(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên nơi ngửa mặt là rừng, xung quanh là núi, những tưởng cuộc đời của trẻ em vùng cao sẽ chỉ quẩn quanh với nương rẫy, gác bếp và lấm lem mưu sinh,... nhưng ẩn sâu bên trong mỗi đôi mắt sáng ấy lại là khát khao thoát nghèo, là sự hiếu học, là ước mong được trở thành cô giáo, bác sĩ, đầu bếp giỏi... và giúp đỡ cho chính xứ sở quê hương mình.

Ước mơ của trẻ vùng cao

Sinh ra và lớn lên nơi ngửa mặt là rừng, xung quanh là núi, những tưởng cuộc đời của trẻ em vùng cao sẽ chỉ quẩn quanh với nương rẫy, gác bếp và lấm lem mưu sinh,... nhưng ẩn sâu bên trong mỗi đôi mắt sáng ấy lại là khát khao thoát nghèo, là sự hiếu học, là ước mong được trở thành cô giáo, bác sĩ, đầu bếp giỏi... và giúp đỡ cho chính xứ sở quê hương mình.

Ước mơ của trẻ vùng caoNhờ “lòng tốt dưới xuôi” mà trẻ em 3 bản: Son, Bá, Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước) đã được học tập trong ngôi trường mới khang trang, sạch sẽ. Ảnh: Tăng Thúy

Hơn cả thiếu thốn

Đến bản Bước, xã Thành Sơn (Quan Hóa) vào một ngày cuối đông, chúng tôi không khỏi xót xa khi thường xuyên bắt gặp những cậu bé chăn trâu đen nhẻm với đôi chân trần sớm chai sạn vì đất đá, đầu không mũ, nón... và những cô bé người dân tộc thiểu số oằn lưng cõng củi. Dù đã quen với thời tiết khắc nghiệt vùng núi cao nhưng mỗi khi có cơn gió lùa qua cũng khiến những tấm thân nhỏ bé run lên vì lạnh, làn da tím tái.

Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới bắt chuyện được với em Hà Thị Lan, 8 tuổi, một phần do em ngại ngần trước người lạ, phần nữa chắc là do bó củi quá to, em khó khăn khi thay đổi tư thế. Đến khi quá mệt, em mới đặt bó củi xuống, vừa thở hổn hển, vừa thẹn thùng giải thích: “Hôm nào sau giờ học em cũng lên rừng với bố mẹ, hôm thì lấy củi, hôm thì cuốc đất”. Khi được hỏi về mơ ước, Lan lí nhí: “Em thích làm cô giáo, giống cô giáo của chúng em. Cô giáo bảo, học giỏi cô cho xuống thành phố chơi. Nhiều bạn trong lớp em cũng chưa bao giờ được xuống thành phố, được chơi con nhún, nhà phao...”. Nói xong như nhớ ra điều gì, Lan vội đặt bó củi lên lưng rồi nhanh chân rảo bước. Chả mấy chốc, bóng dáng liêu xiêu, nhỏ bé của em đã khuất sau lùm cây.

Rời huyện Quan Hóa, chúng tôi ngược núi lên huyện Mường Lát. Đã giữa trưa ngày chủ nhật, vậy mà trong nhiều ngôi nhà vẫn vắng hoe, không có cả trẻ con. “Bọn chúng theo bố mẹ lên nương hết rồi. Mùa này là mùa sắn mà”, thầy giáo Hơ Pó Sung, người xã Pù Nhi chỉ tay về phía những ngọn núi xa xa. Leo lên được khu vực trồng sắn ở lưng chừng núi, tôi ngồi thở hổn hển. Ở đó, tôi gặp Sùng A Thào (9 tuổi), Giàng A Dơ (10 tuổi), Vi Văn Phúc (10 tuổi), cùng ngụ ở bản Pù Toong, mỗi đứa trên tay cầm một chiếc cuốc đào những củ sắn còn sót lại sau khi thu hoạch.

Mặt trời xuống núi, mấy đứa trẻ đổ sắn ra so với nhau xem ai đào được nhiều hơn. Tôi ước chừng mỗi em đào được 3 – 4 kg. Với giá sắn vài ba ngàn đồng/kg, một em cũng kiếm được mươi ngàn đồng. Theo Giàng A Dơ, các em là hàng xóm của nhau, học chung trường. Tranh thủ cuối tuần nghỉ học, tụi nhỏ đi mót sắn mua sách vở, đồ chơi...

Trẻ em vùng cao ý thức được hoàn cảnh sống nên dù nhỏ con hơn so với trẻ thành phố nhưng suy nghĩ về cái ăn, cái mặc lại rất già dặn. Nhiều đứa đi học mà trong lòng còn lo ở nhà ai lấy cỏ về cho trâu ăn? Ai bế em cho mẹ đi rẫy? Ai đong gạo cho mang tới trường?... Bấy nhiêu suy nghĩ thôi cũng đủ làm bước chân các em do dự trước cái chữ chứ chưa nói đến những con đường cheo leo phải băng rừng, vượt đèo, lội suối đến lớp. Vì thế mà vào năm học mới nhiều giáo viên phải vất vả đến từng nhà vận động học sinh đến lớp, bởi tấm lòng người thầy biết cái chữ tuy nhỏ bé, nhưng có ích đối với các em, giúp các em có tương lai mới.

