(Baothanhhoa.vn) - Gần 54 năm về trước (1965) ở vùng đất mà Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa “âm thầm” diễn ra một sự kiện có thể gọi là huyền thoại với mật danh “Công trường 101”, “Công trường thủy lợi Thanh Hóa”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ huyền thoại 101 đến Cảng hàng không Thọ Xuân: Kỳ 1 - Quyết định từ trong lòng đất!

Gần 54 năm về trước (1965) ở vùng đất mà Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa “âm thầm” diễn ra một sự kiện có thể gọi là huyền thoại với mật danh “Công trường 101”, “Công trường thủy lợi Thanh Hóa”.

Cảng hàng không Thọ Xuân.

Chỉ trong thời gian ngắn (10 ngày), tỉnh Thanh Hóa đã huy động 10.000 thanh niên xung phong (TNXP) lên công trường xây dựng Sân bay Sao Vàng trong lúc giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. 57 đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh mãi mãi nằm lại trên vùng đất này! Và, cũng từ đó cái tên Công trường 101, công trường thủy lợi Thanh Hóa đã trở thanh niềm tự hào của Đảng bộ và quân, dân tỉnh Thanh Hóa cũng như đồng bào cả nước.

Không biết bao nhiêu lần qua lại khu vực Hàm Rồng và cũng nhiều lần được tham dự lễ kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng (3-4/4/1965), mỗi lần như vậy, tôi như bị thôi miên với cảnh sắc nơi đây. Những giây phút ấy, một Hàm Rồng huyền thoại, một Hàm Rồng bất tử, như cuốn phim tư liệu hiện về. Ngắm nhìn cây cầu Hàm Rồng anh hùng nối hai bờ sông Mã – chứng nhân lịch sử trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Chính trên mảnh đất này, ngay những ngày đầu tháng 4 năm 1965, khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, với cái cớ “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, chúng huy động số lượng lớn bọn “thần sấm” (F105), “con ma” (F4H) quần đảo, bắn phá, ném bom xuống cầu Hàm Rồng, hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho miền Nam. Quân dân Hàm Rồng với ý chí ngoan cường, đội mưa bom, bão đạn, kiên cường đánh trả máy bay địch. Và, chỉ trong 2 ngày ( 3-4/4/1965) đã bắn rơi 47 máy bay, lập nên chiến công hiển hách, làm cho giặc Mỹ phải thốt lên: “ những ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”!

Cũng vào những ngày này, trên bầu trời Hàm Rồng lần đầu tiên xuất hiện những chiếc máy bay MiG17 của không quân ta đương đầu với bọn “con ma” “thần sấm” tối tân hơn nhiều những cánh én bạc. Nhưng, với tinh thần quả cảm, luồn sâu, cơ động khéo “nắm thắt lưng địch mà đánh” ngày 3/4/1965, biên đội MiG17 của ta dưới sự chỉ huy của anh hùng Phạm Ngọc Lan cùng phi công Hồ Văn Quỳnh, Phan Văn Túc, Trần Minh Phương, bất ngờ luồn sâu vào đội hình địch bắn rơi 2 máy bay F8U. Tiếp đó, ngày hôm sau 4/4, cũng trên bầu trời Hàm Rồng, phi đội do anh hùng Trần Hanh chỉ huy xuất kích bám sát máy bay địch bắn rơi 2 chiếc F105.

Hai ngày, chỉ có 2 biên đội “én bạc” (MiG17) nhỏ bé, thua kém về trang bị, trọng lượng… quần thảo với đàn máy bay Mỹ trên 60 chiếc gồm đủ chủng loại từ “ thần sấm” ( F105), “ con ma” (F4H), AD6, F8U…hiện đại hơn nhiều. Trong trận không chiến đó, 2 biên đội MiG17 của ta bắn cháy 4 máy bay địch. Mải mê quần nhau với máy bay Mỹ đến độ anh hùng Phạm Ngọc Lan, phát hiện một chiếc F8U bị thương đang tìm hướng bay ra biển. Phạm Ngọc Lan bay theo truy kích cho đến khi chiếc F8U của địch kiệt sức lao đầu xuống biển nổ tung. Khi quay về căn cứ, la bàn trên máy bay của Phạm Ngọc Lan bị hỏng, Phạm Ngọc Lan tìm hướng bay theo triền sông Hồng. Về gần đến căn cứ thì đồng hồ báo gần hết xăng, sở chỉ huy 3 lần ra lệnh cho Phạm Ngọc Lan nhảy dù thoát ly khỏi máy bay. Nhưng, trong vài dây suy nghĩ anh hùng Phạm Ngọc Lan quyết định tìm một bãi cát sông Hồng để hạ cánh. Tình huống này thực tế ở Việt Nam chưa có ai thực hiện. Phạm Ngọc Lan kéo cần lái, ghì thăng bằng máy bay tiếp đất, máy bay lướt nhanh trên cát cho đến khi cách đê cầu Đuống chừng 15 m thì dừng hẳn…

