EU lên kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông Âu-Á không đi qua Nga
EC và một số tổ chức quốc tế đã ký một số cam kết tài chính, nhằm huy động khoản đầu tư lên tới 10 tỷ euro (10,81 tỷ USD), với mục tiêu phát triển các tuyến đường thương mại nối châu Âu và Trung Á.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tạp chí La Tribune (Pháp) mới đây cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch phát triển một tuyến giao thông mới, nối Á-Âu, nhưng không đi qua Nga.Thông tin này được công bố tại Diễn đàn Đầu tư kết nối giao thông giữa EU và Trung Á, diễn ra ngày 29-30/1 tại Brussles (Bỉ).
Tại đây, Ủy ban châu Âu (EC) và một số tổ chức quốc tế đã ký một số cam kết tài chính, nhằm huy động khoản đầu tư lên tới 10 tỷ euro (10,81 tỷ USD), với mục tiêu phát triển các tuyến đường thương mại nối châu Âu và Trung Á trong những năm tới không đi qua Nga.
Kế hoạch này rất có ý nghĩa cả về kinh tế và địa chính trị đối với EU và Trung Á. Bởi hiện này các tuyến đường trực tiếp nhất nối liền hai khu vực này đều phải đi qua Nga.
Theo EC, khoản đầu tư 10 tỷ euro sẽ giúp phát triển “hành lang vận tải xuyên Caspi” thành một tuyến đường hiện đại, đa phương thức, hiệu quả và bền vững. Nó sẽ giúp kết nối Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan với Đông Âu.
Hơn nữa, nó cũng sẽ giúp kết nối châu Âu với các trung tâm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, giúp việc đi lại chỉ mất tối đa 15 ngày, thậm chí là 13 ngày, vào năm 2040.Mạng lưới giao thông này dự kiến được thiết kế xung quanh trục đường sắt trung tâm xuyên qua Kazakhstan tới Biển Caspi.
Hệ thống đường bộ đảm bảo phục vụ các nước trong khu vực, trong khi phần còn lại được chia thành nhiều đoạn, bao gồm tuyến hàng hải đi qua Biển Caspi, sau đó là tuyến đường bộ đi qua Caucasus và cuối cùng, một tuyến hàng hải đi qua Biển Đen.
Từ đó sẽ có nhiều khả năng tiếp cận các điểm đến ở châu Âu, qua Rumani và Bulgaria. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cũng tham gia diễn đàn, giống như các quốc gia Caucasus, cũng có thể là một lựa chọn thay thế Nga bằng đường bộ.
Theo EC, cần phải có một khoản đầu tư lớn lên tới 10 tỷ euro để hiện thực hóa các dự án và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ tài trợ một phần số tiền nói trên thông qua các khoản vay được EC bảo lãnh.
EIB đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với tổng trị giá 1,47 tỷ euro với các Chính phủ Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, cũng như với Ngân hàng Phát triển Kazakhstan (DBK).Về phần mình, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã ký một biên bản ghi nhớ với Kazakhstan để cung cấp quỹ đầu tư trị giá 1,5 tỷ euro.
Theo thông cáo báo chí, ngân quỹ này sẽ được sử dụng cho các dự án “phát triển tổng thể kết nối giao thông Trung Á” đang được chuẩn bị triển khai. Nó cũng sẽ mở đường cho các khoản đầu tư khác, được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức tài chính quốc tế.
Mặc dù vậy, thách thức về tài chính dành cho dự án này vẫn rất lớn. Theo nghiên cứu công bố tháng 6/2023 của EBRD, thương mại giữa EU và Trung Á đạt 47,5 tỷ euro trong năm 2022, tương đương mức tăng trưởng gần 40% trong 10 năm.
Trung Á là thị trường nhập khẩu của châu Âu - 2/3 thương mại đi từ châu Á sang châu Âu - với hàng hóa chính là nguyên liệu thô và sản phẩm đã qua chế biến, cụ thể là khoáng sản, kim loại cơ bản và các sản phẩm phái sinh, cũng như hóa chất và các sản phẩm liên quan.
Đôi khi các hàng hóa này cũng mang tính chiến lược đối với châu Âu, chẳng hạn bọt biển và bán thành phẩm titan của Kazakhstan là mặt hàng đặc biệt cần cho ngành hàng không, nhất là khi các nhà sản xuất phương Tây muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.
Trung Á cũng có thể trở thành điểm giao thương trên bộ với Trung Quốc. Hiện tại, hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ chỉ chiếm 10% khối lượng trao đổi (trong khi 80- 85% thông qua vận tải biển), nhưng tương lai được dự báo sẽ khác.
Trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc và châu Âu đã tích cực thúc đẩy hoạt động vận tải đường sắt, nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19 khiến giá vận tải đường biển tăng vọt. Nhưng hàng hóa chủ yếu được vận chuyển qua Nga cho đến trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Chính vì vậy, Trung Á trở thành một lựa chọn tất yếu đối với EU.Theo tính toán của EBRD, số lượng container tương đương 20 feet (TEU) vận chuyển qua mạng lưới giao thông xuyên Caspi sẽ tăng từ khoảng 18.000 chiếc vào năm 2022 lên 130.000 chiếc vào năm 2040, nếu các hoạt động tiếp tục phát triển như hiện nay.
Nhưng nó cũng có thể tăng vọt hơn nữa nếu khoản đầu tư được công bố trở thành hiện thực. Trong trường hợp này, tiềm năng được dự tính ở mức 865.000 chiếc container vào năm 2040 và cộng thêm 470.000 chiếc nếu việc container hóa ở Trung Á được đẩy mạnh.
Việc mở rộng mạng lưới giao thông “không chỉ hỗ trợ hoạt động vận tải Âu - Á mà còn góp phần tích cực cho tăng trưởng và quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Á. “Mạng lưới giao thông đầy tham vọng này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm tại địa phương, kết nối người tiêu dùng với các dịch vụ, đồng thời góp phần thúc đẩy hội nhập khu vực”, Phó chủ tịch EC phụ trách nỗ lực thúc đẩy lối sống châu Âu, Margaritis Schinas, nhấn mạnh./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-22 14:18:00
Hàn Quốc lập đơn vị đa miền mới chuẩn bị khả năng xảy ra chiến tranh
-
2024-11-22 10:38:00
Tổng thống đắc cử Mỹ tìm nhân sự thay thế ứng cử viên Bộ trưởng Bộ Tư pháp
-
2024-02-04 10:27:00
Tổng thống Biden thắng ở cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại South Carolina
Mỹ: Cuộc đua của đảng Dân chủ chính thức khởi động tại bang Nam Carolina
Bom nổ bên ngoài trụ sở Bộ Lao động và An sinh xã hội Hy Lạp
Hamas đề nghị Nga làm bên bảo đảm trong trao đổi tù binh với Israel
Chile triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia lần đầu tiên kể từ năm 2019
Mỹ, Iran đang đến lằn ranh đối đầu?
Thủ tướng Modi cam kết đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới
EU thông qua gói viện trợ 54 tỷ USD cho Ukraine
Nông dân Malta biểu tình phản đối chính sách của Liên minh châu Âu
Israel rút quân khỏi các khu vực rộng lớn ở phía Bắc Dải Gaza