(Baothanhhoa.vn) - Là một ngành có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội cao, do đó, liên kết vừa là bản chất, vừa là mục tiêu, cũng đồng thời là một giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt như hiện nay, sự liên kết trong du lịch càng trở thành xu thế tất yếu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xu thế tất yếu

Là một ngành có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội cao, do đó, liên kết vừa là bản chất, vừa là mục tiêu, cũng đồng thời là một giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt như hiện nay, sự liên kết trong du lịch càng trở thành xu thế tất yếu.

Hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch giữa 3 tỉnh, thành phố, Thanh Hóa – Đà Nẵng - Quảng Nam.

Nằm ở “địa đầu” miền Trung, Thanh Hóa có nhiều điểm tương đồng với các địa phương trong khu vực cả về địa lý, tự nhiên lẫn văn hóa. Đó là nguồn tài nguyên tương đối đa dạng, mà nổi trội hơn cả là biển - đảo, rừng (các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên) và kho tàng di sản văn hóa - lịch sử phong phú. Nổi bật trong đó, Thanh Hóa góp mặt Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, để cùng với Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn... tạo nên “con đường di sản miền Trung” đặc sắc. Bãi biển Sầm Sơn đã và đang khẳng định được thương hiệu, sánh với nhiều bãi tắm đẹp như Chân Mây - Lăng Cô, Mỹ Khê, Vạn Tường, Tuy Hòa... Cùng với đó, vài năm trở lại đây, TP Sầm Sơn đang vươn lên mạnh mẽ, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị du lịch văn minh, hiện đại, từng bước bắt nhịp với các đô thị du lịch trong khu vực như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết... Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là nơi bắt đầu các trục giao thông chính Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đây là những tuyến huyết mạch có ý nghĩa chiến lược trong giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế Nam Lào; cũng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong khu vực miền Trung và cả nước.

Thực tế cho thấy, chính vì tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng nên các sản phẩm du lịch của nhiều tỉnh, thành trong khu vực miền Trung thường na ná nhau hoặc trùng lắp. Đồng thời, cũng chính vì trùng lắp dẫn đến cạnh tranh, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch mỗi địa phương và cả khu vực. Trong khi, các nguồn lực đầu tư cho du lịch mặc dù tương đối lớn, song phần lớn “chảy” vào bất động sản du lịch; còn việc đầu tư cho các hoạt động du lịch như xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường, đào tạo nhân lực... vẫn còn khá khiêm tốn. Điều đó dẫn đến chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa hấp dẫn để tăng thời gian lưu trú cũng như tăng mức chi tiêu bình quân của du khách...

Đã quá lỗi thời nếu làm du lịch vẫn theo tư duy “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Dẫu nguồn tài nguyên du lịch ví như những hạt ngọc, song, nếu tồn tại độc lập thì ánh sáng lấp lánh của nó chỉ tỏ rạng một khoảng không hữu hạn. Chính vì lẽ đó, việc xâu chuỗi chúng với nhau để tạo nên một chỉnh thể thống nhất và đa dạng, sẽ tạo thuận lợi cũng như nâng cao hiệu quả khai thác. Và nếu tương đồng là cơ sở cho việc đẩy mạnh liên kết, thì việc “dẫm chân nhau” giữa các địa phương, cũng đang khiến cho yêu cầu hợp tác phát triển du lịch trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực kết nối với nhiều tỉnh, thành trong khu vực miền Trung và cả nước, để tổ chức giao lưu, trao đổi, hợp tác phát triển du lịch. Trong đó có các đoàn khảo sát, kết nối tour tuyến giữa 4 tỉnh Bắc Trung bộ gồm Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; tham gia hợp tác phát triển khu vực Tây Bắc mở rộng.

Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức xúc tiến, ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, TP Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa), TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, TP Đà Nẵng... nhằm tuyên truyền, xúc tiến và kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều sự kiện du lịch như các lễ hội du lịch biển, lễ hội văn hóa, tâm linh, hội chợ thương mại - du lịch tại Thanh Hóa. Đồng thời, thường xuyên tham gia nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại như hội chợ du lịch quốc tế thường niên, liên hoan văn hóa du lịch tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Nghệ An, Hòa Bình... Từ đó, đem hình ảnh du lịch Thanh Hóa đến gần hơn với du khách, cũng như tạo điều kiện kết nối tour, tuyến và thu hút du khách đến với Thanh Hóa.

Không dừng lại ở việc liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung và nhiều địa phương trong cả nước; Thanh Hóa cũng đã và đang chú trọng đến việc hợp tác phát triển du lịch ra nhiều nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến, kêu gọi đầu tư du lịch tại nhiều thị trường thuộc khu vực Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Đồng thời, tổ chức các đoàn farmtrip, presstrip của Hàn Quốc, Thái Lan về tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch của Thanh Hóa. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cũng đã trực tiếp làm việc với nhiều đoàn doanh nghiệp du lịch hàng đầu cả nước, để tìm kiếm cơ hội hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Điều này cho thấy sự cầu thị của địa phương, khi mong muốn các doanh nghiệp với vị thế và tiềm lực mạnh mẽ, sẽ có sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả dành cho Thanh Hóa trong xây dựng chiến lược phát triển du lịch; cũng như “hiến kế” giúp địa phương khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch.

Mặc dù vậy, việc hình thành hay tạo dựng nên các mối liên kết trong phát triển du lịch, không chỉ là những cam kết nằm trên văn bản giữa Thanh Hóa với địa phương, doanh nghiệp. Sự liên kết này cần đi vào chiều sâu, mang tính toàn diện, thực chất và hiệu quả. Đó là tìm ra tiếng nói chung giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp của các tỉnh, thành với nhau. Đồng thời, giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị và doanh nghiệp cũng cần có sợi dây liên kết bền chặt, nhằm tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực du lịch. Thực tế cho thấy, việc liên kết hiện nay đang hướng mạnh đến liên kết chuỗi sản phẩm du lịch, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách du lịch, phát triển dịch vụ gia tăng đến quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong khi đó, sự liên kết, hợp tác trong hoạt động du lịch, nhất là giữa các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh và giữa các tỉnh/thành trong khu vực, vẫn chưa thật sự bền chặt.

Để thúc đẩy du lịch phát triển, vấn đề đặt ra cho Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh trong khu vực là định vị thương hiệu du lịch mang bản sắc địa phương, song song với việc thường xuyên cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Từ đó, thiết lập một “không gian kinh tế du lịch” thống nhất cho cả khu vực, với sự kết nối chặt chẽ trong từng sản phẩm. Đồng thời, quan trọng hơn cả là phải tạo được sự kết nối mạnh mẽ với doanh nghiệp, thông qua các cơ chế chính sách thông thoáng, linh hoạt, thuận lợi. Từ đó, thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn trọng điểm du lịch, cũng như hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng sản phẩm, quảng bá và mở rộng các loại hình dịch vụ giải trí mới, đẳng cấp...


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]