Từ xã Pù Nhi, chúng tôi đến xã Mường Lý. Trong căn nhà tồi tàn ở bản Sài Khao, Vàng A Dơ - người bố mới 25 tuổi đã có 3 đứa con, đang ngồi ngóng cô con gái 10 tuổi đi cắt cỏ trâu về nấu cơm. Người đàn ông dân tộc Mông than thở: “Nhà nghèo nên con cái phải lao động thôi, 8 tuổi nó phải đi chăn trâu rồi. Bình thường, ngoài buổi học trên lớp nó đi chăn trâu, nhưng vào mùa ngô, sắn thì phải đi bẻ ngô, đào sắn ngoài rẫy”.

Mặt trời nhá nhem, cô bé nhỏ gùi bó cỏ sữa từ trên núi xuống. Vừa bước vào nhà, em đặt ấm nước rồi đi xảy gạo. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô bé nhỏ thó này hất mẹt gạo nặng trịch thuần thục, dẻo dai như người trưởng thành.

Ông Vàng A Lế, trưởng bản Sài Khao, cho biết: “Sài Khao có hơn 97 hộ với 100% là đồng bào dân tộc Mông. 80% trong số đó là hộ nghèo, còn lại là cận nghèo, vì vậy việc cho con cái đến trường học chữ đã là cố gắng của những người dân chứ nói gì đến sự quan tâm bảo ban con cái học hành ở nhà. Thế nên bọn trẻ tiếp thu được đến đâu biết đến đấy”.

Để xuân thêm ấm áp

Trẻ em vùng cao thích mùa xuân. Bởi, xuân đến thì có hội, chợ cũng đông hơn và thời tiết đỡ rét buốt hơn. Đây cũng là mùa nhiều nhóm thiện nguyện “chở xuân” đến với những bản làng xa xôi, cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Những đoàn thiện nguyện như vậy đều được trẻ em vùng cao gọi là “người tốt dưới xuôi”, vì nhờ họ chúng được cho quà. Hình ảnh các bạn trẻ khoác những tấm áo ấm cho các em nhỏ ngày gió rét, khiến nhiều người cảm động.

Trong những chuyến thiện nguyện ấy, những “người tốt dưới xuôi” thường hỏi trẻ em vùng cao: “Ước mơ của con là gì?”. Và câu trả lời cũng muôn hình vạn trạng, khi thì: “Con ước có áo mới”; Con ước mơ được đi học cùng các bạn!”; “Con ước có ánh điện sáng!”... Những ước mơ thật nhỏ bé, giản dị, nhưng nó lại là bài toán lớn của các cơ quan chức năng và của toàn xã hội.

Theo ông Trương Văn Bình, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, huyện có khoảng 50% hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, cuộc sống của họ rất khó khăn. Tỷ lệ trẻ em vừa đi học vừa làm nương rẫy rất nhiều. Những năm trước ở đây còn có tình trạng trẻ mới 11 - 15 tuổi xuống thành phố, ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh làm thuê, huyện đã phải cử người đến tận nơi đưa các em về. Trẻ em làm việc vất vả để mưu sinh ở những vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, căn cơ để giải quyết. Do vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách, quan tâm đầu tư đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn nữa để nâng cao đời sống, góp phần giảm thiểu tình trạng trên.

Cũng phải nói, “người tốt dưới xuôi” đã đến với các em nhiều hơn, thực tế hơn. Những chương trình nhân ái, như: “Áo ấm cho em”, “Thắp sáng ước mơ”, “Vì trẻ em vùng cao” hay những chuyến du lịch thiện nguyện của không ít sinh viên, các nhóm “phượt”... đã phần nào thắp thêm nụ cười cho trẻ thơ vùng cao. Mỗi năm, hàng chục tổ chức, các trung tâm, các quỹ từ thiện cũng ra sức tìm cách giúp đỡ, chia sẻ với cuộc sống đói nghèo của người vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các em nhỏ. Thế nhưng, tất cả cố gắng đó vẫn chỉ như muối bỏ bể. Ở đâu đó nơi thâm sơn cùng cốc, nơi miền biên viễn xa xôi vẫn có những số phận, cảnh đời, những em bé bất hạnh chưa bao giờ được ngó ngàng tới, chưa bao giờ chạm đến lòng tốt của người dưới xuôi.

Chúng ta cần nhiều hơn nữa những “bữa cơm có thịt”, “bàn chân có dép”, “lưng trần có áo”... Tất cả cùng chung tay để cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em vùng cao, bằng việc: tăng cường công tác vận động, xã hội hóa, thực hiện các hoạt động trợ giúp, khuyến khích, động viên và tạo cơ hội để trẻ em được học văn hóa, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, hưởng đầy đủ quyền cơ bản và nhu cầu thiết yếu của trẻ em. Người ta thường nói: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhưng trẻ em đâu chỉ là của ngày mai mà còn của chính ngày hôm nay, của cuộc sống hiện tại.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]