Ngoài chiến công vang dội của quân dân Hàm Rồng- Nam Ngạn trong 2 ngày (3-4/4/1965) bắn rơi 47 máy bay Mỹ, thì chiến công đầu của không quân Việt Nam bắn rơi 4 máy bay địch là bài học quý giá để bộ đội không quân rút ra những kinh nghiệm tác chiến trên không. Mặt khác, từ chiến công đầu này cho thấy một trong những nhân tố hết sức quan trọng là cần phải nhanh chóng xây dựng, phát triển cơ sở vật chất nhất là sân bay phục vụ tại chỗ cho bộ đội không quân đương đầu với không lực Hoa Kỳ. Chính lường trước được ý đồ của địch mà Đảng, Nhà nước và quân đội đã hoạch định và chuẩn bị kỹ lưỡng cả trước mắt và lâu dài cho công cuộc kháng chiến nói chung, cho không quân nhân dân Việt Nam nói riêng.

Quá trình tìm tư liệu để viết loạt bài này cũng xin cáo lỗi với bạn đọc, có lẽ công trình quân sự bí mật nên hầu như không ghi ngày tháng, không có dòng nào nói về xây dựng sân bay mà chỉ nói rằng xây dựng công trình thủy lợi. Vì thế, ngày mà trung ương quyết định chủ trương xây dựng sân bay Sao Vàng chỉ có thể từ sau trận đầu không quân ta đánh thắng máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa)…Và…

Cũng vào những ngày này ở tỉnh Yên Bái có Công trường xây dựng đường giao thông mang mật danh “Công trường 13C”, có ông Trần Dân người con Thanh Hóa đang chỉ huy xây dựng, thì Bộ Giao thông - Vận tải điện khẩn cho Tỉnh ủy Yên Bái: “ đồng chí Trần Dân về ngay nhận công tác. Chậm giờ nào là có hại cho tổ quốc giờ đấy” (ông Trần Dân, quê làng Cẩm Bào, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Ông Trần Dân về đến Hà Nội gặp lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải và nhận nhiệm vụ ngày mai đến Văn phòng Chính phủ làm việc. Đúng lịch, ông Trần Dân cùng ông Hồng Xích Tâm đến Văn phòng Chính phủ, quan sát không phải đến họp ở khu nhà Chính phủ thường làm việc, hai ông được cảnh vệ dẫn đến khu vườn cây cổ thụ cách xa phía sau Phủ chủ tịch, xuống một đường hầm ngoắt nghéo dẫn đến căn nhà khang trang nằm sâu dưới lòng đất. Chưa đến giờ làm việc nhưng đã có một số cán bộ cao cấp có mặt, trong đó có ông Phùng Thế Tài, Tổng tham mưu phó QĐND kiêm Tư lệnh Phòng không - Không quân và ông Ngô Thuyền, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Đến giờ làm việc, cánh cửa phòng bên cạnh mở ra, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị xuất hiện. Mọi thành viên dự hội nghị đứng dậy chào phó thủ tướng rồi bắt tay vào công việc ngay. Sau khi nghe các bộ, ban, ngành có liên quan và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu, từ căn nhà làm việc của Chính phủ nằm sâu dưới lòng đất, một quyết định quan trọng được phát ra. Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị kết luận: Một: Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định xây dựng Sân bay Sao Vàng ở Thanh Hóa, sau đó sẽ làm thêm một số sân bay khác . Hai: Lấy ngân sách quốc phòng và các chỉ tiêu về nhân lực, về lương thực, thực phẩm để xây dựng và quyết toán công trình. Giao cho Bộ Giao thông - Vận tải phụ trách thi công, Tỉnh ủy Thanh Hóa phụ trách huy động TNXP, giải quyết hậu cần tại chỗ, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng, trật tự, an ninh. Về người chỉ huy cao nhất, giao cho đồng chí Trần Dân làm chỉ huy trưởng, đồng chí Tôn Viết Nghiệm (Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) làm phó kiêm Bí thư Đảng ủy. Ba: Về xe, máy có thể huy động các nông trường quốc doanh ở Thanh Hóa. Nếu không đủ, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ cấp thêm. Bốn: Bộ Quốc phòng phải lo việc phòng không, bảo vệ các lực lượng thi công yên tâm sản xuất.

Kết luận xong những vấn đề trọng yếu việc xây dựng Sân bay Sao Vàng, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị dành ít phút trò chuyện, động viên ông Trần Dân và giao cho ông Trần Dân, quyết định của Chính phủ điều động 200 xe của các nông trường ở Thanh Hóa phục vụ xây dựng sân bay. Thế là, từ dưới lòng đất của thủ đô yêu dấu, Bộ chính trị, Chính phủ đã chuẩn bị cho việc xây dựng một sân bay quân sự ngay trên mảnh đất có truyền thống cách mạng, mảnh đất đã từng đóng góp sức người, sức của rất lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nói chung. Mảnh đất được xác định là hậu phương lớn của cả nước trong cuộc trường chinh chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước!

Kỳ 2: Đại công trường của tuổi trẻ


Cao Ngọ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]