhớ nhà.

Hành trình đến trường của học sinh nơi đây cũng nhiều gian nan, vất vả. Trường Tiểu học Yên Nhân 1 có 213 học sinh thuộc 2 bản Khong và bản Mỵ. Trong đó, có 55 học sinh bản Khong hiện đang phải đi học bằng bè mảng qua sông Ken. Vào mùa mưa lũ, học sinh buộc phải nghỉ học do không thể đi bè mảng qua sông.

Chờ đến giờ tan học, thầy Luyến cùng chúng tôi theo chân các em học sinh ra bến sông Ken. Con sông Ken phẳng lặng hơn vào ngày nắng. Anh Vi Văn Soạn, bản Khong, hàng ngày vẫn đi làm qua sông bằng bè mảng, cảnh báo: “Nhìn hiền hòa vậy thôi, chứ vào những hôm trời mưa, nước sông lên cao, chảy xiết, sông Ken trở nên hung dữ lắm”.

Chiếc bè mảng dùng để qua sông Ken được ghép bằng những thân cây luồng, nối với sợi dây thừng được căng từ đầu sông bên này sang đầu sông bên kia. Em Vi Mai Hằng, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Yên Nhân 1, loay hoay dắt chiếc xe đạp lên bè để sang bờ bên kia về nhà. Chiếc bè chòng chành như muốn lật. Hai tay giữ chặt chiếc xe đạp cũ, khuôn mặt Hằng trở nên căng thẳng khi chiếc bè bắt đầu được kéo di chuyển dần ra xa bờ. Hằng tâm sự: “Nhiều năm đi học qua sông bằng bè mảng, nhưng em vẫn không thể quen được, mỗi lần chiếc bè ra giữa dòng sông là em lại thấy run, nhất là những hôm nước lớn. Mỗi ngày đến trường Hằng đều bị ướt ống quần, có hôm bị ngã ướt sũng, sách vở cũng ướt hết. Rồi cứ phải mặc vậy để đến lớp. Lúc ấy, các thầy cô lại phải tìm cách thông tin cho bố, mẹ, người thân ở nhà gửi quần áo khác đến trường để thay. Cũng có khi phải mặc ướt vậy để quần áo tự khô do không có người nhà mang quần áo đến”. Con đường đến trường vất vả là vậy nhưng Hằng cũng như nhiều học sinh bản Khong vẫn không nản lòng, quyết tâm vượt khó đến trường với ước mơ học chữ.

Ngồi đợi chuyến bè tiếp theo để về nhà, chị Vi Thị Mùi, bản Khong, nhìn xa xăm sang bờ bên kia. Từ bên này về đến nhà chị chỉ gần 1 km nhưng gian nan, cách trở. Hôm nào cũng vậy, chị cùng 2 con gái đang học lớp 3 và lớp 5 phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ đến trường. Đường đi qua sông nguy hiểm nên ngày nào chị cũng phải đưa con đến trường rồi lại quay về đi làm. Trưa tan học, chị lại sang sông đón con về. Gặp những hôm trời mưa to, nước sông chảy xiết, qua sông không an toàn, chị phải cho con nghỉ học ở nhà. Có đợt lũ về, 2 con chị phải nghỉ học cả tuần, nước rút mới dám đi học trở lại. Còn những hôm đón con đi học về, không may gặp trời mưa to bất chợt, mẹ con chị buộc phải ở nhờ lại nhà người dân bên này, chờ tạnh mưa, sông Ken phẳng lặng trở lại mới dám về nhà.

Chiếc bè mảng chở từng lượt người qua sông. Mỗi chuyến từ 5 đến 7 học sinh, người lớn chỉ 3, 4 người; nếu chở cả phương tiện chỉ 1 người cùng phương tiện. Sợi dây thừng mong manh được buộc vào gốc cây bên này, nối sang bờ bên kia có thể đứt bất cứ lúc nào. Thế nhưng hàng ngày, hàng trăm lượt người dân, các em học sinh vẫn bất chấp hiểm nguy để qua sông mà không hề có áo phao cứu hộ.

Đã nhiều năm nay, thầy giáo Vi Văn Khuyển, giáo viên Trường Tiểu học Yên Nhân 1 có nhiệm vụ đưa đón các em học sinh qua sông sau mỗi giờ đi học và tan học. Thầy Khuyển gồng hết sức mình giữ chiếc bè để các em học sinh trèo lên khỏi ngã, chiếc bè vẫn chòng chành như muốn lật xuống. Thầy Khuyển từ từ lần từng đoạn dây thừng để kéo chiếc bè di chuyển sang bờ bên kia.

Vừa thận trọng kéo bè, thầy Khuyển vừa chia sẻ về công việc của mình: Học sinh nơi đây, hoàn cảnh còn rất khó khăn, bố mẹ chủ yếu đều đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông, bà. Nhiều em không có người đưa, đón đi học, khi qua sông phải tự kéo bè mảng để đi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho các em, hàng ngày vào đầu giờ và cuối giờ học, tôi thường ra bờ sông hỗ trợ đưa đón các em qua sông. Nguy hiểm nhất là những hôm trời mưa, nước sông lên cao, chiếc bè như muốn trôi theo dòng nước, người kéo bè phải dùng hết sức lực, thận trọng mới qua sông được.

Ước mơ một cây cầu

Bao nhiêu năm đưa con rồi đến nay lại đưa 2 cháu nội (đang học lớp 1 và lớp 4 tại Trường Tiểu học Yên Nhân 1) qua sông bằng bè mảng đi học, ông Vi Xuân Trường, bản Khong, chia sẻ: Trước đây, tôi cũng đưa các con đi học qua con sông Ken bằng phương tiện bè mảng. Bây giờ, tôi lại tiếp tục đi đưa, đón các cháu đến trường qua con sông này. Để tiện đi lại, người dân nơi đây đã nhiều lần tự làm cầu tạm bằng luồng qua sông. Tuy nhiên, mỗi khi mưa to, nước lũ tràn về, chiếc cầu tạm lại bị cuốn trôi. Cứ vậy, có năm, cầu tạm được người dân làm đi làm lại 3, 4 lần vẫn không đứng vững được. Cầu trôi, không còn con đường nào khác, người dân lại làm bè mảng để qua sông.

Chia sẻ về những khó khăn của người dân bản Khong, ông Lê Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, cho biết: Bản Khong có tổng 217 hộ dân, trong đó có 96 hộ phải đi qua 2 khúc sông Ken (gồm 1 vị trí hiện người dân đã làm cầu tạm bắc qua và 1 vị trí đang phải đi bằng bè mảng). Vì vậy, không chỉ 55 học sinh tiểu học, bản Khong còn có 35 học sinh THCS phải đi bằng bè mảng qua sông Ken; 31 học sinh mầm non cũng phải đi học qua cây cầu tạm. Vào những hôm trời mưa to, số học sinh mầm non cũng phải nghỉ học do cầu tạm có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Để xây dựng cầu kiên cố tại 2 khúc sông trên, đảm bảo giao thông an toàn cho người dân cũng như học sinh đi lại, cần chi phí lớn. Trong khi đó, đời sống người dân Yên Nhân còn khó khăn, nguồn ngân sách từ xã cũng không có. Trước tình trạng trên, nhiều năm nay, chính quyền địa phương cũng đã có báo cáo lên cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ xây cầu kiên cố hoặc tràn tại đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án đầu tư xây dựng.


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]