(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định một trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định một trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”.

Chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Lãnh đạo Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao phần thưởng cho các sinh viên xuất sắc tốt nghiệp hệ chính quy (đợt 1) năm 2019.

Cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 291-QĐ/TU ngày 27-5-2016. Ngoài ra, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ cán bộ, như: Cơ chế, chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học (ĐH) và sau ĐH của Trường ĐH Hồng Đức với các trường ĐH nước ngoài; hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; hỗ trợ hoạt động và thu hút, đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa... Các chính sách này đã và đang tạo ra “cú hích” để Thanh Hóa thu hút thêm nguồn nhân lực có chất lượng bổ sung cho các lĩnh vực của tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 10 năm thực hiện Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH với các trường ĐH nước ngoài, Thanh Hóa đã thu hút, đào tạo được 201 người đào tạo tại các trường ĐH nước ngoài có trình độ năng lực (22 tiến sĩ, 153 thạc sĩ và 26 ĐH) về công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa đã thu hút được 30 bác sĩ nội trú cho phân hiệu; dự kiến đến hết năm 2020 sẽ thu hút được 100 bác sĩ nội trú, đạt mục tiêu chương trình... Bám sát chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và năng lực người học, kết hợp với các cơ sở thực hành, thực tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; thực hiện rà soát, đánh giá lại năng lực đào tạo của từng chuyên ngành đào tạo; xác định rõ những ngành nghề có thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh để tập trung xây dựng thành các khoa, ngành đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra đối với từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội; mở rộng liên kết đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp... Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường ĐH cũng đã chủ động hợp tác với các trường ĐH trong và ngoài nước để triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi giảng viên, sinh viên.

Theo đánh giá của Trường ĐH Hồng Đức, trong những năm gần đây số lượng và chất lượng tuyển sinh hàng năm luôn ổn định và đạt trên 80% tổng chỉ tiêu, cụ thể năm 2018 đạt 83,18%, năm 2019 đạt 82,54% (trong đó có 46 sinh viên của 4 ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao). Khảo sát mới nhất của nhà trường đối với 2.033 sinh viên tốt nghiệp năm 2017, cho thấy có 84,92% sinh viên có việc làm, trong đó làm đúng ngành nghề đào tạo là 65,94%. Còn khảo sát chất lượng đào tạo từ 96 đơn vị sử dụng lao động, cho thấy nhìn chung các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao chất lượng đào tạo của nhà trường thông qua hiệu quả của học sinh, sinh viên đang làm việc tại các cơ sở sử dụng lao động. Còn tại Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với quy mô đào tạo 18 ngành đào tạo bậc ĐH, 1 chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ... Qua khảo sát của nhà trường, trên 90% sinh viên tốt nghiệp (bậc ĐH liên thông chính quy) có việc làm, nhất là các ngành: Sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, Việt Nam học. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, nhà trường hiện có 3 chuyên ngành đào tạo là quản lý khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, du lịch. Mặc dù bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012, nhưng từ năm 2015 đến nay, các chuyên ngành đào tạo này mới có bước phát triển so với các ngành đào tạo truyền thống của nhà trường. Cụ thể, từ năm 2015-2018, cả 3 chuyên ngành đã đào tạo được gần 520 sinh viên. Sau khi tốt nghiệp có từ 90-100% sinh viên tìm được việc làm.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục ĐH, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà xưởng, thực hành phù hợp thực tế sản xuất của các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; đồng thời rà soát, sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với định hướng phát triển. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án “Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý”. Theo đó, sáp nhập Trường Cao đẳng Nông - Lâm và Trường Cao đẳng Nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa; sáp nhập Trường Trung cấp Nghề xây dựng và Trường Trung cấp Phát thanh – Truyền hình vào Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp; chuyển giao Trường Trung cấp Nghề kỹ nghệ cho Liên minh HTX Việt Nam tiếp nhận để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX cho tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung bộ. Như vậy, dự kiến năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn 55 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng (4 trường công lập trực thuộc tỉnh, 2 trường công lập trung ương đóng trên địa bàn và 5 trường tư thục); 14 trường trung cấp (8 trường công lập, 6 trường tư thục); 30 trung tâm GDNN (24 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, 3 trung tâm thuộc tổ chức chính trị - xã hội và 3 trung tâm tư thục). Ngoài ra, còn có 32 cơ sở có hoạt động GDNN... ước giai đoạn 2016-2020 các cơ sở GDNN sẽ tuyển sinh đào tạo được khoảng gần 392.680 người, gấp 4,9 lần so với năm 2015 và ước đạt 110,3% so với kế hoạch. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt khoảng 90-95%, trình độ trung cấp đạt khoảng 85-90%.

Có thể khẳng định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, các cơ sở giáo dục ĐH, GDNN tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; chủ động “đi tắt, đón đầu” trong công tác đào tạo, nhất là những ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; đồng thời có chiến lược đào tạo dài hơi, chuẩn bị một bước nguồn nhân lực bảo đảm về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Thanh Hóa trong những năm tới.

Bài và ảnh: Duy Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]